Nhiễm khuẩn tiết niệu là tình trạng nhiễm trùng các phần của đường tiết niệu, mà đặc trưng bởi sự hiện diện của vi khuẩn trong nước tiểu hoặc các biểu hiện triệu chứng của sự xâm nhập của vi khuẩn ở một hoặc nhiều phần của đường tiết niệu.
Tùy theo vị trí nào trên đường tiết niệu bị nhiễm trùng mà có tên gọi riêng. Các nhiễm khuẩn đường tiết niệu có thể chia thành 2 nhóm theo vị trí giải phẫu:
Nhiễm khuẩn đường tiết niệu trên: Bao gồm viêm thận bể thận cấp, viêm thận bể thận mạn tính.
Nhiễm khuẩn đường tiết niệu dưới: Gồm viêm bàng quang, viêm niệu đạo viêm tiền liệt tuyến.
2. Cách điều trị viêm đường tiết niệu
Viêm đường tiết niệu là bệnh lý do vi khuẩn gây ra, cho nên để điều trị được nguyên nhân gây bệnh cần sử dụng kháng sinh.
2.1 Nguyên tắc sử dụng kháng sinh trong điều trị viêm đường tiết niệu
Kháng sinh thường được sử dụng tốt nhất theo kết quả kháng sinh đồ.
Lựa chọn kháng sinh phù hợp với tuổi, tình trạng bệnh tật khác của người bệnh, phụ nữ mang thai.
Thời gian và liều lượng kháng sinh sử dụng tùy thuộc vào mức độ bệnh. Thường không sử dụng kéo dài quá 14 ngày.
Cần chú ý lựa chọn kháng sinh không độc với thận, không làm giảm mức lọc cầu thận và lưu ý chỉnh liều kháng sinh theo mức độ suy thận.
Tuyệt đối không tự ý thay đổi liều dùng, tần suất sử dụng thuốc vì bất cứ lý do gì. Nếu muốn thay đổi đơn thuốc.
Không nên tự ý dùng thuốc kháng sinh vì có thể gây ra tình trạng kháng thuốc và tái phát bệnh.
Không quan hệ tình dục trong thời gian sử dụng thuốc điều trị.
Ngoài điều trị bằng kháng sinh thì cần phải điều trị các dấu hiệu khác như: Tăng huyết áp, suy thận nặng thì cần điều trị suy thận, lọc máu hoặc ghép thận.
2.2 Các loại kháng sinh được dùng trong điều trị viêm đường tiết niệu
Có nhiều nhóm kháng sinh có thể được lựa chọn trong điều trị bệnh lý nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Tuy nhiên, tùy thuộc vào nguyên nhân vi sinh gây bệnh mà lựa chọn nhóm kháng sinh phù hợp.
Nhóm beta lactam: Đây là nhóm kháng sinh có phổ tác dụng rộng. Kháng sinh nhóm này an toàn, ít tác dụng phụ, có thể sử dụng cho nhiều đối tượng. Trẻ em, phụ nữ mang thai và người già ưu tiên sử dụng nhóm kháng sinh này.
Một số loại kháng sinh và liều sử dụng:
Penicillin G, tiêm bắp, liều 2-5 triệu đơn vị/ngày trong khoảng 7-14 ngày. Nếu uống 4-5 triệu đơn vị/ngày trong vòng 7-14 ngày.
Ampicillin, liều uống 2-6g/ngày trong vòng 7-14 ngày.
Cloxacillin, uống 1-3g/ngày trong 7-14 ngày.
Nhóm cephalosporin: Là nhóm kháng sinh khá an toàn và được chỉ định cho nhiều đối tượng. Tác dụng của nhóm này là ức chế tổng hợp vách tế bào vi khuẩn. Vi khuẩn khi không còn vách tế bào sẽ bị tiêu diệt.
Một số thuốc được lựa chọn để điều trị nhiễm khuẩn tiết niệu gồm:
Cephaloridin: Liều uống 2g/ngày chia 2-3 lần/ngày trong 7-10 ngày.
Cephapirin: Liều uống 2g/ngày chia 2-3 lần/ngày trong 7-10 ngày.
Nhóm aminoglycosid: Là kháng sinh có phổ tác dụng chủ yếu trên vi khuẩn gram âm. Gây độc cho thần kinh VIII và cho thận nên dùng khi chưa có suy thận và không dùng cho phụ nữ mang thai.
Streptomycin, bắp thịt 1-2g/ngày x 10-14 ngày.
Kanamycin, bắp thịt 1-2g/ngày x 10-14 ngày.
Tobramycin (nebcin), uống 3-5mg/kg/ngày x 7-10 ngày.
Nhóm quinolon: Có tác dụng diệt khuẩn trên vi khuẩn gram âm. Quinolon ngăn cản sự tổng hợp ADN của vi khuẩn, ngoài ra ức chế tổng hợp protein của vi khuẩn nên có tác dụng diệt khuẩn. Kháng sinh nhóm này không dùng cho trẻ em dưới 18 tuổi, phụ nữ mang thai và cho con bú, không dùng cho người thiếu men G6PD.
Một số thuốc được lựa chọn để điều trị nhiễm khuẩn tiết niệu gồm:
Ofloxacin: Liều uống 400-600mg/ngày trong vòng 7 ngày.
Ciprofloxacin liều 500mg đường uống 2 lần/ngày trong 7 ngày
Levofloxacin liều 750 mg đường uống một lần / ngày trong 5 ngày
Dẫn chất sulfamid: Kháng sinh tổng hợp phổ rộng chủ yếu kìm khuẩn và điều trị bệnh lý do cầu khuẩn tác động gây ra. Sulfamid có khả năng kìm khuẩn vì thuốc này sẽ không cho cơ thể tổng hợp axit folic tạo tiền đề cho sự phát triển của vi khuẩn. Chú ý là dùng khi chưa có suy thận và không dùng cho phụ nữ có thai, trẻ sơ sinh, người suy gan, thiếu men G6PD.
Một số thuốc được lựa chọn để điều trị nhiễm khuẩn tiết niệu gồm
Sulfamid, uống 2-4g/ngày x 10-14 ngày.
Sulfamethoxazole (bactrim), uống 1g/ngày x 7-14 ngày.
Khi lựa chọn kháng sinh để điều trị bệnh viêm đường tiết niệu cần cân nhắc các yếu tố bệnh lý hay tình trạng cơ thể để hạn chế những tác động xấu tới cơ thể. Đặc biệt với trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và người mắc các bệnh mạn tính cần được dùng đúng loại kháng sinh phù hợp.
Bệnh viêm đường tiết niệu có thể phòng ngừa và chữa trị nếu người bệnh phát hiện sớm dấu hiệu và chủ động đi khám để điều trị. Tuyệt đối không được tự sử dụng thuốc khi chưa có chỉ thị của bác sĩ vì nó có thể khiến tình trạng bệnh tiến triển xấu, gây hậu quả không đáng có.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.