Bị u tuyến giáp lành tính nên kiêng ăn gì?

1. U tuyến giáp lành tính là gì?

Tuyến giáp là một tuyến nội tiết lớn trong cơ thể và có nhiều chức năng quan trọng. Tuyến giáp có hình bướm và nằm ở trước cổ. Nó tiết ra các hormon giúp điều hòa quá trình trao đổi chất, nồng độ khoáng chất, hoạt động tim mạch và nhiều quá trình quan trọng khác của cơ thể. Những người có vấn đề về tuyến giáp có thể bị mệt mỏi quá mức, suy giảm trí nhớ, tăng hoặc giảm cân nhanh chóng, táo bón, khô da, đau cơ, nhịp tim bất thường và nhiều triệu chứng khác. Bệnh u tuyến giáp có hai loại là lành tính và ác tính. Theo thống kê thì tỷ lệ bệnh nhân bị u tuyến giáp lành tính (95%) cao hơn so với ác tính (5%). Đặc biệt căn bệnh này phổ biến ở nữ giới hơn nam giới. U tuyến giáp lành tính là sự phát triển của các nhân giáp nhỏ từ lớp tế bào lót bề mặt bên trong của tuyến giáp. Các u lành có thể tiết ra hormon tuyến giáp, thỉnh thoảng gây ra tình trạng cường giáp và cần phải điều trị.

2. Bệnh nhân u tuyến giáp lành tính kiêng ăn gì?

Nhiều người luôn thắc mắc u tuyến giáp kiêng ăn gì. Dưới đây là các thực phẩm mà bệnh nhân bị u tuyến giáp lành tính nên hạn chế để hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả:

2.1 Chế phẩm từ đậu nành

Đậu nành thường được xem là loại thực phẩm tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên điều này lại không đúng với bệnh nhân bị u tuyến giáp. Theo các chuyên gia thì hàm lượng isoflavone có trong đậu nành có thể làm cản trở khả năng hấp thụ iot của tuyến giáp, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất hormone của tuyến giáp. Do đó người mắc u tuyến giáp cần hạn chế các sản phẩm từ đậu nành như nước tương, đậu phụ, sữa đậu nành,...

2.2 Thực phẩm chế biến sẵn

Trong đồ ăn chế biến sẵn có chứa chất phụ gia và các calo xấu, không tốt cho u tuyến giáp. Chúng có thể làm cho khối u phát triển nhanh hơn ảnh hưởng tới quá trình điều trị bệnh. Do vậy, bệnh nhân u tuyến giáp cần tránh xa đồ ăn nhanh, thực phẩm đóng hộp được chế biến sẵn

2.3 Nội tạng động vật

Các loại nội tạng như gan, lòng, tim... là những thực phẩm mà bệnh nhân u tuyến giáp lành tính phải tránh. Nội tạng động vật chứa nhiều axit lipoic có thể gây ảnh hưởng xấu đến chức năng tuyến giáp. Axit lipoic còn có thể làm giảm tác dụng của thuốc điều trị u tuyến giáp. Điều này sẽ khiến quá trình điều trị bệnh khó khăn hơn và thời gian điều trị phải kéo dài hơn rất nhiều.

2.3 Thực phẩm chứa gluten

Gluten là có nhiều trong lúa mì, lúa mạch đen,... có thể ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa, cụ thể là ở đường ruột. Các sản phẩm chứa gluten thường là bánh mỳ, bánh quy, bánh ngọt... Có khoảng 10% dân số thế giới không dung nạp gluten, khi ăn các loại thực phẩm này có thể bị đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy, đau bụng... Ngoài ra, gluten còn gây ra phản ứng miễn dịch tự động, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh cường giáp hoặc suy giáp. Nhiều nhà khoa học cho rằng một chế độ ăn không gluten có vai trò trong phòng ngừa các bệnh lý tuyến giáp.

Giải đáp u tuyến giáp kiêng ăn gì?

2.4 Chất xơ

Chế độ ăn giàu chất xơ luôn được xem là tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên điều này lại không đúng đối với bệnh nhân u lành tuyến giáp. Mặc dù chất xơ rất tốt cho hệ tiêu hóa, nhưng nó có thể ngăn cản sự hấp thu thuốc của cơ thể và ảnh hưởng tới việc điều trị. Nhưng người bệnh cũng không nên hạn chế chất xơ hoàn toàn vì chất xơ rất cần thiết đối với quá trình tiêu hóa. Bệnh nhân chỉ cần tránh ăn quá nhiều, đặc biệt là gần thời điểm uống thuốc.

2.5 Đường và các chất tạo ngọt

Chức năng chuyển hóa ở bệnh nhân u tuyến giáp thường bị suy giảm. Khi ăn quá nhiều đường hay các chất tạo ngọt thì cơ thể không thể chuyển hóa hoàn toàn đường thành năng lượng. Hệ quả là thừa đường, tăng cân và gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của tuyến giáp.

2.6 Các chất kích thích

Việc sử dụng các chất kích thích, rượu bia vốn không tốt cho sức khỏe dù bạn là một người khỏe mạnh. Bệnh nhân bị u tuyến giáp càng phải tránh xa bia rượu, đồ uống có gas hoặc các chất kích thích. Những chất này có thể ảnh hưởng tới hoạt động của tuyến giáp và giảm khả năng hấp thu thuốc điều trị.

2.7 Các loại rau họ cải

Rau họ cải như súp lơ, cải bắp, bông cải xanh,... đều chứa isothiocyanate, có thể hạn chế việc hấp thu iot, nhất là khi ăn sống. Các chuyên gia cho rằng việc ăn rau họ cải nấu chín có thể loại bỏ các tác động xấu do isothiocyanate gây ra. Tuy nhiên, tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các loại rau họ cải.

2.8 Chế phẩm chứa canxi

Đối với bệnh nhân u tuyến giáp đã phẫu thuật có thể phải sử dụng hormone tuyến giáp tổng hợp. Khi sử dụng loại thuốc này, bệnh nhân cần lưu ý tránh các sản phẩm chứa canxi (sữa, thuốc canxi,...) vì chúng có thể tạo phức với thuốc và cản trở sự hấp thu của thuốc. Do đó phải uống các chế phẩm chứa canxi cách xa hormone tuyến giáp.

2.9 Aspartame

Aspartame là một chất tạo ngọt nhân tạo có liên quan đến bệnh Basedow và nhiều bệnh lý tự miễn khác. Aspartame có thể gây ra phản ứng miễn dịch trong cơ thể, dẫn đến sản sinh kháng thể kháng giáp và bệnh viêm tuyến giáp.

3. Bệnh nhân u tuyến giáp lành tính nên ăn gì?

Bên cạnh các thực phẩm cần hạn chế thì có những thực phẩm tốt cho người bị u tuyến giáp lành tính, nên bổ sung để hỗ trợ quá trình điều trị nhanh hơn, hiệu quả hơn. Một số thực phẩm mà người bị u tuyến giáp lành tính nên ăn bao gồm:

Các loại trái cây tươi là nguồn cung cấp vitamin dồi dào (đặc biệt là vitamin C) và chất chống oxy hóa tốt cho cơ thể. Việc bổ sung đầy đủ vitamin này sẽ giúp tăng khả năng miễn dịch của cơ thể để chống lại bệnh tật. Vì thế, bệnh nhân mắc u tuyến giáp lành tính nên bổ sung trái cây tươi vào khẩu phần ăn mỗi ngày.

Iod là nguyên liệu quan trọng trong quá trình sản xuất hormone tuyến giáp. Bổ sung iốt vào khẩu phần ăn giúp hỗ trợ giảm nguy cơ bị u tuyến giáp, hạn chế sự phát triển của khối u, đồng thời giúp hoạt động sản xuất hormon của tuyến giáp hiệu quả hơn. Các thực phẩm chứa nhiều iốt như muối tinh, rong biển, sữa, trứng,... Nhưng lưu ý đối với những người bị cường giáp hoặc đang điều trị bằng phương pháp iốt phóng xạ thì việc bổ sung iốt phải tham khảo ý kiến bác sĩ.

Đa số các loại hạt đều chứa nhiều protein thực vật, magie, kẽm, đồng và các vitamin. Chúng có thể giúp tuyến giáp hoạt động hiệu quả hơn. Một số loại hạt điển hình mà bệnh nhân u tuyến giáp lành tính nên bổ sung vào chế độ ăn là hạt điều, hạt bí, hạnh nhân,..

Bệnh nhân mắc u tuyến giáp lành tính nên bổ sung trái cây tươi vào khẩu phần ăn mỗi ngày

Cá và các loại hải sản chứa nhiều chất béo lành mạnh tốt cho cơ thể. Ngoài ra hải sản cũng có nhiều loại vitamin cần thiết cho hoạt động của tuyến giáp.

Tóm lại, để điều trị bệnh hiệu quả thì việc tìm hiểu để biết u tuyến giáp kiêng ăn gì là vô cùng quan trọng. Bên cạnh việc sử dụng thuốc theo đúng chỉ định, người bệnh cần quan tâm đến chế độ ăn, hạn chế các loại thực phẩm có hại và tăng cường bổ sung các loại thực phẩm tốt cho bệnh u tuyến giáp lành tính.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán u tuyến giáp

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Link nội dung: https://blog24hvn.com/u-nang-tuyen-giap-kieng-an-gi-a41569.html