Bệnh lý động mạch vành là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ ba trên toàn thế giới và có liên quan đến 17,8 triệu ca tử vong hàng năm. Do đó, việc tìm hiểu rõ về cấu tạo, chức năng vai trò của động mạch vành sẽ giúp mỗi người chủ động bảo vệ động mạch vành hiệu quả, phòng ngừa các bệnh lý liên quan đến mạch máu quan trọng của tim.
Động mạch vành là gì?
Động mạch vành là những mạch máu lớn trong cơ thể, cung cấp máu cho tim, giúp tim có thể đập và bơm máu đi khắp cơ thể. Các động mạch vành bao quanh toàn bộ trái tim. Hai nhánh chính là động mạch vành phải (RCA) và động mạch vành trái (bao gồm thân chung (LMCA), nhánh động mạch liên thất trước (LAD), nhánh động mạch mũ (LCx).
Những động mạch này tiếp tục phân nhánh thành các động mạch nhỏ hơn để cung cấp máu cho các phần cụ thể của tim như tâm nhĩ, tâm thất, nút xoang nhĩ, nút nhĩ thất. Ngoài ra, các động mạch có thể được phân loại dựa trên khối lượng cơ tim mà chúng cung cấp máu. Những loại này được gọi là thượng tâm mạc (phía trên thượng tâm mạch hoặc mô ngoài cùng của tim) và vi mạch (gần nội tâm mạc hoặc mô trong cùng của tim. (1)
Bệnh động mạch vành gây ra khoảng 610.000 ca tử vong hàng năm (ước tính có 1 trong 4 ca tử vong) và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Hoa Kỳ. Theo số liệu thống kê của WHO, có đến 13,41% số ca tử vong tại Việt Nam là do bệnh lý động mạch vành.
Các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi của bệnh động mạch vành bao gồm: tuổi tác, giới tính, dân tộc, tiền sử gia đình có người bị bệnh động mạch vành. Các yếu tố có thể thay đổi được bao gồm: tăng huyết áp, tăng lipid máu, tiểu đường, béo phì, hút thuốc lá, chế độ ăn uống không khoa học, ít vận động, thường xuyên căng thẳng.
Động mạch vành có vai trò gì?
Chức năng động mạch vành là cung cấp máu cho tim. Cơ tim cần oxy và chất dinh dưỡng trong máu để có thể bơm máu qua tim, đưa đến các bộ phận khác trong cơ thể. Các động mạch của tim cũng có khả năng tự điều hòa và có thể kiểm soát lượng máu cung cấp cho tim theo nhu cầu của nó.
Khi chức năng của động mạch vành bị suy giảm, có thể dẫn đến giảm lưu lượng oxy và chất dinh dưỡng đến tim. Điều này không chỉ làm giảm lượng máu cung cấp cho cơ tim, mà còn có thể ảnh hưởng đến khả năng bơm máu đi khắp cơ thể của tim. Do đó, bất kỳ rối loạn hoặc bệnh lý nào của động mạch vành đều có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, gây ra các triệu chứng như đau thắt ngực, đau tim, thậm chí tử vong.
Vị trí động mạch vành xuất phát từ đâu?
Động mạch vành là một nhánh của động mạch chủ ngực. Nó bắt nguồn từ xoang valsalva, sau đó chia thành các nhánh động mạch vành phải và trái. Động mạch vành thường được bao quanh bởi một lớp mỡ, nhưng ở một số người, động mạch lại nằm trong cơ tim.
Giải phẫu động mạch vành
Giải phẫu động mạch vành giúp xác định được vị trí của động mạch vành, cấu trúc, cấu tạo và kích thước của nó ra sao
1. Động mạch vành nằm ở đâu?
Động mạch vành nằm xung quanh và bên trong cơ tim. Chúng phân nhánh ra khỏi động mạch chủ, là động mạch chính trong cơ thể. Động mạch vành bắt đầu từ gốc động mạch chủ, là phần đầu tiên của động mạch chủ xuất phát từ tâm thất trái của tim.
Tâm thất trái là nơi máu được oxy hóa rời khỏi tim và bắt đầu đi khắp cơ thể. Các nhánh động mạch vành là nhánh đầu tiên trong số nhiều nhánh ra của động mạch chủ. (2)
2. Cấu trúc động mạch vành
Động mạch vành gồm hai phần riêng biệt, đó là động mạch vành trái và động mạch vành phải. Mỗi động mạch vành trái/phải sau đó lại chia thành nhiều nhánh nhỏ hơn.
Động mạch vành trái
Động mạch vành (ĐMV) trái xuất phát từ xoang Valsalva trước trái, sau khi chạy một đoạn ngắn giữa động mạch phổi và nhĩ trái (gọi là thân chung ĐMV trái) sẽ chia ra thành hai nhánh: động mạch liên thất trước (ĐMLTT) và động mạch mũ (ĐMM).
- Thân chung ĐMV trái bình thường dài khoảng 10mm, đôi khi giải phẫu hệ mạch vành có thể không có thân chung, động mạch liên thất trước và động mạch mũ xuất phát từ hai lỗ riêng biệt.
- ĐMLTT chạy dọc theo rãnh liên thất trước về phía mỏm tim, thành những nhánh vách và nhánh chéo. Khoảng 37% trường hợp có nhánh trung gian và được xem như nhánh chéo thứ nhất.
- ĐMM chạy trong rãnh nhĩ thất trái cho 2-3 nhánh bờ, cung cấp máu cho thành bên thất trái. ĐMM cấp máu cho khoảng 15-25% thất trái (trừ trong trường hợp ĐMM ưu năng, cấp máu khoảng 40-50% thất trái) gồm vùng sau bên và trước bên thất trái.
Động mạch vành phải
ĐMV phải xuất phát từ xoang Valsalva trước phải, chạy trong rãnh nhĩ thất phải, ở đoạn gần chia nhánh vào nhĩ phải (ĐM nút xoang), và thất phải (ĐM nón) rồi vòng ra bờ phải của tim, đi tới đầu sau của rãnh liên thất sau chia làm hai nhánh ĐM liên thất sau và nhánh quặt ngược thất trái.
3. Cấu tạo động mạch vành
Động mạch vành chia thành hai nhánh động mạch chính từ đáy động mạch chủ, bao gồm động mạch vành trái và động mạch vành phải:
Động mạch vành trái kéo dài dọc theo rãnh vành, tiếp tục phân nhánh vào động mạch mũ và động mạch liên thất trước. Động mạch gian thất trước còn chia thành các nhánh vách ngăn và các nhánh chéo. Các nhánh vách cung cấp máu cho 2/3 vách liên thất trước và bó His. Nhánh chéo cung cấp máu cho cơ nhú trước bên, phần trước và phần bên của thành tâm thất trái. (3)
Động mạch mũ đi theo rãnh vành đến phần bên trái của tim và tiếp tục chia thành động mạch biên trái và động mạch thất trái sau. Động mạch mũ và các nhánh của nó cấp máu cho phần sau bên của tâm thất trái.
Động mạch vành phải chạy dọc theo rãnh vành phải, cung cấp lưu lượng máu đến bề mặt trước và sau cơ hoành của tâm nhĩ và tâm thất phải, cũng như 2/3 sau của vách liên thất.
Hai nhánh đầu tiên tách ra từ động mạch vành phải là động mạch chóp, có vai trò cung cấp máu đến cuống tâm thất phải, nơi phát sinh động mạch phổi và nhánh của nút SA, cung cấp máu cho nút SA.
Thành của tất cả các động mạch, kể cả động mạch vành, đều có 3 lớp:
- Lớp bên trong chạm vào máu và giữ cho máu được lưu thông trơn tru qua các động mạch.
- Lớp giữa có tính đàn hồi, có thể giãn ra và co lại để duy trì huyết áp phù hợp trong động mạch.
- Lớp ngoài chứa các mạch nhỏ có vai trò hỗ trợ và bảo vệ mạch máu.
4. Kích thước của động mạch vành
Các động mạch vành chính thường có đường kính từ 3-4 mm, nhỏ hơn một chút so với chiều rộng của ống hút nước. Kích thước của các động mạch thay đổi một chút tùy theo giới tính, trọng lượng cơ thể và sắc tộc.
Tình trạng bệnh lý ảnh hưởng đến động mạch vành
Bệnh động mạch vành là một trong những bệnh lý tim mạch nguy hiểm, nguy cơ gây tử vong cao. Nhiều trường hợp mắc bệnh động mạch vành trong nhiều năm nhưng không có bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi xuất hiện cơn đau tim. Đây là bệnh lý phổ biến, hơn 18 triệu người trưởng thành ở Mỹ mắc bệnh động mạch vành. (4)
1. Bệnh động mạch vành mạn
Bệnh động mạch vành (CAD) là tình trạng phổ biến nhất ảnh hưởng đến động mạch vành. Bệnh xảy ra khi các mảng bám được tạo thành từ cholesterol và các chất khác, tích tụ theo thời gian trên thành động mạch.
Những mảng bám này lớn dần lên, làm thu hẹp lòng động mạch, ngăn chặn một phần lưu lượng máu đến nuôi cơ tim, có thể dẫn đến đau tim (nhồi máu cơ tim).
2. Hội chứng mạch vành cấp tính
Đây là tình trạng lưu lượng máu đến nuôi tim bị chặn đột ngột do tình trạng tắc động mạch vành. Cơn đau tim là một loại hội chứng mạch vành cấp tính. Giống như bệnh động mạch vành, hội chứng mạch vành cấp tính cũng là hệ quả của chứng xơ vữa động mạch.
3. Chứng phình động mạch
Tình trạng này ít phổ biến hơn, nhưng có ảnh hưởng đến động mạch vành. Một phần của thành mạch bị giãn ra, đây là kết quả của tình trạng viêm hoặc tổn thương tại vị trí đó. Khi động mạch phình to ra, sẽ gây chèn ép lên các cơ quan lân cận hoặc lên chính động mạch, nguy cơ vỡ túi phình, nhiễm khuẩn hoặc gây tắc mạch ngoại vi.
4. Dị tật bẩm sinh
Dị tật bẩm sinh ở động mạch vành xuất hiện từ lúc trẻ mới chào đời. Các dị tật có thể bao gồm: Động mạch vành đi sai đường, động mạch vành có độ rộng không đều hoặc sự kết nối không bình thường giữa các động mạch vành với các phần khác của tim.
5. Co thắt mạch vành
Đây là tình trạng co thắt đột ngột các cơ trong động mạch. Khi các cơ này thắt chặt và đột ngột, động mạch vành tạm thời bị tắc nghẽn, làm giảm lưu lượng máu đến cơ tim. Điều này có thể gây ra cơn đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim.
6. Đau thắt ngực
Đau thắt ngực ổn định là cơn đau ngực xuất hiện khi hoạt động gắng sức và giảm bớt khi nghỉ ngơi. Đối với đau thắt ngực không ổn định, cơn đau xảy ra ngay cả khi nghỉ ngơi, người bệnh có cảm giác nặng ngực hơn và thời gian đau có thể kéo dài hơn so với cơn đau thắt ngực ổn định.
Nguyên nhân gây ra cơn đau thắt ngực là do động mạch bị hẹp nghiêm trọng.
7. Suy tim
Suy tim là tình trạng tim bị suy yếu do các tổn thương thực thể hay các rối loạn chức năng tim, khiến cho tâm thất không đủ khả năng tiếp nhận máu hoặc tống máu. Khi hệ thống tim mạch không thể cung cấp đủ máu cho các tế bào sẽ gây ra các triệu chứng mệt mỏi, khó thở, có thể gây ho, giảm khả năng khi hoạt động gắng sức.
8. Nhồi máu cơ tim
Tình trạng này xảy ra khi một hoặc hai nhánh động mạch vành bị tắc nghẽn đột ngột, khiến cơ tim không nhận đủ máu, nguy cơ hoại tử cơ tim. Khi bị nhồi máu cơ tim, người bệnh bị đau tức ngực dữ dội. Nếu không được điều trị kịp thời, phần cơ tim bị hoại tử sẽ tạo sẹo và tăng nguy cơ biến chứng suy tim.
Làm thế nào để giữ cho động mạch vành khỏe mạnh?
Để giữ cho động mạch vành khỏe mạnh, ngăn ngừa bệnh động mạch vành cũng như kiểm soát tình trạng bệnh, ngăn bệnh tiến triển nhanh hơn, mỗi người cần:
Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh: Ưu tiên những thực phẩm giàu chất chống oxy hóa giúp kháng viêm, bảo vệ mạch máu như: ngũ cốc, các loại quả mọng, đậu, rau lá có màu xanh đậm,… Đồng thời, hạn chế tối đa những thực phẩm có chứa nhiều chất béo bão hòa, cholesterol, các món ăn được chế biến với nhiều muối, đường,…
- Tập thể dục điều độ: Việc duy trì luyện tập thể dục đều đặn không chỉ giúp nâng cao sức khỏe tổng thể, mà còn hỗ trợ tăng tuần hoàn máu, giúp cải thiện sức bền của cơ tim và thành mạch máu. Nếu tập luyện ở mức độ trùng bình, nên duy trì thời gian tập ít nhất 150 phút mỗi tuần và 75 phút đối với bài tập mức độ nặng. Mỗi người nên lựa chọn các bài tập phù hợp với độ tuổi, tình trạng sức khỏe như: đi bộ, đạp xe, yoga, bơi lội,…
- Duy trì cân nặng ở mức ổn định: Béo phì là yếu tố nguy cơ gây bệnh động mạch vành, do sự tích tụ các mảng cholesterol trong động mạch nuôi tim. Do đó, nếu bạn đang bị thừa cân, béo phì, nên thực hiện giảm cân khoa học hoặc theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
- Kiểm soát huyết áp: Tăng huyết áp là một trong những yếu tố nguy cơ chính gây ra bệnh động mạch vành. Do đó, để phòng ngừa bệnh động mạch vành đến sớm, bạn nên giữ huyết áp trong giới hạn an toàn và theo dõi thường xuyên.
- Hạn chế uống rượu, bia: Uống nhiều hơn 3 ly rượu một lúc sẽ làm tăng huyết áp tạm thời, uống say nhiều lần có thể dẫn đến tăng huyết áp lâu dài. Đây là một yếu tố nguy cơ thúc đẩy bệnh động mạch vành tiến triển. Để phòng bệnh, tốt nhất bạn nên ngừng uống rượu, bia.
- Tránh xa thuốc lá: Không hút thuốc lá, kể cả thuốc lá điện tử. Đồng thời, cần tránh xa nơi có khói thuốc lá.
- Ngủ đủ giấc mỗi ngày: Thiếu ngủ có thể gây ra các vấn đề về huyết áp, tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, đột quỵ, bệnh tim. Do đó, bạn nên ngủ từ 7-9 tiếng mỗi đêm và duy trì chất lượng giấc ngủ tốt.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Điều này giúp phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ gây bệnh động mạch vành và có hướng điều trị phù hợp.
Hiện nay, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là địa chỉ uy tín được nhiều người đến thăm khám, chẩn đoán và điều trị những bệnh lý tim mạch, trong đó có bệnh về động mạch vành. Trung tâm quy tụ đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm như: PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh, BS.CKII Huỳnh Ngọc Long, TS.BS Nguyễn Anh Dũng, ThS.BS Nguyễn Minh Trí Viên,…
Hệ thống máy móc hiện đại, được nhập khẩu trực tiếp từ Châu Âu như: máy siêu âm tim và mạch máu 4D, máy chụp MSCT tim và động mạch vành 768 lát cắt, máy chụp cộng hưởng từ 1,5 - 3 Tesla, hệ thống chụp can thiệp mạch số hóa nền (DSA) trang bị cánh tay robot xoay 360 độ, hệ thống siêu âm tim gắng sức xe đạp lực kế… giúp chẩn đoán và điều trị hiệu quả bệnh tim mạch bằng kỹ thuật tiên tiến hàng đầu.
Động mạch vành là hệ thống mạch máu có chức năng nuôi dưỡng tim. Bất thường động mạch vành có nguy cơ đe dọa đến tính mạng. Do đó, mỗi người cần chú ý bảo vệ sức khỏe động mạch vành thông qua lối sống khoa học và thường xuyên khám sức khỏe định kỳ để duy trì cuộc sống khỏe mạnh.