Co giật là triệu chứng nhất thời xảy ra do sự bất thường ở não bộ làm kích thích nhóm tế bào thần kinh vỏ não cùng một lúc gây phóng điện đột ngột, không thể kiểm soát kịp gây ra những cơn co giật. Có nhiều nguyên nhân gây nên triệu chứng co giật. Vậy các bệnh lý co giật gồm những loại nào? Bài viết sẽ giúp bạn đọc tìm ra câu trả lời.
1. Co giật là gì?
Co giật là một triệu chứng của động kinh gây ra cho một hoặc toàn bộ cơ thể. Co giật xảy ra khi sóng điện não hoạt động bất thường hoặc rất đột ngột khiến cơ bắp co cứng, người bệnh bị mất ý thức tạm thời, không kiểm soát được hành vi của mình. Tình trạng co giật sẽ biến mất sau một khoảng thời gian, người bệnh sẽ trở lại tỉnh táo và không nhớ gì về trạng thái trước đó.
Tuy nhiên, co giật vẫn có thể tái phát lại khi lên cơn, vì vậy, cần biết nguyên nhân khiến co giật từ đâu để điều trị kịp thời, tránh gây ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như hoạt động thường ngày.
2. Triệu chứng khi lên cơn co giật
Trước khi lên cơn co giật, người bệnh sẽ thấy chóng mặt, ảo giác, giác quan thấy thay đổi, cơ bắp co thắt dữ dội, đi kèm theo đó là các triệu chứng:
- Không kiểm soát được hành vi, có thể tiểu tiện.
- Nghiến răng, cắn chặt răng, rất dễ cắn vào má trong hoặc cắn lưỡi.
- Khó thở, da xanh.
- Sau khi hết cơn co giật, người bệnh sẽ không nhớ mình đã bị co giật, ngoài ra còn có thể bị đau đầu, cơ thể nhức mỏi, lú lẫn tạm thời,...
3. Các bệnh lý co giật gồm những loại nào?
Có nhiều loại bệnh lý gây ra triệu chứng co giật, trong đó chủ yếu được chia thành 3 loại:
Co giật động kinh
Đây là bệnh não mãn tính, có thể đe dọa tới tính mạng, không liên quan tới yếu tố do căng thẳng, stress,... Người bệnh xuất hiện cơn co giật tự phát, có thể co giật liên tục hoặc co giật nhiều lần, tái diễn từ 2 lần trở lên, cách nhau trên 24 tiếng đồng hồ, không hồi phục được ý thức trong thời gian khoảng 5 phút trở lên.
Có nhiều nguyên nhân gây nên bệnh động kinh, trong đó chủ yếu do:
- Từng phẫu thuật liên quan tới não, có khối u,...
- Từng chấn thương, va đập mạnh ở đầu.
- Sử dụng chất kích thích nhiều, nghiện rượu nặng,...
- Đột quỵ
Người bệnh sẽ phải điều trị bằng thuốc lâu dài để hạn chế tình trạng lên cơn động kinh co giật xảy ra.
Co giật toàn thể gặp ở người trưởng thành
Người bệnh xuất hiện trạng thái co giật, co cứng toàn cơ thể, đi kèm đó là mất ý thức, tình trạng co giật lặp lại sau đó. Hầu hết các trường hợp co giật toàn thân đều có thể tự trở lại trạng thái bình thường mà không cần phải can thiệp.
Co giật do sốt
Co giật do sốt (co giật không động kinh) thường xuất hiện ở trẻ nhỏ khi bị sốt cao ở độ tuổi từ 6-36 tháng tuổi.
Phần lớn cơn co giật do sốt là đơn thuần, xảy ra khi trẻ nhiễm vi khuẩn, virus, nhiệt độ cơ thể >38 độ. Tình trạng này cũng có thể xảy ra sau khi trẻ được tiêm chủng vacxin phòng chống sởi, quai bị hay rubella. Yếu tố di truyền cũng là nguyên nhân lớn khiến bé bị sốt co giật nhiều lần.
Trẻ em bị sốt cao do cơ thể phản ứng nhanh với tác nhân gây bệnh, tuy nhiên, cha mẹ không cần quá lo lắng bởi khả năng hồi phục cũng rất nhanh.
Khi trẻ sốt thường đi kèm với triệu chứng chán ăn, khóc, quấy, thở nhanh,... nếu kịp thời cho uống thuốc hạ sốt và chườm mát, cơ thể trẻ sẽ giảm sốt nhanh. Nếu để tình trạng sốt cao lâu trẻ rất dễ có nguy cơ bị co giật.
Dựa theo thời gian co giật do sốt, người ta chia thành 2 loại:
- Co giật do sốt ở trẻ là đơn thuần nếu tình trạng co giật kéo dài thấp hơn 15 phút và không có tính chất khu trú.
- Cơn co giật do sốt phức tạp khi kéo dài trên 15 phút liên tục hoặc dừng lại tạm thời, có tính chất khu trú, lặp lại trạng thái co giật trong vòng 24 giờ đồng hồ.
Co giật do sốt ở trẻ là một biến chứng hay gặp, trẻ sẽ bị mất ý thức tạm thời, thiếu oxy não. Sốt cao do co giật thường ít để lại di chứng, tuy nhiên, nếu cơn co giật kéo dài trên 5 phút mà không kịp thời xử trí, sẽ gây biến chứng lâu dài về sau cho trẻ.
4. Phòng ngừa tái phát co giật
Nếu bị co giật do bệnh lý động kinh, người bệnh cần chú ý:
- Uống thuốc đúng theo chỉ định, kê đơn của bác sĩ.
- Khi lên cơn co giật, người thân nên chú ý đặt người bệnh ở tư thế nghiêng người, kê gối dưới đầu loại bỏ kim loại, những đồ vật có thể gây tổn thương, dùng đồ vật thích hợp kẹp vào giữa hàm răng để tránh người bệnh cắn vào lưỡi, nới lỏng quần áo đang mặc,...
- Nếu tình trạng khó thở, không tỉnh táo sau khi hết cơn co giật vẫn diễn ra, tốt nhất nên đưa người bệnh tới bệnh viện để được kiểm tra kịp thời.
- Đối với bệnh lý co giật do sốt ở trẻ em, cha mẹ có thể sử dụng thuốc để hạ sốt cho trẻ, tuy nhiên cần theo dõi hành vi cơ thể trẻ có đáp ứng thuốc không, nếu cơ thể vẫn chưa hạ nhiệt, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ tới các cơ sở y tế gần nhất để được kịp thời kiểm tra, khám, tìm ra nguyên nhân để điều trị kịp thời, tránh nguy cơ xảy ra co giật.
- Tái khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: bvnguyentriphuong.com.vn, benhvien108.vn, msdmanuals.com