Trả lời câu hỏi của bạn đọc, Luật sư Hà Thị Khuyên, Trưởng Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, tại khoản 1 Điều 20 Hiến pháp năm 2015 quy định mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, “được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm”; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Đây là những quyền cơ bản được văn bản quy phạm pháp luật cao nhất điều chỉnh.
Hơn nữa tại Điều 34 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình. Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.
Trong vụ việc này hành vi “thường xuyên nhắn tin, gọi điện đe dọa bằng những lời lẽ thô tục, có nhiều lúc họ đến tận nhà chửi bới, uy hiếp gia đình” là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự, thì còn phụ thuộc vào tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi mà các đối tượng gây ra. Bạn có thể làm Đơn tố giác tội phạm gửi Cơ quan cảnh sát điều tra công an cấp quận/huyện trình báo về hành vi của các đối tượng, trình bày chi tiết những số điện thoại nào thường xuyên nhắn tin, gọi điện, nội dung và lời lẽ chửi bới là gì, các đối tượng tìm đến nhà là ai, có mối quan hệ gì đối với gia đình bạn… để cơ quan công an xác định nguyên nhân, động cơ, mục đích của các đối tượng là gì, củng cố hồ sơ xử lý theo quy định pháp luật.
Trường hợp hành vi chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì các đối tượng có hành vi nhắn tin, gọi điện đe dọa bằng những lời lẽ thô tục, có nhiều lúc họ đến tận nhà chửi bới, uy hiếp gia đình sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm g, khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, mức phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng về hành vi sử dụng mạng viễn thông nhằm xuyên tạc, vu khống, quấy rối, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của người khác. Còn đối với đối tượng có hành vi trực tiếp đến nhà chửi bới, uy hiếp thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, mức phạt từ 2-3 triệu đồng đối với hành vi bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác.
Trường hợp hành vi đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì các đối tượng thực hiện hành vi sẽ bị xử lý về các tội danh tương ứng như: nếu việc bôi nhọ danh dự nhân phẩm của người khác mục đích để làm nhục nạn nhân thì sẽ bị xử lý về Tội làm nhục người khác theo Điều 155; nếu đưa thông tin sai sự thật về người khác thì sẽ bị xử lý về Tội vu khống theo Điều 156; nếu xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của nạn nhân mục đích để nạn nhân lo sợ mà phải giao tài sản thì sẽ bị xử lý về Tội cưỡng đoạt tài sản theo Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Ngoài bị xử lý theo quy định trên, người có hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác phải thực hiện trách nhiệm bồi thường theo quy định tại Điều 592 Bộ luật Dân sự năm 2015, các khoản bồi thường bao gồm chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; Thiệt hại khác do luật quy định./.