Hiện nay bệnh gút đang ngày càng gia tăng do chế độ ăn uống mất cân đối, lối sống thiếu khoa học,… Hãy cùng Nhà thuốc An Khang tìm hiểu về bệnh gút và cách chữa bệnh gút tại nhà bạn nhé!
1Uống nhiều nước
Một báo cáo của 29 nghiên cứu cho thấy khả năng đào thải acid uric tỷ lệ thuận với lưu lượng nước tiểu. Do đó, mất nước có thể là một yếu tố nguy cơ gây ra cơn gút do làm tăng nồng độ acid uric trong huyết thanh.[3]
Bệnh nhân gút được khuyến khích nên uống nhiều nước, vì kết quả của một nghiên cứu chéo năm 2009 cho thấy rằng uống từ 5 - 8 cốc (mỗi cốc 250mL) trong khoảng 24 giờ có thể giảm nguy cơ bùng phát bệnh gút.[4]
2Chườm đá vào các khớp bị ảnh hưởng
Chườm một túi đá hoặc vật lạnh được bọc trong khăn mỏng khoảng 20-30 phút vào khớp gối có thể giúp làm giảm cơn đau.[5]
Hơn nữa, việc làm lạnh khiến các mạch máu của cơ co lại, giảm lưu lượng máu và giúp giảm viêm, giảm lưu lượng dịch khớp khiến chứng phù nề, ứ nước cũng giảm ít nhiều.
3Giảm căng thẳng
Người ta phát hiện ra rằng acid uric trong huyết thanh tăng cao khi gặp tình trạng căng thẳng, làm trầm trọng hơn các triệu chứng của bệnh gút.[6]
Do đó, những bệnh nhân bị gút nên giảm bớt căng thẳng bằng các biện pháp sau:
- Tập thể dục nếu cơn đau không ảnh hưởng đến vận động.
- Thiền định.
- Làm những điều mình yêu thích như viết nhật ký hoặc đọc một cuốn sách.
- Đặc biệt phải nghỉ ngơi đầy đủ.
4Nâng cao các khớp bị ảnh hưởng
Nếu ngón chân hoặc bàn chân của bạn bị sưng và đau do gút, hãy nâng cao các khớp bị ảnh hưởng lên cao hơn có thể giúp giảm sưng, khuyến khích máu và chất lỏng di chuyển khỏi khớp và trở về tim.[5]
5Dùng thuốc giảm đau không kê đơn
Thuốc giảm đau chống viêm không kê đơn như ibuprofen và naproxen sodium có thể những lựa chọn tốt để điều trị đau và viêm do bệnh gút.
Tuy nhiên, mọi người không nên dùng nhiều hơn liều khuyến cáo và nên hỏi ý kiến bác sĩ xem liệu thuốc không kê đơn có tương tác với những loại thuốc khác đang sử dụng hay không.
6Lá tía tô
Chất ức chế xanthine oxidase trong lá tía tô được chứng minh rằng có hoạt tính giảm sản xuất, chống tăng nồng độ acid uric máu ở bệnh nhân gút.
Ngoài ra, lá tía tô còn có thể giảm mức độ nghiêm trọng và các triệu chứng của gút nhờ công dụng kháng viêm, giảm đau, giảm sưng.[7]
7Duy trì chế độ ăn uống cân bằng
Việc duy trì một chế độ ăn uống cân bằng, hạn chế các chất cồn, soda, các loại thịt đỏ, hải sản, nội tạng động vật có thể giúp hạ thấp nồng độ acid uric và giảm nguy cơ bùng phát bệnh gút ở người bệnh.
8Uống nước chanh
Một nghiên cứu năm 2015 của E.K. Biernatkaluza và cộng sự cho thấy nước chanh như một chất bổ trợ trong điều trị bệnh gút nhờ hoạt động kích thích sự hình thành canxi cacbonat do tuyến tụy tiết ra và hỗ trợ kiềm hóa máu và nước tiểu, trung hòa các acid.[8]
Do đó, bổ sung nước ép của 2 quả chanh tươi vào 2 lít nước mỗi ngày làm giảm acid uric ở những người bị bệnh gút.
9Hạn chế đồ uống có cồn
Rượu bia là loại đồ uống làm từ lúa mạch lên men và chứa nhiều protein chuyển hóa thành acid uric nên khi sử dụng thì lượng acid uric trong cơ thể càng tăng lên.
Trong cuộc điều tra sức khỏe và dinh dưỡng quốc gia lần thứ ba cho thấy rằng từng loại đồ uống có cồn đều có ảnh hưởng đối với nồng độ acid uric.[9] Đồng thời, các đồ uống có cồn còn cản trở đào thải acid uric ra khỏi cơ thể, tăng nguy cơ bệnh gút.
Tất cả đồ uống có cồn, ngay cả rượu vang đều có liên quan đến việc tăng nguy cơ tái phát cơn gút dựa trên kết quả của một nghiên cứu chéo vào năm 2013.[10]
Vì vậy, người bệnh gút nên hạn chế uống rượu bia các loại để giảm nguy cơ bị các cơn tái phát.
10Tránh các loại thịt chứa hàm lượng purin cao
Acid uric là sản phẩm cuối cùng của quá trình chuyển hóa purin nên việc ăn quá nhiều loại thịt chứa hàm lượng purin cao là nguyên nhân làm tăng acid uric trong máu.[11]
Do đó, tránh các loại thịt này có thể giúp giảm các triệu chứng bệnh gút:
- Thịt lợn muối xông khói.
- Gà tây.
- Thịt bê.
- Thịt nai.
- Cá cơm.
- Cá mòi.
- Cá trích.
- Cá tuyết.
- Cá hồi,...
11Sử dụng quả anh đào
Một nghiên cứu trên 633 bệnh nhân bị bệnh gút sử dụng 10-12 quả anh đào tương đương 1/2 cốc khẩu phần chiết xuất trong 2 ngày thấy rằng nguy cơ bị cơn gút tiếp theo giảm xuống 35%.[12]
Trong một nghiên cứu khác nhận thấy tác dụng chống viêm của các chất trong quả anh đào có thể có lợi cho việc kiểm soát và ngăn ngừa bùng phát bệnh gút.[13]
Ngoài ra, Robert A Jacob đã tiến hành một nghiên cứu trên 10 phụ nữ khỏe mạnh ăn 2 phần anh đào cho kết quả rằng acid uric huyết tương giảm 15% vào 5 giờ sau khi tiêu thụ và sự gia tăng bài tiết acid uric trong nước tiểu.[14]
Do đó, anh đào đã được sử dụng như một liệu pháp y tế bổ sung và thay thế cho bệnh gút trong nhiều thập kỷ qua.
12Bổ sung magie
Một nghiên cứu năm 2015 cho thấy rằng cung cấp đủ magie có liên quan đến mức độ acid uric thấp và cơ thể khỏe mạnh hơn, làm giảm nguy cơ bệnh gút. Tuy nhiên, điều này chỉ áp dụng cho nam giới chứ không áp dụng cho phái nữ trong nghiên cứu.[15]
13Gừng
Một nghiên cứu cho thấy dùng gừng chườm ấm tại chỗ làm giảm cơn đau liên quan đến acid uric trong bệnh gút.[16]
Cũng trong một nghiên cứu khác ở chuột nhận thấy rằng nồng độ acid uric trong huyết thanh và hoạt động của enzym ở chuột tăng acid uric máu giảm đáng kể theo thời gian sử dụng gừng.[17]
Bạn có thể sử dụng chườm gừng theo các bước sau:
- Đun sôi 1 thìa gừng tươi nạo với nước.
- Nhúng khăn vào hỗn hợp.
- Khi nguội, đắp khăn lên vùng bị đau ít nhất một lần mỗi ngày, trong vòng 15 đến 30 phút.
- Thử nghiệm trên một vùng da nhỏ trước để tránh kích ứng da.
14Nước ép từ giấm táo, nước chanh và nghệ
Tiến sĩ Yunes cùng các cộng sự thực hiện thử nghiệm có kiểm soát ngẫu nhiên vào năm 2016 kết luận rằng bổ sung nghệ có thể làm giảm nồng độ acid uric trong máu.[18]
Ngoài ra, một nghiên cứu được thực hiện trên chuột cho thấy giấm táo giúp kiểm soát các cơn đau mãn tính và viêm nhiễm.[19]
Do đó, trộn nước ép từ một nửa quả chanh vào nước ấm, kết hợp với 2 muỗng cà phê nghệ, 1 thìa cà phê giấm táo và sử dụng 2 - 3 lần mỗi ngày có thể hỗ trợ cho bệnh gút.
15Dùng rau cần tây
Luteolin, một flavonoid có trong rau cần tây có thể ức chế xanthine oxidase, trực tiếp làm giảm sản xuất acid uric. Từ đó, có thể làm giảm tần suất bùng phát bệnh gút.[20]
Ngoài ra, cần tây đặc biệt có lợi trong việc giảm viêm liên quan đến bệnh gút thông qua tác dụng chống viêm và chống oxy hóa [21]
16Dùng cây tầm ma
Cây tầm ma là một loại thảo dược chữa bệnh gút nhờ khả năng có thể làm giảm viêm và đau.[22]
Theo đánh giá năm 2018 nghiên cứu về cây tầm ma cho thấy chúng có thể làm giảm nhu cầu sử dụng thuốc chống viêm không steroid ở những người bị viêm khớp nhờ đặc tính chống viêm.[23]
Để sử dụng, bạn hãy pha trà bằng 1 đến 2 thìa cà phê cây tầm ma khô với nước sôi. Uống tối đa 3 cốc mỗi ngày.
17Dùng bồ công anh
Chiết xuất bồ công anh khi sử dụng có thể làm giảm nồng độ acid uric theo một nghiên cứu trên chuột vào năm 2016.[24]
18Dùng hạt cây kế sữa
Một nghiên cứu năm 2016 cho thấy hạt cây kế sữa nhờ đặc tính chống oxy hóa có thể làm giảm acid uric trong điều kiện có thể làm tổn thương thận.[24]
19Dùng cây dâm bụt
Sử dụng cây dâm bụt là một phương thuốc dân gian được sử dụng để điều trị bệnh gút.
Một nghiên cứu trên chuột vào năm 2012 cho thấy cây dâm bụt có thể ức chế tăng acid uric máu, yếu tố chính để làm giảm các triệu chứng và ngăn ngừa bệnh gút.[25]
20Ăn táo
Các trang sức khỏe tự nhiên giới thiệu táo như một phần của chế độ ăn kiêng giảm bệnh gút. Táo có vị ngọt, mát và chứa nhiều nước, muối, kali, đặc biệt là chứa lượng purin ít nên rất tốt với người bị gút.
Tuy nhiên, táo cũng chứa đường fructose có thể gây tăng acid uric máu, dẫn đến bùng phát bệnh gút. Vì vậy, bạn cần phải có chế độ ăn thích hợp.
21Ăn chuối
Chuối cũng được cho là thực phẩm tốt cho bệnh gút vì chuối giàu kali, giúp các mô và các cơ quan trong cơ thể hoạt động bình thường. Tuy nhiên, cũng tương tự như táo, chuối cũng chứa đường, bao gồm cả fructose, có thể là tác nhân gây ra bệnh gút.
22Tắm muối Epsom
Muối Epsom rất giàu magie có thể làm giảm nguy cơ bệnh gút.
Một nghiên cứu cho rằng magie có thể đi vào hệ thống bạch huyết bên dưới lớp hạ bì và đi vào hệ tuần hoàn tốt hơn và ít tác dụng phụ hơn khi nó đi qua đường tiêu hóa.[26]
Do đó, hãy thử sử dụng thử 1 đến 2 cốc muối Epsom khi ngâm cơ thể trong bồn tắm để giúp giảm triệu chứng bệnh gút.
23Khi nào cần thăm khám bác sĩ?
Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ
Khi có một trong các triệu chứng của bệnh gút như đau nhức, nóng đỏ, sưng tấy tại các khớp gối, khó khăn trong vận động,… bạn nên đến thăm khám bác sĩ sớm nhất để có thể thực hiện các bài test chẩn đoán bệnh gút.
Các xét nghiệm bệnh gút
- Xét nghiệm máu: Thực hiện xét nghiệm này có thể đo lượng acid uric trong máu của bạn.
- Xét nghiệm hình ảnh: Bạn có thể chụp ảnh các khớp bị ảnh hưởng bằng X-quang, siêu âm hoặc MRI.
- Chọc hút: Bác sĩ sử dụng kim để hút dịch từ khớp và sử dụng kính hiển vi để tìm kiếm các tinh thể monosodium urat, xác nhận bệnh gút.
Tham khảo địa chỉ khám và điều trị bệnh gút
Nếu có nhu cầu đến bệnh viện để làm các xét nghiệm về bệnh gút, bạn nên tham khảo các bệnh viện lớn như:
- Tại thành phố Hồ Chí Minh: Bệnh viện Đại học Y Dược, Khoa Nội xương khớp - Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Nhân dân Gia Định,...
- Tại Hà Nội: Bệnh viện Bạch Mai, Trung tâm Cơ xương khớp - Bệnh viện E, Bệnh viện Trung Ương Quân đội 108, Bệnh viện Quân y 103,...
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn những thông tin về cách chữa bệnh gút tại nhà. Nếu thấy hay và hữu ích, hãy chia sẻ bài viết bạn nhé!
Nguồn: My.clevelandclinic, Medicalnewstoday, Healthline