Bột năng là nguyên liệu chính để làm nên những món bánh thơm ngon, món chè dẻo ngọt, hạt trân châu dai giòn trong những ly trà sữa béo ngậy. Vậy bột năng là gì, có công dụng ra sao và cách chế biến những món ngon từ bột năng như thế nào? Cùng Hướng Nghiệp Á Âu (HNAAu) tìm hiểu qua những thông tin bên dưới nhé!
Tham khảo bài viết để tìm ra lời giải đáp cho câu hỏi “bột năng là gì?”. Ảnh: Internet
Nếu là fan của món bánh bột lọc, trà sữa trân châu hay sương sa hạt lựu hẳn bạn sẽ nhận thấy các món này đều có sử dụng bột năng. Tuy nhiên, nhiều người còn lúng túng khi mua nguyên liệu bởi thường nhầm lẫn bột năng với các loại bột khác. Sau đây là những bí quyết để bạn dễ dàng nhận biết được bột năng, cũng như những điều cần lưu ý khi sử dụng.
Bột năng còn có tên gọi khác là bột sắn, bột đao (miền Bắc) hay bột lọc (miền Trung), tên tiếng Anh là Tapioca starch, có giá trị sử dụng cao trên toàn cầu.
Bột năng thường bị nhầm lẫn với bột sắn dây, một loại bột làm từ củ sắn dây có thân leo. Và mặc dù tên là bột năng nhưng lại không liên quan gì đến củ năng. Vậy bột năng làm từ gì?
Đây là một loại tinh bột được chiết xuất từ củ khoai mì (củ sắn), có màu trắng đục, mịn và tơi. Ở nhiệt độ cao hoặc trong môi trường kiềm, bột năng bị hồ hóa và chuyển sang màu trong, có độ sánh và kết dính cao.
Với những đặc tính trên nên loại bột này được ứng dụng làm chất tạo đặc, keo dán giấy, tạo độ sánh mịn cho các món ăn, ứng dụng trong ngành chế biến thực phẩm.
Tinh bột từ củ khoai mì được ứng dụng rất nhiều trong sản xuất thực phẩm và các ngành công nghiệp. Ảnh: Internet
Bột sắn dây được làm từ củ sắn dây, có dạng bột mịn hoặc làm đông thành thỏi, thường dùng để pha nước uống với tác dụng thanh nhiệt, giải độc. Giá bán bột sắn dây trên thị trường dao động từ 200.000 - 250.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với bột năng.
Khi gặp nhiệt độ cao, cả 2 loại bột đều trở nên trong suốt, dẻo quánh nên thường bị nhầm lẫn với nhau. Tùy theo món ăn mà bạn lựa chọn loại bột cho phù hợp, đối với các loại hạt trân châu thì nên sử dụng bột năng sẽ có lợi hơn về kinh tế.
Bột sắn dây pha với nước nóng và chanh sẽ tạo ra một thức uống bổ dưỡng. Ảnh: Internet
Bột củ năng được làm từ củ năng, hay còn gọi là củ mã thầy. Củ có hình tròn nhỏ, vỏ màu nâu đen, ruột trắng, ăn sống có vị ngọt mát và mọng nước.
Khác biệt lớn nhất giữa bột củ năng và bột năng là bột củ năng khi nấu chín không dai, thường được dùng làm bánh lọt, bánh khọt ăn cùng nước cốt dừa. Đặc biệt, loại bột này không được bán phổ biến tại Việt Nam mà phải nhập từ Thái Lan hoặc Trung Quốc.
Củ năng là thực phẩm quen thuộc trong đời sống hàng ngày. Ảnh: Internet
Bột mì là loạt bột xay từ lúa mì, được sử dụng để làm bánh mì và các loại bánh khác như cupcake, cookie, pizza, bánh bông lan…
Nhìn chung bột năng khá thô và khô, còn bột mì có màu sẫm hơn, mịn hơn, khi tác dụng với nước sẽ không sánh nhưng có độ giãn nở và rất xốp.
Bột bắp được làm từ phần lõi của hạt bắp khô, có màu vàng nhạt hoặc trắng ngà tùy vào loại bắp. Bột bắp chứa nhiều chất dinh dưỡng với các thành phần như chất béo, natri, kali, chất xơ, đường, protein, vitamin A, vitamin B6, magie, canxi…
Mặc dù đều có công dụng kết dính thực phẩm nhưng 2 loại bột này có thành phần khác nhau. Nếu thay thế nguyên liệu bột bắp bằng bột năng có thể làm thay đổi hoàn toàn kết cấu, hương vị và hình dáng của món ăn.
Bột bắp chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho cơ thể. Ảnh: Internet
Gạo nếp là nguyên liệu chính để sản xuất ra bột nếp. Bột nếp màu trắng, khá mịn, có đặc tính dính, dẻo dai, thường được dùng chế biến các món bánh ít, chè trôi nước, xôi khúc, bánh giầy, bánh cam, bánh rán, bánh chuối…
Bột gạo (hay bột gạo tẻ) được xay từ hạt gạo tẻ, loại gạo dùng để nấu cơm hàng ngày. Bột gạo có màu trắng đục, là thành phần không thể thiếu để làm nên các món bánh phổ biến như bánh cuốn, bánh ướt, bánh canh, bánh bò, bún gạo, bánh xèo, bánh đúc… với đặc tính giúp bánh có độ mềm mịn và không bị khô.
Là thành phần chính trong các loại bánh như bánh bột lọc, bánh phu thê (xu xê), bánh da lợn, bánh chuối hấp, bánh phục linh… Trong một số trường hợp, bột năng còn được dùng làm bánh canh, mì sợi, hủ tiếu, miến… để tạo độ dai, dẻo và mang lại cảm giác ngon miệng cho người thưởng thức.
Tạo độ sánh cho nước xốt, các món súp Âu, súp Á, các loại chè, lagu, món xào…
Các món ăn vặt như cá viên, chả cá, chả lụa, nem, xúc xích cũng dùng loại bột này để tạo độ dai, giòn.
Những hạt trân châu dẻo mềm, các loại thạch nhiều màu sắc như thạch củ năng, thạch khoai môn trong trà sữa, hay món chè khoai dẻo Đài Loan nổi tiếng sẽ không thể hoàn hảo nếu như thiếu loại bột “đa năng” này.
Món chè khoai dẻo sẽ không hoàn hảo nếu thiếu bột năng. Ảnh: Internet
Bột năng có tác dụng gì ngoài những điều vừa kể trên? Theo một số nghiên cứu, đây là loại thực phẩm có khả năng hỗ trợ điều trị bệnh tim mạch, đái tháo đường, hạn chế nguy cơ bệnh sỏi thận…
Nếu không thích mua bột bán sẵn ngoài cửa hàng, bạn có thể tự làm bột năng an toàn, chất lượng ngay tại nhà chỉ với cách làm đơn giản và nhanh chóng dưới đây.
Bước 1: Cắt bỏ bớt một đoạn ở hai đầu củ khoai mì, dùng mũi dao rạch một đường thẳng từ trên xuống dưới hoặc theo hình xoắn trôn ốc lên thân củ, sau đó tách lớp vỏ ra.
Cách lột vỏ khoai mì nhanh. Ảnh: Internet
Bước 2: Ngâm khoai trong nước 2 tiếng rồi rửa lại nhiều lần. Tiếp đến, dùng dụng cụ mài và tiến hành mài khoai thành bột.
Bước 3: Trộn khoai mì đã mài với 10 lít nước, cho vào một túi vải sạch, vắt lấy nước. Nước khoai mì cho vào thau, để yên khoảng 1 - 2 tiếng cho lắng lại, đổ nước trong, chỉ lấy phần tinh bột.
Bước 4: Đem phần bột này phơi khô dưới nắng, sau 2 ngày sẽ thu được bột năng ở dạng vón cục. Lúc này, bạn cho bột vào máy xay nhuyễn, lược qua rây nhiều lần cho mịn và bảo quản trong hộp đậy kín nắp, để ở nơi thoáng mát.
Cho bột năng, bột rau câu dẻo và đường vào thau, trộn đều hỗn hợp. Ở bước này bạn có thể cho một chút màu thực phẩm vào để trân châu có màu sắc bắt mắt.
Rưới từ từ nước sôi vào hỗn hợp bột, vừa rưới vừa khuấy đều. Đợi bột nguội bớt thì dùng tay nhồi đến khi được một khối dẻo mịn. Vo bột thành những sợi dài rồi dùng dao cắt thành những hạt lựu nhỏ, tiếp tục vo tròn thành viên nhỏ vừa ăn. Áo trân châu qua một lớp bột khô để không bị dính vào nhau.
Bắc một nồi nước khoảng 1,5 lít lên bếp, khi nước sôi cho trân châu vào luộc chín. Trong lúc luộc nhớ khuấy đều để trân châu không bị dính dưới đáy nồi. Luộc khoảng 15 phút thì tắt bếp, để yên nồi trên bếp ủ thêm 15 phút nữa, không mở nắp nồi.
Sau thời gian ủ bạn vớt trân châu ra, ngâm vào nước lạnh từ 5 - 7 phút rồi vớt ra để ráo. Cuối cùng trộn trân châu với nước đường để tạo vị ngọt và giữ được độ dẻo mềm.
Những hạt trân châu với màu sắc sặc sỡ sẽ khiến món trà sữa trở nên hấp dẫn hơn
Trộn 200g bột năng với 200ml nước củ dền, nhồi bột thành một khối. 200g bột còn lại trộn với 200ml nước lọc để làm hạt lựu trắng.
Dùng dao cắt khối bột ra thành những lát mỏng, dùng khăn sạch thấm khô từng lát bột. Khi bột ráo bớt nước, tiếp tục cắt bột thành những hạt lựu nhỏ đều nhau.
Rây hạt lựu đã cắt để loại bỏ bột thừa. Cho hạt lựu vào luộc trong nước sôi khoảng 3 phút, sau đó xả dưới nước lạnh. Khi hạt lựu ráo nước đem trộn đều với nước đường là xong.
Hạt lựu trong trẻo, trắng đỏ xen kẽ đẹp mắt. Ảnh: Internet
Tôm cắt bỏ râu và chân, rửa sạch rồi ướp với đường, muối, tiêu, hành tỏi băm. Thịt ba chỉ cắt miếng nhỏ và cũng ướp gia vị như tôm.
Cho thịt vào chảo xào đến khi săn lại, tiếp tục thêm tôm vào xào cho chín là được phần nhân bánh.
Đun sôi 400ml nước với 100ml dầu ăn, rưới từ từ nước vào thau bột, khuấy đều và trộn bột thành khối dẻo mịn. Phủ một lớp bột khô lên khối bột và tiếp tục nhào bột thêm một lần nữa.
Cán cho bột mỏng, dùng khuôn tròn cắt bột thành từng miếng cỡ lòng bàn tay. Cho nhân tôm thịt vào giữa, gấp bánh lại sao cho vỏ bánh bao trộn phần nhân.
Đun sôi một nồi nước rồi thả bánh vào luộc, khi thấy bánh nổi lên thì vớt ra cho vào thau nước lạnh, lúc này bánh sẽ trở nên trong suốt. Sau đó vớt bánh ra, trộn với mỡ hành để bánh không bị dính vào nhau.
Thành phẩm bánh bột lọc
Khoai lang gọt vỏ, rửa sạch, cắt thành miếng nhỏ rồi cho vào nồi hấp chín. Khoai chín lấy ra tô, dùng muỗng tán nhuyễn.
Trộn khoai với bột mì, sữa tươi và đường rồi nhào hỗn hợp trên thành khối bột mịn và dẻo. Để bột nghỉ 10 phút, nặn bột thành từng viên có hình dạng cái kén, chiều dài khoảng 2 - 3 đốt ngón tay.
Lăn bánh lên vừng rồi cho vào chảo dầu chiên đến khi bánh vàng giòn thì vớt ra giấy thấm dầu.
Khoai lang kén có màu vàng ruộm hấp dẫn. Ảnh: Internet
Bột năng chứa nhiều tinh bột nhưng lại ít chất xơ, protein và không có chất béo tốt, vì thế khi ăn bột năng bạn nên kết hợp với các nhóm thực phẩm ăn kèm chứa nhiều protein và chất béo có lợi để vừa ăn ngon lại không lo cơ thể thiếu chất. Trong mỗi bữa ăn, nếu muốn không bị tăng cân bạn không nên nạp quá 667 kcal.
Bài viết vừa giải đáp thắc mắc bột năng là gì cũng như những thông tin hữu ích khác, hy vọng bạn sẽ có cái nhìn khái quát về loại bột này và sử dụng một cách chuẩn xác, hiệu quả hơn. Đừng quên theo dõi những bài viết tiếp theo để có thêm kiến thức về các nguyên liệu dùng trong nấu ăn, làm bánh cũng như pha chế khác.
Để biết thêm thông tin chi tiết về các khóa học của HNAAu, bạn vui lòng để lại thông tin ở form đăng ký bên dưới, hoặc gọi đến tổng đài 1800 6148 (miễn phí cước gọi).
Link nội dung: https://blog24hvn.com/cach-lam-bot-nang-a39132.html