Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Vũ Văn Quân - Phó trưởng khoa ngoại - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng
Polyp đại tràng là những tổn thương có hình dạng giống như khối u, có thể có cuống hoặc không cuống. Chúng được tạo thành bởi sự tăng sinh quá mức của niêm mạc đại tràng. Polyp đại tràng đa số là lành tính, tuy nhiên vẫn có một số trường hợp polyp chuyển thành ác tính và có khả năng tiến triển thành ung thư đại tràng hoặc ung thư đại trực tràng.
1. Tìm hiểu về polyp đại tràng
Polyp có thể xuất hiện ở nhiều vị trí trong đường tiêu hóa nhưng phổ biến nhất ở đại tràng. Nam giới và nữ giới đều có nguy cơ bị polyp đại tràng. Các polyp giống như mụn thịt nhỏ phát triển từ lớp niêm mạc của ruột và nhô ra, vào trong lòng ruột. Đôi khi chúng mọc trên “cuống” trông giống như một cây nấm.
Tuy vậy, một số trường hợp khối polyp cũng có thể phẳng. Một số khối polyp nằm rải rác ở các phần khác nhau của đại tràng. Bản chất của polyp đại tràng không phải u mà là một tổn thương có hình dạng giống như một khối u, có cuống hoặc không. Tổn thương này do niêm mạc đại tràng và tổ chức dưới niêm mạc tăng sinh tạo thành.
Polyp đại tràng có thể lồi vào lòng đại tràng hoặc phẳng. Một người có thể bị nhiều polyp đại tràng và kích thước của chúng sẽ khác nhau, một số polyp nhỏ bằng hạt đậu nhưng có trường hợp polyp đại tràng to hơn rất nhiều (chẳng hạn bằng quả bóng bàn). Đa số polyp đại tràng là lành tính nhưng vẫn có một số khả năng trở thành ác tính (ung thư). Vì vậy, một người càng có nhiều polyp đại tràng hoặc có một vài polyp nhưng kích thước lớn thì cần phải lưu tâm, cảnh giác, không được chủ quan, bởi vì, rất có thể trở thành ung thư đại trực tràng bất cứ lúc nào.
2. Nguyên nhân xuất hiện polyp đại tràng
Nguyên nhân của polyp đại tràng tuy chưa được xác định một cách chắc chắn nhưng có nhiều tài liệu và công trình nghiên cứu cho rằng nguyên nhân hình thành polyp đại tràng chủ yếu là do đột biến gen làm phát triển tế bào không bình thường tạo thành polyp, thậm chí dẫn tới ung thư. Bình thường quá trình tăng sinh tế bào chịu sự kiểm soát của hai nhóm gen, đó là nhóm gen gây ung thư và nhóm gen ức chế khối u. Khi có sự đột biến ở bất kỳ nhóm gen nào trong số hai loại gen này đều có thể làm cho tế bào tăng sinh quá mức tạo thành u hoặc dạng u (polyp). Ở đại tràng sự tăng sinh này sẽ tạo thành những khối dạng u và đáng lo ngại nhất một số dạng u đó (polyp) có thể sẽ trở thành ung thư (về lâu dài, cần có nhiều năm).
Ngoài ra, nguyên nhân có thể do chế độ ăn uống và sinh hoạt không hợp lý. Khi chế độ ăn quá nhiều chất béo, thịt có màu đỏ (thịt bò, trâu, thịt chó...) hoặc ăn ít rau, quả, chất xơ, hoặc lười, ít vận động có thể là những yếu tố gây nên polyp đại tràng. Những người nghiện thuốc lá, béo phì hoặc do bị viêm đại trực tràng mãn tính... có thể được xem như một trong những yếu tố nguy cơ gây polyp đại tràng. Bên cạnh đó, yếu tố di truyền cũng được đề cập tới trong những trường hợp cùng huyết thống (ông bà, bố mẹ, anh, chị em ruột thịt) bị polyp đại tràng dẫn đến polyp mang tính chất gia đình.
3. Biểu hiện của polyp đại tràng
Người bị polyp đại tràng thường có các diễn biến âm thầm, nhất là loại polyp nhỏ, chỉ phát hiện khi tình cờ chụp đại tràng hoặc nội soi đại tràng vì một lý do khác. Vì vậy, hầu hết người bệnh có polyp nhỏ đều không có một biểu hiện gì khác thường. Tuy vậy, ở một số người bệnh có các biểu hiện đi ngoài ra máu. Đây là triệu chứng hay gặp nhất. Có thể thấy máu tươi thành vệt hay loang ra trên phân hoặc thấy máu ở giấy vệ sinh khi đi ngoài hoặc có trường hợp phân lẫn nhày với máu màu nâu, đen hoặc nhờ nhờ như máu cá (giống phân của người bị lỵ trực khuẩn). Đặc biệt là khi phân mềm hoặc nát và có máu kèm theo.
Hầu hết người bệnh bị chảy máu ở mức độ nhẹ và vừa, trường hợp chảy máu nặng gây mất máu nghiêm trọng thường xảy ra ít hơn. Có thể có tình trạng đau bụng quặn do polyp có kích thước lớn, kích thích làm tăng nhu động ruột và gây đau, những trường hợp này rất dễ nhầm với bệnh kiết lỵ. Một số trường hợp đau bụng đi kèm theo buồn nôn, nôn, bí trung tiện hoặc bí đại tiện rất dễ nhầm với tắc ruột hoặc bán tắc.
Để chẩn đoán polyp đại tràng cần chụp đại tràng có chuẩn bị (thụt tháo và thuốc cản quang), tốt nhất là nội soi đại tràng. Nội soi sẽ là phương pháp tốt nhất để kiểm tra đại tràng vì nó giúp quan sát được toàn bộ lớp niêm mạc của đại tràng và có thể đi kèm sinh thiết để xét nghiệm tế bào phát hiện tế bào lạ (tế bào ác tính). Ngoài ra, có thể thực hiện thêm chụp cộng hưởng từ.
4. Polyp và khả năng diễn biến thành ung thư
Trong thực tế có hai loại polyp đại tràng phổ biến, đó là polyp tăng sản và polyp u tuyến. Các polyp tăng sản thường không có nguy cơ bị ung thư. Các polyp u tuyến được cho là nguyên nhân tiền thân cho hầu hết bệnh ung thư đại tràng, mặc dù cơ bản các u tuyến không phải bao giờ cũng trở thành ung thư. Nhưng các khối polyp có kích thước lớn sẽ có nhiều khả năng trở thành ung thư và một số những polyp với kích thước rất lớn (hơn 2cm) có thể có những vùng nhỏ bị ung thư hóa. Vì vậy, người bệnh không được chủ quan với căn bệnh này.
Tại bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, sự kết hợp giữa hệ thống máy nội soi ống mềm hiện đại, đồng bộ với độ phân dải cao - nội soi với dải tần ánh sáng hẹp - nội soi nhuộm màu và quy trình làm nội soi chuẩn kết hợp với gây mê tốt, chính vì vậy hiệu quả chẩn đoán và điều trị cắt polyp đại tràng qua nội soi rất tốt.
Điều trị cắt polyp đại tràng qua nội soi ống mềm tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec được thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật chuẩn của kỹ thuật cắt niêm mạc qua nội soi ống mềm của Nhật bản và Thế giới, đảm bảo hiệu quả điều trị tốt và đạt mức độ an toàn rất cao cho người bệnh, ngăn ngừa nguy cơ diễn biến thành ung thư đại tràng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.