Bài viết tham vấn chuyên môn bởi bác sĩ khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Khi chú ý đến những dấu hiệu rụng trứng từ cơ thể và ghi nhận lại mỗi ngày giúp phụ nữ có thể chủ động hơn và tăng cơ hội thụ thai hoặc hạn chế khả năng mang thai.
1. Rụng trứng là dấu hiệu khỏe mạnh ở phụ nữ
Đối với hệ sinh sản của người phụ nữ buồng trứng là cơ quan hoạt động một cách liên tục, liên quan nhiều đến nội tiết tố và khả năng rụng trứng. Đây là phản ứng sinh lý bình thường của cơ thể, nhằm đảm bảo sức khỏe của người mẹ và em bé chuẩn bị cho trường hợp thụ thai.
Người phụ nữ nếu chưa trưởng thành về mặt sinh lý cơ thể, đang cho con bú, bị stress hay đang mắc các bệnh lý về sức khỏe phụ nữ thì sẽ không tốt cho việc mang thai, sinh con và chăm sóc em bé.
Ra máu không phải lúc nào cũng là báo hiệu kinh nguyệt, vì trước kinh nguyệt phải có dấu hiệu rụng trứng. Thông thường, thiếu nữ trẻ khỏe mạnh sẽ có chu kỳ rụng trứng tương đối đều đặn trong khoảng 24 - 36 ngày, song thỉnh thoảng vẫn có chu kỳ không thụ thai,...
Những vấn đề về sức khỏe hay việc mang thai khiến cho hiện tượng rụng trứng bị hoãn hay ngừng lại.
2. Nhận biết thời điểm rụng trứng
2.1. Đếm ngày
Cách đơn giản nhất để ước tính ngày rụng trứng là đếm ngược lại từ thời điểm bắt đầu của chu kỳ kinh nguyệt tiếp theo (tuy nhiên đối với chu kỳ kinh bất thường thì phương pháp này sẽ không mấy chính xác).
Đầu tiên, người bệnh cần xác định được ngày nào là ngày bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt tiếp theo của mình. Tính từ ngày này, bạn đếm ngược lại 12 ngày, sau đó đếm ngược tiếp 4 ngày nữa. Trong khoảng thời gian 5 ngày này, khả năng rụng trứng sẽ rất cao.
Đối với phụ nữ có chu kỳ 28 ngày thì nhiều khả năng dấu hiệu trứng đã rụng vào ngày thứ 14 của chu kỳ (để đơn giản, ta quy ước ngày 1 là ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt và ngày thứ 28 là ngày cuối cùng, ngay trước khi bắt đầu kỳ kinh nguyệt tiếp theo).
2.2. Theo dõi những tín hiệu của cơ thể
Để kiểm tra dấu hiệu trứng đã rụng hay chưa, phụ nữ cần tiến hành theo dõi nhiệt độ cơ thể và tính chất của dịch tiết âm đạo trong chu kỳ kinh của mình. Việc này vô cùng an toàn, tiết kiệm chi phí, nhưng lại đòi hỏi chị em phải dành nhiều thời gian và công sức để hoàn thành:
- Thân nhiệt: Nhiệt độ cơ thể tăng lên đôi chút là một dấu hiệu trứng đã rụng, nhưng đa phần ta sẽ không cảm nhận được sự thay đổi, bởi vì sự chênh lệch này khá nhỏ và rất khó để nhận biết. Bạn có thể dễ phát hiện được thay đổi nhiệt độ cơ thể hơn bằng cách đo thân nhiệt vào mỗi buổi sáng.
- Dịch tiết âm đạo: Thay đổi đáng kể nhất trong suốt chu kỳ cho thấy dấu hiệu rụng trứng là sự tăng tiết chất nhầy ở cổ tử cung. Đối với hầu hết các ngày trong tháng, lượng dịch này ra ít và đôi khi còn hơi khô, trong khi vào thời gian chuẩn bị rụng trứng, lượng chất nhờn thường sẽ tiết ra nhiều hơn.
- Cảm giác hơi đau ở vùng bụng dưới: Một số trường hợp có dấu hiệu đau bụng dưới khi trứng chín và rụng. Tuy nhiên, nếu có xuất hiện triệu chứng ra máu bất thường giữa chu kỳ (có thể không phải kinh nguyệt) thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ.
2.3. Kiểm tra nồng độ hormon trong cơ thể
- Dùng que thử rụng trứng: Với cơ chế hoạt động tương tự như que thử thai, que thử rụng trứng có khả năng phát hiện sự thay đổi hormone trong nước tiểu. Dùng que thử vào khoảng ngày 12 - 16 trước kỳ kinh giúp xác định tương đối chính xác ngày rụng trứng là ngày nào. Trường hợp que thử hiện lên 2 vạch, điều đó có nghĩa là bạn sẽ có hiện tượng rụng trứng trong vòng 24 giờ tới.
- Kính hiển vi thử nước bọt: Đây là thiết bị khá nhỏ gọn, giúp phát hiện sự tăng nồng độ hormon estrogen, cho thấy dấu hiệu trứng đã rụng.
- Thử máu: Trong trường hợp nếu muốn kiểm tra chính xác hơn về lượng hormon, nhằm xác định chính xác ngày rụng trứng thì chị em nên đến cơ sở y tế để yêu cầu làm xét nghiệm máu. Cách này sẽ cho độ chính xác cao hơn rất nhiều so với những phương pháp khác.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.