Vui khỏe mỗi ngày: Giúp sinh viên, giảng viên hiểu rõ về bệnh lý cơ xương khớp và stress

Chiều 29/11, tại Trường ĐH Quốc Tế (IU) - ĐHQG TP.HCM (P.Linh Trung, TP. Thủ Đức, TP.HCM) diễn ra chương trình “Vui khỏe mỗi ngày” chủ đề “Nhận biết, xử trí các bệnh lý về cơ xương khớp và stress”.

Sư kiện do Tạp chí Khoa học phổ thông và Trường Đại học Quốc tế - ĐHQG TP.HCM phối hợp tổ chức, với sự đồng hành của Hệ thống Bệnh viện Sài Gòn ITO.

20231129135619_img_0711.jpg
Tạp chí Khoa học phổ thông tặng các ấn phẩm tạp chí cho sinh viên, giảng viên Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TP.HCM.

Tham dự chương trình có Nhà báo Bùi Hương, Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Khoa học phổ thông; PGS.TS. Đinh Đức Anh Vũ - Phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TP.HCM; BS.CKII Nguyễn Thành Tâm - Giám đốc Bệnh viện Quốc tế Chấn thương chỉnh hình Sài Gòn (thuộc Hệ thống bệnh viện Sài Gòn ITO); TS.BS Nguyễn Nam Hà - Trưởng đơn vị truyền thông Giáo dục Sức khỏe Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch; cùng đông đảo cán bộ, giảng viên, nhân viên, sinh viên Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TP.HCM tham dự.

Phát biểu tại sự kiện, PGS.TS. Đinh Đức Anh Vũ - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TP.HCM, đánh giá cao việc tổ chức chương trình “Vui khỏe mỗi ngày" của Tạp chí Khoa học phổ thông. "Đây là một chương trình rất hay và thiết thực, đem đến những kiến thức về sức khỏe rất bổ ích cho sinh viên, giảng viên nhà trường nói riêng và tất cả mọi người nói chung. Đặc biệt là các bệnh lý liên quan đến cơ xương khớp, stress, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, học tập và giảng dạy..." - PGS.TS. Đinh Đức Anh Vũ chia sẻ.

PGS.TS. Đinh Đức Anh Vũ - Phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TP.HCM, phát biểu tại sự kiện, đánh giá cao chương trình “Vui khỏe mỗi ngày" của Tạp chí Khoa học phổ thông.

Phát biểu tại sự kiện, nhà báo Bùi Hương - Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Khoa học phổ thông, cảm ơn sự phối hợp của Ban giám hiệu, giảng viên, sinh viên Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TP.HCM và sự đồng hành của Hệ thống bệnh viện Sài Gòn ITO, các báo cáo viên của chương trình.

vui-khoe-iu-29-11-6.jpg
Từ trái qua: BS.CKII Nguyễn Thành Tâm (Giám đốc Bệnh viện Quốc tế Chấn thương chỉnh hình Sài Gòn), Nhà báo.ThS Bùi Hương (Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Khoa học phổ thông), TS.BS Nguyễn Nam Hà - Trưởng đơn vị truyền thông Giáo dục Sức khỏe Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, tham gia giao lưu trả lời các câu hỏi của GV, SV Trường ĐH Quốc tế.

Theo nhà báo Bùi Hương, rất nhiều người trẻ tuổi mắc bệnh về cơ xương khớp và stress, do lối sống, môi trường ô nhiễm, áp lực công việc, chế độ dinh dưỡng... Do đó, hy vọng thông qua chương trình này, các chuyên gia là những bác sĩ chuyên ngành có uy tín sẽ cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho các giảng viên, sinh viên nhà trường nói riêng và cho cộng đồng nói chung để phòng ngừa và xử trí đúng cách các bệnh lý xương khớp và stress.

“Hầu như ai cũng sẽ bị thoát vị đĩa đệm, chỉ khác là ít hay nhiều”

Tại sự kiện, BS.CKII Nguyễn Thành Tâm - Giám đốc Bệnh viện Quốc tế Chấn thương chỉnh hình Sài Gòn (thuộc Hệ thống bệnh viện Sài Gòn ITO) trình bày chủ đề: “Nhận biết, xử trí các bệnh lý về cơ xương khớp”. Theo BS.CKII Nguyễn Thành Tâm, các bệnh lý về cơ xương khớp sẽ làm suy yếu chức năng của hệ thống cơ, xương, khớp, dây chằng và thần kinh khiến người bệnh sẽ bị đau, giảm khả năng di chuyển, gây trở ngại trong sinh hoạt, học tập, giảng dạy và giảm chất lượng cuộc sống, thường gặp nhất là: đau khuỷu tay, khớp vai, gót chân, đau mỏi vai gáy…

BS.CKII Nguyễn Thành Tâm - Giám đốc Bệnh viện Quốc tế Chấn thương chỉnh hình Sài Gòn (thuộc Hệ thống bệnh viện Sài Gòn ITO) trình bày chủ đề: “Nhận biết, xử trí các bệnh lý về cơ xương khớp”.

Đặc biệt, hai căn bệnh thường gặp nhất là cong vẹo cột sống và thoát vị đĩa đệm, do ngồi sai tư thế trong thời gian dài, lao động, vận động, chơi thể thao quá sức, thoái hóa… “Trong đời, hầu như ai cũng sẽ bị thoát vị đĩa đệm, chỉ khác là ít hay nhiều", BS.CKII Nguyễn Thành Tâm khẳng định.

Theo BS.CKII Nguyễn Thành Tâm, thoát vị đĩa đệm là đĩa đệm bị hư, rách và thoát ra khỏi vị trí bình thường gây chèn ép vào tủy sống hay rễ thần kinh, chủ yếu là ở lưng và cổ. Ban đầu triệu chứng chỉ là đau cổ, lưng hay lan ra tay và chân, gây tê, yếu chân tay; nặng hơn sẽ là teo cơ và cuối cùng là bị liệt.

vui-khoe-iu-29-11-1.jpg
Giảng viên tham dự đặt câu hỏi với hai bác sĩ.

Chính vì vậy, sinh viên, giảng viên cần phải biết cách bảo vệ bản thân, để hạn chế bị bệnh hoặc bị nặng hơn, như: học tập, làm việc cần phải ngồi trong tư thế thẳng lưng, lao động và tập luyện vừa sức, đúng tư thế, ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc… Khi bị bệnh cần phải đến ngay các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời. Nếu không, bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người bệnh. Phần lớn những bệnh xương khớp đều có thể phát hiện và chẩn đoán từ rất sớm, vì vậy cần thường xuyên thăm khám sức khỏe định kỳ.

Tham gia hoạt động cộng đồng là cách tốt nhất để giảm stress

Tại chương trình, TS.BS Nguyễn Nam Hà - Trưởng đơn vị truyền thông Giáo dục Sức khỏe Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch trình bày chủ đề về “Nhận biết, xử trí các vấn đề về stress”. Theo TS.BS Nguyễn Nam Hà, trong môi trường ĐH, tỷ lệ sinh viên bị stress cao hơn khá nhiều so với giảng viên, do tâm lý của giảng viên thường ổn định hơn.

Cụ thể, theo nguyên cứu tại ĐH Y Dược TP.HCM năm 2019 cho thấy, tỷ lệ sinh viên stress, lo âu, trầm cảm lên tới 45,5%. Con số này tăng lên tới 78,2% tại Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, trong năm 2022. Trong khi đó, ở giáo viên con số này thấp hơn khá nhiều.

Các nguyên nhân dẫn đến stress ở sinh viên và giảng viên, thường liên quan đến việc thay đổi môi trường sống, thói quen sinh hoạt, học tập, làm việc và áp lực thành tích, với các biểu hiện, như: mệt mỏi, chán ăn, suy nhược cơ thể; tinh thần bất an, mất tập trung, hay quên, khó ngủ hoặc ngủ nhiều, không kiểm soát cảm xúc....

Vì vậy, việc trang bị kiến thức và các bài luyện tập để giảm stress là hết sức cần thiết. Sinh viên, giảng viên nên có chế độ ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc, hoạt động thể thao điều độ. “Tham gia các hoạt động cộng đồng là cách tốt nhất để giảm stress”, TS.BS. Nguyễn Nam Hà nhấn mạnh.

Giảng viên, sinh viên Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TP.HCM chụp hình lưu niệm với ban tổ chức.

Link nội dung: https://blog24hvn.com/vui-khoe-moi-ngay-a37550.html