Bị đầy bụng khi mang thai 3 tháng đầu là hiện tượng bình thường, xuất phát từ nguyên nhân của thói quen và chế độ ăn uống. Tuy nhiên, nếu mẹ bầu gặp tình trạng này thường xuyên và kéo dài, đây có lẽ là hồi chuông cảnh báo cho các nguy cơ về sức khỏe.
Triệu chứng và nguyên nhân mẹ bầu bị đầy bụng khi mang thai 3 tháng đầu
Khi bị đầy hơi, mẹ bầu sẽ gặp các triệu chứng sau:
- Bụng tức nặng phía trên, khó chịu đi kèm tần suất ợ hơi, ợ chua, ợ khan dày đặc.
- Vùng họng nóng rát, có thể cảm thấy buồn nôn.
- Không có cảm giác thèm ăn, ăn nhanh no, ăn không ngon miệng do cảm giác buồn nôn.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng các mẹ bầu gặp tình trạng đầy hơi ở tam cá nguyệt thứ nhất:
- Chế độ ăn uống không hợp lý: Ăn quá nhanh, quá no, nạp những thực phẩm dễ sinh đầy hơi, khó tiêu,... là nguyên nhân làm quá trình tiêu hóa bị trì trệ gây đầy hơi, chướng bụng.
- Hoocmon nội tiết tăng cao: Các chất nội tiết relaxin và progesterone làm kéo giãn cơ vùng chậu làm khả năng tiêu hóa của cơ thể bị ảnh hưởng và có thể gây táo bón. Bên cạnh đó, quá trình tiêu hóa bị chậm lại, thời gian vi khuẩn hoạt động tăng lên tạo ra nhiều khí gây nóng và ợ hơi.
- Tử cung lớn hơn: Ngay từ tuần thứ 4, thai nhi đã phát triển làm tử cung to lên, chiếm không gian trong vùng chậu và gây áp lực lên ổ bụng người mẹ tạo cảm giác đầy hơi.
- Người mẹ mắc các bệnh lý về dạ dày: Viêm loét dạ dày, hội chứng ruột kích thích,... đều là những căn bệnh có thể gây đầy hơi, chướng bụng.
Bị đầy bụng khi mang thai 3 tháng đầu có nguy hiểm không?
Bị đầy bụng khi mang thai 3 tháng đầu là triệu chứng không hiếm gặp và không nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, hiện tượng này làm cản trở quá trình tiêu hóa thức ăn cũng như gây khó chịu và mệt mỏi cho mẹ bầu. Về lâu dài, người mẹ sẽ bị sụt cân, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của thai nhi.
Vì vậy, khi bị đầy hơi, mẹ bầu nên xem lại cách sinh hoạt và chế độ dinh dưỡng của mình. Nếu sau khi tất cả đã được cân bằng nhưng tình trạng không được cải thiện hoặc mẹ gặp hiện tượng đầy hơi đi kèm các biểu hiện sụt cân, tiêu chảy, táo bón, mẹ nên gặp bác sĩ thai sản để tìm nguyên nhân và giải pháp phù hợp.
Bên cạnh đó, mẹ cũng cần phân biệt đầy bụng thông thường với các triệu chứng nguy hiểm sau: Khó chịu ở bụng hơn nửa giờ, đau trên rốn, đau bụng, thường xuyên tiêu chảy, phân lẫn máu,... Khi gặp các hiện tượng này, mẹ cần đi khám ngay để hạn chế những rủi ro trong thai kỳ.
Cách cải thiện và phòng tránh đầy hơi khi mang thai
Để cải thiện và hạn chế tình trạng đầy bụng trong 3 tháng đầu thai kỳ. Mẹ bầu có thể áp dụng một số biện pháp như sau:
Điều chỉnh chế độ ăn uống
- Chọn thực phẩm mềm, dễ tiêu hóa: Thức ăn lỏng, mềm, giàu chất xơ như trái cây, rau xanh, khoai lang,... để hỗ trợ hệ tiêu hóa và nhuận tràng. Mẹ bầu lưu ý nên tăng lượng chất xơ từ từ để tránh táo bón do ăn quá nhiều chất xơ.
- Bổ sung thực phẩm chứa lợi khuẩn: Sữa chua ăn, sữa chua uống lên men giàu lợi khuẩn.
- Uống nhiều nước: Mẹ nên uống khoảng 2,5 - 3 lít nước mỗi ngày để hỗ trợ đẩy thức ăn xuống ruột, làm mềm phân dễ đào thải. Lưu ý rằng nếu mẹ bị đầy bụng do hội chứng ruột kích thích thì không nên uống nước trái cây có chứa nhiều đường.
Điều chỉnh nguyên tắc ăn uống và sinh hoạt
- Chia nhỏ bữa ăn trong ngày: Một ngày mẹ nên ăn thành 5 - 6 bữa thay vì 3 bữa chính. Việc này giúp chia nhỏ lượng thức ăn để tránh gây áp lực lên hệ tiêu hóa, từ đó hạn chế đầy hơi, chướng bụng.
- Ưu tiên đồ ăn mềm: Nên chọn các thức ăn lỏng, mềm như cháo, súp,... để dễ tiêu hóa.
- Ăn chậm, nhai kỹ: Việc ăn quá nhanh sẽ khiến không khí đi kèm thức ăn dẫn đến đầy hơi. Vì vậy, mẹ cần nhai từ từ và kỹ càng để hạn chế lượng khí và giúp thức ăn tiêu hóa tốt hơn.
- Tránh stress, căng thẳng ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.
- Không nằm ngay sau khi ăn: Mẹ bầu được khuyến khích đi lại nhẹ nhàng để kích thích tiêu hóa. Nếu nằm ngay sau bữa ăn sẽ ảnh hưởng đến chức năng co bóp của dạ dày làm thức ăn không được tiêu hóa tốt từ đó bị ứ đọng làm đầy bụng.
Bên cạnh đó, mẹ bầu cũng nên tránh sử dụng các loại thức ăn sau:
- Đồ ăn lên men: Cà muối, củ cải muối, dưa chua muối, cà muối, hành muối,… làm tăng axit trong dạ dày, thực phẩm kích thích khiến chứng đầy bụng nặng hơn.
- Thức ăn nhanh, đồ chiên xào nhiều dầu mỡ.
- Các thực phẩm dễ gây sinh khí làm đầy hơi như: Đậu, bông cải xanh, bắp cải, hành,…
- Đường tinh luyện.
- Đồ uống nhiều ga, nhiều đường: Nước ngọt, nước tăng lực,…
Bị đầy bụng khi mang thai 3 tháng đầu nhìn chung không phải là tình trạng nguy hiểm đến sức khỏe nhưng lại khiến cơ thể cảm thấy mệt mỏi, khó chịu. Vì vậy, việc duy trì một chế độ và thói quen ăn uống khoa học là điều cần thiết để mẹ bầu phòng tránh hiện tượng này, mang đến một thai kỳ khỏe mạnh.
Xem thêm:
- Hiện tượng gò tử cung khi mang thai 3 tháng đầu có nguy hiểm không?
- Bị trĩ khi mang thai nguy hiểm không? Có cần phẫu thuật không?