Tuổi dậy thì là giai đoạn phát triển nhanh về thể chất, tâm lý và sinh lý. Do đó, việc giảm cân tuổi dậy thì không hề đơn giản vì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất trong độ tuổi này.
Vậy bí quyết giảm cân cho tuổi dậy thì là gì? Nếu bố mẹ đang quan tâm đến cách giảm cân tuổi dậy thì cho con chuẩn bị vào năm học thì hãy tìm hiểu cùng Hellobacsi nhé.
Mẹo giảm cân tuổi dậy thì dành cho trẻ thừa cân
1. Xây dựng chế độ sinh hoạt lành mạnh
1.1 Ngủ đủ giấc
Giấc ngủ có thể ảnh hưởng rất lớn đến cân nặng của trẻ. Các nghiên cứu đã chỉ ra, những người không ngủ đủ giấc sẽ có nguy cơ thừa cân cao hơn những người ngủ đủ 7 đến 8 giờ mỗi đêm. Song, trẻ trong giai đoạn dậy thì cần ngủ nhiều hơn, khoảng từ 9-10 giờ mỗi ngày để cơ thể tăng trưởng tốt nhất và hạn chế nguy cơ tăng cân.
1.2 Tập thể dục thể thao
Tăng cường vận động thể lực mỗi ngày là một trong những cách giảm cân tuổi dậy thì tốt nhất. Tập luyện thường xuyên sẽ giúp tăng khối lượng cơ và giúp đốt cháy lượng calo dư thừa. Hơn nữa, vận động còn tác dụng làm giảm căng thẳng và trầm cảm ở trẻ tuổi teen.
Để có thể duy trì việc tập luyện mỗi ngày, trẻ cần tìm một môn thể thao yêu thích hoặc thử một môn thể thao mỗi tuần cho đến khi tìm được bộ môn phù hợp. Những môn thể thao trẻ có thể lựa chọn gồm đi bộ, đạp xe, đá bóng, yoga, bơi lội, thể dục thẩm mỹ, dance sport,…
2. Xây dựng chế độ ăn uống khoa học
2.1 Bổ sung đủ 4 nhóm chất
Cách giảm cân tuổi dậy thì hợp lý là gì? Thực đơn giảm cân cho tuổi dậy thì khoa học và lành mạnh như thế nào? Chế độ dinh dưỡng để giảm cân tuổi dậy thì cần phải cung cấp đủ dưỡng chất và hàm lượng vitamin tốt cho sự phát triển toàn diện cơ thể. Do đó, thực đơn mỗi ngày cần đáp ứng đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng:
- Tinh bột
- Chất béo
- Chất đạm
- Vitamin và khoáng chất
Các nhóm chất này sẽ có nhiều trong các thực phẩm như rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, thịt, cá, trứng, sữa và đậu nành… Ngoài ra, trẻ nên tránh ăn các loại thực phẩm có hàm lượng calo cao nhưng chứa ít chất dinh dưỡng như kẹo, bánh quy, nước ngọt, trà sữa, thức ăn nhanh và các loại thực phẩm chế biến sẵn nhé.
2.2 Rèn luyện thói quen ăn uống tốt
Trẻ tuổi teen thường có xu hướng vừa ăn vừa làm nhiều việc khác, chẳng hạn như xem ti vi, chơi game, tán gẫu với bạn bè… Điều này sẽ khiến trẻ không tập trung ăn uống dẫn đến “ăn quá nhiều” gây tăng cân nhanh.
Vậy làm thế nào để giảm cân ở tuổi dậy thì? Để giảm cân cho tuổi dậy thì, việc điều chỉnh thói quen ăn uống là điều cần thiết. Bố mẹ cần nhắc nhở trẻ ăn chậm, nhai kỹ và chú ý lựa chọn những thực phẩm tốt cho sức khỏe.
2.3 Uống nhiều nước
Cơ thể con người chiếm tới 70% là nước. Do đó, khi uống đủ lượng nước sẽ hỗ trợ cơ thể trao đổi chất tốt hơn và giúp chuyển hóa mỡ thừa thành năng lượng trơn tru hơn. Mỗi ngày, trẻ nên uống khoảng 1.5 - 2 lít nước.
Tuy nhiên, bố mẹ cần lưu ý là chỉ nên cho trẻ uống nước lọc, nước hoa quả,… Và trẻ cần tránh uống nước ngọt cũng như các đồ uống có cồn như rượu bia.
Mẹo cho các phụ huynh để hỗ trợ trẻ dậy thì giảm cân
1. Đừng thay đổi mọi thứ cùng một lúc.
Quá trình giảm cân rất khốc liệt và khó khăn do đó bố mẹ đừng ép trẻ thay đổi lối sống và chế ăn uống cùng một lúc. Thay vào đó, bố mẹ có thể bắt đầu cho trẻ thay đổi từng thói quen một và động viên con duy trì điều này thường xuyên. Điều này sẽ giúp trẻ cảm thấy dễ dàng tiếp thu hơn.
2. Nói chuyện với trẻ về những lợi ích khi giảm cân
Việc so sánh ngoại hình của con với một người khác sẽ khiến cho việc giảm cân ở tuổi dậy thì bị thất bại. Điều này sẽ khiến con cảm thấy tự ái hoặc mặc cảm về bản thân. Thay vào đó, bố mẹ nên quan tâm và nói chuyện với con về những lợi ích sau khi giảm cân. Chẳng hạn, nếu con giảm cân thì sẽ tốt cho sức khỏe tim mạch, dễ mua quần áo, cảm thấy tự tin về ngoại hình hơn,…
Các phương pháp khác để giảm cân cho trẻ dậy thì
1. Tư vấn từ chuyên gia
Nếu việc áp dụng các cách giảm cân ở tuổi dậy thì bị thất bại; bố mẹ nên tìm đến bác sĩ hoặc các chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn và cho giải pháp. Họ sẽ giúp bố mẹ tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến béo phì của trẻ và giúp đo lường lượng thức ăn cần nạp của trẻ trong mỗi bữa ăn. Song, các chuyên gia cũng sẽ hướng dẫn trẻ các bài tập phù hợp giúp đốt cháy calo và cân nặng dư thừa để việc giảm cân hiệu quả hơn.
2. Dùng thuốc
Thuốc giảm cân cũng là một cách giúp trẻ giảm đi lượng cân nặng dư thừa. Các loại thuốc giúp giảm cân được FDA phê duyệt cho trẻ trên 12 tuổi gồm liraglutide (Saxenda), orlistat (Xenical), phentermine-topiramate (Qsymia) và semaglutide (Wegovy). Những loại thuốc này có hiệu quả tốt nhất khi trẻ kết hợp chúng với một lối sống lành mạnh.
3. Phẫu thuật
Nếu trẻ bị béo phì nặng có kèm theo các biến chứng về bệnh lý thì có thể sẽ được bác sĩ chẩn đoán thực hiện phẫu thuật. Nếu bác sĩ chỉ định cách giảm cân tuổi dậy thì này cho trẻ thì cần thực hiện một số xét nghiệm trước khi phẫu thuật. Do đó, bố mẹ nên chọn lựa một số cơ sở y tế uy tín và chất lượng để thực hiện phương pháp này nhé.
Trẻ ở tuổi dậy thì thường hay “ám ảnh” về một thân hình lý tưởng, đặc biệt nếu hình mẫu mà trẻ hướng đến là người mẫu, người nổi tiếng. Điều này có thể khiến trẻ chú trọng quá nhiều đến việc giảm cân và đôi khi thực hiện các phương pháp giảm cân không tốt cho sức khỏe. Do đó khi trẻ áp dụng các cách giảm cân, bố mẹ cũng nên theo dõi và đồng hành với con để việc quá trình giảm cân được an toàn hơn. Hy vọng các cách giảm cân cho tuổi dậy thì trên sẽ giúp ích cho bố mẹ nhé!
[embed-health-tool-bmi]