Nướu răng là phần mô lợi bao quanh các chân răng. Nướu có vai trò che chắn chân răng, ngăn cản sự xâm nhập của vi khuẩn và tham gia nâng đỡ, giữ cho răng vững chắc. Đây cũng là bộ phận khá nhạy cảm trong cấu trúc của răng miệng, dễ gặp các tổn thương nếu không được chăm sóc đúng cách. Vấn đề thường gặp nhất ở nướu răng là tình trạng nướu bị đỏ.
Nguyên nhân nướu răng bị đỏ
Bị đỏ ở nướu răng có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý ở răng miệng, cũng có thể do nướu đang bị tổn thương do tác động từ bên ngoài. Dưới đây là những nguyên nhân dẫn tới đỏ nướu răng.
Nướu bị tổn thương do đánh răng sai cách
Sử dụng bàn chải đánh răng là phương pháp làm sạch phổ biến đối với răng miệng. Bàn chải giúp loại bỏ thức ăn thừa, vi khuẩn trên bề mặt răng nhưng cũng có thể gây trầy xước, sưng đỏ, chảy máu nướu nếu lực tác động quá mạnh. Nhiều loại bàn chải kém chất lượng có phần lông rất cứng, tác động vào nướu sẽ gây tổn thương dẫn tới sưng đỏ.
Khi phần mô lợi quanh chân răng bị đỏ, bạn thử xem lại thói quen đánh răng của mình đã đúng chưa. Bạn nên dùng bàn chải có kích thước phù hợp, lông mềm, đầu bàn chải có đệm cao su để tránh gây trầy xước nướu. Khi chải răng, bạn dùng lực nhẹ nhàng theo chuyển động của vòng tròn. Duy trì đánh răng 2 lần/ngày, không nên chải răng quá nhiều lần.
Thói quen giật mạnh chỉ nha khoa
Chỉ nha khoa là dụng cụ giúp làm sạch sâu bên trong kẽ răng, nơi mà bàn chải đánh răng khó loại bỏ thức ăn thừa và vi khuẩn bám dính. Sử dụng chỉ nha khoa làm sạch răng an toàn, hiệu quả hơn so với việc xỉa răng bằng tăm tre. Tuy nhiên, thao tác đưa mạnh chỉ nha khoa vào kẽ răng hoặc giật mạnh ra ngoài có thể làm chảy máu chân răng, sưng đỏ nướu răng.
Theo khuyến cáo của bác sĩ nha khoa, bạn dùng chỉ nha khoa không quá 3 lần/ngày. Có nhiều loại chỉ nha khoa khác nhau, bạn chọn loại phù hợp với tình trạng răng miệng để tránh nguy cơ làm tổn thương nướu. Trường hợp kẽ răng thưa nên chọn chỉ nha khoa kích thước lớn, kẽ răng nhỏ nên chọn chỉ kích thước nhỏ. Bạn thao tác nhẹ nhàng khi sử dụng chỉ nha khoa, không giật mạnh.
Nướu răng bị đỏ do viêm nướu
Mô lợi ở chân răng bị đỏ có thể là dấu hiệu của bệnh viêm nướu răng (viêm lợi). Đây là bệnh lý thường gặp ở răng miệng và có thể gây biến chứng viêm nha chu, mất răng nếu không điều trị kịp thời. Ở trạng thái khỏe mạnh bình thường, nướu có màu hồng nhạt. Khi bị viêm, nướu có màu đỏ nhạt hoặc đỏ thẫm. Các triệu chứng khác có thể gặp khi bị viêm nướu đó là:
- Nướu bị sưng, đau chân răng, chảy máu chân răng.
- Nướu bị tụt làm hở chân răng (lợi không ôm sát chân răng).
- Răng có nhiều mảng bám, hơi thở có mùi hôi dù đã vệ sinh kỹ.
- Răng bị lung lay khi viêm nướu ở giai đoạn nghiêm trọng.
Tình trạng nhiệt miệng làm đỏ nướu răng
Nhiệt miệng còn gọi là chứng loét miệng, lở miệng. Biểu hiện của bệnh là những vết loét màu đỏ, có hình trứng hoặc hình tròn xuất hiện ở niêm mạc miệng. Chúng gây khó chịu và đau rát trong miệng, nhất là khi ăn uống. Vết loét mọc ở nướu răng sẽ làm cho vùng lợi quanh nó bị đỏ. Tình trạng này có thể kéo dài 2 - 3 ngày hoặc lâu hơn nếu không áp dụng giải pháp điều trị.
Nướu bị đỏ do thay đổi hormone ở nữ giới
Hàm lượng estrogen và progesterone ở cơ thể nữ giới sẽ thay đổi theo từng độ tuổi. Sự thay đổi đó cũng là nguyên nhân gây sưng đỏ nướu răng. Các giai đoạn thay đổi hormone ở nữ giới đó là:
- Tuổi dậy thì: Hàm lượng hormone tăng mạnh, kích thích tuần hoàn máu và gây sưng đỏ nướu răng.
- Gần đến kỳ kinh nguyệt: Lượng hormone có xu hướng tăng, kích thích tăng lượng máu đến bề mặt nướu.
- Thời kỳ mang thai: Theo thống kê, có khoảng 50% phụ nữ mang thai mắc bệnh viêm nướu. Nguyên nhân do sự thay đổi lớn về hormone gây kích ứng nướu cao hơn bình thường.
Cách xử trí khi nướu răng bị đỏ
Khi thấy phần lợi bao quanh chân răng bị đỏ, bạn nên theo dõi xem có thêm các triệu chứng bất thường khác hay không. Nếu bị chảy máu chân răng kèm theo sưng tấy, đau nhức kéo dài và tụt nướu thì nên đi khám nha khoa. Bác sĩ sẽ kiểm tra, chẩn đoán bệnh và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Để khắc phục tình trạng đỏ nướu chân răng, bạn có thể áp dụng cách dưới đây:
- Súc miệng bằng nước muối pha loãng, nước muối sinh lý hoặc nước súc miệng giúp làm sạch răng, loại bỏ vi khuẩn, ngăn ngừa viêm nhiễm.
- Duy trì vệ sinh răng bằng bàn chải hoặc chỉ nha khoa, tăm nước nha khoa để tránh tích tụ vi khuẩn, thức ăn thừa. Lưu ý vệ sinh nhẹ nhàng, không gây tổn thương nướu.
- Uống nhiều nước giúp tăng độ ẩm trong khoang miệng, thư giãn mạch máu và tạo điều kiện cho tuần hoàn máu ở nướu tốt hơn.
- Không uống rượu bia, chất kích thích, nước ngọt có gas hoặc thực phẩm cay nóng để tránh gây kích ứng đến nướu.
- Tăng cường thực phẩm giúp cân bằng hormone nữ như: Trứng gà, cá hồi, bông cải xanh, quả bơ, táo, hạt bí,...
Cách điều trị khi bị viêm nướu răng
Trường hợp nướu đỏ do bị viêm, các biện pháp điều trị sẽ tùy thuộc vào tình trạng viêm. Bác sĩ chẩn đoán bệnh thông qua khám lâm sàng hoặc chụp X-quang nha khoa, làm xét nghiệm nếu cần thiết. Bệnh viêm nướu chân răng được điều trị bằng các phương pháp dưới đây:
- Loại bỏ cao răng và làm sạch gốc răng;
- Sử dụng nước súc miệng kháng khuẩn;
- Dùng thuốc điều trị viêm nướu răng (kháng sinh, giảm đau, sát trùng);
- Sửa chữa và phục hồi răng trong trường hợp răng mọc lệch gây kích ứng nướu hoặc cản trở loại bỏ mảng bám.
Tình trạng nướu răng bị đỏ không quá nghiêm trọng nếu bạn xác định được nguyên nhân và khắc phục kịp thời. Để phòng ngừa các vấn đề về nướu răng, bạn nên vệ sinh răng miệng đúng cách bằng các dụng cụ phù hợp. Duy trì thói quen ăn uống khoa học giúp bảo vệ sức khỏe răng miệng. Bạn cũng nên đi khám răng định kỳ để giúp phát hiện và sớm điều trị bệnh lý ở răng.
Xem thêm: Nướu răng bị đen: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị