Viêm gan B à một bệnh lý truyền nhiễm, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể gây ảnh hưởng đến chức năng gan, gây ra các bệnh lý nghiêm trọng như xơ gan, ung thư gan. Do đó, làm xét nghiệm viêm gan B để phát hiện và kiểm soát virus là điều hết sức cần thiết nhằm giúp cho quá trình điều trị đạt kết quả tốt.
Viêm gan B là căn bệnh có diễn biến khó lường, nếu không kiểm soát virus bệnh có khả năng gây ra những biến chứng nguy hiểm. Trên thực tế, rất nhiều người bệnh chưa hiểu rõ, hiểu đúng về định lượng virus viêm gan B, dẫn đến tình trạng điều trị sai phác đồ, không đạt được hiệu quả như mong đợi. Chính vì vậy, khi có chẩn đoán bị nhiễm virus viêm gan B, chúng ta cần nắm vững ý nghĩa các chỉ số nhằm hỗ trợ cho quá trình chữa bệnh hiệu quả, thuận lợi hơn.
Các chỉ số định lượng virus viêm gan B đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh và quyết định đến phác đồ điều trị
Theo các chuyên gia y tế, đối với người bệnh viêm gan B cần đặc biệt quan tâm tới những chỉ số sau:
- HBsAg: là kháng nguyên bề mặt kháng nguyên bề mặt của siêu vi B. Muốn biết cơ thể có mang virus viêm gan B hay không thì phải phụ thuộc vào kết luận của xét nghiệm HBsAg. Nếu HBsAg dương tính, có nghĩa là bạn đã mắc viêm gan virus B, nếu HBsAg âm tính, có nghĩa là bạn không bị viêm gan virus B.
- HBeAg: là kháng nguyên nội sinh của virus HBV, là một dạng protein do các HBV tiết ra. Nếu HBeAg dương tính, chứng tỏ bạn đang có nồng độ virus trong máu cao và rất dễ lây truyền cho người khác. Nếu HBeAg âm tính thì nồng độ virus trong máu thấp hoặc virus đang trong giai đoạn nằm yên, không nhân bản sao chép và nguy cơ lây nhiễm cho người khác thấp.
- HBV-DNA: là phần nhân của virus viêm gan B. Xét nghiệm HBV-DNA có ý nghĩa là xem trong máu có mang virus hoàn chỉnh (gồm nhân và vỏ) hay không. HBV-DNA phản ánh sự sao chép của virus và cho biết số lượng hạt virus tồn tại trong máu.
Trong đó, HBsAg là một trong những chỉ số quan trọng nhất mà bác sĩ dựa vào để đưa ra kết luận chính xác về khả năng mắc viêm gan của người bệnh. Do đó, xét nghiệm HBsAg là chỉ định không thể thiếu trong quá trình thăm khám, đồng thời nó cũng thuộc loại xét nghiệm cơ bản để tìm ra bệnh viêm gan B.
Từ việc phân loại các chỉ số trên, định lượng virus viêm gan B được chia làm 3 mức độ để người bệnh tiện theo dõi, kiểm soát sự phát triển của bệnh:
Mức 1: định lượng virus viêm gan B đạt dưới 300 copies/ml máu. Kết quả định lượng này cho thấy dưới ngưỡng phát hiện.
Mức 2: định lượng virus viêm gan B nằm trong ngưỡng từ 1000-100.000 copies/ml máu. Kết quả định lượng này cho thấy virus đang hoạt động và nhân lên nhưng chưa mạnh.
Mức 3: định lượng virus cao hơn 10.000.000 copies/ml máu. Kết quả này cho thấy virus đang hoạt động và sao chép rất mạnh.
Xét nghiệm chủ động để kịp thời phát hiện và kiểm soát tình trạng bệnh
Định lượng virus viêm gan B càng cao, chứng tỏ virus hoạt động càng mạnh. Cùng với đó là nguy cơ cao gây tổn thương gan và các biến chứng nghiêm trọng như viêm gan mạn tính, xơ gan, ung thư gan. Định lượng virus viêm gan B cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định hiệu quả của các liệu pháp điều trị, khi nào thì nên thay thuốc điều trị, khi nào thì nên ngừng điều trị.
Virus viêm gan B có tính lây truyền cao, do đó để chủ động kiểm soát sự lây lan, các bác sĩ khuyến cáo:
- Người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ phác đồ của bác sĩ, tái khám theo chỉ dẫn, bất kỳ hành động bỏ dở điều trị giữa chừng nào cũng sẽ khiến không kiểm soát được lượng virus, làm bệnh tiến triển nặng và có nguy cơ biến chứng xơ gan, ung thư gan.
- Chú ý chế độ sinh hoạt, ăn uống là rất quan trọng, giúp giảm bớt gánh nặng cho gan, ngăn ngừa tình trạng bệnh chuyển biến xấu, khó kiểm soát.
- Nên vận động thường xuyên và ở mức nhẹ nhàng, phù hợp với tình trạng cơ thể để tăng cường sức khỏe và giúp cho hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn.
- Đối với các bệnh nhân không cần điều trị bằng thuốc cũng tuyệt đối không được chủ quan, cần thăm khám và làm xét nghiệm viêm gan B định kỳ 3-6 tháng/lần để phát hiện tải lượng virus và chức năng gan nhằm kiểm soát tình trạng bệnh.
Thanh Nga (tổng hợp)