Lão hoá là một điều tất yếu của tự nhiên và không ai có thể tránh khỏi. Tình trạng lão hoá thường bắt đầu xảy ra mạnh mẽ từ độ tuổi 40 trở đi, với những thay đổi đáng kể của cơ thể - từ màu da, mái tóc đến thân thể. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể làm chậm, thậm chí đảo ngược quá trình lão hoá thông qua các biện pháp chăm sóc sức khỏe toàn diện.
1. Tình trạng lão hoá diễn ra như thế nào?
Tình trạng lão hoá là một phần tất yếu của cuộc đời mỗi con người, có thể dẫn đến những thay đổi cho các bộ phận và chức năng trong cơ thể bạn. Việc biết được lão hoá diễn ra như thế nào sẽ giúp bạn cố gắng giảm bớt hoặc làm chậm quá trình lão hoá.
1.1. Trái tim của bạn phải hoạt động vất vả hơn
Khi bạn già đi, các mạch máu và động mạch trong cơ thể sẽ trở nên cứng hơn. Tim bạn cũng phải làm việc cật lực và vất vả hơn để bơm máu. Điều này có thể dẫn đến tình trạng huyết áp cao và các vấn đề về tim khác.
1.2. Khác biệt về làn da
>>> Xem thêm: Uống collagen có tác dụng gì cho da?
Khi lão hoá, da bạn trông sẽ khô ráp hơn và kém mềm mại hơn so với trước đây. Điều này là do da bạn tạo ra ít dầu tự nhiên hơn khi tuổi tác của bạn càng cao.
Ngoài ra, bạn cũng có xu hướng ít đổ nhiều mồ hôi hơn và mất đi một số mô mỡ ngay dưới da và khiến da bạn trông có vẻ mỏng manh hơn. Bạn sẽ nhận thấy trên da dần xuất hiện các nếp nhăn, đốm đồi mồi và các nốt sần nhỏ.
1.3. Mắt mờ dần và tai khó nghe khó hơn
Tuổi già khiến bạn khó có thể nhìn rõ được các vật thể ở gần. Lúc này, bạn có thể phải cần đến kính để đọc sách. Hoặc đôi khi mắt bị lóa khi thấy ánh sáng chói và khó thích ứng với sự thay đổi đột ngột của ánh sáng. Đối với thính giác, lão hoá có thể khiến bạn gặp khó khăn khi nghe các cuộc trò chuyện trong phòng đông người hoặc ở tần số cao.
1.4. Răng và nướu thay đổi
Việc sử dụng một số loại thuốc có thể làm cho miệng của bạn trở nên khô hơn. Tình trạng khô miệng sẽ làm tăng nguy cơ sâu răng và nhiễm trùng.
1.5. Xương giòn hơn
Ngay từ độ tuổi 40 và 50, xương của bạn bắt đầu yếu đi trông thấy. Chúng trở nên loãng và giòn hơn, điều này cũng làm tăng nguy cơ bị gãy xương ở người lớn tuổi.
Thậm chí, nhiều người cũng nhận thấy chiều cao của họ bị giảm xuống từ 1 - 2 inch bắt đầu từ độ tuổi 40. Điều này là do các đĩa đệm trong cột sống bị co lại và khiến bạn trông thấp hơn.
Ngoài ra, các khớp cũng có dấu hiệu cứng hơn. Chất lỏng và sụn lót các khớp có thể bị giảm hoặc hao mòn theo tuổi tác. Khi các mô giữa các khớp bị phá vỡ có thể dẫn đến tình trạng viêm khớp.
1.6. Khó kiểm soát tiểu tiện
Lão hoá cũng khiến bạn cảm thấy khó kiểm soát bàng quang hơn, gây ra tình trạng són tiểu. Điều này thường xảy ra với khoảng 10% những người ở độ tuổi 65 trở lên.
Ngoài ra, nhiều người cũng cho biết, họ bị rỉ một chút nước tiểu mỗi khi ho, hắt hơi hoặc đi tắm. Đối với phụ nữ, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này thường do mãn kinh. Đối với nam giới, phì đại tuyến tiền liệt có thể là yếu tố dẫn đến són tiểu.
Hơn nữa, bạn cũng có thể nhận thấy tần suất đại tiện của mình không còn thường xuyên như trước. Một số tình trạng, chẳng hạn như bệnh tiểu đường, có thể làm chậm quá trình đi tiêu của bạn. Việc sử dụng các loại thuốc có thể khiến bạn bị táo bón, bao gồm thuốc điều trị huyết áp, bệnh Parkinson, động kinh và trầm cảm. Ngoài ra, thuốc bổ sung sắt hoặc thuốc giảm đau có chứa chất gây mê cũng có thể dẫn đến tình trạng táo bón.
1.7. Mất khối lượng cơ bắp và suy giảm chức năng tình dục
Khi chúng ta lão hoá, cơ thể sẽ bị mất một khối lượng cơ đáng kể, dẫn đến suy nhược và giảm khả năng hoạt động.
Trong thời kỳ mãn kinh, các mô âm đạo của người phụ nữ trở nên khô, mỏng và kém đàn hồi hơn. Điều này khiến cho tình dục kém thú vị hơn. Ngoài ra, phần ngực của phụ nữ cũng mất mô và mỡ, trông nhỏ và kém đầy đặn hơn trước. Đối với đàn ông, khi lão hoá sẽ khiến họ khó đạt hoặc giữ được sự cương cứng lúc quan hệ tình dục.
2. Các bước giúp đảo ngược quá trình lão hoá
Dưới đây là những bước đơn giản giúp bạn làm chậm quá trình lão hoá một cách hiệu quả, bao gồm:
2.1. Bỏ hút thuốc lá
Điều tốt nhất mà bạn có thể làm cho sức khỏe cũng như tuổi thọ của mình là bỏ hút thuốc lá. Hút thuốc được xem là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tật, từ bệnh tim cho đến các rối loạn phổi. Những tình trạng bệnh này đều có thể khiến cho quá trình lão hoá của bạn diễn ra nhanh hơn.
Khi hút thuốc, chất nicotine sẽ xâm nhập vào cơ thể và khiến cho mạch máu ở lớp ngoài cùng của da bị thu hẹp, làm giảm lưu lượng máu, khiến cho da không nhận đủ oxy cũng như chất dinh dưỡng cần thiết. Ngoài ra, sức nóng từ thuốc lá kết hợp với các biểu hiện trên khuôn mặt bạn khi hút thuốc cũng có thể gây hình thành các nếp nhăn sớm, đặc biệt là vùng quanh miệng.
2.2. Uống rượu có chừng mực
Rượu có thể xâm nhập vào từng tế bào, làm hỏng các gen và gây viêm gan. Phụ nữ chỉ nên uống khoảng 1 ly rượu vang mỗi ngày và hai ly đối với đàn ông.
2.3. Ngủ đủ giấc
Cơ thể bạn cần có thời gian nhất định để sửa chữa các tế bào bị tổn thương. Ngủ đủ giấc được xem là chìa khóa vàng chống lão hoá hiệu quả, giúp bạn luôn khỏe mạnh và minh mẫn.
2.4. Tiêu thụ các chất béo lành mạnh
Để giúp làm chậm quá trình lão hoá, bạn nên cắt giảm lượng tiêu thụ các chất béo bão hoà và tăng lượng chất béo omega - 3 trong chế độ ăn uống hàng ngày. Bạn nên hạn chế ăn các loại thịt đỏ, bánh ngọt hoặc kem, thay vào đó tăng lượng tiêu thụ carbs phức tạp, chẳng hạn như ngũ cốc nguyên hạt, rau, trái cây.
Ngoài ra, bạn cũng có thể bổ sung các chất béo lành mạnh qua các loại cá béo, ví dụ như cá mòi, cá hồi và cá thu. Những thực phẩm này có thể giúp ngăn chặn các gốc tự do gây tổn hại đến các tế bào trong cơ thể bạn.
2.5. Ăn uống điều độ
Bạn nên chú ý về tổng lượng thức ăn hàng ngày của mình. Các nghiên cứu trên động vật đã cho thấy, việc hạn chế tiêu thụ khoảng 30% calo có thể giúp tăng tuổi thọ. Ngoài ra, ăn uống điều độ cũng giúp bạn duy trì được số cân nặng hợp lý, từ đó bớt gây áp lực cho cơ thể và ngăn ngừa các dấu hiệu của lão hoá.
2.6. Thận trọng khi bổ sung hormone cho cơ thể
Đã có nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy việc giảm hormone tăng trưởng ở người có liên quan đến tình trạng xương mỏng hơn, nhiều chất béo trong cơ thể hơn và tâm trạng thất thường. Mặc dù việc bổ sung các hormone tăng trưởng (HGH) có thể giúp bạn xây dựng cơ bắp, tuy nhiên nó chưa được chứng minh xác thực với tác dụng giúp cơ bắp khỏe hơn.
Ngoài ra, hormone HGH cũng có liên quan đến một loạt các tình trạng, bao gồm cơ thể giữ nước, hội chứng ống cổ tay, mất cân bằng mức đường huyết và huyết áp cao. Bên cạnh đó, việc sử dụng các liệu pháp thay thế hormone có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư và bệnh tim mạch.
2.7. Sống lạc quan
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người có quan điểm tích cực về lão hoá sẽ sống lâu hơn 7 năm so với những người khác. Bạn nên hướng về tương lai thay vì sợ hãi trước các nguy cơ của sự già đi. Những thay đổi trong nhận thức và tinh thần sẽ giúp bạn trẻ lâu hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: pennmedicine.org, webmd.com