Một số trường hợp thiếu máu có thể điều trị tại nhà. Vậy có những cách trị thiếu máu tại nhà nào mà người bệnh có thể áp dụng, an toàn và hiệu quả? Những trường hợp nào người bệnh có thể tự điều trị thiếu máu tại nhà?
Tổng quan về bệnh thiếu máu là gì?
Thiếu máu được định nghĩa là tình trạng suy giảm khối lượng hồng cầu (RBC) (1). Chức năng của RBC là cung cấp oxy từ phổi đến các mô và carbon dioxide từ các mô đến phổi. Hồng cầu thực hiện điều này bằng cách sử dụng hemoglobin (Hb). Khi bị thiếu máu, số lượng hồng cầu vận chuyển oxy và carbon dioxide giảm làm suy giảm khả năng trao đổi khí của cơ thể.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thiếu máu, bao gồm mất máu, tăng phá hủy hồng cầu (tan máu) hoặc giảm sản xuất hồng cầu trong tuỷ xương,… Các biến chứng nghiêm trọng nhất của bệnh thiếu máu phát sinh từ tình trạng thiếu cung cấp oxy các mô cơ quan trong cơ thể. Sốc, hạ huyết áp hoặc suy tim, suy hô hấp,… và nhiều vấn đề khác có thể xảy ra ở người bệnh thiếu máu. Điều này thường sẽ nặng nề hơn đối với những người lớn tuổi mắc bệnh phổi và tim mạch tiềm ẩn.
Nguyên nhân thiếu máu nào có thể hỗ trợ điều trị tại nhà?
Không phải trường hợp nào cũng có thể áp dụng những cách trị thiếu máu tại nhà. Tùy theo nguyên nhân gây thiếu máu cũng như mức độ thiếu máu mà người bệnh cần đến bệnh viện thăm khám hay chăm sóc sức khỏe tại nhà theo tư vấn của bác sĩ.
Trong đó, thiếu máu do chế độ dinh dưỡng chưa phù hợp, thiếu máu do mang thai, thiếu máu do đang trong chu kỳ kinh nguyệt,… thường là những nguyên nhân gây thiếu máu có thể chăm sóc, điều trị và khắc phục tại nhà.
Để xác định chính xác xem trường hợp thiếu máu nào có thể áp dụng cách trị thiếu máu tại nhà hay cần nhập viện theo dõi điều trị, cần thăm khám và có chỉ định từ bác sĩ. Không nên tự ý điều trị thiếu máu tại nhà để tránh bệnh trở nặng và dẫn đến những biến chứng nguy hiểm đối với sức khỏe.
Người bệnh nghi ngờ thiếu máu có thể đăng ký thăm khám tại Đơn vị Huyết học lâm sàng, Khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Đơn vị Huyết học lâm sàng hiện đang có nhiều bác sĩ được đào tạo chuyên sâu và có kỹ năng chuyên môn trong lĩnh vực huyết học lâm sàng, kết hợp với các máy móc xét nghiệm hiện đại, có thể giúp chẩn đoán và điều trị hiệu quả các vấn đề sức khỏe liên quan đến thiếu máu.
Hướng dẫn cách trị thiếu máu tại nhà
1. Thiếu máu cần bổ sung những gì?
Khi áp dụng những cách điều trị thiếu máu tại nhà, cần lưu ý việc bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết sẽ giúp cho tình trạng thiếu máu được cải thiện nhanh chóng hơn. Các dưỡng chất mà người bệnh thiếu máu cần bổ sung bao gồm:
- Chất sắt:
- Bổ sung sắt là một trong những biện pháp điều trị thiếu máu tại nhà tốt nhất cho người bệnh thiếu máu do thiếu sắt. Sắt fumarate, glycerate hoặc sunfat là những dạng sắt mà cơ thể con người có thể hấp thụ dễ dàng nhất (2).
- Mặc dù các loại viên uống bổ sung sắt được xem như thuốc không kê đơn nhưng người bị thiếu máu tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng các loại viên uống bổ sung sắt này.
- Khi dùng viên bổ sung sắt để trị thiếu máu tại nhà, nên bắt đầu với liều nhỏ (không quá 3 lần một ngày) và uống sắt trong bữa ăn có thể làm giảm tác dụng phụ.
- Nếu bạn bỏ lỡ một liều, không dùng gấp đôi liều vào lần uống tiếp theo.
- Vitamin C: Các loại thuốc giúp bổ sung vitamin C giúp cải thiện hàm lượng vitamin C hấp thụ trong cơ thể, từ đó giúp cải thiện tình trạng thiếu máu do thiếu sắt. Tuy nhiên cần lưu ý thuốc bổ sung vitamin C có thể tương tác với các loại thuốc khác, bao gồm thuốc hóa trị, estrogen, warfarin (Coumadin) và các loại khác.
- Vitamin B12: Loại vitamin nhóm B này có công dụng hỗ trợ điều trị thiếu máu tại nhà trong trường hợp bị thiếu máu do thiếu vitamin hoặc thiếu máu ác tính. Những người bị thiếu máu ác tính không thể hấp thụ đủ lượng vitamin B12 và cần bổ sung suốt đời.
- Axit folic: Axit folic có thể được dùng để điều trị tình trạng thiếu axit folic dẫn đến thiếu máu. Việc bổ sung axit folic cũng giúp hỗ trợ cho người bệnh bị thiếu máu do thiếu vitamin B12 và đang áp dụng những cách trị thiếu máu tại nhà. Tuy nhiên, do axit folic có thể tương tác với các loại thuốc hóa trị 5-fluorouracil và capecitabine (Xeloda) hay các thuốc chống động kinh như phenytoin (Dilantin), phenobarbital và primidone (Mysoline),… nên cần tham khảo thêm ý kiến bác sĩ trước khi tự dùng chất bổ sung axit folic tại nhà.
2. Xây dựng chế độ dinh dưỡng cho người bệnh thiếu máu
2.1. Thiếu máu bổ sung thực phẩm gì?
Người bị bệnh thiếu máu nên xây dựng chế độ dinh dưỡng với đa dạng các loại thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm giàu chất sắt, vitamin B12, axit folic và vitamin C, bao gồm:
- Chất sắt: Các loại thực phẩm giúp bổ sung chất sắt như gan bê, các loại đậu, mật mía, hạnh nhân, các loại rau lá xanh, hoa quả sấy khô,…
- Vitamin C: Vitamin C giúp cơ thể hấp thụ chất sắt tốt hơn. Vì vậy, khi đang thực hiện những cách trị thiếu máu tại nhà có thể lựa chọn thực phẩm giàu vitamin C như trái cây họ cam quýt, cà chua, bông cải xanh, bắp cải, khoai tây, rau bina, súp lơ,…
- Vitamin B12: Nguồn thực phẩm giàu vitamin B12 mà người bệnh thiếu máu có thể lựa chọn bao gồm gan, thịt, trứng, cá ngừ và phô mai,…
- Axit folic: Những thực phẩm giàu axit folic tốt cho người bệnh bị thiếu máu bao gồm các loại rau lá xanh, nước cam, chuối, bánh mì, mì ống, trứng, gan bò,…
>> Tham khảo: Người bị thiếu máu nên ăn gì? 19 thực phẩm bổ sung dinh dưỡng tốt
2.2. Thực phẩm không tốt cho người bệnh thiếu máu
Khi đang thực hiện những cách trị thiếu máu tại nhà, cần lưu ý một số loại thực phẩm có thể khiến tình trạng hấp thụ chất sắt và các loại vitamin bị chậm lại, ảnh hưởng đến việc điều trị:
- Các sản phẩm từ sữa chứa hàm lượng canxi cao, có thể khiến cơ thể khó hấp thu sắt hơn, đặc biệt là sắt non-heme. Mặc dù vẫn nên bổ sung các loại thực phẩm có chứa canxi nhưng lý tưởng nhất là dùng các loại thực phẩm có chứa sắt và canxi riêng biệt, cách nhau khoảng một giờ để cơ thể có thể hấp thụ cả hai nhóm chất dinh dưỡng này.
- Tannin làm giảm khả dụng sinh học của sắt, khiến cơ thể khó hấp thụ hơn. Vì vậy, người đang trị thiếu máu tại nhà cũng cần lưu ý tránh các loại thực phẩm chứa nhiều tannin như cà phê, trà, rượu vang đỏ và bia,…
- Việc uống nhiều rượu có thể ngăn chặn việc sản xuất tế bào máu và gây ra những bất thường về cấu trúc, ngăn cản sự trưởng thành của các tế bào chức năng. Do đó, người bị thiếu máu cũng cần hạn chế rượu bia và các loại đồ uống có cồn.
- Các loại thực phẩm có chứa hàm lượng axit oxalic cao, chẳng hạn như củ cải đường, khế, đậu phộng,… cũng nên hạn chế vì axit oxalic có thể dẫn đến tình trạng kết tủa oxalat canxi.
2.3. Lên thực đơn gợi ý cho người thiếu máu
Với người bệnh bị thiếu máu, khi lên thực đơn dinh dưỡng hàng ngày, có thể ưu tiên chế biến các món ăn tốt cho tình trạng bệnh lý của mình, chẳng hạn như:
- Canh gan gà lá dâu non
- Canh gà cà rốt
- Cháo đậu đỏ
- Cua hấp
- Cháo gan heo nấu đậu xanh
- Gan heo nấu với táo đỏ
- Canh gà hầm tam thất
- Thịt gà kho cùng khoai tây cà rốt
- Sò huyết sốt chua ngọt
- Thịt bò xào cần tây
- Rau bina xào thịt heo
- Canh củ cải trắng sườn non
- Canh nghêu nấu với bầu
- Trứng cuộn tôm
- Canh gà tiêu cay bí đao
- Canh thịt nạc rau dền
3. Giảm stress
Có hai dạng căng thẳng là căng thẳng mãn tính và căng thẳng cấp tính. Khi bị căng thẳng, cơ thể trải qua những thay đổi sinh lý cụ thể có thể liên quan đến bệnh thiếu máu.
Một số lý thuyết cho rằng lo lắng, căng thẳng có thể dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt. Một cách khác mà căng thẳng có thể gây thiếu máu là do trạng thái tâm lý không ổn định có thể gây ảnh hưởng đến chế độ ăn uống của bạn. Căng thẳng có thể khiến bạn không ăn nhiều dẫn đến suy dinh dưỡng và khiến bạn bị thiếu máu.
Ngoài ra, căng thẳng mãn tính cũng ngăn cản cơ thể sản xuất axit clohydric để giúp cơ thể tiêu hóa thức ăn và hấp thụ các dưỡng chất trong thức ăn.
Vì thế, cách trị thiếu máu tại nhà cũng cần tập trung vào việc cải thiện sức khỏe tinh thần, thực hiện các biện pháp giảm stress, lo lắng như đi dạo, nghe nhạc, trò chuyện cùng người thân,…
4. Ngủ đủ giấc
Thiếu ngủ không trực tiếp ảnh hưởng đến bệnh thiếu máu. Tuy nhiên, thiếu ngủ có thể làm tăng nguy cơ bị căng thẳng, stress,… Vì vậy, người bệnh đang áp dụng những cách trị thiếu máu tại nhà cũng cần chú ý nghỉ ngơi nhiều và ngủ đủ giấc.
Nên hạn chế việc thức quá khuya, chỉ ngủ những giấc ngủ ngắn. Với người trưởng thành, tốt nhất nên ngủ giấc ngủ sâu từ 7-8 tiếng/ngày để tránh mệt mỏi và giúp tình trạng thiếu máu được cải thiện tốt hơn.
5. Tăng cường vận động
Ngoài việc nâng cao sức khỏe tổng thể và chất lượng cuộc sống, tập thể dục còn cải thiện chức năng thể chất của cơ thể, cải thiện hiệu quả của tim và phổi, đồng thời giảm căng thẳng, lo lắng và trầm cảm. Những lợi ích này sẽ góp phần giúp tăng hiệu quả của những cách trị thiếu máu tại nhà mà người bệnh đang áp dụng.
Người bệnh thiếu máu có thể luyện tập khoảng 30 phút mỗi ngày và tùy thể trạng mà có thể lựa chọn các bài tập phù hợp. Tránh vận động mạnh, gắng sức. Một số bài tập thích hợp với người bệnh thiếu máu gồm có:
- Đi bộ nhanh
- Đạp xe
- Khiêu vũ
- Bơi lội
- Yoga
- Pilates
6. Từ bỏ thói quen có hại
Sức khỏe tổng thể không được đảm bảo sẽ làm cho việc điều trị thiếu máu diễn ra kém hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, sức khỏe không tốt cũng khiến cơ thể hấp thu chất dinh dưỡng kém hơn và làm cơ thể chậm sản xuất các tế bào máu hơn.
Vì thế, một cách trị thiếu máu tại nhà cần lưu ý chính là từ bỏ những thói quen có hại cho sức khỏe, chẳng hạn như:
- Thức quá khuya
- Thiếu ngủ nhiều đêm liên tục
- Ăn quá nhiều, đặc biệt là thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm nhiều dầu mỡ và chất béo, thực phẩm nhiều đường,…
- Ngồi nhiều, không tập thể dục
- Sử dụng các chất kích thích
- Hút thuốc lá
- …
Các phương pháp điều trị thiếu máu khác
Ngoài những cách trị thiếu máu tại nhà có thể áp dụng trong một số trường hợp nêu trên, còn có một số phương pháp thường được bác sĩ chỉ định thực hiện để điều trị thiếu máu như:
- Liệu pháp dùng thuốc, chẳng hạn như erythropoietin, corticosteroid, các loại thuốc ức chế hệ thống miễn dịch,… cũng sẽ được bác sĩ cân nhắc chỉ định để điều trị thiếu máu.
- Người bệnh có thể được truyền máu trong các trường hợp bị thiếu máu cấp tính, thiếu máu nghiêm trọng.
- Cấy ghép tế bào gốc tạo máu cũng là một trong các giải pháp điều trị cho những trường hợp bị thiếu máu nặng do suy tuỷ.
- Nếu người bệnh bị chảy máu nghiêm trọng hoặc đe dọa tính mạng gây thiếu máu, người bệnh có thể cần phải phẫu thuật để cầm máu.
Cách phòng tránh bệnh thiếu máu
Có thể ngăn ngừa một số loại bệnh thiếu máu, đặc biệt là những bệnh do thiếu chất sắt hoặc vitamin. Còn một số loại bệnh thiếu máu di truyền, chẳng hạn như bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm thì không thể phòng ngừa tuyệt đối, nhưng vẫn có thể chăm sóc, điều trị để kiểm soát bệnh.
Các biện pháp áp dụng giúp ngăn ngừa nguy cơ thiếu máu bao gồm:
- Thay đổi hoặc bổ sung chế độ ăn uống, ưu tiên lựa chọn thực phẩm giàu chất sắt và vitamin.
- Điều trị nguyên nhân cơ bản của bệnh thiếu máu để phòng ngừa thiếu máu tái phát.
- Thăm khám sức khỏe tiền hôn nhân và trao đổi với bác sĩ, làm các xét nghiệm để đánh giá yếu tố thiếu máu di truyền trước khi mang thai.
- Duy trì lối sống khoa học, ngủ đủ giấc, hạn chế uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá,… cũng như thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện, kiểm soát các yếu tố làm tăng nguy cơ thiếu máu.
Để đặt lịch thăm khám, điều trị bệnh tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:
Những cách trị thiếu máu tại nhà có thể hỗ trợ giúp người bệnh khắc phục tình trạng thiếu máu. Tuy nhiên, người bệnh không nên vì vậy mà chủ quan bỏ qua việc thăm khám sức khỏe. Khi nghi ngờ bị thiếu máu, người bệnh cần đến bệnh viện để được kiểm tra và bác sĩ sẽ quyết định xem người bệnh có cần nhập viện điều trị hay được trị thiếu máu tại nhà. Từ đó bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị phù hợp nhất.