Những năm đầu thế kỷ XX, phong trào đấu tranh của người dân Lào Cai tạm thời lắng xuống. Trong tài liệu “Chuyên khảo Lào Cai”, từ năm 1886 đến năm 1889, hai mục “sự kiện quân sự”, “giặc giã” được ghi chép tỉ mỉ nhưng từ năm 1900 đến 1911, các chuyên mục về “xây dựng đường sá”, “buôn bán”, “trường học”, “công trình”… được đề cập nhiều hơn. Tình hình Lào Cai cũng như tình hình biên giới Lào Cai - Vân Nam dần dần ổn định. Đây là một điều kiện để thực dân Pháp chuyển từ chế độ cai trị quân sự sang chế độ dân sự, thành lập tỉnh Lào Cai dân sự.
Như vậy, để chuyển Lào Cai thành tỉnh dân sự thì phải xuất phát từ hoàn cảnh Lào Cai đã tương đối ổn định, nhưng đó chỉ là điều kiện thứ yếu. Điều kiện quan trọng hơn là vị trí vùng Lào Cai càng trở thành địa phương chiến lược, có vai trò cửa ngõ tiến vào Trung Quốc của thực dân Pháp. Từ sau kế hoạch khai thác thuộc địa lần thứ nhất được khởi động, vị trí Lào Cai càng được đề cao.
Tháng 12/1897, Hội đồng tối cao Đông Dương đã đồng ý xây dựng tuyến đường sắt từ Hải Phòng đi Hà Nội ngược lên Lào Cai và vào Vân Nam - Trung Quốc. Ngày 14/9/1898, Hội đồng tối cao Đông Dương quyết định cho tuyến đường Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai đi Vân Nam là một trong những tuyến được ưu tiên đầu tư xây dựng. Cùng với việc khởi công tuyến đường sắt Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai - Vân Nam, địa bàn Lào Cai càng trở nên quan trọng.
Đầu năm 1899, đích thân Toàn quyền Đông Dương - Paul Doumer đã đến Lào Cai và sang Vân Nam để thuyết minh tầm quan trọng của tuyến đường sắt với nhà chức trách Trung Quốc. Từ năm 1901 đến ngày 1/2/1906, tuyến đường sắt Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai được xây dựng và đưa vào khai thác. Nhờ tuyến đường sắt, Lào Cai đã nối liền với vùng đồng bằng Bắc Bộ và cửa biển Hải Phòng. Nhờ ở vị trí đầu cầu được khai thông bằng đường sắt, Lào Cai càng có điều kiện đưa hàng hóa thâm nhập vào vùng Vân Nam rộng lớn. Như vậy, Lào Cai đã hội đủ 3 yếu tố thành lập tỉnh dân sự: Đường sắt nối liền Lào Cai (thông qua vị trí đầu cầu Lào Cai) nối liền cả vùng Vân Nam rộng lớn với Bắc Bộ và cửa biển Hải Phòng; tình hình Lào Cai ổn định; quan hệ Lào Cai và Vân Nam hòa hợp, các toán phỉ, toán cướp xâm phạm vùng biên bị tiễu trừ.
Bên cạnh các yếu tố này, đến năm 1907, Lào Cai cũng đạt nhiều kết quả trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng của tỉnh dân sự, xây dựng cơ sở thiết yếu của địa bàn tỉnh lỵ
Mùa xuân năm 1899, cầu Hồ Kiều nối liền Lào Cai với Hà Khẩu bắc qua sông Nậm Thi được xây dựng. Tháng 6/1900, trụ sở Đạo Quan binh, sau là dinh công sứ, được khánh thành. Đặc biệt, ngày 22/2/1902, nghị định của Phủ Toàn quyền xây dựng trung tâm đô thị Lào Cai được ban hành càng đẩy nhanh tốc độ xây dựng. Hàng loạt công trình dân sự khác được xây dựng như chợ Lào Cai (khánh thành ngày 5/3/1903), Quảng trường Lào Cai (tháng 10/1905), chợ Cốc Lếu (khánh thành ngày 26/11/1905)… Năm 1904, thực dân Pháp bước đầu chú ý quy hoạch tổng thể trung tâm đô thị Lào Cai. Trung tâm này được mở rộng sang hữu ngạn sông Hồng với khu Cốc Lếu và mở rộng xuống phía Nam với khu Phố Mới. Với việc quy hoạch và xây dựng khu đô thị Lào Cai đã tạo tiền đề phát triển tỉnh lỵ của tỉnh Lào Cai sau này.
Ngày 12/7/1907, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định bãi bỏ đạo quan binh số 4 Lào Cai, đổi thành tỉnh dân sự Lào Cai. Ngày 12/7/1907 trở thành ngày thành lập tỉnh Lào Cai.
Trong nghị định không nêu rõ diện tích, dân số, đơn vị hành chính của tỉnh Lào Cai. Thời điểm này muốn tìm hiểu các thông tin cơ bản này đòi hỏi phải tham khảo nhiều nguồn tài liệu.
Về các đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh dân sự Lào Cai, Nghị định số 288 về việc thành lập tỉnh Lào Cai chỉ ghi: “Điều 1: Đạo quan binh thứ 4, kể từ ngày 1/8/1907 chuyển thành tỉnh dân sự Lào Cai”. Đạo quan binh thứ 4 theo nghị định ngày 28/11/1905 của Toàn quyền Đông Dương từ ngày 1/1/1906 sẽ bao gồm 3 trung tâm: Trung tâm Bắc Hà (xã Ngọc Uyển); trung tâm Cốc Lếu (xã Trịnh Tường, Đông Quan, Ngọc Phước, Nhạc Sơn, Cam Đường, Gia Phú và Hướng Vinh); trung tâm Phong Thổ (xã Phòng Thu và Bình Lư).
Nhưng ngay năm 1908, trong một số văn bản của Pháp đã xuất hiện 2 châu Thủy Vĩ, Bảo Thắng là đơn vị châu trực thuộc tỉnh Lào Cai. Ngày 1/2/1908, Toàn quyền Đông Dương ban hành Nghị định sáp nhập xã Xuân Quang, Xuân Giao và Lào Cai.
Năm 1924, Ngô Vi Liễn và các tác giả Đỗ Đình Nghiêm, Phạm Văn Thư biên soạn công trình “Địa dư các tỉnh Bắc Kỳ” vẫn ghi 2 châu Thủy Vĩ, Bảo Thắng là đơn vị hành chính của tỉnh Lào Cai.
Năm 1926, trong công trình “Các đơn vị hành chính ở Bắc Kỳ”, Ngô Vi Liễn viết Lào Cai có 7 đơn vị hành chính: Châu Bảo Thắng; đại lý Mường Khương; đại lý Pa Kha (Bắc Hà); châu Thủy Vĩ; đại lý Bát Xát; đại Lý Phong Thổ; khu Sa Pa...
Ngày 15/12/1930, công sứ Lào Cai có văn bản thống kê toàn bộ danh mục các đơn vị hành chính tỉnh Lào Cai. Bảng thống kê ghi rõ Lào Cai có 2 châu, 4 đại lý, 1 khu dân cư với 27 xã, 2 phố, 679 làng, khu phố, thôn.
Như vậy, tỉnh Lào Cai thành lập từ ngày 12/7/1907 nhưng phải đến năm 1930 mới ổn định các đơn vị hành chính.
Về diện tích dân số, dân tộc tỉnh Lào Cai được phản ánh qua các số liệu thống kê ở từng thời kỳ khác nhau. Diện tích tỉnh Lào Cai được công bố sớm nhất là năm 1924 (trong tác phẩm “Địa dư các tỉnh Bắc Kỳ”, theo tác giả Ngô Vi Liễn, Lào Cai có diện tích 4.625 km2, có số dân là 38.000 người).
Theo thống kê ngày 1/1/1930, Lào Cai có 45.513 người gồm 24 ngành nhóm dân tộc.
Như vậy, tỉnh Lào Cai thành lập từ ngày 12/7/1907 đến nay là 117 năm. Nhưng để có quá trình thành lập đơn vị hành chính cấp tỉnh, Lào Cai đã trải qua thời gian dài từ huyện đến đơn vị châu, từ chế độ quân quản sang chế độ dân sự.
Nếu lấy mốc xuất hiện châu Đan Đường, Chu Quý niên hiệu Trinh Nguyên 8 đời nhà Đường đô hộ, Lào Cai có 1.232 năm hình thành. Nếu lấy mốc thời gian thành lập 2 huyện Thủy Vĩ, Văn Bàn vào năm Quang Thái thứ 10 đời nhà Trần thì Lào Cai đã có 627 tuổi.
Nhưng dù thành lập thời cổ đại, trung đại hay cận đại, Lào Cai vẫn là mảnh đất vững vàng, đầu cầu nối liền vùng thung lũng sông Hồng với Vân Nam - Trung Quốc. Từ vị trí đầu cầu, tiền tiêu, Lào Cai đang vươn mình phát triển.
* Bài viết sử dụng hình ảnh tài liệu lưu trữ tại Bảo tàng tỉnh Lào Cai.
Trình bày: Hoàng Thu
Link nội dung: https://blog24hvn.com/lao-cai-gan-tinh-nao-a39439.html