I. Hoa bỉ ngạn là hoa gì?
1. Nguồn gốc và đặc điểm
Hoa bỉ ngạn còn được biết đến với tên gọi khác như: Long Trảo Hoa, Mạn Châu Sa Hoa, Hồng Hoa Thạch Toán…; có tên khoa học là Lycoris Radiata, thuộc họ Amaryllidaceae; là loài hoa vô cùng nổi tiếng, xuất hiện nhiều trong những bài thơ, bài hát, truyền thuyết của Nhật Bản và một số nước trên thế giới.
Hình ảnh hoa bỉ ngạn đỏ
Hoa còn được tìm thấy ở những quốc gia châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc,... Tại Việt Nam, hoa bỉ ngạn chỉ xuất hiện tại Đà Lạt. Đây là vùng đất duy nhất ở nước ta có khí hậu và địa hình thích hợp cho loài hoa này phát triển.
Đây là loài cây thân thảo, sống lâu năm, có chiều cao thân trung bình chỉ vào khoảng 40-80cm. Hoa thường có 5-7 nụ, mọc thành từng chùm đẹp mắt; khi nở xòe rộng nhiều hướng như thể đón lấy mọi tinh túy của đất trời; nhụy hoa tua tủa như những chiếc chân nhện; cánh hoa uốn cong mềm mại nằm phía dưới.
Một điểm đặc biệt nữa là khi cây hoa còn non thì lá mọc nhiều và xanh tốt. Tuy nhiên, càng gần đến thời điểm cây ra hoa thì lá sẽ từ từ rụng dần và biến mất. Vậy nên, không bao giờ có thể chứng kiến đồng thời lá còn trên thân khi bông hoa đã nở rộ.
2. Ý nghĩa hoa bỉ ngạn
- Hoa bỉ ngạn có ý nghĩa gì với nhiều quốc gia?
Tùy theo từng quốc gia mà ý nghĩa của hoa bỉ ngạn sẽ trở nên có sự khác biệt:
+ Tại Nhật Bản: Tượng trưng cho những ký ức đau thương, buồn khổ của người đã khuất khi họ còn sống trước đây.
+ Tại Trung Quốc: Tượng trưng cho sự chia ly, từ biệt, ngăn cách đôi lứa đến với nhau.
+ Tại Triều Tiên: Tượng trưng cho nỗi nhớ thương về nhau da diết.
- Hoa bỉ ngạn tượng trưng cho điều gì?
Ngoài các ý nghĩa của hoa theo từng quốc gia ở trên, loài hoa này còn tượng trưng cho thế giới tâm linh của người đã khuất. Đó chính là con đường giúp người còn sống có thể liên hệ được với người đã khuất một cách trọn vẹn, tình cảm. Vậy nên ở Nhật Bản hay Trung Quốc, chúng ta có thể bắt gặp người dân sử dụng hoa bỉ ngạn để đi viếng mộ.
II. Các loại hoa bỉ ngạn phổ biến hiện nay
1. Hoa bỉ ngạn đỏ
Là giống hoa có màu đỏ rực như máu, xuất hiện vô cùng phổ biến cũng như được biết đến nhiều nhất. Nhiều truyền thuyết cho rằng màu đỏ của hoa tượng trưng cho sự mất mát, chia ly, khổ đau trong cuộc sống, trong tình yêu đôi lứa.
2. Hoa bỉ ngạn trắng
Là giống hoa có màu trắng như tuyết, được Phật giáo gọi là hoa Mạn Đà La, nó thường được dùng trong những sự kiện tang lễ của Nhật Bản và Trung Quốc. Giống hoa này mang đến ý nghĩa tượng trưng cho sự tang tóc, đau thương, chia lìa âm dương giữa người sống và người đã khuất.
3. Hoa bỉ ngạn vàng
Là giống hoa có màu vàng tươi, không phổ biến như màu đỏ và màu trắng nếu không muốn nói rằng màu hoa này cực kỳ hiếm gặp trong tự nhiên. Nó mang đến ý nghĩa cho sự kỳ ngộ, cơ duyên trong Phật giáo mà không phải ai cũng có thể gặp được trong đời.
III. Sự tích hoa bỉ ngạn
Ngày xửa ngày xưa có một đôi nam nữ yêu nhau tha thiết, tuy nhiên vì họ phạm phải một lỗi nghiêm trọng mà Thiên Đình buộc họ không được phép gặp gỡ nhau. Vào một ngày, cả hai đã phá vỡ luật lệ để tìm gặp lần nhau. Chàng trai là một nam tử hán vô cùng tuấn tú, còn cô gái lại là một nữ nhân có nét đẹp chim sa cá lặn.
Chính vì đã phạm luật Trời, cả hai đã bị đày xuống trần gian và bị biến thành hoa, lá của một loài cây. Cây có hoa màu đỏ rực như máu, lá màu xanh đậm, tuy đẹp rực rỡ nhưng lại thoáng nét u buồn. Tuy nhiên, loài hoa này lại vô cùng đặc biệt, khi có hoa thì sẽ không có lá, mà khi có lá thì chẳng thể thấy được hoa. Cuối cùng không bao giờ hoa và lá có thể gặp được nhau.
Vào một ngày, Đức Phật đi ngang qua bỗng nhìn thấy loài hoa độc đáo này. Ngài vừa liếc nhìn đã thấy rõ được bí mật ẩn chứa bên trong. Đức Phật xót thương nên đã quyết định mang loài hoa này về miền Cực Lạc. Nhưng vì Cực Lạc là một thế giới thanh tịnh, thuần khiết và không chứa đựng dục vọng, do đó tất cả những thứ tình ái, nhớ nhung của con người nơi trần thế đều không được phép tiến vào nơi đây. Từ đó, những cảm xúc đó của hai người kết thành một màu đỏ rực như máu rồi bị trục xuất xuống suối vàng. Đức Phật đã đặt tên cho loài hoa này là hoa Mạn Đà La (hoa của cõi Phật), nó có màu trắng thuần khiết.
Lại nói về màu đỏ rực bị trục xuất đó. Địa Tạng Bồ Tát đã biết được dưới suối vàng đang chứa đựng màu đỏ kỳ lạ từ một loài hoa bị trục xuất nơi Cực Lạc. Ngài liền đến bên bờ sông và ném xuống một hạt giống, ngay lập tức một đóa hoa đỏ tươi bay ra khỏi mặt nước. Ngài đã đón lấy hoa và đặt tên cho nó là hoa Mạn Châu Sa và có màu đỏ rực, trái ngược với màu trắng của Mạn Đà La.
IV. Công dụng của hoa bỉ ngạn trong đời sống
- Củ của cây hoa này có độc tính cao và vị đắng, do đó nếu như chiết xuất đúng cách sẽ giúp tạo ra được phương thuốc có thể điều trị bệnh ung thư, giảm đau, kháng khuẩn, chống viêm.
- Hoa bỉ ngạn có hương thơm nhẹ nhàng, có tác dụng xua đuổi côn trùng vô cùng hữu hiệu. Người ta hay dùng nó để xua đuổi ruồi, muỗi, chuột và các loại côn trùng, động vật khác.
- Một số người nông dân đã phát hiện ra việc trồng cây bỉ ngạn ở trong vườn có thể giúp ngăn chặn sự xâm lấn của một số loài cỏ dại cũng như các loài cây cỏ có hại khác cho nông nghiệp.
- Cuối cùng, hoa còn được dùng để trang trí nhà cửa nhằm phục vụ mục đích phong thủy và tâm linh trong văn hóa đạo Phật.
V. Những sự thật về hoa bỉ ngạn
1. Hoa bỉ ngạn tiếng Anh gọi là gì?
Hoa bỉ ngạn có tên tiếng Anh thường gọi là Spider Lily.
2. Hoa bỉ ngạn bao lâu nở 1 lần? Nở vào mùa nào?
Đây là loài hoa chỉ nở 1 lần duy nhất trong năm, thời điểm chính xác vào 3 ngày trước Thu phân và 3 ngày sau Thu phân, hoa sẽ tự động tàn (khoảng từ tháng 7 đến tháng 9).
3. Hoa bỉ ngạn có bao nhiêu màu?
Hoa bỉ ngạn có ba màu chính: Đỏ, trắng và vàng . Phổ biến nhất là hoa màu đỏ. Ngoài ra, hoa còn có màu tím, hồng, cam… nhưng rất hiếm thấy.
4. Hoa bỉ ngạn mọc ở đâu?
Hoa bỉ ngạn là loài hoa mọc hoang dã, bạn có thể bắt gặp chúng mọc trên những triền đồi, bờ sông, hoặc thậm chí là ven đường, bờ ruộng và một số hay mọc ở trong những khu nghĩa địa lớn. Tại Việt Nam, nơi trồng nhiều nhất loại hoa này đó là ở Đà Lạt, đó là bởi điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng tại đây vô cùng phù hợp để nhiều loài hoa phát triển tốt, trong đó có bỉ ngạn.
5. Hoa bỉ ngạn có độc không?
Bản thân bông hoa bỉ ngạn không chứa độc tố, thế nhưng phần củ hoa thì lại rất độc. Nó có chứa chất Lycorin có thể gây tổn thương tế bào hệ thần kinh và khiến người nào ăn phải bị tê liệt và suy hô hấp, dẫn đến tử vong nhanh chóng.
6. Có nên trồng hoa bỉ ngạn trong nhà?
Loài hoa này mặc dù mang đến ý nghĩa buồn đau, tang thương, thế nhưng nó cũng là loài hoa có nhiều giá trị ý nghĩa tâm linh cao đẹp, là nơi gắn kết, liên lạc giữa những người còn sống và những người đã khuất. Vậy nên bạn hoàn toàn có thể trồng hoa bỉ ngạn trong nhà mà không phải lo điều gì xấu sẽ xảy đến cả.
Hoa bỉ ngạn ở Nhật Bản (Ảnh: Aichi Now)
Rừng hoa bỉ ngạn