Ung thư giai đoạn cuối thường là tình trạng khối ung thư di căn xương và gây ra triệu chứng đau. Điều trị giảm đau do ung thư di căn xương có các phương pháp dùng thuốc giảm đau, xạ trị, hóa trị và phẫu thuật.
1. Ung thư di căn xương là gì?
Ung thư di căn xương thường ở giai đoạn cuối của ung thư, là tình trạng khối ung thư phát triển từ vị trí nguyên phát và xâm lấn, di căn đến xương và gây tổn hại cấu trúc xương. Trong cơ thể, ung thư thường tấn công và di căn vào xương nhất. Ung thư di căn xương phá hủy các tổ chức xương và các dây thần kinh xung quanh, gây đau đớn cho người bệnh, làm giảm chất lượng cuộc sống, suy kiệt cơ thể và dẫn đến tử vong.
Các loại ung thư di căn xương thường gặp là:
- Ung thư phổi
- Ung thư vú (phụ nữ)
- Ung thư tuyến tiền liệt
- Ung thư tuyến giáp
- Ung thư dạ dày
- Ung thư thận
Vị trí xương thường bị ung thư di căn là:
- Cột sống
- Xương chậu
- Xương sườn
- Xương sọ
- Xương cánh tay
- Xương dài của chi dưới
2. Triệu chứng khi ung thư di căn xương
Ung thư di căn xương có thể không có bất kỳ triệu chứng nào khi xuất hiện sớm. Một số triệu chứng thường gặp khi ung thư di căn vào xương là:
- Đau xương khớp
- Chèn ép thần kinh
- Chèn ép tủy
- Gãy xương bệnh lý
Những triệu chứng này thường xuất hiện muộn của giai đoạn ung thư di căn xương. Nếu ung thư di căn vào xương được phát hiện sớm, có thể giúp chẩn đoán chính xác giai đoạn ung thư và đưa ra phác đồ điều trị, tiên lượng bệnh tốt hơn.
3. Ung thư di căn xương gây đau như thế nào?
Ung thư di căn xương gây ra các cơn đau dữ dội. Người bệnh bị hành hạ bởi những cơn đau kéo dài và dai dẳng. Nếu không được điều trị, mức độ cơn đau sẽ ngày càng tăng dần, người bệnh nhanh chóng suy kiệt và nguy cơ tử vong tăng cao.
Cơn đau do ung thư di căn xương xảy ra theo cơ chế như sau: Tại vị trí ung thư, khối u làm căng màng xương, sau đó, chèn ép làm tăng áp lực nội sọ hoặc hành tuỷ. Khối u tiếp tục chèn ép và xâm lấn, lan ra các tổ chức xung quanh và phá hủy xương, dẫn đến gãy xương bệnh lý. Cuối cùng, những đầu mút tận cùng thần kinh ở trong xương bị khối u di căn kích thích, có thể dẫn đến hoại tử khối u.
4. Chẩn đoán ung thư di căn xương
Ung thư di căn xương được chẩn đoán dựa vào các phương pháp sau:
- Thăm khám lâm sàng
- Chụp X quang: Chỉ định chụp X quang với những vị trí nghi ngờ bị khối u di căn. Chụp X quang không cho phép đánh giá toàn bộ hệ thống xương, nó chỉ phát hiện được tổn thương khi mật độ xương giảm từ 30% đến 50%. Do đó, người bệnh thường được phát hiện ở giai đoạn muộn và nhiều vị trí di căn khác không được đánh giá.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT scan), chụp cộng hưởng từ (MRI): Đây là hai phương pháp cho phép phát hiện ung thư di căn xương tốt hơn so với chụp X quang, nhưng cũng không đánh giá toàn bộ hệ thống xương, được chỉ định khi khối u gây ra triệu chứng khu trú.
- Xạ hình xương: Đây là phương pháp giúp phát hiện di căn xương tốt nhất bởi độ nhạy cao, cho phép đánh giá toàn bộ hệ thống xương và khớp. Có thể kết hợp xạ hình xương với chụp cắt lớp để xác định rõ đặc điểm và vị trí xương bị tổn thương, giúp định vị để thực hiện sinh thiết.
5. Giảm đau do ung thư di căn xương
Điều trị giảm đau do ung thư di căn xương được thực hiện nhằm mục tiêu cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh, đồng thời làm giảm kích thước của khối u và những tổn thương do khối u gây ra, từ đó làm giảm triệu chứng đau.
Giảm đau do ung thư di căn xương có thể được điều trị bằng các phương pháp sau:
- Thuốc giảm đau
- Xạ trị
- Phẫu thuật, thủ thuật (diệt hạch đám rối thân tạng dưới hướng dẫn của máy chụp cắt lớp vi tính)
5.1 Dùng thuốc giảm đau
Điều trị giảm đau do ung thư di căn xương bằng thuốc được Tổ chức Y tế Thế giới chia ra 3 bậc như sau:
- Bậc 1: Giảm đau không có thuốc phiện và +/- chất bổ trợ. Người lớn: Paracetamol 500 - 1000mg, 4 - 6 giờ/lần (nếu cần), không vượt quá 4000mg/ngày. Trẻ em (dưới 12 tuổi): Paracetamol 10 - 15mg/kg cân nặng, 4 - 6 giờ/lần.
- Bậc 2: Giảm đau có thuốc phiện +/- không có thuốc phiện +/- chất bổ trợ. Paracetamol và codein hoặc tramadol 1 - 2 viên, 4 - 6 giờ/lần, không dùng quá 8 viên/ngày và quá 5 ngày. Ở bệnh nhân ung thư bị suy gan, thận, lớn tuổi cần giảm liều.
- Bậc 3: Giảm đau có thuốc phiện liều lớn +/- thuốc giảm đau không có thuốc phiện +/- chất bổ trợ. Morphin hoặc dẫn xuất của morphin, tùy vào mức độ đau của người bệnh, liều dùng có thể khác nhau trong khoảng 5 - 30mg, 4 giờ/lần, có thể uống hoặc tiêm.
5.2 Xạ trị
Xạ trị bao gồm chiếu trong và chiếu ngoài, là phương pháp giảm đau do ung thư di căn xương hiệu quả, giúp giảm đau tốt trong thời gian dài, ít gặp tác dụng phụ, người bệnh không cần dùng thuốc giảm đau có thuốc phiện và chi phí điều trị thấp. Xạ trị chiếu ngoài được chỉ định đối với những bệnh ung thư di căn vào xương nhưng gây biến chứng.
Các bước điều trị giảm đau do ung thư di căn xương được như sau:
- Bước 1: Người bệnh được thăm khám toàn trạng và đánh giá mức độ cơn đau theo thang điểm VAS.
- Bước 2: Sau khi có kết quả, bác sĩ bắt đầu chẩn đoán và hội chẩn điều trị.
- Bước 3: Người bệnh được chụp cắt lớp vi tính mô phỏng xạ trị. Bác sĩ lập kế hoạch điều trị.
- Bước 4: Lựa chọn phác đồ xạ trị.
- Bước 5: Theo dõi và đánh giá đáp ứng điều trị của bệnh nhân.
5.3 Thủ thuật diệt hạch đám rối thân tạng
Diệt hạch đám rối thân tạng là một thủ thuật hiện đại, ít xâm lấn và mang lại hiệu quả cao, giúp giảm đau tốt và trong thời gian dài, không phải thực hiện gây mê cho bệnh nhân. Bác sĩ tiến hành chọc kim vào đám rối (theo hướng dẫn của máy chụp cắt lớp vi tính) để tiêu diệt hạch bằng cồn tuyệt đối. Thủ thuật này được chỉ định trong những trường hợp ung thư thực quản (đoạn thấp), dạ dày, đại tràng, trực tràng, gan, túi mật, tụy, tuyến thượng thận, tinh hoàn, buồng trứng, tử cung, bàng quang, ...khi khối ung thư di căn xương gây ra các cơn đau dai dẳng và không thể điều trị bằng thuốc giảm đau.
Bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối được điều trị giảm đau khi ung thư di căn vào xương gây ra các cơn đau dữ dội và kéo dài. Điều trị giảm đau giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh.
XEM THÊM:
- Thế nào là ung thư di căn?
- Làm sao để biết ung thư di căn đến xương?
- Ung thư tái phát như thế nào?