Ung thư Amidan là loại ung thư vòm họng tương đối phổ biến. Bệnh thường chỉ được phát hiện ở giai đoạn muộn khi khối u đã bắt đầu lan rộng. Cùng tìm hiểu về nguyên nhân, dấu hiệu và cách chẩn đoán, điều trị ung thư vòm họng ở dưới bài viết nhé!
1Ung thư Amidan là gì?
Ung thư amidan là dạng ung thư vòm họng phổ biến nhất. Bệnh xảy ra khi các tế bào trong amidan phát triển tăng sinh bất thường và hình thành các khối u.
Ung thư amidan có thể xuất hiện ở bất kỳ ai nhưng nó phổ biến hơn ở nam giới và người lớn tuổi. Người bệnh mắc ung thư amidan thường tiến triển thầm lặng và chỉ được chẩn đoán muộn khi các tế bào ung thư đã lan sang các hạch bạch huyết vùng cổ.[2]
Ung thư amidan là sự tăng sinh mất kiểm soát của các tế bào amidan
2Nguyên nhân gây ung thư Amidan
Các tế bào amidan bị đột biến DNA dẫn đến sự tăng sinh không kiểm soát hình thành các khối u ác tính.
Những tế bào bất thường này có khả năng nhân lên nhanh chóng, nhưng chúng lại không thể thực hiện vai trò miễn dịch như những tế bào amidan bình thường khác.
Mặc dù nguyên nhân của việc xuất hiện các đột biến này chưa được phát hiện đầy đủ. Nhưng một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng những yếu tố sau có thể liên quan tới ung thư amidan:
- Vi-rút: người nhiễm HPV hoặc HIV có nguy cơ mắc ung thư amidan cao hơn người bình thường.
- Môi trường: rượu bia, thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư amidan.
- Độ tuổi và giới tính: ung thư amidan xuất hiện nhiều hơn ở nam giới và người trên 50 tuổi. [3]
Người bệnh bị u nhú do HPV có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư amidan
3Dấu hiệu ung thư Amidan
Các dấu hiệu có thể gặp trong ung thư amidan là:
- Đau họng, đau vùng cổ hoặc tai kéo dài, dai dẳng.
- Khó nuốt.
- Có mảng trắng hoặc đỏ trên amidan.
- Khó ăn các thực phẩm hoặc đồ uống có chứa axit citric như nước cam.
- Sụt cân không rõ nguyên nhân.
- Máu trong nước bọt.
- Thấy khối u gồ lên ở cổ hoặc vòm họng.
Các dấu hiệu ung thư amidan đôi khi có thể làm người bệnh nhầm lẫn với các bệnh lý khác như viêm họng do liên cầu hoặc viêm amidan. Tuy nhiên, trong bệnh viêm họng hay viêm amidan, các biểu hiện thường xuất hiện sớm, rõ ràng và không kéo dài quá 2 tuần.
Trong khi đó, các dấu hiệu ung thư amidan thường xuất hiện từ từ và dai dẳng sau đó nặng nề dần. Một số trường hợp người bệnh còn không nhận ra bất kỳ dấu hiệu nào cho đến khi ung thư amidan bắt đầu lan rộng.[4]
Đau họng, đau vùng cổ dai dẳng có thể là dấu hiệu của ung thư amidan
4Biến chứng của ung thư Amidan
Phát hiện và điều trị ung thư amidan muộn có thể để lại các biến chứng nguy hiểm. Các biến chứng có thể xuất hiện ở người bệnh mắc ung thư amidan bao gồm:
- Khó thở do khối u gây tắc nghẽn đường thở.
- Biến dạng cổ, mặt.
- Ảnh hưởng đến khả năng phát âm.
- Tế bào ung thư xâm lấn sang các cấu trúc xung quanh như các hạch bạch huyết vùng cổ, cơ nhai, nền sọ.[5]
Ung thư amidan có thể ảnh hưởng đến khả năng phát âm của người bệnh
5Cách chẩn đoán sớm ung thư amidan
Khám lâm sàng
Khi tới khám, bác sĩ có thể hỏi người bệnh về các dấu hiệu mà họ đang gặp phải, tiền sử bệnh lý và các yếu tố nguy cơ của bệnh ung thư amidan. Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám để phát hiện các dấu hiệu bất thường như khối u vùng cổ, họng.
Khám họng trong ung thư amidan nhằm phát hiện các khối u bất thường ở họng
Xét nghiệm máu
Các xét nghiệm máu thường không phải là chỉ điểm đặc hiệu để chẩn đoán ung thư amidan. Tuy nhiên, các xét nghiệm như công thức máu vẫn được thực hiện thường quy nhằm đánh giá sức khỏe tổng quát của người bệnh.
Chẩn đoán hình ảnh
Các xét nghiệm hình ảnh đóng vai trò khá quan trọng trong chẩn đoán ung thư amidan vì chúng góp phần hỗ trợ bác sĩ có cái nhìn tổng quát về vị trí, tính chất và độ xâm lấn của khối u.
Các xét nghiệm hình ảnh thường được sử dụng như: chụp cắt lớp vi tính (CT-scan), chụp cắt lớp phát xạ positron (PET-CT), chụp cộng hưởng từ (MRI), nội soi thanh quản.
Sinh thiết
Sinh thiết mô tổn thương là phương pháp đóng vai trò quyết định trong chẩn đoán ung thư amidan. Bác sĩ lấy một phần mô nhỏ nghi ngờ ung thư trong amidan ở người bệnh để đi làm xét nghiệm đánh giá bản chất, khả năng biệt hóa và độ xâm lấn của tế bào.
6Các giai đoạn ung thư Amidan
Để chẩn đoán giai đoạn ung thư amidan, bác sĩ sẽ xem xét các đặc tính sau của tổn thương:
- Độ xâm lấn của khối u sang các mô xung quanh.
- Tình trạng di căn hạch vùng cổ.
- Khối u đã có di căn xa hay chưa?
Ngoài ra, kết quả xét nghiệm mô tổn thương có dương tính với P16 kaf (có HPV) hay không cũng đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán giai đoạn của ung thư. Vì ung thư amidan chứa HPV có xu hướng điều trị tốt hơn ung thư amidan không chứa HPV.
Giai đoạn I
Khối u trong ung thư amidan giai đoạn I chưa xâm lấn ra các mô xung quanh, chưa lan ra các hạch bạch huyết vùng cổ hay di căn xa. Kích thước của khối u lúc này là từ dưới 2cm.
Giai đoạn II
Trong giai đoạn II của ung thư amidan, khối u chưa biểu hiện xâm lấn ra các mô xung quanh hoặc lan ra các hạch bạch huyết vùng cổ hay di căn xa. Kích thước của khối u lúc này lớn hơn 2 cm nhưng nhỏ hơn 4 cm.
Giai đoạn III
Người bệnh được xác định là ung thư amidan giai đoạn III nếu khối u chưa có di căn xa và có ít nhất một đặc điểm sau:
- Khối u có kích thước trên 4 cm.
- Khối u đã lan sang bề mặt nắp thanh quản.
- Khối u lan sang hạch bạch huyết cùng bên nhưng không lớn hơn 3 cm.
Giai đoạn IV
Nếu khối u có bất kỳ dấu hiệu nào sau đây đều được xem là ung thư amidan giai đoạn IV:
- Khối u đã xâm lấn sang các cơ quan xung quanh vùng cổ họng như thanh quản, lưỡi...
- Khối u lan sang các hạch cùng bên hoặc đối bên có kích thước lớn hơn 3 cm.
- Khối u đã có di căn xa sang các cơ quan khác như phổi.[6]
Ung thư amidan giai đoạn IV có thể di căn đến phổi
7Khi nào cần gặp bác sĩ?
Dấu hiệu cần gặp bác sĩ
Trong một số trường hợp, các dấu hiệu ung thư amidan có thể không xuất hiện cho đến khi khối u lan rộng. Vì vậy, bạn nên tầm soát ung thư định kỳ khi thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên đến gặp bác sĩ ngay khi có các dấu hiệu cảnh báo ung thư amidan như đau họng, khó nuốt, có mảng trắng trển amidan, nhìn hoặc sờ thấy khối u vùng cổ họng, đặc biệt là khi chúng xuất hiện thường xuyên hoặc kéo dài trên 2 tuần.
Bạn nên đến gặp bác sĩ nếu có các dấu hiệu nghi ngờ mắc ung thư amidan
Nơi tầm soát và điều trị ung thư Amidan
Nếu gặp các dấu hiệu như trên, bạn có thể đến ngay các cơ sở y tế gần nhất, các bệnh viện chuyên khoa Tai mũi họng. Hoặc bất kỳ bệnh viện đa khoa nào tại địa phương để được thăm khám kịp thời.
Ngoài ra, có thể tham khảo một số bệnh viện lớn, uy tín dưới đây để được chẩn đoán và tư vấn điều trị phù hợp, tránh các biến chứng đáng tiếc xảy ra:
- Tại thành phố Hồ Chí Minh: Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy.
- Tại Hà Nội: Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Quân đội Trung ương 108.
8Cách điều trị ung thư Amidan
Phẫu thuật
Mục tiêu của phẫu thuật ung thư amidan là loại bỏ càng nhiều tế bào ung thư càng tốt. Việc loại bỏ khối u có thể được thực hiện bằng các dụng cụ cắt hoặc tia laser.
Sau phẫu thuật, người bệnh cần luyện tập phục hồi chức năng để khôi phục khả năng ăn, nói và nuốt.
Phẫu thuật điều trị ung thư amidan nhằm loại bỏ càng nhiều tế bào ung thư càng tốt
Xạ trị
Xạ trị là phương pháp sử dụng các chùm tia năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Xạ trị có thể được sử dụng để điều trị các khối u nhỏ, chưa xâm lấn hoặc được sử dụng sau phẫu thuật để loại bỏ triệt để khối u.
Hoá trị
Hóa trị là phương pháp sử dụng thuốc để tiêu diệt các tế bào ung thư. Đối với ung thư amidan, hóa trị có thể làm chậm sự phát triển của ung thư amidan tái phát hoặc đã lan sang các khu vực khác của cơ thể. Hóa trị thường kết hợp với xạ trị trong điều trị ung thư amidan.
9Biện pháp phòng ngừa
Bạn có thể phòng ngừa ung thư amidan bằng cách bỏ hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia và tiêm phòng vắc-xin HPV. Bên cạnh đó, để phát hiện sớm ung thư amidan, bạn nên tầm soát ung thư vòm họng định kỳ, nhất là khi có các dấu hiệu nghi ngờ.
Tiêm phòng vaccine HPV có thể làm giảm nguy cơ mắc ung thư amidan
Các dấu hiệu của ung thư amidan đôi khi làm người bệnh nhầm lẫn với biểu hiện của viêm họng hay viêm amidan nên thường bỏ qua trong giai đoạn đầu của bệnh. Bạn hãy chia sẻ bài viết này tới mọi người để hiểu rõ hơn về ung thư amidan nhé!