Đau đầu là một bệnh rất thường gặp trong cuộc sống. Tuy nhiên, nó có thể dẫn đến những tác hại nguy hiểm hơn nhiều so với đa số mọi người tưởng tượng. Hãy cùng tìm hiểu về nguyên nhân cũng như cách điều trị và phòng ngừa căn bệnh này nhé!
1Bệnh đau đầu là gì?
Bệnh đau đầu (hay còn gọi là nhức đầu) chỉ những cơn đau xuất hiện tại vùng đầu và mặt. Người ta chia bệnh đau đầu ra thành nhiều nhóm khác nhau, tuỳ thuộc vào mức độ đau, vị trí, tần suất. Nhưng nhìn chung, bệnh đau đầu có thể chia làm 2 nhóm: đau đầu nguyên phát và đau đầu thứ phát.[1]
Đau đầu là căn bệnh phổ biến và rất hay gặp trong cuộc sống
2Triệu chứng của bệnh đau đầu
Có đến hơn 150 loại đau đầu được phân vào các nhóm khác nhau, mỗi loại sẽ có các triệu chứng riêng biệt. Sau đây là triệu chứng tiêu biểu của một số bệnh đau đầu phổ biến.[2], [3]
Đau đầu nguyên phát
Đau đầu nguyên phát xuất hiện do các vấn đề liên quan đến cấu trúc đầu và cổ, không phải triệu chứng gây ra bởi những bệnh lý tiềm tàng. Đau đầu nguyên phát bao gồm:
- Đau đầu do căng thẳng: là loại đau đầu rất phổ biến ở người lớn và trẻ vị thành niên, gây ra các đơn đau nhẹ đến vừa và biến mất sau một thời gian.
- Vị trí đau thường là phía trên trán và thái dương ở cả 2 bên và đau tăng khi cúi đầu hoặc lên cầu thang. Đau đầu do căng thẳng đáp ứng với các thuốc giảm đau không kê đơn và không kèm theo triệu chứng nào khác.
- Đau nửa đầu: Chứng đau nửa đầu hay còn gọi là đau đầu Migraine biểu hiện bằng những cơn đau nhói dữ dội ở một bên đầu. Cơn đau có thể kéo dài từ 4 giờ hoặc thậm chí kéo dài đến 3 ngày. Các triệu chứng đi kèm là buồn nôn, nôn, đau bụng, nhạy cảm với ánh sáng và mùi hương.
- Đau đầu cụm: Đau đầu cụm còn có tên khác là đau đầu chùm hoặc đau đầu Cluster, là loại đau đầu nguyên phát nghiêm trọng nhất xuất hiện theo từng nhóm hoặc từng cụm ở vùng quanh 1 bên ổ mắt và thái dương.
- Cơn đau dữ dội kèm nhói liên tục xảy ra với tần suất liên tục khoảng 1 - 8 lần/ngày, mỗi lần khoảng 30-90 giây và kéo dài từ 2 tuần cho đến 3 tháng.
- Đau đầu dai dẳng hằng ngày thể mới: Những cơn đau đầu xuất hiện đột ngột và kéo dài hơn 3 tháng. Vị trí của cơn đau nằm ở 2 bên đầu, liên tục, bền bỉ, không thuyên giảm. Loại đau đầu này không đáp ứng với thuốc và thường xuất hiện ở những người chưa từng có tiền sử bị đau đầu thường xuyên.
Các triệu chứng của một số bệnh đau đầu nguyên phát thường gặp
Đau đầu thứ phát
Đau đầu thứ phát có thể được coi là triệu chứng hoặc dấu hiệu của một bệnh lý khác trong cơ thể. Đau đầu thứ phát bao gồm:
- Đau đầu do lạm dụng thuốc: Cơn đau đầu thường xuất hiện vào buổi sáng ở những bệnh nhân lạm dụng thuốc giảm đau, thường là để điều trị triệu chứng đau đầu. Vậy nên có thể gọi loại đau đầu loại này là đau đầu hồi ứng. Đau đầu do lạm dụng thuốc có thể dẫn đến buồn nôn, giảm trí nhớ, kém tập trung.
- Đau đầu do viêm xoang: là những cơn đau sâu, liên tục tại vùng gò má và trán. Đau đầu do viêm xoang là hậu quả của nhiễm trùng xoang và thường kèm theo sốt, sưng mặt, có dịch nhầy. Cơn đau sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi cử động.
- Đau đầu như sét đánh: là một cơn đau cực kỳ dữ dội xảy ra đột ngột, kéo dài trong khoảng 1-5 phút. Những cơn đau đầu như sấm sét này có thể là dấu hiệu của những bệnh lý nghiêm trọng như chấn thương vùng đầu, viêm màng não, tai biến mạch máu não.
Các triệu chứng của một số bệnh đau đầu thứ phát thường gặp
3Nguyên nhân gây ra bệnh đau đầu
Đau đầu nói chung thường xảy ra do tương tác giữa não, mạch máu và các dây thần kinh xung quanh. Tác nhân gây đau đầu sẽ kích hoạt các dây thần kinh gửi tín hiệu đến não, từ đó gây ra cảm giác đau.
Nguyên nhân gây ra bệnh đau đầu còn phụ thuộc vào từng loại bệnh, nhưng chủ yếu đến từ các yếu tố như bệnh tật, sử dụng thuốc, chế độ ăn uống và sinh hoạt, môi trường xung quanh hoặc các yếu tố di truyền.
Bệnh tật
Các bệnh thường gặp như nhiễm trùng, cảm lạnh, viêm xoang có thể dẫn đến các cơn đau đầu khác nhau.
Trong một số trường hợp, đau đầu có thể xuất hiện sau các chấn thương về mặt tâm lý hoặc vật lý tại vùng đầu, mặt và cổ.
Bệnh tật cũng là nguyên nhân dẫn đến đau đầu thứ phát, đặc biệt là các bệnh lý về sọ như u não, xuất huyết não, viêm màng não.
Các bệnh lý về sọ thường là nguyên nhân dẫn đến các cơn đau đầu thứ phát
Các vấn đề về mắt
Ở những người có tật về mắt (cận thị, viễn thị, loạn thị), bệnh đau đầu có thể xuất hiện khi họ cố gắng nheo mắt và căng các cơ xung quanh khi tập trung quan sát. Các bệnh lý về mắt như tăng nhãn áp cũng thường gây ra các cơn đau đầu.
Các vấn đề liên quan đến mắt cũng rất dễ gây ra bệnh đau đầu
Thuốc
Việc sử dụng thuốc để điều trị bệnh lý có thể gây ra các tác dụng không mong muốn và phản ứng bất lợi trên cơ thể.
Một trong số những tác dụng không mong muốn thường gặp là đau đầu. Điều này xuất hiện ở nhiều loại thuốc khác nhau, kể cả thuốc kê đơn và không kê đơn, hay thậm chí là các loại vitamin và khoáng chất.
Các loại thuốc thường gây ra bệnh đau đầu nếu không sử dụng theo đúng chỉ dẫn là thuốc giảm đau, hormone, nitrat, cafein, thuốc ức chế bơm proton.
Nhiều loại thuốc cũng là nguyên nhân gây ra bệnh đau đầu
Chế độ ăn uống
Một vài loại thực phẩm, đồ uống có nguy cơ gây ra những cơn đau tại vùng đầu, ví dụ như bột ngọt, trà, cà phê hay các chất phụ gia. Việc ăn những thức ăn mà bản thân dị ứng cũng có thể là nguyên nhân gây ra bệnh đau đầu.
Ăn quá nhiều bột ngọt rất dễ gây ra các cơn đau đầu
Chế độ sinh hoạt
Căng thẳng về mặt tâm lý và thể chất đều có thể gây ra đau đầu. Chẳng hạn như stress, sử dụng rượu bia và chất kích thích, thiếu ngủ hoặc mất ngủ.
Ngoài ra, việc vận động quá sức, vận động sai tư thế cũng góp phần dẫn đến các cơn đau.
Những căng thẳng về mặt tâm lý thường dẫn đến đau đầu
Môi trường xung quanh
Các cơn đau đầu có thể xuất hiện khi bạn sinh hoạt trong môi trường ô nhiễm, hít phải khói thuốc lá hay các mùi gây kích ứng mạnh từ hoá chất, nước hoa. Ô nhiễm tiếng ồn và ánh sáng cũng là một trong số những tác nhân gây đau đầu.
Bệnh đau đầu có thể xuất hiện khi làm việc quá lâu dưới ánh nắng gay gắt
Di truyền
Một số loại đau đầu có xu hướng di truyền, đặc biệt là chứng đau nửa đầu. Hầu hết những gia đình có cha mẹ hoặc người thân mắc chứng đau nửa đầu đều di truyền cho con cháu.
Chứng đau nửa đầu thường mang tính di truyền
4Biến chứng của bệnh đau đầu
Tuy hầu hết các cơn đau đầu đều ít nguy hiểm, nhưng vẫn có một số trường hợp đau đầu dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng.
Những cơn đau đầu kéo dài ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Chúng có thể khiến bệnh nhân mất ngủ, chán ăn, stress, suy giảm trí nhớ và dẫn đến những thay đổi bất thường khác của cơ thể.
Nguy hiểm hơn, một số cơn đau đầu còn có thể gây nên những biến chứng nặng nề như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, động kinh.[4]
Đau đầu có thể để lại những biến chứng nặng nề nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời
5Cách chẩn đoán phát hiện bệnh đau đầu
Đau đầu thường sẽ được chẩn đoán bằng triệu chứng lâm sàng thông qua việc thăm khám, trao đổi với bệnh nhân về tiền sử bệnh, vị trí, mức độ, tần suất cơn đau. Cụ thể là:[5], [6]
- Thời điểm bắt đầu cơn đau trong ngày.
- Cảm giác đau như thế nào?
- Vị trí cụ thể của cơn đau.
- Tần suất xảy ra cơn đau.
- Cơn đau kéo dài bao lâu?
- Những yếu tố làm tăng/giảm cơn đau (thức ăn, đồ uống, tư thế, thuốc,...).
- Thói quen ngủ và ăn uống của bệnh nhân.
- Tiền sử đau đầu và đặc điểm cơn đau trước đây.
- Có ai khác trong gia đình mắc bệnh đau đầu?
- Các triệu chứng kèm theo (sốt, tăng huyết áp, yếu cơ, mệt mỏi, chóng mặt, co giật, buồn nôn, nôn, suy giảm thị lực,...).
Ngoài ra bác sĩ cũng có thể chỉ định các xét nghiệm khác để góp phần chẩn đoán, chẳng hạn như đo điện não, chụp CT hoặc MRI.
Việc khai thác thông tin về tiền sử và các đặc điểm sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh đau đầu
6Khi nào cần gặp bác sĩ?
Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ
Khi có bất kỳ triệu chứng nào sau đây, hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức để chẩn đoán và chữa trị kịp thời:
- Cơn đau đầu đột ngột và dữ dội.
- Đau đầu kèm theo sốt, khó thở, cứng gáy, phát ban.
- Đau đầu sau khi chấn thương, tai nạn.
- Có một hoặc nhiều cơn đau đầu mỗi tuần, các cơn đau ngày càng trầm trọng và không biến mất.
- Đau đầu do hoạt động gắng sức hoặc đau đầu mỗi khi ho, khi cúi người.
- Đau đầu kèm theo các triệu chứng thần kinh như co giật, rối loạn hành vi, suy giảm thị lực, chóng mặt.
Nếu có thể, hãy cố gắng ghi nhớ các đặc điểm để cơn đau như vị trí, số lần, mức độ để thông báo với bác sĩ. Điều này sẽ giúp bác sĩ đưa ra những chẩn đoán chính xác và kế hoạch điều trị cụ thể.
Cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ nếu có các dấu hiệu đau đầu nghiêm trọng và kéo dài
Nơi khám chữa bệnh uy tín
Bệnh đau đầu là căn bệnh phổ biến và rất dễ bị bỏ qua vì tâm lý chủ quan của con người. Tuy nhiên nếu các dấu hiệu đau đầu trở nên nặng hơn, hãy đến thăm khám tại Khoa Thần kinh, Nội của các bệnh viện và phòng khám uy tín. Một số địa điểm mà bạn có thể tham khảo:
- Tp. HCM: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược, Bệnh viện Chuyên khoa Ngoại thần kinh quốc tế,...
- Hà Nội: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Đại học Y,...
7Cách điều trị bệnh đau đầu
Sau khi chẩn đoán, bác sĩ có thể chỉ định điều trị bệnh đau đầu của bạn bằng nhiều phương pháp khác nhau.
Không phải bệnh đau đầu nào cũng được điều trị bằng thuốc mà còn phụ thuộc vào nguyên nhân, từ đó lựa chọn một trong những cách như: kiểm soát stress, phản hồi sinh học, sử dụng thuốc hay điều trị nguyên nhân bệnh lý.[7], [8]
Kiểm soát stress
Việc kiểm soát stress giúp giảm áp lực lên hệ thần kinh và làm nhẹ các cơn đau đầu. Bạn có thể thực hiện việc này bằng một số phương pháp như:
- Mát-xa đầu, cổ và lưng
- Chườm nóng hoặc chườm lạnh lên đầu, cổ và phần vai gáy
- Tập hít thở sâu
- Nghỉ ngơi trong phòng tối và yên tĩnh
- Thực hiện các bài tập thể dục nhẹ nhàng, đi bộ
- Thiền hoặc châm cứu
- Sử dụng liệu pháp âm thanh và hình ảnh
Mát-xa là một cách hiệu quả giúp giảm stress và các cơn đau đầu
Liệu pháp phản hồi sinh học
Phản hồi sinh học một phương pháp điều trị không dùng thuốc, trong đó máy móc được sử dụng để đo và hiển thị các chỉ số sinh lý của cơ thể, chẳng hạn như nhịp tim, huyết áp và hoạt động của não.
Bằng cách theo dõi những thay đổi bất thường, bệnh nhân có thể học được cách kiểm soát và điều chỉnh cơ thể, giúp giảm thiểu các triệu chứng đau đầu.
Phương pháp phản hồi sinh học vẫn chưa phổ biến tại Việt Nam
Dùng thuốc
- Thuốc giảm đau không kê đơn: Nhiều loại đau đầu đáp ứng với các thuốc giảm đau không kê đơn, phổ biến là Paracetamol và Aspirin.
- Bạn có thể sử dụng các loại thuốc này để điều trị các cơn đau đầu từ nhẹ tới vừa tại nhà. Tuy nhiên, việc lạm dụng các thuốc giảm đau sẽ dẫn đến những cơn đau đầu hồi ứng mới. Vì vậy, cần lưu ý sử dụng đúng liều lượng quy định.
- Đối với người lớn, liều uống thông thường của Paracetamol là 500-1000mg/lần, 4-6 lần/ngày, tối đa 4g/ngày.
- Liều uống thông thường của Aspirin là 300-900mg/lần, 4-6 lần/ngày, tối đa 4g/ngày. Đối với trẻ em và người cao tuổi, nên tham khảo ý kiến bác sĩ về liều dùng để tránh gây tác dụng có hại lên gan và dạ dày.
- Thuốc kê đơn: Đối với những cơn đau đầu nghiêm trọng và kéo dài, bạn có thể được các bác sĩ kê thuốc theo toa. Chẳng hạn như Sumatriptan thường được chỉ định để chữa chứng đau nửa đầu.
- Một số loại thuốc khác như thuốc huyết áp, thuốc chống trầm cảm cũng có thể được sử dụng. Tuy nhiên, tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc khi chưa tham khảo ý kiến bác sĩ.
Paracetamol và Aspirin có thể được dùng để điều trị đau đầu tại nhà
Điều trị bệnh lý tiềm ẩn
Các cơn đau đầu thứ phát đều xuất phát từ những bệnh lý tiềm ẩn. Việc can thiệp và chữa trị tận gốc những bệnh lý này chính là cách tối ưu nhất để điều trị và ngăn ngừa tái phát các cơn đau.
Chữa trị tận gốc các bệnh lý tiềm ẩn để ngăn chặn cơn đau đầu
8Phương pháp phòng ngừa bệnh đau đầu
Để phòng ngừa bệnh đau đầu, bạn cần biết được nguyên nhân cũng như các yếu tố kích hoạt cơn đau. Tránh xa những tác nhân này chính là phương pháp phòng ngừa an toàn và hiệu quả nhất.
Ngoài ra, việc cải thiện lối sống lành mạnh và rèn luyện thể chất cũng góp phần quan trọng giúp hạn chế các bệnh đau đầu.
Phòng ngừa đau đầu nguyên phát
- Hạn chế tiếp xúc với các thức ăn, mùi hương hay loại thuốc khiến bạn đau đầu, đặc biệt là các thực phẩm chứa nhiều cafein.
- Dành thời gian thư giãn trong ngày, làm việc nơi đủ sáng, thông thoáng.
- Ngủ đủ giấc, sinh hoạt và làm việc đúng tư thế.
- Uống đủ nước, hạn chế bia rượu và các chất kích thích.
- Tập thể dục vừa phải, tốt nhất nên đi bộ.
- Thiền, châm cứu.
Cải thiện giấc ngủ cũng là một phương pháp giúp hạn chế việc đau đầu
Phòng ngừa đau đầu thứ phát
- Điều trị triệt để các bệnh lý gây nhức đầu.
- Không lạm dụng các thuốc và hoá chất, đặc biệt là thuốc giảm đau.
- Dự phòng đau đầu do xoang: Mặc ấm khi trời trở lạnh, tránh những nguyên nhân khởi phát xoang như hạt phấn, bụi bặm, khói thuốc...
Giữ ấm khi trời lạnh là một cách hiệu quả để dự phòng đau đầu do viêm xoang
Trên đây là một số thông tin về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh đau đầu. Hãy chia sẻ ngay cho người thân, bạn bè để nhận biết và hạn chế chủ quan trước một căn bệnh tưởng chừng đơn giản nhưng lại có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng này nhé!