Ngứa ở dưới da là một tình trạng thường gặp ở nhiều người. Tình trạng này khiến chúng ta có cảm giác ngứa ngáy từ bên trong da nhưng lại không rõ nguyên nhân. Vậy đây là dấu hiệu của bệnh gì? Cách điều trị ra sao? Cùng tìm hiểu ngay trong bài viết sau đây với Nhà thuốc Long Châu nhé!
Ngứa dưới da là bệnh gì?
Ngứa bên dưới da hay ngứa phía bên trong da gây cảm giác khó chịu cho người mắc phải. Tình trạng này có thể cảnh báo cho một số vấn đề về sức khỏe như:
Bệnh lý về tuyến giáp
Tuyến giáp là cơ quan sản xuất hormone điều hòa nhiều hoạt động trong cơ thể, trong đó bao gồm cả chức năng da. Khi tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp) hoặc suy giảm chức năng (suy giáp) có thể gây ảnh hưởng tới làn da, khiến chúng ta cảm thấy ngứa da và khó chịu.
Bên cạnh đó còn có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe khác như gây tăng hoặc giảm cân bất thường, cơ thể mệt mỏi, rối loạn kinh nguyệt, chán ăn, giảm chức năng sinh lý,...
Bệnh về gan
Ngứa dưới da có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh về gan. Bởi khi chức năng gan hoạt động khỏe mạnh, nó sẽ giúp dẫn mật vào ruột, nơi đào thải độc tố ra khỏi cơ thể và tiêu hóa thức ăn. Tuy vậy, khi gan tổn thương hoặc mắc các bệnh lý sẽ khiến mật lưu lại ở trong máu thay vì đi vào ruột. Qua đó, mật sẽ dần lắng đọng lại bên dưới da khiến người mắc phải bị ngứa ngáy, khó chịu.
Suy giảm chức năng thận
Thận là cơ quan giúp lọc máu và đào thải độc tố ra khỏi cơ thể. Khi thận bị suy giảm chức năng, các chất thải tích tụ trong cơ thể có thể gây ngứa ở dưới da.
Chàm
Chàm là một bệnh lý da liễu mạn tính gây ngứa ngáy dữ dội. Chàm có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, bao gồm cả dưới da.
Bệnh lý này không chỉ gây ngứa mà còn khiến da bị khô sần, đỏ, kèm theo đó là khiến người bị có cảm giác bứt rứt, khó chịu.
Dị ứng
Ngứa dưới da là một triệu chứng phổ biến của bệnh dị ứng. Các dị ứng có thể gây ngứa đó là dị ứng thực phẩm, phấn hoa, lông động vật, thuốc, thời tiết,...
Khi cơ thể tiếp xúc với những tác nhân gây dị ứng, hệ miễn dịch sẽ giải phóng ra những chất trung gian lên mô da. Lúc đó, cơ thể có khả năng nổi các hạt ban đỏ, kèm theo đó là cảm giác ngứa ngáy dữ dội ở da. Một số người còn gặp phải các triệu chứng khác như chảy nước mắt và nước mũi, ngứa mắt, nghẹt mũi,...
Để xác định chính xác nguyên nhân gây ngứa ở dưới da, bạn cần thăm khám bác sĩ da liễu. Từ đó, bác sĩ sẽ xem xét các triệu chứng đi kèm, khám lâm sàng và chỉ định làm những xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán một cách chính xác tình trạng sức khỏe của bạn.
Ngoài ra, việc ngứa phía dưới da cũng có thể là dấu hiệu của một trong số các vấn đề về sức khỏe và làn da như sau:
- Có các ký sinh trùng trên da như rệp, bọ chét, ghẻ;
- Bị nhiễm trùng dẫn đến phát ban ngứa trên da;
- Da khô căng do thời tiết.
Cách điều trị ngứa bên trong da
Ngứa ở dưới da có thể là dấu hiệu của rất nhiều bệnh lý khác nhau. Vậy nên để đảm bảo an toàn nhất và có phương pháp điều trị đúng cách, hãy thăm khám tại các bệnh viện hoặc trung tâm y tế uy tín.
Sau khi thăm khám và làm xong các xét nghiệm, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán bệnh lý chính xác cho bạn. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ngứa ở dưới da mà bạn sẽ được chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.
Nếu ngứa dưới da do dị ứng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng histamin hoặc thuốc chống dị ứng khác. Trong trường hợp do bệnh da liễu như bệnh chàm, bác sĩ thường sẽ kê đơn thuốc bôi hoặc thuốc uống tùy theo từng bệnh nhân. Đồng thời, bạn cũng được hướng dẫn cách vệ sinh da và chăm sóc đúng cách ngay tại nhà để giúp cải thiện tình trạng ngứa bên dưới da nhanh chóng, hiệu quả nhất.
Bên cạnh đó, nếu trong quá trình thăm khám phát hiện ngứa trong da là do bệnh lý nội khoa về gan, thận, tuyến giáp,... thì bác sĩ sẽ có các hướng dẫn và tư vấn phác đồ trị liệu phù hợp theo từng bệnh lý cụ thể.
Một số lưu ý khi bị ngứa ở dưới da
Khi bị ngứa dưới da, bạn sẽ luôn cảm thấy rất bứt rứt và khó chịu. Điều này có thể dẫn tới việc mất ngủ hoặc ảnh hưởng đến các sinh hoạt trong cuộc sống hằng ngày. Vậy nên dù bạn chưa biết nguyên nhân cụ thể thì cũng nên nắm một số lưu ý về cách chăm sóc da tại nhà như sau để giúp giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh:
- Hãy tắm với nước ấm và sử dụng các loại sữa tắm, xà phòng lành tính, dịu nhẹ.
- Hạn chế mặc trang phục bó sát, thay vào đó hãy mặc quần áo rộng rãi và thoáng mát.
- Hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây kích ứng, chẳng hạn như lông động vật, bụi bẩn, hóa chất, mỹ phẩm, phấn hoa,...
- Dùng kem hoặc các loại gel dưỡng ẩm để giữ ẩm cho da.
- Tránh gãi mạnh hoặc gãi quá nhiều vì có thể khiến da bị tổn thương và ngứa nhiều hơn.
Ngứa dưới da có thể xảy ra do rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong thời gian đầu, nó sẽ không gây ảnh hưởng về sức khỏe nhưng vẫn có thể khiến người bệnh cảm thấy khó chịu, ngứa ngáy. Vậy nên hy vọng với những thông tin ở trên, bạn sẽ hiểu hơn về tình trạng này để có hướng thăm khám, khắc phục cũng như chăm sóc làn da thích hợp.
Xem thêm:
Nguyên nhân gây tình trạng da bị ngứa gãi nổi hột
Nguyên nhân gây ngứa râm ran khắp người không nổi mẩn