Ngực bị đau khi ấn vào là tình trạng thường gặp ở nữ giới, đặc biệt trong chu kỳ kinh nguyệt hay mang thai, mãn kinh. Hãy cùng tìm hiểu cảm giác đau khi ấn vào ngực là dấu hiệu bệnh gì qua chia sẻ của bác sĩ CKI Đỗ Anh Tuấn, khoa Ngoại vú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.
Ngực bị đau khi ấn vào là dấu hiệu gì?
Ngực bị đau khi ấn vào là tình trạng thường gặp, có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhiều người đau, sưng vùng ngực trong thời gian có kinh nguyệt, mang thai hay mãn kinh. Tuy nhiên, đây cũng có thể là dấu hiệu các bệnh như áp xe hay khối u vú. Vậy có những nguyên nhân phổ biến nào khiến vú bị đau khi ấn vào? Hãy cùng tìm hiểu ở phần tiếp theo.
8 nguyên nhân ngực bị đau khi ấn vào và yếu tố rủi ro thường gặp
1. Thay đổi nội tiết tố
Hầu hết các cơn đau ở vú do nội tiết có liên quan đến hormone estrogen và progesterone. Nồng độ 2 loại hormone này thường thay đổi trong thời kỳ kinh nguyệt, mang thai hoặc mãn kinh, khiến phụ nữ gặp tình trạng căng tức vú và ngực bị đau khi ấn vào.
Cơn đau do kinh nguyệt thường rõ ràng trước kỳ kinh 2-3 ngày, có thể kéo dài đến hết chu kỳ kinh nguyệt. Đau vú do kinh nguyệt thường xuất hiện ở giai đoạn dậy thì, thai kỳ và mãn kinh. Cơn đau có thể xuất hiện không đều ở mỗi kỳ kinh nguyệt. Đau ngực do mãn kinh có thể xuất hiện trong thời gian ngắn, hoặc xuyên suốt từ giai đoạn tiền mãn kinh đến hậu mãn kinh.
2. Viêm vú
Viêm vú có thể gặp ở nhiều độ tuổi. Tuy nhiên, bệnh phổ biến nhất ở phụ nữ đang cho con bú. Có nhiều nguyên nhân gây nhiễm trùng, viêm vú như:
- Đầu ti cọ xát nhiều với quần áo, gây kích ứng.
- Nhiễm nấm.
- Nhiễm trùng vú do cho con bú, chấn thương, núm vú bị nứt, phẫu thuật…
Viêm vú có thể đi kèm với một số triệu chứng như sốt hay ớn lạnh. Bệnh thường được điều trị bằng thuốc kháng sinh, có thể diễn tiến thành áp xe nếu ổ viêm gây mủ.
3. Thuốc
Một số loại thuốc có tác dụng phụ gây đau vú, căng tức ngực, khiến ngực bị đau khi ấn vào như:
- Thuốc chứa oxymetholone, điều trị thiếu tế bào hồng cầu.
- Methyldopa dùng trong điều trị tăng huyết áp. Thuốc có thể được chỉ định cho phụ nữ đang mang thai.
- Digitalis (hay digoxin) thuộc nhóm thuốc trợ tim, dùng trong điều trị suy tim, rối loạn nhịp tim.
- Chlorpromazine dùng điều trị các bệnh về tâm thần, thần kinh như tâm thần phân liệt hoặc hưng cảm.
- Một số nhóm thuốc lợi tiểu điều trị các bệnh về thận, tim hay cao huyết áp.
- Liệu pháp nội tiết tố như thuốc tránh thai, điều trị vô sinh hoặc thay thế hormone (phổ biến là bổ sung estrogen).
Nếu vùng ngực, vú bị đau khi ấn vào sau khi dùng thuốc điều trị, người bệnh nên báo với bác sĩ hoặc đi khám để tìm nguyên nhân gây tình trạng này.
4. Nang vú
Khi phụ nữ lớn tuổi, ngực sẽ dần co lại, chất béo thay thế mô vú, tạo điều kiện cho các nang và mô sợi phát triển gây nang vú (fibrocystic breast tissue). Nang vú không phải lúc nào cũng gây đau và thường lành tính. Người mắc nang vú thường cảm thấy trên vú có vết u sần, mềm, có thể to hơn trong chu kỳ kinh nguyệt. Nang vú thường không gây nguy hiểm, tuy nhiên, người mắc nên đi khám để loại trừ khả năng mắc u ác tính hay áp xe vú.
5. Áp xe vú
Nhiễm trùng có thể gây áp xe vú, đây là khối u chứa đầy mủ dưới da, tích tụ do nhiễm trùng tuyến vú. Với áp xe vú, người bệnh nên đến bệnh viện để bác sĩ có thể can thiệp điều trị. Vi khuẩn tụ cầu vàng Staphylococcus Aureus và cầu khuẩn Streptococcus sp. là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến áp xe vú. Nam giới cũng có thể mắc áp xe vú.
6. Khối u vú
Trong nhiều trường hợp, khối u ác tính (ung thư) ở vú không gây cảm giác đau, ngay cả khi đã hiện rõ trên ngực. Tuy nhiên, người bệnh có thể cảm thấy đau vú khi ấn vào, nằm sấp hay có vật nặng đè lên ngực. Cảm giác đau khi ấn vào khối u là dấu hiệu cảnh báo ung thư vú, người bệnh cần nhanh chóng đến các bệnh viện có chuyên khoa Ngoại vú như BVĐK Tâm Anh để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Một số dấu hiệu khác của khối u vú ác tính gồm:
- Khối u cố định, ít di động khi chạm vào.
- Nổi hạch bạch huyết ở vùng nách, ngực.
- Vú có cảm giác nóng rát, tê ngứa kéo dài (đây cũng có thể là triệu chứng nhiễm trùng vú).
- Tiết dịch không phải sữa ở núm vú.
Ung thư vú là bệnh nguy hiểm, cần được điều trị sớm để tăng khả năng sống, hạn chế biến chứng cho người bệnh.
7. Chấn thương vú
Chấn thương vùng ngực, vú hoặc phẫu thuật (như đặt túi ngực) có thể gây đau, tức ở vùng vú. Đôi khi, chấn thương có thể khiến tĩnh mạch vú sưng lên, gây đau vùng ngực, vú. Tuy nhiên, đau vú do chấn thương thường tự hết sau một thời gian.
8. Cho con bú
Phụ nữ trong thời kỳ cho con bú thường có cảm giác căng tức, đau khi ấn vào ngực vì một số lý do như viêm vú, tắc tuyến sữa hoặc do em bé bú.
Viêm vú xảy ra ở 3%-20% phụ nữ đang mang thai do nhiễm trùng tuyến dẫn sữa, gây sưng, đau rát, cảm giác nóng ấm khi chạm vào. Căng tức vú xảy ra khi trong ngực có quá nhiều sữa, da vùng vú căng lên, khiến ngực bị đau khi ấn vào kèm theo cảm giác ấm nóng. Để giảm cảm giác căng tức do sữa, nữ giới có thể cho con bú, vắt hoặc hút sữa để dự trữ nếu cần thiết. Ngoài ra, vùng ngực và đầu ti có thể đau khi em bé cắn hoặc ngậm đầu ti quá mạnh, khiến đầu vú nứt nẻ, nhiễm trùng. [1]
Phân loại tình trạng ngực bị đau khi ấn vào
1. Ngực bị đau theo chu kỳ
Cơn đau theo chu kỳ thường liên quan đến nội tiết tố, chu kỳ kinh nguyệt hay quá trình sinh nở ở phụ nữ. Đau ngực có chu kỳ thường không đáng lo ngại với các dấu hiệu như:
- Phụ nữ đang ở độ tuổi sinh nở (20-30 tuổi) hoặc giai đoạn mãn kinh.
- Ngực sưng to, sần sùi ở cả hai bên ngực.
- Cơ đau thường xuất hiện phía trên và ngoài của vú (gần nách).
Để giảm đau, bác sĩ có thể khuyên phụ nữ dùng thuốc tránh thai (giúp điều hòa nội tiết) hoặc thuốc giảm đau không kê đơn như acetaminophen (paracetamol), ibuprofen.
2. Ngực bị đau không theo chu kỳ
Ngực bị đau khi ấn vào không theo chu kỳ thường không liên quan đến hormone. Cơn đau không theo chu kỳ thường có triệu chứng như:
- Đau nhức kèm theo cảm giác căng cứng, khó chịu, nóng rát.
- Cơn đau xuất hiện bất ngờ.
- Cơn đau chỉ xuất hiện ở một bên vú hoặc một vùng cụ thể.
- Xuất hiện ở phụ nữ đã qua giai đoạn mãn kinh.
Khi mắc các cơn đau không theo chu kỳ, nữ giới nên khám tại các cơ sở y tế, bệnh viện chuyên về vú để được khám và điều trị nếu cần thiết.
Dấu hiệu ngực bị đau khi ấn vào cần lưu ý
Ngoài ngực bị đau khi ấn vào, dưới đây là một số dấu hiệu khác của bệnh vùng ngực vú:
- Ngực có khối u cứng, kém di động.
- Núm vú tiết dịch không phải sữa, có mùi hôi.
- Vú bị đau khi ấn vào một số vùng cụ thể.
- Vùng ngực, vú bị sưng có cảm giác nóng khi chạm vào.
- Cơn đau dữ dội, kéo dài, có dấu hiệu ngày càng trầm trọng hơn.
- Cơn đau tức ngực có kèm theo sốt, ớn lạnh.
- Sưng hạch vùng nách và ngực.
Đây là dấu hiệu cho thấy vùng vú đang nhiễm trùng, áp xe hoặc có khối u ác tính, người bệnh nên nhanh chóng đi khám để được bác sĩ chẩn đoán.
Chẩn đoán tình trạng ngực bị đau khi chạm vào
Khi người bệnh bị đau khi ấn vào ngực, bác sĩ có thể dùng các phương pháp chẩn đoán như:
- Khám lâm sàng: Bác sĩ kiểm tra dấu hiệu bất thường của vú (như sưng tấy, đau rát, khối u) và các hạch bạch huyết xung quanh khu vực cổ, nách. Bác sĩ có thể kiểm tra tim, phổi hay vùng xung quanh để xác định xuất phát điểm của cơn đau. Bác sĩ cũng khai thác bệnh sử của người bệnh và gia đình, chỉ định chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm thêm nếu cần thiết.
- Chụp nhũ ảnh (X-quang tuyến vú): Đây là phương pháp phổ biến dùng để chẩn đoán bệnh ở vùng vú, đặc biệt là khối u. Chụp nhũ ảnh cũng là kỹ thuật chính dùng trong tầm soát ung thư vú.
- Siêu âm tuyến vú: Siêu âm thường đi kèm với chụp X-quang tuyến vú, giúp bác sĩ quan sát hình ảnh tuyến vú trong thời gian thực hiện. Siêu âm có thể phát hiện tổn thương dạng nhiễm trùng như viêm tuyến sữa, áp xe, hay các loại u tuyến vú như u sợi tuyến, u diệp thể, u mỡ,…
- Sinh thiết vú: Khi bác sĩ nghi ngờ khối u ác tính qua hình chụp nhũ ảnh hay siêu âm, người bệnh có thể được chỉ định sinh thiết vú. Bác sĩ có thể lấy mẫu mô sinh thiết trong khi thực hiện siêu âm. Phương pháp sinh thiết phổ biến là đưa đầu kim nhỏ theo hướng dẫn của siêu âm vào khối u. Một mẫu mô nhỏ sẽ được hút ra và đưa đến phòng xét nghiệm, kiểm tra dấu vết của tế bào ung thư.
Ngực bị đau khi ấn vào phải làm sao?
Ngực ấn vào bị đau xuất hiện theo chu kỳ là tình trạng thường gặp, thường không cần điều trị. Nữ giới có thể ghi nhớ chu kỳ kinh nguyệt của bản thân để biết cơn đau có chu kỳ hay không.
Trong trường hợp đau tức vùng ngực không phải do nội tiết, nữ giới nên chủ động đi khám với bác sĩ có chuyên môn để chẩn đoán, điều trị nếu cần thiết.
Cách chăm sóc cải thiện ngực bị căng đau khi ấn vào
Nữ giới có thể áp dụng một số phương pháp sau để cải thiện tình trạng ấn vào vú thấy đau:
- Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu đang dùng các phương pháp thay thế hormone estrogen. Giảm liều hoặc ngưng dùng phương pháp thay thế estrogen có thể giúp cải thiện tình trạng đau, căng tức ngực do nội tiết tố thay đổi.
- Nếu bị đau ngực do tác dụng phụ của thuốc, nữ giới có thể trao đổi với bác sĩ để lựa chọn thuốc thay thế. Khi dùng thuốc để giảm đau vùng vú, nữ giới nên tham khảo ý kiến bác sĩ về liều và thời gian sử dụng.
- Mặc áo ngực vừa vặn, không quá chật hay gây cảm giác tức ngực, khó thở, cản trở vận động.
- Hạn chế dùng thực phẩm chứa nhiều caffeine như cà phê, sô cô la hay ca cao.
- Tầm soát ung thư vú định kỳ hàng năm từ sau 40 tuổi. Riêng đối tượng có nguy cơ cao như tiền sử gia đình mắc ung thư vú, buồng trứng; không sinh con; béo phì; dùng nhiều rượu bia, thuốc lá,… nên tầm soát mỗi 6 tháng.
Ngực bị đau khi ấn vào có thể là tình trạng bình thường do sự thay đổi nội tiết trong cơ thể nữ giới, đặc biệt trong chu kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, nếu cơn đau xuất hiện bất thường không theo chu kỳ, nữ giới cần chú ý, chủ động khám bác sĩ để sớm tìm ra nguyên nhân và được điều trị nếu cần thiết.