CA 125 là một loại glycoprotein mucin, được phát hiện lần đầu vào năm 1981. Xét nghiệm CA 125 kiểm tra nồng độ protein này trong máu.
CA 125 là một chất chỉ điểm khối u (tumor marker) hữu ích trong chẩn đoán và theo dõi điều trị ung thư buồng trứng.
CA 125 là chất chỉ điểm ung thư buồng trứng
Ở người khỏe mạnh, nồng độ CA 125 thấp.
CA 125 tăng trong nhiều loại ung thư, nhưng xét nghiệm này thường được sử dụng cho những bệnh nhân bị nghi ngờ hoặc đã được chẩn đoán ung thư buồng trứng. Khi một người bị ung thư buồng trứng, nồng độ CA 125 trong máu tăng cao.
CA 125 dương tính ở hơn 80% bệnh nhân ung thư buồng trứng biểu mô tiến triển và khoảng 50% bệnh nhân giai đoạn sớm.
Nhìn chung, mục đích của xét nghiệm CA 125 là:
- Tầm soát ung thư buồng trứng ở phụ nữ có nguy cơ cao
- Hỗ trợ chẩn đoán hoặc loại trừ ung thư
- Theo dõi điều trị ung thư có hiệu quả hay không
- Kiểm tra sự tái phát của ung thư sau khi điều trị
Khi thực hiện xét nghiệm CA 125, nhân viên y tế sẽ lấy mẫu máu bằng cách đâm kim vào tĩnh mạch, thường là ở bàn tay hoặc cánh tay. Mẫu máu sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích. Xét nghiệm này rất an toàn, không cần chuẩn bị gì và có thể hoạt động ngay sau khi lấy máu.
Một số rủi ro chung cho tất cả các xét nghiệm máu là: khó lấy mẫu máu dẫn đến đâm kim nhiều lần, chảy máu nhiều ở vị trí lấy máu, choáng váng hoặc ngất xỉu vì mất máu, nhiễm trùng. Nhưng các rủi ro này là cực kỳ hiếm gặp.
Xét nghiệm CA 125 tầm soát ung thư buồng trứng ở người có nguy cơ cao
Chất chỉ điểm khối u CA 125 không đặc hiệu đối với ung thư buồng trứng nên xét nghiệm này không được dùng để sàng lọc cho nhóm phụ nữ không có triệu chứng. Tuy nhiên xét nghiệm có thể sử dụng để tìm kiếm dấu hiệu sớm của ung thư ở những người có nguy cơ cao:
- Tiền sử gia đình có người mắc bệnh ung thư buồng trứng.
- Mang đột biến gen làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng: BRCA1, BRCA 2, p53.
- Trước đây đã bị ung thư cổ tử cung, vú hoặc đại trực tràng.
- Phụ nữ sau mãn kinh.
Xét nghiệm CA-125 là một trong những xét nghiệm máu có thể được bác sĩ chỉ định nếu nghi ngờ ung thư buồng trứng. Ung thư buồng trứng giai đoạn sớm có các triệu chứng như khó tiêu, mệt mỏi và chán ăn. Các triệu chứng này dễ nhầm lẫn với bệnh phụ khoa, nội khoa khác.
Ung thư buồng trứng ở giai đoạn muộn có nhiều biểu hiện hơn như:
- Cảm giác khó chịu, ậm ạch vùng bụng dưới
- Đau bụng
- Bụng chướng
- Sờ thấy khối ổ bụng
- Chảy máu âm đạo
- Các triệu chứng về ruột, tiết niệu.
Có các triệu chứng này không nhất định là ung thư buồng trứng, nhưng Bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm CA 125 để chẩn đoán hoặc loại trừ ung thư. Sau khi được chẩn đoán bị ung thư buồng trứng, CA 125 được sử dụng để theo dõi trước và sau điều trị.
Phạm vi tham chiếu của CA 125 thường là 0-35U/mL. Mức CA 125 trên 35U/mL được xem là cao.
Mức độ CA 125 khác nhau ở mỗi bệnh nhân và chỉ riêng kết quả xét nghiệm này không đủ để giải thích và kết luận. Nó cần được diễn giải cùng khám lâm sàng và cận lâm sàng khác để biết chính xác nguyên nhân làm CA 125 tăng cao.
Trong trường hợp nghi ngờ ung thư buồng trứng, cần làm thêm các xét nghiệm bổ sung như định lượng HE4, siêu âm đầu dò âm đạo, CT, MRI… để xác nhận hoặc loại trừ ung thư.
Một số phụ nữ bị ung thư buồng trứng có mức CA 125 bình thường, có nghĩa là họ có khối u không sản xuất protein CA-125. Và khoảng 0,6%-1,4% người khỏe mạnh bị tăng CA 125 trong máu.
Ở những bệnh nhân đang điều trị ung thư buồng trứng, mức CA 125 giảm sau khi điều trị cho thấy việc điều trị có hiệu quả. Ngược lại, mức CA 125 tăng lên hoặc không thay đổi gợi ý ung thư không đáp ứng điều trị.
Ở bệnh nhân đã hoàn thành điều trị ung thư buồng trứng, xét nghiệm CA 125 có thể được sử dụng để theo dõi định kỳ. Kết quả xét nghiệm CA 125 bất thường có thể là dấu hiệu cho thấy ung thư tái phát.
Một số loại ung thư khác liên quan đến nồng độ CA 125 trong máu tăng cao bao gồm:
- Ung thư nội mạc tử cung
- Ung thư tuyến tụy
- Ung thư vú
- Ung thư phổi
- Ung thư đại trực tràng
- Ung thư cổ tử cung
- Ung thư ống dẫn trứng
- Ung thư biểu mô phúc mạc
CA 125 cũng tăng trong một số tình trạng lành tính như kỳ kinh nguyệt, thai kỳ, lạc nội mạc tử cung, u nang buồng trứng lành tính; các tình trạng liên quan đến viêm như bệnh viêm vùng chậu, viêm phúc mạc, viêm màng tim…
Các cơ sở y tế có thể sử dụng phương pháp khác nhau để kiểm tra định lượng CA 125. Do đó, kết quả xét nghiệm CA 125 nên được theo dõi và đánh giá tại cùng cơ sở để đảm bảo tính chính xác.
Tại Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1, việc khám, xét nghiệm CA 125 cũng như xét nghiệm các dấu ấn ung thư khác được thực hiện đơn giản bằng láy máu tĩnh mạch ngoại biên, giúp ích lớn trong chẩn đoán và điều trị cho nhiều bệnh nhân ung thư buồng trứng nói riêng và các bệnh ung thư khác.
Link nội dung: https://blog24hvn.com/xet-nghiem-ca-125-a41060.html