Nếu bạn xảy ra tình trạng choáng, mất thăng bằng, nói đớ… thoáng qua sau đó tự hết thì xin đừng chủ quan. Đó là cơn thiếu máu não thoáng qua, báo hiệu cơn đột quỵ sẽ đến tìm bạn trong tương lai gần.
Điều quan trọng là: Làm sao để phân biệt những dấu hiệu của cơn thiếu máu não thoáng qua với các bệnh lý khác, và các phương án điều trị dự phòng tình trạng này?
TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TPHCM, Giám đốc Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ S.I.S sẽ giúp khán thính giả giải tỏa nỗi lo âu này trong chương trình: “Dấu hiệu xây xẩm, chóng mặt, tê yếu tay chân của cơn thiếu máu não thoáng qua - cảnh giác đột quỵ chớ lơ là!“
I. Cơn thiếu mãu náo thoáng qua là gì?
1. Thưa TS.BS Trần Chí Cường, thiếu mãu náo thoáng qua là gì? Sự khác biệt giữa cơn thiếu máu não thoáng qua và đột quỵ?
TS.BS Trần Chí Cường:
Thiếu máu não thoáng qua được viết tắt trong tiếng Anh là (TIA). Quan niệm về thiếu máu não thoáng qua trong thời gian gần đây không còn đơn thuần là hiện tượng thoáng qua nữa. “Thoáng qua” chính là những gì chúng ta không cần quan tâm nữa. Ngày nay, quan niệm đó đang dần thay đổi.
Cơn thiếu máu não thoáng qua được cảnh báo là cơn đột quỵ nhẹ. Người ta cảnh báo vấn đề này nhiều: dấu hiệu đột quỵ nhẹ và dấu hiệu đột quỵ sớm đều là một.
Thiếu máu não thoáng qua được miêu tả qua các triệu chứng chóng mặt và yếu tay chân. Cơn chóng mặt này sẽ kèm theo các yếu tố điển hình như tê yếu tay chân nửa bên cơ thể, liên quan đến giọng nói đớ (không còn kiểm soát được giọng nói của mình được nữa).
Có rất nhiều trường hợp điển hình: bệnh nhân vào bệnh viện khai với bác sĩ mình đang nói chuyện bình thường nhưng sau đó rồi bị nói đớ, hoặc họ gọi tên một người đồng nghiệp bỗng dưng bị sai tên.
Cơn chóng mặt này sẽ kèm theo cơn mất ý thức choáng qua. Tức là ta đang kiểm soát cơ thể một cách bình thường nhưng rồi ta té ngã, mất ý thức. Có người đang đi ngoài đường rồi bỗng dưng té quỵ chỉ trong vòng 10 giây thôi, rồi họ phục hồi trở lại khoảng vài giây sau đó.
Có những người không nói với bác sĩ là bị yếu tay, yếu chân nhưng kể lại rằng họ đang ăn cơm bình thường, bỗng dưng rớt đũa rồi rớt chén, hoặc một người đang cầm viết bình thường, thình lình viết nguệch ngoạc, chữ rất xấu, không kiểm soát được tay của mình. Đó là dấu hiệu điển hình của cơn thiếu máu não vừa thoáng qua.
Chóng mặt và xây xẩm là một cách nói chung chung. Có một số bệnh nhân bị tối sầm mắt, cơ thể giống như căn phòng bị cúp điện đột ngột, sau đó tự động có điện trở lại, mắt nhìn thấy trở lại. Đây cũng là dấu hiệu điển hình của cơn thiếu máu não thoáng qua.
Nếu ai đó có 3-4 dấu hiệu cộng lại của cơn thiếu máu não thoáng qua điển hình, chúng ta có thể khẳng định rằng đó là dấu hiệu của tiền đột quỵ, sắp đi vào giai đoạn đột quỵ chứ không phải thoáng qua.
II. Những ai xảy ra cơn thiếu máu não thoáng có chắc chắn sẽ bị đột quỵ?
2. Có phải những ai xảy ra cơn thiếu máu não thoáng qua cũng có nguy cơ bị đột quỵ trong tương lai? Sau khi xảy ra tình trạng này bao lâu thì sẽ có một cơn đột quỵ thực sự?
TS.BS Trần Chí Cường:
Với quan điểm về cơn thiếu máu não thoáng qua trước đây, mọi người nghĩ rằng đó là điều bình thường, nó chỉ lành tính thôi rồi sau phục hồi. Tuy nhiên thống kê sau này cho thấy 80% những trường hợp bệnh nhân có cơn thiếu máu não thoáng qua sẽ trở thành đột quỵ thực sự trong vòng khoảng 6 tháng (trong vòng 6 tháng, nếu 100 người có dấu hiệu của cơn thiếu máu não thoáng qua điển hình thì sẽ có 80 người rơi vào tình trạng đột quỵ thực sự). Đó là con số khổng lồ.
Có những trường hợp các bác sĩ tiếp nhận các bệnh nhân bị thoáng qua, nhưng hôm sau họ đột quỵ nặng. Họ sẽ đưa ra thống kê trong khoảng thời gian chưa đến 6 tháng.
Bệnh nhân đột quỵ tùy theo nguyên nhân gây ra cơn thiếu máu não thoáng qua. Ví dụ như bị nghẹt mạch máu 90%, nó không kéo dài 6 tháng mà trong vài giờ bệnh nhân sẽ rơi vào cơn thiếu máu não thực sự, sau đó họ đột quỵ, nặng hơn là diễn tiến đến hôn mê.
Vì vậy, đừng bao giờ sử dụng cụm từ “thiếu máu não thoáng qua” như trước đây. Ta sẽ chuyển qua chữ tiền đột quỵ hoặc là đột quỵ nhẹ để mọi người nhận thức rõ đột quỵ nhẹ có thể trở thành đột quỵ nặng.
III. Làm sao để phân biệt cơn thiếu máu não thoáng qua với bệnh lý khác?
3. Nhiều người thường nhầm lẫn cơn thiếu máu não thoáng qua với một khái niệm khác là đột quỵ giả. Xin hỏi bác sĩ, 2 tình trạng này có phải là một không?
TS.BS Trần Chí Cường:
Để phân biệt chính xác, chúng ta cần phải đi đến bệnh viện để bác sĩ chuyên khoa khám, đánh giá. Ở góc nhìn cộng đồng, chúng ta có thể có được những phân loại ban đầu như thế này: khi chỉ xảy ra một triệu chứng đơn độc thì không nói đó là đột quỵ.
Chẳng hạn nếu như triệu chứng đó là chóng mặt, đối với những ai tìm được nguyên nhân gây chóng mặt, ví dụ say tàu xe, uống rượu bia quá nhiều, mất ngủ nhiều… sẽ dẫn đến rối loạn chức năng thăng bằng làm cho chúng ta chóng mặt. Đây chỉ là chóng mặt đơn thuần thôi, bệnh nhân nên nằm nghỉ.
Cũng có nhiều trường hợp, bệnh nhân bị chóng mặt kèm theo cơn ói. Khi ta nhắm mắt lại sẽ cảm thấy đỡ còn nếu mở mắt ra thì chúng ta thấy căn nhà xoay tròn, kèm nôn mửa nhiều, đó là triệu chứng của rối loạn tiền đình.
Rất nhiều bệnh nhân cũng ngộ nhận một trường hợp thiếu máu não thoáng qua hay đột quỵ nhẹ, họ tưởng là rối loạn tiền đình. Do đó, nôn ói (không yếu tay chân, nói đơ, mất cảm giác nửa người) chính là rối loạn tiền đình đơn thuần.
Nếu như chóng mặt, nôn ói kèm theo tê yếu tay chân, nói đớ, mặt méo câu chuyện hoàn toàn khác. Đó không phải rối loạn tiền đình, đó là hiện tượng đột quỵ đáng quan tâm, chúng ta cần đưa người đó đi bệnh viện ngay.
Còn với hiện tượng đột nhiên viết chữ xấu,bản thân người bệnh sẽ cảm nhận điều đó, rằng họ có cố ý viết chữ xấu đi hay không? Bởi vì có trường hợp người khác nhìn vào, thấy người đó bất chợt viết chữ xấu, sợ rằng người đó đột quỵ, nhưng thực ra người đó chủ động viết như vậy. Cho nên, ta cần phải loại trừ tình huống này.
Làm rớt đồ chưa chắc đã là triệu chứng thiếu máu não. Hiện tượng rớt đồ đạc có thể xảy ra trong lúc chúng ta đang quá tập trung vào việc khác cùng lúc nên bị lơ là việc cầm nắm. Do đó, cần xem kỹ việc làm rớt đồ có kèm yếu tay chân, yếu nửa người, nói khó… hay không thì mới xác định đây là dấu hiệu cảnh báo đột quỵ.
Giả sử như chúng ta cố tình đánh rơi, đó không phải là thiếu máu não, có nghĩa là người đó đang cố gắng kiểm soát hành vi của mình. Tuy nhiên nếu có chủ ý nhưng không thực hiện được hành động như mong muốn: cố gắng cầm đũa ăn cơm, nhưng càng cố gắng thì càng thất bại (đũa càng rớt). Có người cố đứng vững nhưng lại loạng choạng. Đó là dấu hiệu điển hình của cơn thiếu máu não thoáng qua.
Việc này có chủ ý, có cố gắng hay không, chính bệnh nhân đó sẽ cảm nhận được. Vậy người ngoài kiểm tra bằng cách nào? Khi chúng ta nắm tay người đó, chắc chắn một bên sẽ yếu nếu như người đó đột quỵ. Nếu như chúng ta bắt tay người vừa làm rơi chén hay đũa, chúng ta phần nào xem xét được việc đó đúng là đột quỵ hay không.
Nếu ai đó xòe tay hoặc nắm tay không chắc khi chúng ta so sánh hai bên, người đó đã rơi vào tình trạng đột quỵ nhẹ, không còn là triệu chứng thoáng qua nữa.
IV. Cần làm gì khi gặp một người bị cơn thiếu máu não thoáng qua?
4. Vậy khi gặp một bệnh nhân mắc các triệu chứng của cơn thiếu máu não thoáng qua, người thân hoặc những người xung quanh nên xử trí như thế nào? Nên và không nên làm gì ạ?
TS.BS Trần Chí Cường:
Khi ta phát hiện một ai đó bị đột quỵ nhẹ, chúng ta cần đưa người đó tìm một chỗ nghỉ ngơi. Sơ cứu ban đầu là việc của nhân viên y tế, sẽ tiến hành đo huyết áp, hỏi người đó họ cảm thấy trong người như thế nào, sau đó ta sẽ kiểm tra thuốc men mà người đó đang sử dụng.
Ta cần xem người đó có bệnh nền quan trọng hay không. Ví dụ như người đó đang uống thuốc bệnh tiểu đường, hôm nay không uống thuốc. Một người đang điều trị huyết áp không uống thuốc mấy ngày nay. Một người điều trị bệnh tim, ngày hôm nay cũng không dùng thuốc hay bệnh trở nặng bây giờ…
Để có được nhận định cơ bản về tình trạng sức khỏe của người đó, cần đưa người đó đến bệnh viện đột quỵ gần nhất hoặc bệnh viện nào tuyến tỉnh (gần nhất có thể). Chúng ta không nên để bệnh nhân quá lâu ở y tế địa phương cũng như tuyến huyện tuyến xã không có máy chụp CT (không có điều kiện để làm những công nghệ lâm sàng cao cấp để chẩn đoán đột quỵ), điều này rất nguy hiểm đối với bệnh nhân. Chúng ta có thể đánh mất khoảng thời gian vàng để cứu chữa một cách tốt nhất.
V. Bệnh nhân bị thiếu máu não thoáng qua sẽ được bác sĩ kiểm tra những gì? Điều trị ra sao?
5. Khi đưa vào bệnh viện, bệnh nhân bị thiếu máu não thoáng qua sẽ được bác sĩ kiểm tra những gì? Điều trị ra sao? Sau khi xuất viện, những người này sẽ dùng thuốc trong một khoảng thời gian nhất định, hay phải uống suốt đời, thưa BS?
TS.BS Trần Chí Cường:
Đối với trường hợp đột quỵ nhẹ khi vào phòng cấp cứu, các bác sĩ sẽ chẩn đoán rất nhanh. Chỉ trong vòng 3 phút, ta phải trả lời được người đó có dấu hiệu đột quỵ thực sự hay không. Đối với những phương tiện chẩn đoán hình ảnh, chụp CT, MRI, việc chẩn đoán bệnh nhân khá đơn giản. Sau đó bác sĩ sẽ cho bệnh nhân làm xét nghiệm ngay lập tức chẳng hạn như siêu âm tim, đo điện tim, xét nghiệm máu…
Tại Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ, bệnh nhân được chụp MRI 3 Tesla, trong vòng 15 phút, ta sẽ xem bệnh nhân có bị tắc nghẽn mạch máu, nhồi máu cơ tim cấp, xuất huyết não hay không…
Tùy theo nguyên nhân, ta sẽ có chiến lược điều trị cho các bệnh nhân. Nếu chúng ta phát hiện ra bệnh nhân này bị tắc nghẽn mạch máu não, việc tiêm thuốc tan cục máu đông sẽ được thực hiện trong 4.5 giờ đầu. Điều nguy hiểm là khá nhiều người hiểu lầm về “thời gian vàng” cấp cứu đột quỵ rằng đột quỵ rồi ta cứ thong thả, đúng 4.5 giờ rồi mới chữa. Suy nghĩ này hết sức sai lầm. 4.5 giờ là giới hạn dài nhất, đây là giới hạn cuối cùng của lằn ranh. Nếu đã là 5 giờ đồng hồ thì chúng tôi sẽ không tiêm thuốc tan máu đông nữa.
Cần nhớ rằng nếu chúng ta tiết kiệm 1 phút, bệnh nhân sẽ tiết kiệm được 2 triệu tế bào thần kinh. Nếu chúng ta chần chừ, nó sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ và để lại di chứng nặng nề.
Giả sử như bệnh nhân có dấu hiệu đột quỵ nhẹ, nếu chỉ là cơn tăng huyết áp đột biến hoặc một mãng xơ vữa (một bong tróc do rối loạn nhịp tim), chúng ta sẽ tìm ra. Nếu không có vấn đề gì để điều trị khẩn cấp, không cần can thiệp gì thì cũng phải kiểm tra lại những yếu tố, nguy cơ và bệnh nền để có thể được điều trị lâu dài, nhằm phòng tránh căn bệnh tái phát.
VI. Người từng bị thiếu máu não thoáng qua, nên tầm soát đột quỵ bao lâu một lần?
6. Với những người từng bị thiếu máu não thoáng qua, nên tầm soát đột quỵ bao lâu một lần? Nếu không đủ điều kiện để tầm soát trọn gói thì xét nghiệm nào là cần thiết nhất?
Đối với những ai có cơn đột quỵ nhẹ như được nêu trên, bệnh nhân cần phải được tầm soát ít nhất một lần bằng những xét nghiệm cơ bản. Đây là những xét nghiệm không quá tốn kém đối với các bệnh nhân: Đường huyết, ion máu, siêu âm tim, đo điện tim, đo huyết áp và chụp X-quang phổi… là những xét nghiệm thường quy.
Nếu như bệnh nhân có điều kiện, có thể chụp phim cộng hưởng từ (MRI 1.5 Tesla, MRI 3 Tesla) để khảo sát mạch máu não. MRI 3 Tesla là xét nghiệm hoàn toàn không xâm lấn và chính xác nhằm để đánh giá bệnh nhân có bị phình, hẹp hoặc tắc nghẽn mạch máu hay không. Trước đây, việc tầm soát này là không thể. Ngày nay, tại Việt Nam chúng ta đã có thể xem rõ được những mạch máu não của mình.
Sau khi tầm soát, chúng ta có mức độ mạch máu hẹp từ 90% trở lên, chúng ta sẽ điều trị bằng công nghệ ít xâm lấn như can thiệp đặt stent, nong mạch máu, hoặc những biện pháp kiểm soát đặc biệt. Nếu mạch máu chỉ hẹp nhẹ dưới 50%, chúng ta có thể kiểm soát bằng thuốc uống. Đặc biệt là phải từ giã thuốc lá, rượu bia và tăng cường tập thể dục. Những phương pháp này có thể cải thiện sức khỏe của chúng ta, việc đó hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí và nghị lực của bệnh nhân.
Những trường hợp sau khi tầm soát có kết quả ta khỏe mạnh bình thường thì 5-10 năm mới cần phải chụp lại. Lúc này, chúng ta khá an tâm hơn về sức khỏe của mình, tuy nhiên như vậy không có nghĩa là về nhà sẽ rượu bia, thuốc lá thả ga.
Với những người có nguy cơ đột quỵ, bác sĩ sẽ cho liệu trình theo dõi một cách phù hợp. Có thể trong vòng 3 tháng, 6 tháng, 1 năm họ cần phải kiểm tra lại, thời gian lâu hay mau phụ thuộc vào tình trạng của bệnh nhân. Bệnh nhân có những triệu chứng nhẹ sẽ kiểm tra lại nếu cơ thể ta có những rối loạn bất thường hoặc định kỳ.
VII. Cách phòng ngừa thiếu máu não thoáng qua
7. Và cuối chương trình, nhờ BS hướng dẫn cách phòng ngừa thiếu máu não thoáng qua ạ?
Không thể phòng ngừa hay ngăn chặn đột quỵ hoàn toàn, bởi đột quỵ còn liên quan đến nhiều yếu tố. Đặc biệt là những người 80, 90 tuổi, hệ mạch máu đang ở giai đoạn lão hóa cuối cùng, rất khó để kéo về tuổi 20. Chúng ta rất khó lòng thay đổi từ nguy cơ cao, rất cao thành thấp.
Nhưng một điều tuyệt vời chính là việc đẩy lùi được những yếu tố nguy cơ do những hoạt động sai lầm, ý thức kém, do chúng ta gây ra. Hãy từ giã thuốc lá, rượu bia! Nên tập thể dục thường xuyên, tăng cường lối sống lành mạnh, ăn uống những thực phẩm sạch, kiểm soát cân nặng nhằm tránh thừa cân béo phì, kiểm tra đường huyết và huyết áp thường xuyên. Những yếu tố đó cũng giúp chúng ta giảm nguy cơ đột quỵ.
Nếu đã xảy ra tai biến hay bị đột quỵ nhẹ, chúng ta cần phải đi tầm soát ngay để ước chừng được nguy cơ của chúng ta đến đâu và ta sẽ điều trị với mức độ phù hợp.
Đôi khi ý thức cũng đã giúp cho bệnh nhân có được cuộc sống tốt đẹp, kết hợp với sự tiến bộ của thuốc và công nghệ điều trị, chúng ta có thể kiểm soát được bệnh tật một cách tốt nhất có thể so với trước đây.Chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề Dấu hiệu xây xẩm, chóng mặt, tê yếu tay chân của cơn thiếu máu não thoáng qua - cảnh giác đột quỵ chớ lơ là! xin được khép lại tại đây. Trân trọng cảm ơn TS.BS Trần Chí Cường và Thực phẩm bảo vệ sức khỏe ngừa tai biến, đột quỵ Nattoenzym - Dược Hậu Giang đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này.
Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi.com