Dành cả cuộc đời xây dựng và phát triển ngành Tim mạch Việt Nam bắt kịp thế giới, ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, vị “cha đẻ” của ngành siêu âm tim Việt Nam, PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh vẫn dồi dào năng lượng, tiếp tục cùng các cộng sự xây dựng Trung tâm chẩn đoán, điều trị toàn diện, chuyên sâu bệnh tim mạch từ bào thai đến trưởng thành tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.
Chúng tôi gặp PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh sau khi Thầy vừa kết thúc buổi thăm khám bệnh nhân cuối cùng ở khu Nội trú. 60 phút có lẽ không đủ để Thầy trải lòng chuyện nghề, chuyện đời. Nhưng chính sự say mê, uyên bác khi nói về chuyên môn, tinh thần nhiệt huyết khi chia sẻ về những hoài bão đã phần nào khắc họa chân dung một người Thầy thuốc tận tâm, một người Thầy giáo tận tụy, một nhà nghiên cứu không ngừng nghỉ và một nhà “truyền cảm hứng” cho nhiều thế hệ bác sĩ.
Cafe cùng Tâm Anh: Thưa Phó giáo sư, là một trong những người giữ vai trò trọng yếu trong các Hiệp hội Tim mạch lớn tại Việt Nam và trải qua hơn 5 thập kỷ chứng kiến những đổi thay của ngành Tim mạch học nước nhà, Phó giáo sư nhận thấy bức tranh ngành Tim mạch hiện tại có những thay đổi đáng kể như thế nào?
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh: Nhớ lại những năm 70-80 của thế kỷ 20, đất nước mình lúc đó gặp nhiều khó khăn khi vừa thoát khỏi bom đạn chiến tranh. Cơ sở vật chất trong thăm khám, chữa bệnh còn thiếu thốn nhiều. Đến năm 1989, cả nước vẫn chưa có cơ sở y tế nào phẫu thuật tim. Lúc bấy giờ, một số bệnh viện ở Hà Nội cũng chỉ thực hiện những thủ thuật đơn giản như phẫu thuật đóng thông liên nhĩ bằng cách hạ thân nhiệt với sự hỗ trợ của các chuyên gia từ Nga, Pháp. Trong khi đó, mỗi năm có khoảng 8.000 em bé được chẩn đoán tim bẩm sinh trong số 1.000.000 trẻ chào đời. Danh sách chờ mổ tim cứ dài bất tận.
Ở miền Nam, tôi cùng các đồng nghiệp kết nối với một số tổ chức từ thiện đưa trẻ sang Pháp phẫu thuật. Tuy nhiên, quy trình xuất cảnh thời bấy giờ mất nhiều thời gian, nhiều cháu đã qua đời trước khi đến lượt.
Lúc này, Cố giáo sư - Viện sĩ Dương Quang Trung (Nguyên Giám đốc Sở Y tế TP.HCM) quyết định sang Pháp tìm gặp chuyên gia phẫu thuật tim - Giáo sư Alain Carpentier - nhờ hỗ trợ Việt Nam xây dựng đơn vị mổ tim hở.
Sau khi khảo sát, Giáo sư Alain Carpentier đồng ý tài trợ một số trang thiết bị và cùng chúng tôi đào tạo ekip phẫu thuật tim. Tôi được cử sang Pháp học về siêu âm tim, hồi sức tim sau phẫu thuật và tim bẩm sinh. Nhờ kỹ thuật siêu âm tim, chúng tôi xem được cách tim đập, bơm máu, khảo sát mọi ngóc ngách trong tim thay vì chỉ sử dụng ống nghe để chẩn đoán bệnh như trước đây. Những hình ảnh này vô cùng giá trị, không chỉ xác định bệnh chính xác hơn mà còn giúp phẫu thuật viên tiên lượng và chuẩn bị tốt nhất cho cuộc mổ.
Đầu năm 1992, với sự hỗ trợ của Giáo sư Carpentier, chúng tôi đã thực hiện thành công ca mổ tim hở đầu tiên tại Viện Tim TP.HCM, mở ra bước ngoặt cho ngành Tim mạch Việt Nam.
Thời gian đó, mỗi năm, Viện Tim phẫu thuật cho khoảng 600 ca tim bẩm sinh nhưng còn hàng ngàn trẻ chờ mổ. Nhiều trường hợp bệnh nặng đã tử vong khi chưa kịp xếp lịch. Do đó, chúng tôi tiến hành đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho một số bệnh viện lớn trải dài từ Bắc tới Nam. Hiện nay, rất nhiều nơi có thể mổ tim cho trẻ em và người lớn, giảm tải cho Viện Tim rất nhiều, giúp nhiều trẻ được cứu sống kịp thời, giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong.
Cafe cùng Tâm Anh: Ở tuổi ngoài 70, khi nhiều người bắt đầu nghỉ dưỡng vì sao Phó giáo sư lại chọn Bệnh viện Tâm Anh cho một khởi đầu mới?
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh: Nhiều người đã hỏi sao tôi không nghỉ ngơi khi hay tin tôi chuyển công tác về Bệnh viện Tâm Anh. Hơn 50 năm khám, điều trị và cả giảng dạy, nghiên cứu, tôi luôn khao khát thành lập một trung tâm chẩn đoán và điều trị bệnh tim mạch chuyên sâu, toàn diện kết hợp đào tạo và nghiên cứu khoa học. Bởi thực tế, dù chúng ta đã có nhiều đơn vị điều trị bệnh tim mạch nói chung và bệnh tim bẩm sinh nói riêng nhưng vẫn còn nhiều bệnh nhân chưa được chăm sóc đầy đủ, toàn diện.
Tôi luôn trăn trở khi những phụ nữ mang thai phát hiện tim thai bất thường phải khám thai ở một nơi và theo dõi tim thai ở một nơi, sinh con ở bệnh viện sản khoa rồi phải chuyển sang nơi khác để mổ tim; hay những đứa trẻ bị tim bẩm sinh theo dõi ở bệnh viện tim đến 16 tuổi thì có thể đến đâu để tiếp tục thăm khám, điều trị? Vì thế, tôi mong có thể thành lập một trung tâm điều trị bệnh tim mạch từ trong bào thai đến trưởng thành và về già; đặc biệt là theo dõi, chăm sóc bệnh tim bẩm sinh ở người lớn.
Được sự ủng hộ và tiếp lửa của Chủ tịch Ngô Chí Dũng (Chủ đầu tư Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh), có thể nói ước mơ theo tôi suốt 5 thập kỷ đã được hiện thực hóa tại Tâm Anh. Tôi và các học trò bắt tay vào xây dựng Trung tâm chăm sóc sức khỏe tim mạch chuyên sâu, toàn diện không chỉ cho khách trong nước mà cả khách Việt kiều và người nước ngoài tại Việt Nam.
Cafe cùng Tâm Anh: Những ngày đầu xây dựng Trung tâm Tim mạch tại Tâm Anh, Phó giáo sư có gặp khó khăn gì không?
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh: Khó khăn đầu tiên chúng tôi phải giải quyết là bài toán nhân sự và công tác đào tạo. Mục tiêu của chúng tôi là hướng đến một đơn vị theo dõi, điều trị chuyên sâu bệnh tim bẩm sinh từ trong bào thai, quản lý hiệu quả bệnh tim bẩm sinh người lớn, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe tim mạch toàn diện cho người dân từ sơ sinh đến trưởng thành và khi về già. Do đó, chúng tôi muốn kiến tạo nên một Trung tâm Tim mạch với đầy đủ các chuyên khoa Nội tim mạch, Ngoại tim mạch, Can thiệp tim mạch, Hồi sức Ngoại tim mạch, Hồi sức Nội tim mạch, Tim bẩm sinh, Phòng khám… đến các đơn vị chuyên sâu như quản lý bệnh suy tim, bệnh cơ tim, chăm sóc sức khỏe tim mạch cho bệnh nhân ung thư…
Trung tâm không chỉ điều trị “tất cả trong một” mà còn hướng đến đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho các đơn vị bạn. Do đó, chúng tôi cần một đội ngũ giỏi chuyên môn, tận tâm và đầy nhiệt huyết. Số lượng nhân sự cần tuyển rất lớn và công tác đào tạo phải tiến hành liên tục.
Chúng tôi may mắn được sự hậu thuẫn rất lớn từ Ban giám đốc nên chỉ trong thời gian ngắn đã chiêu mộ được một đội ngũ bác sĩ chuyên môn sâu, giàu kinh nghiệm ở tất cả các chuyên khoa. Các bác sĩ đi trước không ngừng đào tạo liên tục cho lớp bác sĩ sau. Do đó, chỉ mới hơn hai năm, Trung tâm Tim mạch Tâm Anh đã quy tụ hơn 60 bác sĩ và gần 150 điều dưỡng, thư ký y khoa, kỹ thuật viên lành nghề.
Tôi thường nói với các đồng nghiệp rằng được làm việc tại đây là điều may mắn và tự hào. Bởi những đầu tư về cơ sở vật chất và nhân lực tại Tâm Anh gần như đáp ứng trọn vẹn kỳ vọng của chúng tôi.
Cafe cùng Tâm Anh: Những thành quả Trung tâm Tim mạch đạt được mà Phó giáo sư cảm thấy hài lòng nhất?
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh: Một trung tâm còn non trẻ về “tuổi đời” nhưng chính bề dày “tuổi nghề” của đội ngũ y bác sĩ và cơ sở vật chất, máy móc chuyên ngành hiện đại đã giúp chúng tôi tạo dựng uy tín và niềm tin nơi khách hàng. Đặc biệt, tỷ lệ người bệnh quay trở lại với chúng tôi và giới thiệu người khác đến với chúng tôi rất cao. Đây là thành công bước đầu.
Về nội khoa, chúng tôi điều trị và quản lý hiệu quả suy tim, bệnh cơ tim, huyết áp, vấn đề tim mạch ở bệnh nhân bệnh thận mạn, đái tháo đường… bên cạnh các bệnh lý tim mạch thường gặp bằng những phác đồ tiên tiến, những loại thuốc tốt nhất.
Về ngoại khoa, chúng tôi đã triển khai mổ tim cho trẻ em và người lớn với những kỹ thuật hiện đại như mổ ít xâm lấn, mổ bắc cầu không dùng máy tim phổi nhân tạo, mổ đường ngực bên, mổ tim nội soi, sửa van tim,…
Trong lĩnh vực thông tim can thiệp, được sự đầu tư lớn của Ban giám đốc với hệ thống can thiệp mạch tiên tiến, chúng tôi đã thực hiện những kỹ thuật can thiệp mạch vành tối thiểu thuốc cản quang; đặt stent cho những trường hợp mạch máu vôi hóa nặng, nhiều bệnh nền; can thiệp bệnh tim bẩm sinh phức tạp bằng thủ thuật ít xâm lấn; triệt đốt loạn nhịp tim…
Chúng tôi cũng mở các khóa đào tạo siêu âm tim nội bộ; tổ chức hội thảo kết nối với các chuyên gia tim mạch hàng đầu trong và ngoài nước để cập nhật những hướng dẫn chẩn đoán và điều trị mới, triển khai nhiều kỹ thuật mới… Đây là những bước đệm đầu tiên để chúng tôi tiến đến những hợp tác, đào tạo chuyên sâu hơn trong lĩnh vực robot phẫu thuật tim mạch, phát triển những đơn vị suy tim, tim mạch và ung thư, tim mạch và sản khoa theo sự phát triển của y khoa thế giới.
Cafe cùng Tâm Anh: Vì sao công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học lại cần thiết và phải gắn liền với hoạt động khám chữa bệnh, thưa Phó giáo sư?
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh: Tôi luôn tâm niệm và không ngừng nhắc nhở học trò “Đã là người thầy thuốc thì phải học cả đời”. Chúng ta không chỉ học ở Thầy Cô, học ở đồng nghiệp, mà còn học từ chính những bệnh nhân của mình. Học để cập nhật kiến thức vì lĩnh vực y khoa thay đổi rất nhanh, một bác sĩ giỏi phải luôn tự trau dồi, hoàn thiện mình để mang lại những điều tốt nhất cho bệnh nhân.
Xem thêm: Tin tức hoạt động của Bệnh viện Tâm Anh
Mỗi tuần, chúng tôi có 3 buổi sinh hoạt chuyên môn khoảng 45 phút vào giờ trưa, để cùng nhau thảo luận, chia sẻ và giải đáp thắc mắc giúp các bác sĩ có thêm nhiều góc tiếp cận, kinh nghiệm chuyên môn. Chiều thứ 2 hàng tuần, tôi cùng với các bác sĩ Trưởng/Phó khoa, bác sĩ điều trị thăm khám cho bệnh nhân nội trú. Hoạt động này tôi đã duy trì mấy chục năm qua. Đây không chỉ là một quyền lợi cộng thêm cho bệnh nhân điều trị nội trú tại Trung tâm Tim mạch mà còn là cơ hội để các bác sĩ học tập lẫn nhau.
Hiện nay, trên thế giới đều thành lập các đơn vị điều trị và đào tạo chuyên sâu - đây là hướng đi mà tôi cũng sẽ thực hiện tại Trung tâm Tim mạch. Trong tương lai, Trung tâm cũng sẽ mở các khóa đào tạo sinh viên y khoa, bác sĩ nội trú, bác sĩ sau đại học, và tạo điều kiện cho cả bác sĩ nước ngoài đến học tập, chuyển giao kỹ thuật.
Cafe cùng Tâm Anh: Ngược dòng lịch sử một chút, thưa Phó giáo sư, vì sao Phó giáo sư lại chọn học ngành Tim mạch? Phó giáo sư trăn trở điều gì nhất trong hơn 5 thập kỷ gắn bó với ngành?
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh: Tôi vào trường y từ năm 1964, cũng là thời điểm cả nước còn chìm trong bom đạn, rất nhiều người mắc bệnh tim không qua khỏi bởi không đủ thiết bị chẩn đoán và điều trị.
Trong quá trình học tập, tôi may mắn gặp được Giáo sư Lê Văn Điềm, giảng viên Tim mạch được đào tạo tại Mỹ. Từng bài giảng và những quyển sách Tim mạch của Thầy ngày đó đã cuốn hút tôi, tạo cảm hứng cho tôi chọn chuyên ngành Tim mạch. Người Thầy thứ 2 là Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy đã tận tình hướng dẫn tôi luận án tốt nghiệp và làm cho tình yêu ấy ngày một lớn hơn trong tôi.
Hơn 50 năm qua, ngành Tim mạch Việt Nam đã có những thành tựu đáng tự hào. Tuy nhiên, điều tôi luôn trăn trở là hệ thống thuốc điều trị tại Việt Nam còn hạn chế và công tác nghiên cứu khoa học chưa được chú trọng nhiều. Nhưng một điều may mắn là khi về Tâm Anh, lĩnh vực nghiên cứu khoa học được ban lãnh đạo bệnh viện đầu tư lớn bên cạnh hoạt động khám, chữa bệnh. Chúng tôi có Viện nghiên cứu Tâm Anh sẽ giúp cho các bác sĩ thực hành nhiều hơn, mang lại những công trình có giá trị thiết thực cho người bệnh.
Cafe cùng Tâm Anh: Theo Phó giáo sư, với sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống y tế tư nhân hiện nay, để thành công, bệnh viện tư cần những điều kiện gì?
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh: Mở bệnh viện tư nhân ở Việt Nam rất khó và để trụ vững trong phân khúc trung - cao cấp lại càng không đơn giản. Bệnh viện muốn phát triển và vững mạnh phải có đội ngũ bác sĩ giỏi chuyên môn. Do đó, công tác tuyển dụng và đào tạo bác sĩ phải được chú trọng. Bên cạnh đó theo tôi, đường lối và quản lý nhân sự là nền tảng quan trọng để phát triển bệnh viện tư nhân. Nói cách khác, để thành công theo tôi cần phải hội đủ 4 yếu tố then chốt: quản lý nhân sự giỏi, chính sách phù hợp, địa thế tốt và đặc biệt là tầm nhìn chiến lược của ban lãnh đạo.
Bên cạnh yếu tố con người, tất cả sự chuẩn bị, đầu tư về cơ sở vật chất, kỹ thuật, dịch vụ chăm sóc… đều hướng đến mục tiêu chung lớn nhất là đảm bảo hiệu quả điều trị, chăm sóc tốt nhất cho người bệnh.
Cafe cùng Tâm Anh: Một câu hỏi bên lề, hiện nay, trong khi nhu cầu khám chữa bệnh dịch vụ cao cấp của kiều bào và người nước ngoài tại Việt Nam khá lớn thì không ít người lại chọn ra nước ngoài chữa bệnh. Phó giáo sư có suy nghĩ gì về vấn đề này?
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh: Theo tôi, do sự quá tải của hệ thống y tế công, bệnh nhân chưa được chăm sóc tốt nhất. Với tầng lớp trung - cao cấp, họ không chỉ quan tâm hiệu quả điều trị mà còn mong muốn tận hưởng dịch vụ chăm sóc cao cấp. Và họ luôn tin vào trình độ y bác sĩ và chất lượng dịch vụ bệnh viện nước ngoài. Không ít người Việt còn có tư tưởng hướng ngoại. Tuy nhiên, với sự đầu tư về mọi mặt, hệ thống y tế tư nhân sẽ chia sẻ gánh nặng cho bệnh viện công lập; đặc biệt là sự hợp tác chuyển giao khoa học kỹ thuật từ các đơn vị quốc tế… ngành chăm sóc y tế Việt Nam có nhiều bước tiến mới, người Việt có thể điều trị ngay trong nước, không phải tốn thời gian và chi phí đi chữa trị ở nước ngoài.
Cafe cùng Tâm Anh: Nhiều người ngạc nhiên khi ở tuổi xưa nay hiếm, Phó giáo sư vẫn nhanh nhẹn và luôn tràn đầy năng lượng. Bí quyết là gì ạ?
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh: Đầu tiên là chế độ ăn uống, tôi hầu như không ăn thịt, thực đơn hằng ngày chủ yếu là cá, rau củ quả và trái cây. Tiếp theo cần duy trì thói quen vận động cơ thể mỗi ngày. Và cuối cùng, hãy luôn giữ cho tinh thần lạc quan, vui tươi và thoải mái.
Cafe cùng Tâm Anh: Xin cảm ơn Phó giáo sư đã dành thời gian trò chuyện với Cafe cùng Tâm Anh. Kính chúc Thầy sức khỏe và thành công!
Link nội dung: https://blog24hvn.com/bac-si-pham-nguyen-vinh-a40203.html