Ung thư hậu môn là bệnh lý ác tính tương đối hiếm gặp nhưng lại có khả năng di căn cao. Tuy nhiên, nếu được phát hiện và điều trị kịp thời thì bệnh có tiên lượng khá tốt và ít xảy ra biến chứng nguy hiểm. Cùng tìm hiểu về ung thư hậu môn qua bài viết dưới đây nhé!
1Ung thư hậu môn là gì?
Hậu môn là một ống dài từ 3 - 5cm, nằm ở phần cuối cùng của đường tiêu hóa. Nó nối tiếp trực tràng dẫn đến lỗ hậu môn ở giữa hai mông, có nhiệm vụ đưa phân ra ngoài cơ thể.
Ung thư hậu môn là tình trạng các tế bào hậu môn tăng sinh liên tục, không tuân theo cơ chế kiểm soát của cơ thể. Khối ung thư hậu môn có thể xuất hiện ở phần da rìa lỗ hậu môn, dễ quan sát hoặc bắt đầu ở bên trong ống hậu môn khiến việc phát hiện bệnh khó khăn hơn.[1]
Tuy theo loại tế bào của khối ung thư mà người ta có thể chia ung thư hậu môn thành 2 nhóm chính:[2]
- Ung thư biểu mô tế bào vảy: chiếm khoảng 90% trường hợp mắc ung thư hậu môn. Vị trí ban đầu của các khối ung thư có thể gặp ở cả trong ống hậu môn và vùng da ở bên ngoài.
- Ung thư biểu mô tuyến: thường ít gặp hơn do sự tăng sinh bất thường của các tế bào bài tiết chất nhầy của ống hậu môn. Các khối ung thư thường nằm ở sau trong ống hậu môn, gần vùng trực tràng.
Ung thư hậu môn là tình trạng các tế bào hậu môn tăng sinh không kiểm soát
2Nguyên nhân gây ung thư hậu môn
Hiện nay, nguyên nhân gây ung thư hậu môn vẫn chưa được tìm hiểu một cách rõ ràng. Tuy nhiên, bệnh có nguy cơ xuất hiện cao hơn nếu kèm theo các yếu tố sau:[1][2]
- Virus HPV: là loại virus có liên quan đến nhiều loại u nhú trong cơ thể như ung thư cổ tử cung, ung thư dương vật cũng như ung thư hậu môn.
- Suy giảm miễn dịch: khiến cơ thể giảm khả năng chống lại sự tấn công của các tác nhân bên ngoài dẫn đến làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Tình trạng này có thể gặp ở bệnh nhân HIV/AIDS, đái tháo đường, suy giáp hoặc đang dùng thuốc ức chế miễn dịch...
- Hút thuốc lá: các chất hóa học độc hại có trong khói thuốc lá là yếu tố nguy cơ của nhiều loại ung thư trong cơ thể như ung thư phổi, ung thư vòm họng và ung thư hậu môn.
- Quan hệ tình dục qua đường hậu môn: có thể lây truyền virus HPV từ bộ phận sinh dục sang biểu mô hậu môn dẫn đến sự tăng sinh mất kiểm soát của tế bào và hình thành khối ung thư.
- Độ tuổi: bệnh thường gặp ở người từ 55 tuổi trở lên do khả năng tích lũy các đột biến có hại gây ra sự rối loạn phân chia tế bào.
- Rò hậu môn: là một lỗ bất thường nối từ hậu môn đến vùng da lân cận. Điều này làm tăng khả năng lây lan virus HPV cũng như viêm nhiễm quanh hậu môn.
- Các bệnh lý viêm nhiễm hoặc ung thư khác: do vị trí kế cận nhau nên người mắc các bệnh lý ung thư đại tràng, ung thư trực tràng hoặc ung thư âm đạo, cổ tử cung sẽ có khả năng bị bệnh cao hơn.
Hút thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ ung thư hậu môn
3Dấu hiệu ung thư hậu môn
Các biểu hiện sớm của ung thư hậu môn thường không rõ ràng và dễ bị nhầm lẫn với bệnh trĩ (bệnh lành tính). Một số dấu hiệu phổ biến nhất của ung thư hậu môn gồm:[1][2]
- Cảm giác ngứa ở vùng da quanh hậu môn.
- Căng tức hậu môn, luôn thấy muốn đi cầu.
- Đi cầu ra máu đỏ, bám xung quanh bề mặt phân.
- Phân nhỏ và hẹp dần do khối u chèn ép.
- Chảy dịch mủ bất thường từ hậu môn và vùng da lân cận.
- Sờ thấy một khối u quanh rìa hậu môn.
- Nổi hạch bạch huyết tại hai bên bẹn.
- Sụt cân nhanh bất thường dù không ăn kiêng để giảm cân.
Đi cầu ra máu là dấu hiệu thường gặp của bệnh ung thư hậu môn
4Các giai đoạn ung thư hậu môn
Bác sĩ có thể dựa vào kết quả thăm khám hậu môn, sinh thiết tế bào, siêu âm và chụp PET để phân loại giai đoạn ung thư. Có 4 giai đoạn chính của bệnh dựa vào kích thước khối ung thư, mức độ xâm lấn, di căn hạch bạch huyết và các cơ quan như:[3]
Giai đoạn I
Ung thư hậu môn giai đoạn I (hay còn gọi là giai đoạn đầu) có tiên lượng điều trị khá tốt. Kích thước khối u còn nhỏ, khu trú ở vùng da hoặc ống hậu môn, chưa lan rộng xung quanh.
Giai đoạn II
Ở giai đoạn này, kích thước của khối ung thư hậu môn đã lớn hơn và bắt đầu có sự xâm lấn xuống phía dưới niêm mạc ống hậu môn hoặc biểu bì da. Tuy nhiên, tế bào chưa di căn đến các vùng khác nên việc điều trị vẫn mang lại hiệu quả khá tốt.
Giai đoạn III
Các triệu chứng của ung thư hậu môn trở nên rõ ràng và nghiêm trọng hơn. Tế bào ung thư đã bắt đầu di chuyển vào các hạch bạch huyết vùng chậu trong và bẹn hai bên.
Giai đoạn IV
Điểm đặc trưng của ung thư hậu môn giai đoạn cuối là sự di căn của tế bào ung thư theo đường máu và bạch huyết. Điều này dẫn đến hình thành khối ung thư ở nhiều cơ quan nhất là gan, phổi, não… khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn.
5Biến chứng nguy hiểm
Ung thư hậu môn nếu không được chẩn đoán và can thiệp kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như:[4]
- Tắc ruột: nếu kích thước khối ung thư quá to, che lấp hết ống hậu môn sẽ khiến các chất thải không được đào thải, ứ đọng trong đường tiêu hóa khiến bệnh nhân không thể đi cầu, chướng bụng, đau bụng.
- Di căn: ở giai đoạn cuối, các khối ung thư hậu môn có thể di chuyển theo đường lân cận, máu và bạch huyết để di căn gây ra các ung thư khác của ống tiêu hóa, ung thư gan và ung thư phổi.
6Cách chẩn đoán ung thư hậu môn
Điều cần thiết trong chẩn đoán ung thư hậu môn là đánh giá được giai đoạn và các biến chứng của bệnh. Do đó, bác sĩ có thể phối hợp đồng thời nhiều phương pháp thăm khám và cận lâm sàng khác nhau:[3]
Khám lâm sàng và hỏi bệnh sử
Việc khai thác bệnh sử và thăm khám lâm sàng sẽ giúp bác sĩ có những định hướng ban đầu để chẩn đoán bệnh ung thư hậu môn thông qua:
- Khai thác tiền sử tiếp xúc với virus HPV, hút thuốc lá và các yếu tố nguy cơ khác gây bệnh.
- Diễn biến các triệu chứng của người bệnh.
- Quan sát để phát hiện u cục bất thường, lỗ rò quanh hậu môn.
Thăm khám trực tràng
Thăm trực tràng là một trong những biện pháp quan trọng nhằm chẩn đoán ung thư hậu môn cũng như loại trừ các bệnh lý của các cơ quan lân cận. Bác sĩ sẽ đưa ngón tay vào hậu môn để phát hiện tính chất và mức độ xâm lấn của khối u.
Chẩn đoán hình ảnh
Ngoài các kỹ thuật lâm sàng, bác sĩ có thể sử dụng thêm các biện pháp chẩn đoán hình ảnh để xác định giai đoạn bệnh. Một số phương pháp thường dùng gồm:
- Nội soi hậu môn trực tràng: bác sĩ sẽ sử dụng hệ thống ống có gắn camera đưa vào trong hậu môn nhằm quan sát vị trí, mức độ của khối u.
- Siêu âm hậu môn: để đánh giá được mức độ ăn sâu của khối ung thư đến lớp dưới niêm mạc và cơ hậu môn thông qua đầu dò của máy siêu âm.
- Chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ: có thể giúp bác sĩ kịp thời đánh giá các biến chứng tắc ruột hoặc tổn thương khác trong ổ bụng.
- Chụp cắt lớp phát xạ positron (PET): nhằm phát hiện sớm các khối ung thư di căn xa trong cơ thể.
Nội soi hậu môn có thể giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh hiệu quả
Sinh thiết
Sinh thiết là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán ung thư hậu môn, xác định loại tế bào bất thường và mức độ ác tính của bệnh. Bác sĩ sẽ tiến hành lấy mẫu tế bào tại tổn thương nghi ngờ để nhuộm soi và quan sát đặc điểm bất thường trên kính hiển vi.
7Khi nào cần gặp bác sĩ?
Dấu hiệu cần gặp bác sĩ
Để tránh diễn biến trầm trọng của bệnh, bạn nên đến gặp bác sĩ khi có các dấu hiệu nghi ngờ ung thư hậu môn như:
- Cảm thấy ngứa ngáy vùng da quanh lỗ hậu môn.
- Sờ thấy khối u cục bất thường ở hậu môn.
- Đi cầu ra máu đỏ tươi.
- Nổi hạch bẹn.
- Giảm cân quá nhanh.
Giảm cân quá nhanh là dấu hiệu cần đến gặp bác sĩ sớm
Nơi chẩn đoán và điều trị
Khi có các dấu hiệu gợi ý ung thư hậu môn, bạn có thể đến các cơ sở y tế gần nhất, các bệnh viện chuyên khoa Nội, Ung bướu hay các bệnh viện đa khoa tại địa phương để được thăm khám kịp thời.
Ngoài ra, có thể tham khảo một số bệnh viện lớn, uy tín dưới đây để được chẩn đoán và tư vấn điều trị phù hợp, tránh các biến chứng đáng tiếc xảy ra:
- Tại Tp. Hồ Chí Minh: Bệnh viện Ung bướu Tp. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân 115.
- Tại Hà Nội: Bệnh viện K Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Quân đội Trung ương 108.
8Điều trị ung thư hậu môn
Tùy theo vị trí và giai đoạn khác nhau của ung thư hậu môn mà bác sĩ có thể kết hợp nhiều biện pháp điều trị riêng biệt cho từng bệnh nhân. Một số cách điều trị ung thư hậu môn phổ biến gồm:[5]
Hoá trị
Bác sĩ sẽ đưa vào cơ thể nhiều loại hóa chất có tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư thông qua đường truyền tĩnh mạch. Quá trình hóa trị có thể diễn ra theo phác đồ từ 2 tháng đến hàng năm nhằm giảm kích thước khối ung thư và hạn chế di căn.
Xạ trị
Xạ trị có thể được chỉ định cho các khối ung thư hậu môn nằm ngoài da hoặc ở phần dưới của ống hậu môn. Bác sĩ sẽ tính toán cường độ và thời gian chiếu các tia phóng xạ theo liều lượng phù hợp để tiêu diệt các tế bào ung thư.
Phẫu thuật
Bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật nhằm một số mục đích như:
- Cắt bỏ khối ung thư: đối với bệnh nhân ung thư hậu môn giai đoạn đầu, khối u kích thước nhỏ và khu trú tại vị trí ban đầu. Sau đó, bác sĩ có thể điều trị bổ trợ thêm với hóa trị và xạ trị.
- Làm hậu môn nhân tạo: chỉ định khi bệnh giai đoạn cuối do khối ung thư xâm lấn rộng khiến người bệnh không thể đi cầu. Lúc đó, bác sĩ sẽ cắt bỏ hoàn toàn ống hậu môn và làm hậu môn nhân tạo trên bụng cho người bệnh.
Liệu pháp miễn dịch
Liệu pháp miễn dịch là một trong những phương pháp điều trị ung thư hậu môn mới và đem lại hiệu quả điều trị khá cao hiện nay. Bác sĩ sẽ dùng các thuốc uống có tác dụng kích thích tế bào có nhiệm vụ miễn dịch phát hiện và tiêu diệt tế bào ung thư.
9Biện pháp phòng ngừa
Ung thư hậu môn là bệnh lý không có biện pháp phòng ngừa đặc hiệu. Nhưng bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh nếu áp dụng một số biện pháp sau:
- Tiêm phòng HPV sớm (trước 26 tuổi) để phòng ngừa ung thư cổ tử cung (ở nữ), ung thư vòm họng và ung thư hậu môn.
- Quan hệ tình dục an toàn bằng việc sử dụng bao cao su, hạn chế quan hệ với nhiều bạn tình.
- Bỏ thuốc lá để tránh những chất độc trong khói thuốc gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Thăm khám định kỳ mỗi 6 tháng/lần để sớm phát hiện và điều trị ung thư hậu môn.
Tiêm phòng HPV là biện pháp giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh u nhú nói chung
Hy vọng bài viết trên đã đem đến cho bạn những kiến thức bổ ích về nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng ngừa bệnh ung thư hậu môn. Hãy chia sẻ bài viết này cho tất cả bạn bè và người thân của bạn nhé!