Nhận thức rõ điều này nên các hoạt động công tác xã hội hướng tới người bệnh luôn được Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội quan tâm, tổ chức đa dạng.
Mong muốn hỗ trợ bệnh nhân ung thư có được những khoảng thời gian thư giãn, quên đi nỗi đau bệnh tật, Nguyễn Hà My-nhân viên Phòng Quản lý chất lượng-Công tác xã hội (Bệnh viện Ung bướu Hà Nội) đã lên kế hoạch hợp tác với một trung tâm hướng dẫn thiền cho bệnh nhân. Hà My tâm sự: “Ý tưởng của tôi được lãnh đạo bệnh viện hết sức ủng hộ. Do đó, Phòng Quản lý chất lượng-Công tác xã hội của bệnh viện đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục vì cộng đồng Inner Space Hà Nội hướng dẫn tập thiền cho người bệnh và người nhà bệnh nhân. Hoạt động được tổ chức tại Khoa Điều trị theo yêu cầu của bệnh viện. Mặc dù mới tổ chức được 4 buổi thiền nhưng rất nhiều bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đều thấy thích thú, chờ buổi tập tiếp theo”.
Các bệnh nhân trong một buổi tập thiền tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội. Ảnh: HÀ MYNguyễn Hà My kể, có người nhà bệnh nhân sau buổi tập thiền đầu tiên đã xúc động tâm sự: “Mọi người đều nghĩ bệnh nhân mới là người mệt mỏi, nhưng những người đi chăm bệnh nhân cũng mệt mỏi không kém. Nhờ có buổi thiền này mà cả tinh thần lẫn thể xác tôi được thư thái rất nhiều. Mặc dù chỉ ngồi trong phòng bệnh nhưng nghe được tiếng giáo viên hướng dẫn là tôi cũng có thể làm theo được”. Thậm chí, có cả những bệnh nhân do sức khỏe yếu không thể rời khỏi giường nhưng cũng mở cửa phòng và vừa nằm nghỉ vừa tham gia trải nghiệm thiền qua ô cửa. Trong không gian âm nhạc du dương, các động tác hướng dẫn uyển chuyển của giáo viên có nhiều kinh nghiệm, người bệnh và người nhà được ở trong trạng thái thoải mái nhất để có thể quên đi những lo âu, mệt mỏi. Bầu không khí cuối buổi tập lúc nào cũng ấm áp, thân tình.
Một giáo viên hướng dẫn thiền chia sẻ: “Bệnh viện có lẽ là nơi ít người muốn tới nhưng lần này thật khác. Tôi bất ngờ bởi nơi tập thiền cho bệnh nhân là một không gian xinh xắn, nhỏ nhắn, ấm cúng, những hàng ghế thẳng tắp, những chậu cây cảnh xanh mát, những ánh mắt tò mò pha lẫn sự háo hức của các cô, các bác đang điều trị bệnh và người thân phụ giúp. Mọi người nhường chỗ cho nhau trên ghế ngồi, những câu hỏi thăm, ánh mắt trìu mến, những cánh tay nâng đỡ, những nụ cười rất chân thành. Sau buổi tập, mọi người còn ngồi nán lại để nghe các câu chuyện được chia sẻ".
Với kết nối như vậy, bệnh viện không còn là nơi lạnh lẽo, căn bệnh ung thư cũng không còn đáng sợ bởi nơi đây những người điều trị, người thân trông nom, người thực hiện chương trình cùng nhau kết nối, chia sẻ nỗi đau của nhau bằng tình yêu thương, trân trọng. Trong thời gian tới, các chương trình hướng dẫn thiền cho người bệnh và người nhà sẽ tiếp tục được tổ chức định kỳ hằng tháng nhằm giúp người bệnh củng cố tinh thần và sức khỏe, nâng cao hiệu quả điều trị bệnh.
DIỆP CHÂU