Cung và cầu thường được nhắc đến khi bàn đến giá cả hàng hóa, dịch vụ. Thông thường khi cung vượt cầu thì giá sẽ giảm, ngược lại giá tăng khi cầu cao hơn cung. Cùng TOPI tìm hiểu về mối quan hệ giữa cung và cầu, quy luật cung cầu trong nền kinh tế.
I. Khái niệm cung cầu
Trong kinh tế học, cung, cầu và giá cả hàng hóa có mối quan hệ mật thiết, tác động qua lại với nhau. Khi giá hàng hóa tăng, lượng cung tăng theo và cầu giảm và ngược lại. Cung cầu là sự điều chỉnh của thị trường, kéo giá cả về mức cân bằng.
1. Cung là gì?
Cung của một sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ là tổng số lượng hàng hóa hay dịch vụ mà nhà cung cấp đưa ra trên thị trường, ở các mức giá khác nhau.
Mức cung sẽ tương ứng với giá cả, khả năng sản xuất và chi phí sản xuất. Ngoài ra, cung còn phụ thuộc vào yếu tố như: giá của các yếu tố đầu vào, chính sách thuế, công nghệ, số lượng nhà sản xuất, kỳ vọng của nhà sản xuất đối với thị trường.
Cung và cầu là các khái niệm quen thuộc trong kinh tế học
2. Cầu là gì?
Cầu là tổng khối lượng hàng hóa hay dịch vụ mà người tiêu dùng cần mua tương ứng với giá cả và thu nhập. Cần phân biệt cầu với nhu cầu: Nhu cầu là sự mong muốn và cần thiết, trong khi cầu còn phải đáp ứng thêm khả năng chi trả.
Cầu của hàng hóa phụ thuộc vào giá hàng hóa, dịch vụ, thu nhập của khách hàng cũng như kỳ vọng đối với sản phẩm.
II. Mối quan hệ giữa cung và cầu
Trên thị trường, cung - cầu - giá cả có mối quan hệ mật thiết với nhau, quyết định và chi phối lẫn nhau.
Khi giá cả hàng giá tăng lên sẽ dẫn đến lượng cung tăng lên, cầu giảm.
Khi giá hàng hóa giảm dẫn đến lợi nhuận bị giảm sút thì lượng cung cũng giảm nhưng cầu có xu hướng tăng.
Ở một tình huống khác, nếu lượng cung hàng bất chợt tăng lên mà lượng cầu không tăng theo thì giá hàng hóa bị giảm và ngược lại.
Ngoài ra, ở một thời điểm nào đó lượng cầu tăng lên nhưng cung không theo kịp sẽ dẫn đến khan hàng, giá tất yếu sẽ tăng cao.
Ba yếu tố cung - cầu và giá luôn gắn kết chặt chẽ và chi phối lẫn nhau trong nền kinh tế.
Cung - cầu và giá cả hàng hóa quan hệ, tác động qua lại lẫn nhau
III. Các yếu tố ảnh hưởng tới cung và cầu
1. Giá hàng hóa hoặc dịch vụ
Giá bán là yếu tố đầu tiên và lớn nhất ảnh hưởng đến cung và cầu . Giá hàng hóa càng cao thì cầu càng giảm và ngược lại.
Ví dụ: Khi bạn đi mua sắm, bạn có nhu cầu mua một hàng hóa nào đó, nhưng giá của nó đắt lên thì bạn sẽ phải cân nhắc có nên mua hay không và có thể bạn sẽ đợi đến ngày có khuyến mãi hoặc đến khi giá mặt hàng đó giảm xuống.
2. Giá cả của hàng hóa và dịch vụ có liên quan
Các yếu tố ảnh hưởng đến cung và cầu của một sản phẩm cũng hiện diện trong giá cả của dịch vụ và hàng hóa khác có liên quan. Trên thị trường có nhiều sản phẩm tương đồng cói các mức giá khác nhau. Nếu giá cả các mặt hàng có thể thay thế cho nhau có sự chênh lệch về giá thì những mặt hàng bán giá thấp sẽ có cầu cao hơn.
Quy luật này cũng áp dụng đối với hàng hoá khó tách biệt vì chúng được người tiêu dùng coi là bổ sung cho nhau.
Ví dụ: Sản phẩm cà phê và đường, sữa có liên quan đến nhau. Khi giá cà phê tăng, người tiêu dùng mua cà phê sẽ giảm dẫn đến lượng người mua đường và sữa cũng giảm theo bởi đường và sữa là mặt hàng bổ sung cho cà phê.
3. Thu nhập tiền mặt
Thu nhập của cá nhân cũng ảnh hưởng đến cung và cầu. Nếu thu nhập của người dân tăng lên thì nhu cầu tiêu dùng, mua sắm cũng tăng, các nhà sản xuất cũng tăng lượng cung hàng theo.
Ngược lại, khi khủng hoảng, thất nghiệp, thu nhập bị giảm sút, người dân sẽ phải thắt chặt chi tiêu, giảm mua sắm. Những mặt hàng không quá thiết yếu sẽ bị loại khỏi danh sách nhu cầu.
Nếu có một cuộc khủng hoảng, Chính phủ sẽ ban hành các chính sách làm cho thu nhập của người dân tăng lên, cuối cùng là tăng nhu cầu. Quyết định được đưa ra nhằm ổn định nền kinh tế trong nước.
Thu nhập của người dân quyết định lượng cầu tăng hoặc giảm
4. Thị hiếu của xã hội
Thị hiếu đối với một mặt hàng cũng ảnh hưởng đến cung và cầu mặt hàng đó trong một khoảng thời gian nhất định.
Ví dụ: Trong đại dịch, mọi người thích đi xe đạp để tăng vận động, tăng khả năng miễn dịch. Do đó nhu cầu về xe đạp sẽ tăng lên.
5. Chất lượng hàng hóa
Khi chọn mua một mặt hàng nào đó, người tiêu dùng rất coi trọng yếu tố chất lượng cho dù đó là mặt hàng đắt hay rẻ.
Ví dụ: Những hãng điện thoại lớn và được khẳng định về chất lượng thì cho dù giá cao cũng có nhiều người muốn mua. Ngược lại, các hãng không tên tuổi, chất lượng và công nghệ không bằng thì mặc dù giá rẻ hơn nhiều nhưng ít người muốn mua.
6. Tổng dân số
Nếu dân số đông thì nhu cầu về hàng hóa tất yếu cao. Do đó các nhà cung cấp dịch vụ, hàng hóa sẽ chọn bán sản phẩm ở nơi đông dân cư.
7. Sử dụng công nghệ
Sự tiến bộ trong công nghệ sẽ ảnh hưởng đến cung và cầu. Khi áp dụng công nghệ tiên tiến, sản phẩm được sản xuất ra nhiều hơn, chất lượng tốt hơn, dẫn đến lượng cung hàng tăng.
Ví dụ: Người nông dân sử dụng máy cày, máy gặt, áp dụng khoa học vào nông nghiệp sẽ có năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn.
Áp dụng công nghệ vào sản xuất sẽ làm tăng lượng cung hàng hóa
8. Cơ hội sinh lời
Yếu tố sinh lời ảnh hưởng lớn nhất đến lượng cung hàng. Nếu một sản phẩm nào đó có tiềm năng và cơ hội sinh lời cao, các nhà sản xuất sẽ tăng lượng sản xuất, mở ra cánh cửa mới cho việc phân phối.
Để đạt được lợi nhuận như mong muốn, người sản xuất sẽ cố gắng thực hiện các yêu cầu của người tiêu dùng. Hơn nữa, định hướng kinh doanh không bao giờ xa rời lợi nhuận. Khi các nhà sản xuất thành công trong việc tăng lợi nhuận, tất yếu doanh nghiệp có thể phát triển hơn.
IV. Quy luật cung cầu trên thị trường chứng khoán
Hoạt động giao dịch chứng khoán được xếp vào loại giao thương đặc biệt. Do đó, thị trường này cũng bị tác động bởi quy luật cung cầu. Quy luật này ảnh hưởng lớn đến các nhà đầu tư ngắn hạn do tâm lý sợ bỏ lỡ.
Đối với thị trường chứng khoán, quy luật cung cầu thể hiện sự điều chỉnh lượng cung và lượng cầu để xác định mức giá cân bằng với lượng giao dịch.
Quy luật này có ảnh hưởng đến sự biến động của giá cổ phiếu đang được niêm yết trên thị trường. Thông qua quy luật cung cầu, tâm lý của nhà cầu tư cũng được thể hiện qua sự thay đổi về giá của các mã cổ phiếu.
Thị trường chứng khoán cũng chịu tác động của quy luật cung cầu
Ví dụ:
Đối với cổ phiếu ROS, trong giai đoạn từ năm 2017 - đến 2018 có cầu tăng mạnh mẽ khiến cho giá cổ phiếu từ 10.000đ được đẩy lên 200.000đ bất chấp việc các nhà đầu tư cho rằng mức giá bán không tương xứng với giá trị cổ phiếu.
Đến khoảng cuối năm 2020, lượng cầu cổ phiếu giảm dần, mức giá cũng bắt đầu giảm xuống chỉ còn 2.000đ/cổ phiếu. Điều này cho thấy quy luật cung cầu ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường cổ phiếu.
Theo các nghiên cứu tâm lý, đa số nhà đầu tư có xu hướng mua và bán theo cảm xúc nhiều hơn phân tích các yếu tố để quyết định. Khi đã nắm bắt được quy luật cung cầu, các nhà đầu tư có thể đánh giá và dự báo diễn biến giá chứng khoán, điều này giúp hạn chế tình trạng chạy theo đám đông.
Quy luật cung cầu đóng vai trò quan trọng đối với những dự án kinh doanh, nhà sản xuất và cả một quốc gia. Thông qua những chia sẻ của TOPI về quy luật cung cầu, hy vọng bạn có thể áp dụng vào dự báo sự thay đổi của giá cả trên thị trường, nắm bắt cơ hội kinh doanh. Hãy theo dõi chúng tôi để biết thêm những kiến thức hữu ích nhé.