Carcinogen là những hợp chất có khả năng gây ra ung thư. Carcinogen không phải là những hợp chất hoá học phức tạp, khó gặp mà nó có thể là những chất lơ lửng trong không khí hay những chất hoá học sử dụng trong đồ ăn, thức uống. Để hiểu rõ hơn về carcinogen là gì, bài viết sau đây sẽ giúp bạn nắm bắt được những thông tin cần biết về carcinogen.
Carcinogen là gì?
Carcinogen là các hợp chất và sự phơi nhiễm có khả năng làm tăng nguy cơ mắc ung thư. Khi một chất hoặc sự phơi nhiễm được gắn nhãn là carcinogen, điều đó có nghĩa là tác nhân đó đã được nghiên cứu và đánh giá một cách kỹ lưỡng và được một hoặc nhiều cơ quan thẩm định chứng minh và xác nhận rằng nó gây ra ung thư.
Cách carcinogen hoạt động để gây ung thư
Khi carcinogen tác động lên DNA của bạn khiến cấu trúc DNA trở nên bất thường. Các tế bào trong cơ thể sẽ cố gắng khắc phục và sửa chữa những tổn thương trên DNA do chất gây ung thư gây ra nhưng không có tác dụng. Chính đoạn DNA bị lỗi đó có thể là nguyên nhân dẫn đến những biến đổi (đột biến) ở một số gen nhất định.
Tùy thuộc vào đột biến hoặc biến đổi cụ thể, đoạn gen lỗi có thể bắt đầu ra lệnh cho tế bào nhân lên một cách không kiểm soát, trở thành khối u ung thư hoặc ung thư máu. Tuy nhiên, các tế bào ung thư sẽ không phát triển ngay tức thì vì các carcinogen tích tụ theo thời gian và có thể mất rất nhiều năm trước khi chất gây ung thư trong cơ thể bắt đầu phản ứng dây chuyền dẫn đến ung thư.
Một số tác nhân carcinogen phổ biến
Không như tác nhân gây ra một số căn bệnh khác, carcinogen hiện diện ở nhiều nơi xung quanh cuộc sống hàng ngày. Dưới đây liệt kê cho bạn những carcinogen dễ gặp nhất.
Đồ uống có chứa cồn: Rượu là một trong những carcinogen đã được chứng minh. Các nghiên cứu cho thấy bạn càng uống nhiều rượu thì nguy cơ phát triển một số loại ung thư khác nhau càng cao, bao gồm ung thư đầu cổ, ung thư gan và ung thư thực quản.
Các sản phẩm thuốc lá (bao gồm thuốc lá không khói và khói thuốc phụ): Thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ra ung thư phổi, một trong những bệnh ung thư chiếm tỷ lệ cao nhất.
Tia cực tím (tia UV) từ mặt trời hoặc từ xạ trị: Loại tia này đã được chứng minh có khả năng gây ung thư da.
Amiang: Amiang là silicat kép của Canxi (Ca) và Magie (Mg), chứa SiO2 có trong tự nhiên. Amiang được sử dụng trong ngành xây dựng, vật liệu cách nhiệt, cách điện, cách âm, đóng tàu... Amiang có liên quan đến ung thư trung biểu mô ác tính, ung thư phổi, ung thư thanh quản và ung thư buồng trứng.
Formaldehyde: Các nghiên cứu cho thấy những người tiếp xúc với hàm lượng formaldehyde cao ở nơi làm việc có nguy cơ mắc bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính và các bệnh ung thư hiếm gặp ở khoang mũi và xoang.
Thịt đã qua chế biến: Thịt được biến đổi bằng cách muối, xử lý hoặc hun khói có khả năng gây ra ung thư đại trực tràng.
Làm sao để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh ung thư?
Theo Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO), ung thư có thể phòng ngừa nếu bạn duy trì một thói quen sinh hoạt lành mạnh. Dưới đây là một số lời khuyên để giúp bạn xây dựng một lối sống khoẻ:
- Khói thuốc lá đã được nghiên cứu và cho thấy có chứa rất nhiều hợp chất hoá học độc hại, trong đó ít nhất 70 hợp chất có khả năng gây ung thư ở cả động vật và con người. Do đó, hãy chủ động ngừng hút thuốc lá và hạn chế tiếp xúc với khói thuốc lá một cách thụ động.
- Giảm tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, đặc biệt là ánh nắng trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Vì trong ánh nắng mặt trời có tia tử ngoại (tia UV), một carcinogen gây ung thư da. Bên cạnh đó, bạn nên sử dụng kem chống nắng thường xuyên.
- Nên hạn chế uống rượu và các loại đồ uống có cồn, chỉ nên uống tối đa một ly mỗi ngày.
- Nên quan hệ tình dục lành mạnh để phòng tránh một số bệnh ung thư lây nhiễm qua đường sinh dục như HPV, viêm gan hay HIV có thể gây một số bệnh ung thư khác nhau.
- Duy trì cân nặng lý tưởng (dựa trên chỉ số BMI để xác định cân nặng phù hợp) vì béo phì là yếu tố nguy cơ của rất nhiều bệnh mạn tính và cấp tính khác nhau trong đó có bệnh ung thư.
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, giảm tiêu thụ các loại thịt chế biến sẵn, và nên bổ sung hoa quả và rau xanh mỗi ngày. Đồng thời, giảm tiêu thụ các loại chất béo xấu như mỡ động vật, hạn chế ăn thức ăn nhanh và bổ sung các loại vitamin cần thiết trong khẩu phần ăn hàng ngày.
- Bạn nên xây dựng thói quen tập thể dụng 30 phút mỗi ngày với những môn thể thao đơn giản, nhẹ nhàng. Hãy lựa chọn phù hợp với sở thích của bản thân để có tinh thần thoải mái và phấn khởi khi hoạt động.
- Thực hiện các xét nghiệm sàng lọc ung thư và tiêm vắc xin ngừa ung thư theo khuyến cáo của bác sĩ. Việc tầm soát ung thư định kỳ rất quan trọng để phát hiện sớm và điều trị kịp thời, ngăn chặn việc khối u di căn đến nhiều cơ quan khác.
Bài viết đã cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết về carcinogen là gì và giải đáp những thắc mắc liên quan. Carcinogen hiện hữu rất nhiều trong đời sống sinh hoạt hàng ngày và việc tiếp xúc trực tiếp với carcinogen sẽ không dẫn đến ung thư ngay lập tức. Tuy nhiên, tiếp xúc lâu dài với carcinogen sẽ khiến các tác nhân tích tụ trong cơ thể và tiến triển thành ung thư.