Hệ xương có vai trò quan trọng trong cơ thể của con người. Bộ phận này giúp những chức năng vận động phối hợp nhịp nhàng và linh hoạt. Bên cạnh đó, xương còn bảo vệ những cơ quan khác khỏi tổn thương. Để tăng cường sức khỏe xương khớp, chúng ta nên có lối sống lành mạnh kết hợp chế độ ăn uống khoa học.
Hệ xương người là gì?
Hệ xương là bộ phận đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cơ thể người. Chúng giúp bảo vệ, hỗ trợ các hoạt động tim, não và các bộ phận khác. Bên cạnh đó, khung xương còn sản sinh ra những tế bào bạch cầu, hồng cầu; dự trữ khoáng chất cần thiết; duy trì chức năng vận động.
Khi sinh ra, cơ thể một người khỏe mạnh sẽ có 270 chiếc xương. Trong quá trình phát triển, cơ thể sẽ có nhiều xương liên kết với nhau. Đến lúc trưởng thành, cơ thể sẽ có 206 chiếc xương, chưa kể số lượng lớn những xương tại các vùng nhỏ trong cơ thể. Xương lớn nhất là xương đùi. Xương nhỏ nhất là xương bàn đạp, thuộc phần tai giữa, có vai trò tham gia dẫn truyền những rung động âm thanh vào tai trong. (1)
Cấu tạo của bộ xương người
Có 3 thành phần chính cấu tạo nên bộ xương của con người, bao gồm xương đặc (lớp ngoài), xương xốp (lớp trong) và tủy xương. (2)
- Xương đặc (màng xương): Xương đặc có nhiệm vụ bảo vệ xương xốp khỏi các tác động chèn ép bên ngoài, chiếm khoảng 80% khối lượng xương. Xương đặc rất cứng, chắc và dày.
- Xương xốp: Đây là lớp bên trong của xương, hình thành chủ yếu từ sợi xương (một dạng cấu trúc có thể tạo màng). Xương xốp không dày như lớp vỏ xương ở ngoài.
- Tủy xương: Tủy xương (mô tủy) chủ yếu có trong những loại xương chứa mô xương xốp. Đối với trẻ em, phần lớn những loại xương đều có tủy đỏ. Trong quá trình lớn lên, loại tủy xương này chuyển thành màu vàng hay tủy béo. Ở người trưởng thành, những loại xương như đốt sống, xương sườn, xương đùi, xương chậu có chứa tủy đỏ.
Bên cạnh đó, hệ xương của con người còn bao gồm:
- Xương tái hấp thụ những tế bào hủy xương
- Xương hình thành những tế bào xương, nguyên bào tạo xương
- Khung xương chứa những loại protein (không phải là collagen), chất khoáng
- Khung xương chứa những muối khoáng vô cơ lắng đọng
Chức năng của hệ xương
Hệ xương đóng vai trò:
- Bảo vệ: Xương sọ và xương lồng ngực bảo vệ những bộ phận bên trong khỏi tổn thương.
- Nâng đỡ: Khung xương tương tự một cây cầu liền mạch, có nhiệm vụ liên kết giữa các mô và cơ.
- Dự trữ khoáng chất: Xương giúp dự trữ canxi, photpho, những khoáng chất cần thiết để cơ thể dùng đến mỗi khi cần.
- Dự trữ năng lượng: Tế bào mỡ của tủy vàng dự trữ những chất béo, giúp cung cấp năng lượng cho cơ thể.
- Sản sinh ra tế bào máu: Xương giúp sản sinh ra các tế bào máu trong tủy đỏ.
- Vận động: Hệ vận động của con người có thể dễ dàng hoạt động và di chuyển linh hoạt là nhờ vào sự kết nối giữa các cơ, xương.
Các bộ phận chính trong hệ xương
Sau khi sinh ra, xương của trẻ được chia thành 3 phần là xương đầu, xương thân và xương chi. Ngoài ra, hệ xương còn được chia thành 4 loại là xương dài, xương ngắn, xương dẹt, xương hình bất định. Trong đó, khớp là vị trí tiếp giáp giữa những đầu xương.
Ở trẻ em, đầu xương dài của cánh tay và đùi trông như một đầu xương hoàn chỉnh. Tuy nhiên, kết quả chụp X-quang cho thấy 3 bộ phận cấu thành bao gồm: (3)
- Thân xương: Đây là phần ở giữa dài nhất và có hình ống. Cấu tạo của thân xương gồm màng xương mỏng (ở ngoài cùng), vỏ xương, khoang xương (có chứa tủy xương).
- Hạt đầu xương: Hai phần đầu xương, mô xương xốp, có chứa tủy đỏ.
- Sụn xương (không chụp được bằng tia X): Sụn xương nằm ở giữa thân xương và hạt đầu xương, bọc 2 đầu xương.
Xương ngắn, xương dẹt, xương bất động đều có cấu tạo giống nhau:
- Bên ngoài: Mô xương cứng
- Bên trong: Mô xương xốp chứa tủy xương
1. Các loại xương trong cơ thể
Cơ thể của chúng ta có 4 loại xương khác nhau gồm:
- Xương dài: Hình dạng xương dài và mỏng. Xương dài như xương của cánh tay và chân; không gồm cổ tay, mắt cá chân, xương bánh chè. Thông qua sự trợ giúp của cơ, các xương này hoạt động như đòn bẩy cho phép chuyển động.
- Xương ngắn: Xương có hình dạng khối vuông. Xương ngắn như xương tạo nên cổ tay, mắt cá chân.
- Xương dẹt: Bề mặt xương phẳng và rộng. Xương dẹt như xương bả vai, xương sườn, xương ức, xương sọ.
- Xương khác: Các xương này có hình dạng không như 3 loại trên (ví như xương cột sống).
2. Khớp xương
Khớp là vị trí những xương tiếp xúc với nhau, hình thành hệ thống xương tổng thể. Chúng nối giữa hai hoặc nhiều xương, giúp cơ thể thực hiện các chuyển động trong sinh hoạt hằng ngày. Cơ thể của con người có các loại khớp như:
- Khớp bất động: Khớp này là loại khớp cố định, không chuyển động trong quá trình tồn tại, phát triển.
- Khớp bán động: Khớp giúp giữ chặt hai đoạn xương với nhau. Khớp bán động chỉ thực hiện được các chuyển động hạn chế.
- Khớp động: Khớp chứa hoạt dịch, giúp khớp hoạt động linh hoạt và trơn tru.
Các bệnh lý ảnh hưởng đến sức khỏe của hệ xương
Các bệnh lý thường gặp ở xương khớp như:
- Gãy xương
- Loãng xương
- Viêm xương
- Viêm tủy xương
- Loạn sản dạng sợi
- Còi xương (xương đang phát triển của trẻ em không thể phát triển do thiếu vitamin D)
- Đa u tủy (ung thư tế bào plasmo ở trong tủy xương)
- Ung thư xương (ung thư xương nguyên phát gồm u xương, u màng đệm).
Cần làm gì để xương khỏe mạnh?
Hệ xương chắc khỏe sẽ là nền tảng giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tật. Độ vững chắc của khương xương sẽ phát triển tốt nhất trong suốt thời thơ ấu cho tới giai đoạn đầu ở tuổi trưởng thành. Theo thời gian, mật độ xương sẽ suy giảm. Lúc này, nguy cơ loãng xương tăng cao khi chúng ta không có những biện pháp chăm sóc, bảo vệ xương ngay từ sớm. (4)
Loãng xương có thể khiến xương dễ bị gãy, dù chỉ với một tác động nhỏ. Để giảm thiểu nguy cơ suy giảm mật độ xương và phòng ngừa những bệnh lý xương khớp, cần lưu ý:
- Bổ sung canxi: Canxi là khoáng chất vô cùng quan trọng với cơ thể, nhất là sức khỏe xương khớp. Vì thế, trong thực đơn ăn uống hàng ngày nên có những loại thực phẩm giàu canxi như sữa, sữa chua, phô mai, các loại đậu, rau xanh, cá hồi, cá mòi, tôm, đậu nành…
- Bổ sung vitamin D và vitamin K2: Cả 2 loại vitamin này đều giúp cơ thể hấp thu canxi tốt hơn, nhờ đó xây dựng hệ xương khớp chắc khỏe. Người thiếu hụt vitamin K2 và vitamin D có nguy cơ giảm mật độ xương cao, dễ dẫn tới tình trạng loãng xương. Do đó, trong thực đơn hằng ngày, bạn nên tăng cường bổ sung những thực phẩm giàu 2 loại vitamin này như dưa bắp cải, rau xanh, phô mai, natto (hạt đậu tương lên men)…
- Bổ sung acid béo omega-3: Omega-3 giúp cơ thể duy trì mật độ xương rất tốt. Mỗi ngày nên bổ sung nhiều những loại thực phẩm giàu loại acid béo này như các loại hạt, cá hồi, cá mòi, cá trích…
- Kiểm soát tốt cân nặng: Duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý giúp nâng cao sức khỏe xương khớp. Những người thiếu cân có nguy cơ bị loãng xương cao. Trong khi, tình trạng thừa cân, béo phì lại làm gia tăng áp lực lên xương khớp và những cơ quan khác. Vì thế, chúng ta nên giữ cân nặng ở mức cân đối để đảm bảo khung xương luôn chắc khỏe, dẻo dai.
- Không hút thuốc và dùng bia rượu nhiều: Hút thuốc và dùng nhiều bia rượu có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương, dẫn tới gãy xương. Vì thế, để tăng cường sức khỏe cho xương khớp, bạn nên từ bỏ thói quen hút thuốc, đồng thời cần dùng rượu bia có chừng mực.
Xem thêm: Ăn gì tốt cho xương?
Trung tâm Chấn thương chỉnh hình và khoa Cơ xương khớp - Hệ thống BVĐK Tâm Anh, là nơi quy tụ đội ngũ chuyên gia đầu ngành, bác sĩ Cơ xương khớp giàu kinh nghiệm, tận tâm, nhiệt tình như: TTND.GS.TS.BS Nguyễn Việt Tiến; PGS.TS.BS Đặng Hồng Hoa; PGS.TS.BS Vũ Thị Thanh Thủy, TS.BS Chế Đình Nghĩa, ThS.BS.CKII Trần Anh Vũ; ThS.BS.CKI Lê Đình Khoa, ThS.BS Nguyễn Quang Tôn Quyền; TS.BS.CKII Vũ Hữu Dũng, TS.BS Văn Đức Minh Lý, ThS.BS.CKII Nguyễn Ngọc Tiệp, ThS.BS ThS.BS.CKI Đặng Khoa Học, ThS.BS Trần Thị Hoài Thanh, BS.CKI Kim Thành Tri, BS.CKI Lê Thanh Vương, ThS.BS.CKI Mai Hoàng Dương… Đây cũng là một trong những đơn vị tiên phong trong việc chẩn đoán và điều trị các bệnh cơ xương khớp với kỹ thuật hiện đại theo phác đồ cập nhật quốc tế.
Bệnh viện còn được trang bị hệ thống máy móc, trang thiết bị chẩn đoán hình ảnh hiện đại như: máy chụp CT 768 lát cắt Somatom Drive, máy cộng hưởng từ thế hệ mới Magnetom Amira BioMatrix, robot Artis Pheno, máy đo mật độ xương, máy siêu âm, hệ thống kính vi phẫu thuật Opmi Vario 700 Zeiss, bàn mổ Meera-Maquet, máy đo bàn chân bẹt và in 3D lót đế giày chuyên dụng, Robot lượng giá sức mạnh Dây chằng khớp gối… để có thể phát hiện sớm các tổn thương và điều trị hiệu quả các bệnh lý về cơ xương khớp…
BVĐK Tâm Anh còn sở hữu hệ thống phòng khám khang trang, khu nội trú cao cấp; khu vực phục hồi chức năng hiện đại; quy trình chăm sóc hậu phẫu toàn diện giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục và ổn định sức khỏe sau phẫu thuật.
Để đặt lịch khám và điều trị với các chuyên gia đầu ngành tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:
Ở lứa tuổi nào, sức khỏe xương khớp đều rất quan trọng. Tuy nhiên, việc chăm sóc sức khỏe của hệ xương và hệ khớp là điều thường bị nhiều người bỏ qua. Do những triệu chứng thường không xuất hiện cho tới khi tình trạng suy giảm mật độ xương tiến triển. Để nâng cao sức khỏe cơ xương khớp, chúng ta cần có chế độ dinh dưỡng khoa học và lối sống lành mạnh.