Một năm học đặc biệt vừa kết thúc. Nói đặc biệt vì đây là năm học cả thầy và trò tất bật dạy, học trực tiếp, trực tuyến nên khá vất vả. Nhận được kết quả học tập của con không ít người phấn khởi vì điểm của con quá cao hoặc thất vọng vì điểm thi của con thấp hơn so với kỳ vọng.
Học sinh Trường THCS An Bình (TP.Biên Hòa) học nhóm trên lớp. Ảnh: Công NghĩaTuy nhiên, theo tôi, điểm số không phải là tất cả, nhất là trong thời điểm học xen kẽ giữa trực tuyến và trực tiếp như năm học vừa qua. Ngay cả khi con được điểm cao cũng không vội mừng. Vì thực tế có những học sinh, trong những năm học trước điểm không cao nhưng năm học này lại cao chót vót. Không ngoại trừ một số em nỗ lực vươn lên trong học tập nhưng cũng không ít em điểm cao đột ngột khiến cả lớp phải hoài nghi vì năng lực thực chất không đúng như vậy.
Một trong những nguyên nhân chính mà học sinh phải dùng mọi cách, thậm chí gian lận trong thi cử để đạt được điểm cao là áp lực từ cha mẹ. Không ít phụ huynh cứ thấy con điểm cao là hài lòng mà không cần biết thực lực con mình tới đâu để có hướng hỗ trợ con khắc phục hạn chế, lấy lại căn bản để học tốt hơn. Đây là điều vô cùng tác hại khiến con trẻ chỉ học vì điểm số ảo. Đến khi các em tham dự các kỳ thi quan trọng như: thi lên lớp 10, thi tốt nghiệp thì cha mẹ mới té ngửa vì điểm thi của con quá thấp. Lúc đó đã muộn.
Tôi vẫn còn nhớ chia sẻ bí quyết học giỏi của một học sinh Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh, thủ khoa Trường đại học Y dược TP.HCM đăng trên Báo Đồng Nai về việc đừng nhìn vào điểm số mà hãy học thực chất. Phương pháp học của học sinh này là không nhất thiết học thêm thầy cô dạy trên lớp. Em chỉ chọn học thêm vài môn cần học ở những thầy cô có phương pháp dạy hay, khuyến khích sự tự học hỏi, tìm tòi của học sinh.
Ngoài ra, em này còn tự lên mạng tìm các nhóm học do những giảng viên, sinh viên giỏi của các trường đại học lập ra để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm học tập, nắm thêm kiến thức và rèn làm các dạng đề thi. Với cách học như vậy, điểm số ở trong lớp của học sinh này có thể không cao chót vót như các bạn, nhưng khi thi học kỳ, thi tốt nghiệp THPT, thi đại học em lại đạt điểm cao. Điều quan trọng là em nắm được kiến thức các môn học rất vững, tự tin làm các bài thi một cách tốt nhất.
Việc giúp học sinh học tốt, đúng thực chất thực sự không khó nếu phụ huynh và giáo viên có sự phối hợp tốt và việc tổ chức thi cử chặt chẽ hơn. Đặc biệt, mỗi phụ huynh cần theo sát việc học của con em mình, không áp lực con về điểm số. Khuyến khích con trung thực trong học tập, thi cử. Đặc biệt, khi con bị điểm thấp cũng không tỏ ra thất vọng mà phải bình tĩnh xem lại môn học nào con học chưa tốt cần giúp con các phương pháp để vượt qua (cùng học với con, khuyến khích con tự học cùng bạn bè hoặc tìm hiểu trên internet, tìm giáo viên phù hợp để ôn lại kiến thức cho con…).
Việc cha mẹ đồng hành, hỗ trợ, thấu hiểu và chia sẻ với con mọi việc trong cuộc sống, ngay cả việc học hành, thi cử đóng vai trò cực kỳ quan trọng để giúp con trẻ thấy được những ưu, khuyết điểm của mình. Từ đó, giúp các con nỗ lực vượt qua bằng tinh thần tự giác, vui vẻ chứ không phải bằng sự áp lực và đối phó sẽ dẫn đến những ức chế, dễ phát sinh hành động tiêu cực mà cha mẹ không thể nào kiểm soát được.
Thu Uyên (TP.Biên Hòa)