Sự rối loạn mùi vị thường không ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng người bệnh nhưng có thể nguy hiểm gián tiếp nếu như ăn phải thức ăn bị ôi thiu, không phát hiện mùi khét của cháy hay sự rò rỉ của ga....
1. Rối loạn mùi vị là gì?
Bình thường, một người sẽ có 5 giác quan gồm khứu giác, xúc giác, vị giác, thính giác và thị giác. Vai trò của các giác quan này là giúp con người cảm nhận những kích thích từ môi trường bên ngoài. Đối với vị giác và khứu giác có vai trò trong việc ăn uống, giúp con người nhận biết về việc đồ ăn có thể dùng được nữa không thông qua mùi vị đặc trưng.
Đối với vị giác, bốn vị cơ bản là mặn, ngọt, chua, đắng. Rối loạn vị giác là một dạng biểu hiện của rối loạn cảm giác, gây ra bởi tổn thương vùng não điều khiển chức năng cảm giác làm cho người bệnh không cảm nhận được vị của đồ ăn.
Về khứu giác, bình thường có thể phân biệt được 10.000 mùi khác nhau, mùi kích thích tuyến nước bọt vì giữa khứu giác và vị giác có sự liên hệ với nhau, do đó những người bị rối loạn khứu giác sẽ thường kèm theo kém hoặc mất vị giác, hay còn gọi chung là rối loạn mùi vị. Những bất thường khứu giác xảy ra khi cơ quan này hay bộ phận cảm nhận mùi bị trục trặc. Rối loạn khứu giác thường được thành các loại sau:
- Mất ngửi: Mất cảm nhận về mùi vị
- Loạn ngửi: Đây là tình trạng khiến người bệnh có ảo giác về một mùi khó chịu.
- Ngửi quá thính: Là tình trạng tăng cảm giác với mùi.
- Giảm cảm giác ngửi: Loạn rối loạn này thường chỉ là tạm thời, nguyên nhân thường do cảm cúm.
- Mất ngửi do lão hóa: Xảy ra khi người bệnh có tuổi.
Sự rối loạn mùi vị thường không nguy hiểm đến tính mạng nhưng có thể nguy hiểm nếu bị mất khứu giác, vì người đó có thể ăn phải thức ăn bị ôi thiu, không phát hiện mùi khét của cháy... và có thể dẫn tới chứng trầm cảm.
2. Dấu hiệu rối loạn mùi vị
Người bị rối loạn mùi vị có thể gặp nhiều biểu hiện khác nhau tùy thuộc vào tình trạng bệnh. Các dấu hiệu rối loạn mùi vị thường gặp như sau:
- Không cảm nhận được rõ ràng các mùi vị của thức ăn hay nước uống, người bệnh thường nhận thấy tất cả đều có mùi vị giống nhau. Điều này rất nguy hiểm bởi người bệnh không thể nhận biết được thực phẩm hỏng, độc hại và họ sẽ phải đối mặt với nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất lớn.
- Trong một số trường hợp, có thể cảm nhận được vị mặn khi ăn uống mặc dù đồ ăn đó không chứa muối.
- Đôi khi rối loạn mùi vị chỉ là tạm thời, nhất là sau khi bị cảm cúm, nhưng với những người bị chấn thương vùng đầu thì có thể bị mất mùi vị vĩnh viễn hoặc ngửi sai mùi (người bệnh chỉ ngửi thấy mùi thối hay còn gọi là ảo giác mùi hôi).
- Trường hợp bị nặng, người bệnh bị rối loạn khứu giác kèm rối loạn vị giác thì sẽ mất hoàn toàn khả năng mùi vị. Những biểu hiện này khiến người bệnh chán ăn, bỏ ăn, dẫn đến nhiều hậu quả nặng nề đối với sức khỏe người bệnh.
3. Nguyên nhân rối loạn mùi vị?
Đối với rối loạn vị giác, một số nguyên nhân chủ yếu sau thường gây nên triệu chứng này:
- Sang thương ở vùng niêm mạc, nụ vị giác hoặc các sợi thần kinh sọ não, cuống não, vỏ não đều là nguyên nhân gây rối loạn vị giác.
- Tình trạng viêm nhiễm: Nhiễm nấm candida, viêm lợi, viêm tuyến nước bọt...
- Tổn thương thần kinh, bệnh nội tiết như suy vỏ thượng thận, hội chứng Cushing, chứng đần độn, tiểu đường, suy tuyến yên,...
- Thay đổi tại chỗ của nụ vị giác như hoá chất, thuốc, chứng khô miệng .
- Bị chứng suy mòn, suy thận mạn, xơ gan, thiếu vitamin hay các bệnh trầm cảm, tâm thần phân liệt.
- Có khối u tân tạo vùng nền sọ hoặc ung thư khoang miệng.
Đối với rối loạn khứu giác, một số nguyên nhân chủ yếu sau thường gây nên triệu chứng này:
- Polyp mũi, cảm cúm, nghẹt mũi, viêm đường hô hấp trên,... thường là những nguyên nhân chủ yếu gây các bất thường khứu giác.
- Có thể do vẹo vách ngăn, tổn thương khe khứu, nhiễm trùng xoang mũi, hay do tổn thương một phần ống khứu giác, chứng trầm cảm, chấn thương ở vùng đầu.
- Dùng một loại thuốc điều trị kéo dài. Các thuốc thường gây rối loạn khứu giác như thuốc kháng histamin, thuốc chống phù nề...
- Quá trình lão hóa hoặc các u ở trong mũi và màng não, điều trị hóa chất hoặc tia xạ. Một số trường hợp do vệ sinh răng miệng kém, động kinh cục bộ.
4. Điều trị rối loạn mùi vị
Việc điều trị rối loạn mùi vị thường dựa trên nguyên nhân gây ra. Các phương pháp điều trị bệnh chủ yếu như sau:
Điều trị rối loạn mùi vị bằng phương pháp nội khoa:
- Điều trị các bệnh lý vùng mũi xoang gây giảm khứu giác, rối loạn vị giác: Sử dụng thuốc kháng histamin, thuốc xịt tại chỗ hoặc chống sung huyết.
- Nguyên nhân rối loạn mùi vị do viêm nhiễm vùng miệng do vi trùng, vi nấm: Có thể kích thích tiết nước bọt dùng nước bọt nhân tạo, loại bỏ những kích thích tại chỗ, vệ sinh răng miệng sạch sẽ hay sử dụng hàm giả.
- Nguyên nhân do rối loạn nội tiết: Điều trị rối loạn nội tiết với việc thay thế hormone thích hợp.
- Các phương pháp khác như: Thay thế những thuốc gây rối loạn mùi vị; bổ sung các chất dinh dưỡng; ăn chậm, nhai kỹ để làm tăng giải phóng hóa chất vị giác, tăng tiết nước bọt.
Điều trị rối loạn mùi vị bằng phương pháp ngoại khoa:
- Giải quyết bằng phương pháp phẫu thuật đối với các nguyên nhân gây tắc mũi làm rối loạn khứu giác, ảnh hưởng đến vị giác .
- Phẫu thuật giải áp dây thần kinh được thực hiện trong những chấn thương chèn ép thần kinh (giải áp thần kinh VII).
- Trong phẫu thuật vùng tai tránh làm tổn thương dây thần kinh thừng nhĩ.
- Tuy nhiên, trong trường hợp rối loạn mùi vị do nguyên nhân tổn thương thần kinh trung ương, bệnh lý thần kinh trong bệnh tiểu đường giai đoạn cuối, xơ cứng rải rác, ung thư ... thì thông thừng không thể điều trị được.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.