Quả sấu từ lâu đã được người dân Việt Nam biết đến như loại quả gắn liền với nhiều kỉ niệm tuổi thơ. Món ăn phổ biến nhất được chế biến từ sấu là nước sấu ngâm đường. Vậy uống nước sấu ngâm đường có tác dụng gì và cách làm như thế nào?
Đặc điểm và thành phần của quả sấu
Quả sấu có hình tròn, đường kính từ 1.5 - 2 cm. Khi còn non có màu xanh, vị rất chua và hơi hăng. Khi chín quả chuyển sang màu vàng, có vị chua ngọt và mùi thơm đặc trưng.
Theo Đông y, quả sấu có tính mát, giúp giảm ho, tiêu đờm, giảm nhiệt miệng, khô rát họng, ốm nghén, mẩn ngứa ngoài da, đầy hơi,…
Thành phần trong sấu chín chủ yếu là nước chiếm 86%, axit hữu cơ, protein, glucose, cellulose, canxi, phốt pho, sắt và chứa vitamin C.
Quả sấu là loại thảo dược thường được dùng trong bữa ăn hàng ngày, dùng để nấu canh, chế biến nước giải khát, mứt và nhiều món ăn khác. Không chỉ tạo nên những món ăn ngon mà có nhiều tác dụng hữu ích đối với sức khỏe con người.
Uống nước sấu ngâm đường có tác dụng gì?
Giải nhiệt vào những ngày hè oi bức
Quả sấu ngâm đường có tác dụng gì? Được đánh giá là loại quả có vị chua ngọt, thanh mát, sấu ngâm từ lâu đã trở thành một thức uống giải nhiệt cực tốt trong những ngày hè nắng nóng, giúp cơ thể thanh lọc và chữa lành các vết lở loét ở miệng và ngứa họng.
Theo đó, bạn có thể ăn trực tiếp sấu chín hoặc thêm đường, mật ong để giảm bớt vị chua. Bạn có thể tham khảo một số công thức pha nước sấu như sau:
- Dùng khoảng 5g cùi sấu khô đem nấu với khoảng 200ml nước và uống sau khi ăn sáng.
- Ngâm khoảng 10g cùi sấu khô với nước sôi và uống trong ngày.
- Ngâm sấu trong nước đường 1:1, thêm vài lát gừng, uống vào mỗi buổi sáng và tối.
Uống nước sấu ngâm đường có tác dụng chữa ho
Nếu bạn dễ bị ốm vặt, đặc biệt là ho khi thời tiết thay đổi, thì sấu giúp bạn trị ho rất tốt. Theo Đông y, sấu ngâm muối hay sấu tươi sắc nước là vị thuốc chữa ho cực kỳ hiệu quả. Hiệu quả càng được nâng cao khi dùng hoa sấu hấp với mật ong. Ngoài ra còn có một số bài thuốc Đông y mà bạn có thể thử để điều trị ho như:
- Dùng khoảng 15 - 20g cùi sấu ngâm với một ít muối và ngậm khoảng 3 lần trong ngày đều đặn để sớm khỏi ho.
- Dùng khoảng 20g, pha loãng với 250 - 300ml nước. Đợi nước cạn còn khoảng 100ml thì tắt bếp. Uống 2 lần/ngày cho đến khi hết ho. Có thể cho thêm đường hoặc mật ong cho dễ uống.
- Dùng khoảng 20 - 30g hoa hoặc quả sấu nấu với 250 - 300ml nước, đợi khi nước cạn còn 100ml thì tắt bếp. Tương tự như vậy, bạn nên uống 2 lần/ngày. Thức uống này còn hiệu quả hơn khi chỉ nấu với nước vì mật ong có khả năng diệt khuẩn, kháng viêm và chống oxy hóa tốt nên hỗ trợ trị ho hiệu quả.
Tăng cường chức năng hệ tiêu hoá
Một công dụng tuyệt vời khác của quả sấu mà ít người biết đến đó là cải thiện hệ tiêu hóa rất tốt. Theo các chuyên gia, vị chua của sấu có tác dụng kích thích hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, đào thải độc tố ra ngoài. Để phát huy tối đa tác dụng này, bạn có thể uống nước sấu ngâm đường hoặc nấu canh sấu.
Uống nước sấu ngâm đường có tác dụng gì? Giải rượu
Bên cạnh nước gừng, nước sấu cũng là thức uống giải rượu rất tốt. Để giảm cảm giác khó chịu và giảm lượng cồn trong dạ dày sau mỗi cuộc nhậu, bạn có thể làm như sau:
- Dùng nước sấu ngâm đường và thêm vài lát gừng để uống.
- Dùng quả sấu nấu nước sôi để uống.
- Dùng cùi sấu nấu với nước.
Tốt cho mẹ bầu đầu thai kỳ
Khi mang thai 3 tháng đầu, phụ nữ thường bị ốm nghén dẫn đến tinh mệt mỏi, khó chịu. Có nhiều cách để cải thiện tình trạng này, một trong số đó là sử dụng quả sấu. Uống nước sấu ngâm trong những tháng đầu thai kỳ giảm ốm nghén, cải thiện thể trạng cho mẹ bầu.
Ngoài làm đồ uống, mẹ bầu có thể chế biến nhiều món ăn từ nước sấu như vịt hầm sấu, thịt kho sấu, tôm xào với sấu,… Tuy nhiên, các mẹ lưu ý không nên uống hoặc ăn quá nhiều để hạn chế lượng đường đi vào cơ thể và tránh tiểu đường thai kỳ. Nguyên nhân gây ra nhiều ảnh hưởng xấu cho mẹ và thai nhi.
Uống nước sấu ngâm đường có tác dụng gì? Hỗ trợ giảm cân
Nước sấu còn có tác dụng giảm cân, nhanh chóng đạt được cân nặng mong muốn vì trong quả sấu có chứa nhiều axit hữu cơ. Hoạt chất này có tác dụng làm sạch đường ruột, ngăn chặn đường hấp thụ vào máu, kích thích quá trình trao đổi chất và đốt cháy mỡ thừa trong cơ thể một cách hiệu quả. Ngoài ra, các hoạt chất trong sấu còn kích thích hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn và giúp cơ thể hấp thụ canxi đầy đủ.
Cách làm nước sấu ngâm đường
Khi đã biết được việc uống nước sấu ngâm đường có tác dụng gì, Nhà thuốc Long Châu sẽ hướng dẫn bạn đọc cách làm nước sấu ngâm đường đúng cách, giúp bạn có 1 món nước sấu thơm ngon giải thiệt mùa hè này.
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- 1kg sấu tươi: Bạn nên chọn những quả sấu vừa chín tới, không bị dập nát, mềm.
- 1 kg đường: Có nhiều loại đường khác nhau, nếu thích vị ngọt thanh nên dùng đường phèn hoặc để có màu sắc đẹp và vị ngọt đậm thì bạn nên chọn đường vàng.
- 2 - 3 củ gừng: Chọn gừng tươi và có độ chín vừa phải, dùng gừng quá non sẽ làm giảm vị ngọt của nước.
- Chuẩn bị hũ thuỷ tinh sạch và lau khô trước khi sử dụng.
Sơ chế quả sấu:
- Dùng dao cạo bớt phần vỏ sấu cho bớt chát rồi cho vào thau nước muối pha loãng ngâm cho khỏi thâm. Sau đó rửa sạch và khứa vài đường trên quả sấu để đường ngấm nhanh hơn. Tiếp tục rửa sạch rồi vớt ra để ráo.
- Để sấu ngâm được giòn ngon thì cần chần sấu qua nước sôi cho đến khi ngả sang màu vàng, vớt ra để ráo.
- Gừng cũng rửa sạch rồi đập dập hoặc thái lát mỏng.
Cách làm:
- Từ từ cho sấu vào hũ thuỷ tinh, cứ một lớp sấu là một lớp đường. Tiếp tục thực hiện cho đến khi hết sấu.
- Sau đó đậy kín nắp và để khoảng 1 ngày cho đường ngấm một phần vào quả.
- Sau 1 ngày chắt hết phần nước ra nồi nấu với gừng đã chuẩn bị và ít muối để cân bằng hương vị. Đợi nước sôi thì tắt bếp và để nguội. Nước sấu nguội thì đổ lại vào bình ngâm.
- Ngâm khoảng 3 - 4 ngày là có thể dùng, sấu ngâm càng lâu càng ngon. Khi uống, lấy khoảng 2 muỗng nước sấu, thêm 2 - 3 quả sấu cho vào ly, pha với nước lọc và vài viên đá, khuấy đều là có thể uống được.
Lưu ý khi sử dụng nước sấu ngâm
Mặc dù nước sấu có lợi cho sức khỏe nhưng cũng cần chú ý một số trường hợp không nên dùng nước sấu và liều lượng sử dụng vừa phải.
Nước sấu có chứa axit tốt cho tiêu hóa nhưng ở trẻ dưới 1 tuổi, hệ tiêu hóa còn rất non yếu và nhạy cảm, axit trong quả sấu có thể gây ảnh hưởng xấu cho dạ dày của trẻ.
Có nhiều người lạm dụng nước sấu ngâm, với suy nghĩ dùng càng nhiều càng có lợi. Điều này là hoàn toàn sai lầm, ảnh hưởng xấu cho sức khỏe. Do sấu ngâm vẫn chứa đường nên uống quá nhiều có thể khiến lượng đường trong máu tăng cao. Tuyến tụy phải làm việc nhiều hơn để tiết ra insulin điều chỉnh lượng đường trong máu. Điều này có thể dẫn đến suy giảm chức năng tuyến tụy và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường và huyết áp và nếu lượng axit trong sấu đi vào cơ thể quá nhiều sẽ dễ dẫn đến các bệnh về dạ dày.
Nước sấu có nhiều tác dụng tích cực đối với sức khỏe nhưng phải cần dùng vừa đủ. Ngoài việc sử dụng nước sấu ngâm, các bộ phận khác của cây sấu cũng mang lại rất nhiều lợi ích, chẳng hạn như dùng lá sấu giã nát đắp lên mụn nhọt, lở ngứa hay hoa sấu hấp với mật ong để trị ho cho trẻ em.
Bài viết trên đã cung cấp cho các bạn cách làm sấu ngâm cũng như thông tin về thắc mắc uống nước sấu ngâm đường có tác dụng gì. Hy vọng những thông tin này giúp bạn dùng nước sấu ngâm hợp lý để hỗ trợ sức khỏe.