Trong các loại bạch cầu, bạch cầu hạt là loại chiếm tỉ lệ nhiều nhất. Bạch cầu hạt được tạo ra từ tế bào gốc trong tủy xương và thời gian tồn tại của loại bạch cầu này chỉ được vài ngày. Vậy bạch cầu hạt là gì, có các loại nào? Chức năng của bạch cầu hạt ra sao?
Bạch cầu hạt là gì?
Bạch cầu hạt (Granulocyte) là loại bạch cầu phổ biến nhất trong cơ thể, chứa các hạt enzyme hình thành trong tế bào chất (dung dịch đặc, bán lỏng lấp đầy từng tế bào). Khi xảy ra tình trạng viêm, nhiễm trùng trong cơ thể, bạch cầu hạt sẽ di chuyển đến khu vực đó giải phóng các hạt của chúng để chống nhiễm trùng. Đôi khi bạch cầu hạt được gọi là bạch cầu đa nhân.
>> Tham khảo thêm: Bạch cầu mono là gì?
Cấu tạo và đặc điểm của bạch cầu hạt
Bạch cầu hạt được đặc trưng bởi sự hiện diện của các hạt có bên trong tế bào chất của chính nó [1]. Bạch cầu hạt được tạo thành từ bạch cầu đơn nhân hoặc tế bào đơn nhân máu ngoại vi (PBMC). Một số đặc điểm của bạch cầu hạt gồm có:
- Bạch cầu hạt có thể thay đổi hình dạng, đi xuyên qua vách giữa các tế bào, chuyển động bằng chân giả (như amip) với tốc độ khoảng 40 mm/phút hướng về nơi bị viêm.
- Bạch cầu hạt có tính năng thực bào và ẩm bào.
- Bạch cầu hạt có thể đáp ứng với các kích thích hóa học, chẳng hạn như: một số chất do vi khuẩn sản sinh ra, chất do mô bị viêm sản xuất ra hoặc các chất hóa học được đưa từ bên ngoài vào trong cơ thể.
- Bạch cầu hạt có khả năng tập trung, thu hút bạch cầu đến vị trí bị viêm hoặc “đuổi” bạch cầu đi ra xa hơn.
- Bạch cầu hạt có thể đáp ứng với các kích thích nhiệt học.
>> Đọc thêm: Bạch cầu lympho là gì?
Phân loại các dòng bạch cầu hạt
Nhìn chung, bạch cầu hạt có thể được chia thành 4 loại như sau:
1. Dòng bạch cầu ái toan
Bạch cầu ái toan (hay bạch cầu ưa axit) là một loại bạch cầu hạt, có tham gia vào hệ thống miễn dịch, giúp cơ thể chống lại tình trạng bị nhiễm vi khuẩn, ký sinh trùng. Bạch cầu ái toan được biết đến nhiều hơn thông qua vai trò khởi phát các phản ứng dị ứng.
2. Dòng bạch cầu ái kiềm
Bạch cầu ái kiềm (bạch cầu ưa kiềm) là một loại bạch cầu hạt, lưu thông bên trong máu rất giống với dưỡng bào - đây là loại tế bào có mặt ở ngay bên ngoài của nhiều mao mạch. Bạch cầu ưa kiềm cũng là một phần trong phản ứng miễn dịch cơ bản đối với các sinh vật có thể gây ra bệnh, đồng thời cũng có sự liên quan với căn bệnh hen suyễn. Khi ở trong trạng thái bị kích thích, bạch cầu ái kiềm phóng thích histamin cùng những loại hóa chất khác, gây ra phản ứng viêm trong cơ thể, dẫn đến tình trạng co thắt đường thở.
3. Dòng bạch cầu trung tính
Ở giai đoạn đầu (giai đoạn cấp tính) của phản ứng viêm, đặc biệt là trong các trường hợp phản ứng viêm là kết quả của tình trạng nhiễm trùng vi khuẩn, phơi nhiễm môi trường…, bạch cầu trung tính là một trong những yếu tố có phản ứng đầu tiên trong các tế bào kháng viêm tiến tới vùng đang bị viêm. Bạch cầu trung tính trưởng thành có kích thước nhỏ hơn bạch cầu đơn nhân, có nhân phân đoạn với nhiều phần (2 - 5 đoạn). Mỗi phần được kết nối thông qua các sợi nhiễm sắc.
4. Dòng tế bào Mast
Tế bào Mast là tế bào có mặt trong các mô, tế bào có chất là những hạt ưa kiềm. Thế nhưng hạt thường nhỏ hơn so với các hạt có trong bạch cầu ái kiềm. Một số chất trung gian của tế bào Mast đã được hình thành từ trước đó cũng như tích lũy bên trong hạt. Chúng sẽ giải phóng ngay khi tế bào được hoạt hóa. Một số chất trung gian thì chỉ mới được hình thành. Tế bào Mast cũng tiết ra được cytokine.
Chức năng của bạch cầu hạt
Các bạch cầu hạt phối hợp với nhau để giúp loại bỏ tình trạng nhiễm trùng hoặc loại bỏ những chất gây dị ứng ra khỏi cơ thể. Mỗi loại bạch cầu hạt có sự kết hợp riêng của những hóa chất, enzyme trong hạt của nó. Thế nên mỗi loại có chức năng khác nhau, chẳng hạn như:
- Bạch cầu trung tính: Bạch cầu trung tính tấn công vào vi khuẩn. Mỗi tế bào bạch cầu trung tính có thể tiêu thụ đến khoảng 20 vi khuẩn trong suốt “dòng đời” của nó.
- Bạch cầu ái toan: Các bạch cầu ái toan có mặt trong hầu hết những phản ứng miễn dịch, đặc biệt tình trạng dị ứng. Bạch cầu ái toan cũng chống lại ký sinh trùng.
- Bạch cầu ái kiềm: Loại bạch cầu hạt này chủ yếu chống lại những phản ứng dị ứng. Bạch cầu ái kiềm giải phóng histamin (đưa những chất gây dị ứng ra khỏi cơ thể) và giải phóng heparin giúp làm loãng máu (ngăn ngừa tình trạng đông máu).
Giải phẫu học bạch cầu hạt trong cơ thể
Một số thông tin cơ bản về giải phẫu học của bạch cầu hạt gồm có:
1. Vị trí bạch cầu hạt ở đâu?
Bạch cầu hạt được hình thành trong tủy xương và giải phóng vào máu khi cần thiết.
2. Tỷ lệ bạch cầu hạt trong cơ thể
Trong tổng lượng bạch cầu hạt có trong máu, loại bạch cầu ái toan chiếm khoảng 5%, bạch cầu trung tính là loại thực bào phong phú hơn cả, chiếm khoảng 60 - 65% trong tổng số tế bào bạch cầu hạt lưu hành.
Bạch cầu hạt bao nhiêu là bình thường?
Khoảng 50 - 70% tổng số tế bào bạch cầu trong cơ thể phải là bạch cầu trung tính. Bạch cầu ái toan thường chiếm khoảng 1 - 3%, bạch cầu ái kiềm nên chiếm khoảng 0,4 - 1%. [2]
Vai trò của bạch cầu hạt
Bạch cầu hạt giữ vai trò chính trong việc tấn công tình trạng nhiễm trùng, các chất gây dị ứng và những chất kích thích khác xâm nhập vào cơ thể. Cơ thể có thể tự bảo vệ hiệu quả khi những tế bào bạch cầu hạt hoạt động bình thường.
Các tình trạng bạch cầu hạt thường gặp
Dưới đây là các tình trạng về bạch cầu hạt thường gặp:
1. Tình trạng bạch cầu hạt tăng
Số lượng bạch cầu hạt cao (tăng bạch cầu hạt) có thể chỉ ra một số vấn đề sức khỏe, bao gồm: tình trạng nhiễm trùng, ung thư tế bào máu hoặc một vài loại bệnh lý tự miễn dịch. Vấn đề sức khỏe của tủy xương cũng là nguyên nhân chính yếu gây ra các bệnh lý bạch cầu hạt.
Tủy xương là phần mô xốp trong xương, chứa hồng cầu, tiểu cầu và tế bào gốc tạo ra bạch cầu. Tình trạng tăng bạch cầu có thể là triệu chứng, dấu hiệu của một số bệnh lý, chẳng hạn như: tăng tiểu cầu nguyên phát, bệnh bạch cầu mạn dòng tủy, bệnh xơ tủy nguyên phát, bệnh đa hồng cầu nguyên phát hoặc phản ứng của tủy xương khi bị các tế bào ung thư khác xâm nhập tủy.
2.Tình trạng bạch cầu hạt giảm
Tình trạng số lượng bạch cầu hạt thấp (giảm bạch cầu hạt hoặc giảm bạch cầu trung tính) thường do bệnh lý ở tủy xương/máu gây ra, ví dụ như: bệnh bạch cầu, thiếu máu bất sản… Tình trạng giảm bạch cầu hạt cũng có thể xảy ra như một tác dụng phụ của quá trình chữa trị ung thư.
Cơ thể dễ gặp tình trạng nhiễm trùng hơn khi không có đủ bạch cầu hạt. Thế nên, người bệnh có thể bị đau họng, sốt thường xuyên hơn. Những căn bệnh khác, ví dụ như viêm phổi, cúm có thể phát triển một cách nhanh chóng hơn bình thường do cơ thể không thể chống lại tình trạng nhiễm trùng hiệu quả. Tình trạng giảm bạch cầu trung tính mức độ nghiêm trọng được gọi là chứng tuyệt lập bạch cầu hạt.
Phương pháp xét nghiệm chỉ số bạch cầu hạt
Số lượng bạch cầu hạt có thể được xác định thông qua phương pháp xét nghiệm công thức máu toàn bộ (CBC). Để kiểm tra số lượng của bạch cầu hạt, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện kỹ thuật xét nghiệm máu này định kỳ. Để làm phân tích công thức máu, mẫu máu của người bệnh sẽ được thu thập rồi gửi đến phòng thí nghiệm. Các kỹ thuật viên ở phòng thí nghiệm có thể đo được lượng bạch cầu, tiểu cầu, hồng cầu, huyết sắc tố. Kích thước của các tế bào máu cũng được xác định thông qua phương pháp xét nghiệm này.
Phương pháp điều trị khi gặp các loại bệnh về bạch cầu hạt
Tùy vào tình trạng bệnh, nguyên nhân gây bệnh…, bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định phương pháp chữa trị phù hợp, chẳng hạn như:
- Điều trị tình trạng tăng bạch cầu hạt: Nếu nhiễm trùng là nguyên nhân làm tăng bạch cầu hạt thì bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định cho người bệnh dùng thuốc kháng sinh. Trong trường hợp rối loạn tự miễn dịch là tác nhân gây bệnh thì bác sĩ có thể chỉ định cho sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, ví dụ như prednisone. Nếu tăng bạch cầu hạt do ung thư gây ra, bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh áp dụng phương pháp xạ trị, hóa trị hoặc ghép tủy xương.
- Điều trị tình trạng giảm bạch cầu trung tính:
- Người bị giảm bạch cầu trung tính kèm theo tình trạng sốt (sốt giảm bạch cầu hạt) phải được chữa trị kịp thời. Người bệnh có thể cần nhập viện để truyền kháng sinh thông qua đường tĩnh mạch. Nếu không được chữa trị kịp thời, sốt giảm bạch cầu hạt có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh.
- Một số loại bệnh giảm bạch cầu trung tính có thể không cần tiến hành chữa trị. Thế nhưng vấn đề cơ bản phải được giải quyết trong hầu hết các trường hợp. Ví dụ, nếu tình trạng giảm bạch cầu trung tính xảy ra do rối loạn tự miễn dịch thì bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh dùng corticosteroid. Trường hợp việc sử dụng thuốc gây ra chứng giảm bạch cầu thì bác sĩ có thể cân nhắc thay đổi đơn thuốc. Người bệnh cũng có thể được tiêm G-CSF (yếu tố kích thích bạch cầu hạt) để thúc đẩy quá trình sản sinh tế bào bạch cầu.
- Điều trị tình trạng giảm bạch cầu trung tính theo chu kỳ: Cách chữa trị giảm bạch cầu trung tính theo chu kỳ tương tự như khi điều trị chứng giảm bạch cầu trung tính. Bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh dùng thuốc kháng sinh dự phòng hoặc điều trị tình trạng nhiễm trùng, tiêm G-CSF hoặc ghép tủy xương (hiếm khi thực hiện).
- Điều trị chứng bạch cầu hạt chưa trưởng thành: Nếu trong máu xuất hiện bạch cầu hạt chưa trưởng thành, bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh thực hiện những phương pháp xét nghiệm sâu hơn để chẩn đoán xác định nguyên nhân. Nếu tác nhân gây bệnh là tình trạng nhiễm trùng, bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh dùng các loại thuốc phù hợp. Trường hợp ung thư là nguyên nhân gây ra chứng bạch cầu hạt chưa trưởng thành, bác sĩ sẽ trao đổi với người bệnh về những lựa chọn chữa trị, bao gồm hóa trị, xạ trị.
- Điều trị chứng tăng bạch cầu ái toan: Nếu một vài loại thuốc mà người bệnh dùng khiến bạch cầu ái toan gia tăng, bác sĩ có thể cân nhắc thay đổi đơn thuốc. FDA đã phê duyệt những phương pháp chữa trị nhắm vào bạch cầu ái toan trong bệnh hen suyễn.
- Điều trị chứng tăng bạch cầu ái kiềm: Nếu tác nhân gây bệnh là nhiễm trùng do vi khuẩn thì bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh dùng thuốc kháng sinh. Tác nhân là các bệnh lý viêm nhiễm như viêm khớp dạng thấp, hội chứng ruột kích thích (IBS) thì có thể cần sử dụng thuốc ức chế miễn dịch. Nếu xảy ra vấn đề ở tủy xương, bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh hóa trị, xạ trị.
Đơn vị Huyết học lâm sàng, Khoa Nội tổng hợp, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là cơ sở y tế uy tín cung cấp các dịch vụ thăm khám, điều trị các bệnh lý về máu, được nhiều người bệnh tin tưởng lựa chọn. Nơi đây quy tụ bác sĩ dày dặn kinh nghiệm, chu đáo, nhiệt tình, được trang bị nhiều máy móc, thiết bị tân tiến hỗ trợ cho việc xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị hiệu quả các bệnh lý về máu.
Người bệnh có thể liên hệ với Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để đặt lịch hẹn thăm khám thông qua hotline 024 3872 3872 - 024 7106 6858 (Hà Nội) và 093 180 6858 - 0287 102 6789 (TP.HCM).
Để đặt lịch thăm khám, điều trị bệnh tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:
Bạch cầu hạt trong cơ thể giữ chức năng, vai trò quan trọng đối với sức khỏe của mỗi người. Nếu gặp triệu chứng nghi do bệnh lý liên quan đến bạch cầu hạt, người bệnh cần nhanh chóng đến cơ sở y tế thăm khám.