Mùa dâu da bắt đầu từ tháng 3 tới hết tháng 5 âm lịch. Những năm trước, thời điểm này, mùa dâu đã chín rộ, thương lái và du khách tấp nập ra vào vườn. Năm nay, do dịch COVID-19, những vườn dâu bớt nhộn nhịp hơn nhưng những cây dâu lắc lỉu trái vẫn chín vàng ruộm hay xanh um một góc trời.
Dâu da thường có hai màu trái chín là vàng hay xanh. Mỗi loại, người trồng hay người sành ăn sẽ nhìn hình dáng trái hay màu sắc mà biết được vị chua hay ngọt... Dù vậy, điểm chung của dâu da vẫn là khi bóc lớp vở bên ngoài, những múi dâu căng mọng, bóng đẹp sẽ bày ra đầy bắt mắt. Tách nhẹ một múi, cho lên miệng, phần nước vừa ngọt, vừa chua tràn đầy trên lưỡi, trong khuôn miệng. Và vì vị chua ngọt đặc biệt kích thích ấy, ai ăn dâu, cũng chỉ ăn đến no, chứ không ngán.
Từ tháng 3 đến đầu tháng 4, những trái dâu còn chua nhiều, song chỉ cần thêm 1-2 tuần, vị ngọt đậm dần, không chỉ để ăn chơi, mà còn có thể bày biện những món gỏi lạ miệng.
Nguyên liệu món gỏi dâu da cho hai người ăn gồm 500gr dâu da chín (chọn trái to, căng, mọng); 1 cái đùi gà chiên (hoặc thịt gà, heo luộc, tôm, tùy sở thích); tỏi, ớt, bột nêm, ngò rí, hạt điều rang.
Bạn có thể tùy chọn nguyên vật liệu cho món gỏi dâu da, có thể thịt gà hoặc thịt heo, tôm... Rừa sạch dâu da, để ráo. Bóc vỏ, bỏ phần cùi, tách lấy các múi dâu. Tỏi bóc vỏ, giã nhuyễn cùng ớt. Bạn có thể tùy chọn lượng ớt tỏi tùy sở thích và khẩu vị. Do đang mùa dịch COVID-19, để tăng cường sức đề kháng, mình dùng 2 củ tỏi Lý Sơn và 2 trái ớt.Xé đùi gà thành từng miếng vừa ăn. Lần lượt cho dâu da, thịt gà, ớt tỏi xay nhuyễn + 1 muỗng canh đường + 1 muỗng cà phê bột nêm. Món gỏi này không cần chanh vì dâu da đã có vị chua.
Trộn đều các thành phần với nhau. Khi trộn, nếu mang bao tay nilong, bạn có thể bóp nhẹ múi dâu. Nếu dùng muỗng, bạn có thể dằm mạnh sao cho một ít múi dâu vỡ ra, thấm gia vị.
Cuối cùng thêm ít ngò rí xắt nhuyễn và hạt điều rang lên trên. Thịt gà thơm ngọt, dâu da ngọt, mặn, chua, cay sẽ rất bắt vị đưa cơm.
Uyên Lâm