Hóa trị được sử dụng để điều trị ung thư như thế nào?
Hiện nay, hóa trị được coi là một trong những liệu pháp điều trị ung thư phổ biến nhất và đem lại hiệu quả điều trị cao cho người bệnh. Hóa trị là một trong những liệu pháp điều trị ung thư hiệu quả, thông qua việc sử dụng thuốc hoặc các loại hóa chất gây độc tế bào để loại bỏ và ngăn chặn sự phát triển của các tế bào gây ung thư trong cơ thể người bệnh.
1. Hóa trị là gì?
Trong khi các phương pháp điều trị ung thư khác như phẫu thuật, xạ trị hoặc nhiệt trị chỉ tập trung phá hủy các tế bào ung thư ở một khu vực nhất định thì liệu pháp hóa trị lại tác động tới toàn bộ cơ thể. Tức là, hóa trị có khả năng tiêu diệt các tế bào ung thư đã di căn đến các bộ phận khác của cơ thể cách xa khối u ban đầu (nguyên phát). Thêm vào đó, khi đưa các loại hóa chất trị ung thư vào trong cơ thể, chúng không chỉ tác động tới các tế bào gây ung thư mà còn ảnh hưởng đến các tế bào khỏe mạnh khác, điều này có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn cho sức khỏe người bệnh sau khi thực hiện hóa trị liệu.
2. Mục tiêu của điều trị hóa trị
Khi được bác sĩ khuyến nghị thực hiện hóa trị liệu để điều trị ung thư, bệnh nhân cần phải hiểu được các mục tiêu điều trị trước khi đưa ra quyết định. Đối với liệu pháp hóa trị sẽ có ba mục tiêu chính dưới đây:
Chữa tận gốc ung thư: trong một số trường hợp hiếm gặp, hóa trị có thể tiêu diệt hoàn toàn các tế bào gây ung thư đang phát triển mạnh mẽ trong cơ thể. Các khối u ác tính có thể biến mất vĩnh viễn và không tái phát trở lại. Tuy nhiên, mục tiêu này thường rất khó khăn để đạt được.
Kiểm soát bệnh: khi ung thư không thể được chữa khỏi hoàn toàn, mục tiêu tiếp theo của liệu pháp hóa trị là kiểm soát bệnh. Các loại hóa chất được sử dụng trong điều trị có thể giúp thu nhỏ các khối u hoặc ngăn chặn ung thư phát triển và lan rộng; từ đó giúp người bệnh cảm thấy thoải mái hơn và kéo dài được tuổi thọ. Trong một số trường hợp nhất định, mặc dù ung thư không biến mất nhưng nó được kiểm soát như một căn bệnh mãn tính, giống như bệnh tim hoặc tiểu đường. Cũng có trường hợp ung thư đã biến mất trong một thời gian, nhưng nó có thể tái phát trở lại. Lúc này, hóa trị liệu có thể được thực hiện một lần nữa.
Giảm nhẹ các triệu chứng do ung thư: các hóa chất cũng có thể được sử dụng nhằm làm giảm các triệu chứng do ung thư gây ra. Khi ung thư bước sang giai đoạn tiến triển, lúc này nó không được kiểm soát và đã lan sang các bộ phận khác của cơ thể. Mục tiêu chính khi sử dụng liệu pháp hóa trị trong thời điểm này là cải thiện chất lượng cuộc sống và giúp người bệnh cảm thấy tốt hơn.
3. Sử dụng hóa trị kết hợp với các phương pháp điều trị khác
Đôi khi, hóa trị được lựa chọn là phương pháp duy nhất để điều trị ung thư. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện hóa trị phối hợp với các phương pháp khác, bao gồm phẫu thuật, xạ trị hoặc các liệu pháp sinh học để việc điều trị đạt được kết quả cao. Cụ thể là:
Hóa trị tân bổ trợ (hóa trị trước phẫu thuật): Hóa trị được sử dụng để thu nhỏ khối u trước khi thực hiện phẫu thuật hoặc xạ trị.
Hóa trị bổ trợ (hóa trị sau phẫu thuật): liệu pháp hóa trị được sử dụng nhằm loại bỏ bất kỳ tế bào ung thư nào còn sót lại trong cơ thể sau khi bệnh nhân được điều trị bằng xạ trị hoặc phẫu thuật.
4. Các loại thuốc hóa trị được sử dụng trong điều trị ung thư
Trước khi đưa ra quyết định nên sử dụng loại thuốc hóa trị nào cho người mắc ung thư, bác sĩ cần lưu ý những vấn đề sau:
Loại ung thư
Giai đoạn ung thư (ung thư đã lan rộng bao xa)
Độ tuổi của bệnh nhân
Sức khỏe tổng thể của bệnh nhân
Bệnh nhân có mắc phải các vấn đề nghiệm trọng về sức khỏe hay không, ví dụ như bệnh tim, gan hoặc thận.
Các phương pháp điều trị ung thư nào mà bệnh nhân đã từng trải qua
Theo thống kê, hiện nay đã có hơn 100 loại thuốc được sử dụng cho việc điều trị các căn bệnh ung thư bằng phương pháp hóa trị liệu. Chúng sẽ được phân loại theo các nhóm khác nhau dựa trên cơ chế hoạt động, tác dụng và cấu trúc hóa học của mỗi loại thuốc. Thuốc hóa trị không chỉ được sử dụng riêng lẻ mà còn có thể kết hợp với các loại thuốc khác tùy thuộc vào độ tuổi cũng như tình trạng sức khỏe của người bệnh.
Dưới đây là một số nhóm thuốc phổ biến, bao gồm:
Nhóm các tác nhân alkyl hóa: thường được sử dụng để điều trị các căn bệnh ung thư như ung thư vú, ung thư buồng trứng, ung thư phổi, ung thư hạch, bệnh đa u tủy, sarcoma, bệnh bạch cầu và bệnh Hodgkin. Một số loại thuốc thuộc nhóm này, bao gồm: Busulfan, Altretamine, Carmustine, Carboplatin, Cisplatin, Chlorambucil.
Nhóm các chất chống chuyển hóa: thường được sử dụng để điều trị cho các bệnh ung thư như ung thư buồng trứng, ung thư vú, đường ruột, bệnh bạch cầu,...Một số loại thuốc thuộc nhóm này, gồm có: 6-mercaptopurine (6-MP), 5-fluorouracil (5-FU), Cytarabine (Ara-C®), Capecitabine (Xeloda®).
Nhóm thuốc kháng sinh chống ung thư: cơ chế hoạt động chính của nhóm thuốc này là can thiệp và làm thay đổi các DNA bên trong các tế bào gây ung thư và kìm hãm sự phát triển, phân chia của chúng trong cơ thể người bệnh.
5. Xác định liều hóa trị
Đa phần các loại thuốc hóa trị đều là những loại thuốc mạnh, để đạt được hiệu quả điều trị cao thì bệnh nhân cần phải tuân thủ sử dụng thuốc theo đúng sự chỉ định của bác sĩ. Nếu không uống đủ hoặc uống quá liều có thể gây ra các tác dụng phụ đe dọa tới tính mạng người bệnh. Vì vậy, liều lượng hóa trị cần phải được tính toán một cách chính xác trước khi sử dụng.
Việc xác định liều hóa trị sẽ phụ thuộc vào từng loại thuốc khác nhau. Hầu hết các loại thuốc hóa trị sẽ được đo bằng miligam (mg). Có thể xác định liều lượng của thuốc thông qua các cách sau:
Dựa trên trọng lượng cơ thể: liều tổng thể có thể dựa trên trọng lượng cơ thể của một người tính bằng kilogam (1kg là 2,2 pounds). Chẳng hạn, nếu liều tiêu chuẩn của một loại thuốc là 10 mg/kg, một người nặng 110 pound (tương đương 50kg) sẽ nhận được 500mg (10mg/kg x 50kg).
Dựa trên diện tích bề mặt cơ thể (BSA): một số liều hóa trị sẽ được xác định dựa trên BSA, được tính bằng chiều cao và cân nặng. BSA được tính bằng m2.
Ngoài ra, liều lượng thuốc hóa trị dành cho trẻ em và người lớn cũng hoàn toàn khác nhau. Liều lượng của một số loại thuốc có thể được điều chỉnh cho những trường hợp sau:
Người cao tuổi
Có tình trạng dinh dưỡng kém
Bị béo phì
Đã uống hoặc đang dùng các loại thuốc khác
Đã hoặc đang được xạ trị
Có số lượng tế bào máu thấp
Bị bệnh gan hoặc thận
6. Liệu pháp hóa trị được thực hiện như thế nào?
Có nhiều con đường khác nhau để đưa các loại thuốc hoặc hóa chất vào cơ thể bệnh nhân, bao gồm:
Đường tiêm: bác sĩ có thể đưa các loại thuốc hóa trị vào bên trong cơ thể người mắc ung thư thông qua đường tiêm tĩnh mạch. Các loại thuốc có thể được tiêm trực tiếp hoặc pha lẫn với các dịch truyền sau đó đưa vào cơ thể. Nếu như hình thức tiêm thuốc chỉ mất khoảng vài phút để thực hiện thì phương pháp truyền hóa chất lại mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành (có thể lên tới 24 tiếng).
Đường uống: bao gồm thuốc viên hoặc thuốc nước. Ưu điểm của phương pháp này là giá thành tương đối rẻ và có thể thực hiện ngay tại nhà. Tuy nhiên, số lượng thuốc uống được sử dụng trong điều trị ung thư bị hạn chế và bệnh nhân cần phải tuân thủ chặt chẽ theo sự chỉ định của bác sĩ về liều lượng cũng như thời gian sử dụng.
Nội động mạch (hóa trị khu vực): thuốc hóa trị sẽ được đưa vào động mạch chính nhằm điều trị cho một khu vực cụ thể, chẳng hạn như cánh tay, chân hoặc gan. Ưu điểm của phương pháp này là có thể hạn chế tối đa các tác dụng phụ không mong muốn xảy ra do thuốc đến các cơ quan khác trong cơ thể.
Một số phương pháp khác bao gồm:
Tiêm dưới da, cơ hoặc tủy sống
Đặt ống vào bàng quang hoặc các khoang trống trong cơ thể (ví dụ như lồng ngực hoặc khoang bụng).
Bôi ngoài da (thuốc dạng kem) để điều trị cho các căn bệnh ung thư da.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.