Mạo danh bác sĩ để trục lợi, cần có chế tài xử lý mạnh

Khám, chữa bệnh là lĩnh vực liên quan đến sức khoẻ và tính mạng con người, hành vi lợi dụng hình ảnh bác sĩ để lừa đảo, trục lợi trên sức khoẻ, tính mạng của người bệnh đã gây bức xúc trong dư luận xã hội, cần phải xử lý nghiêm để răn đe.

Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với Đại tá, PGS.TS Vũ Ngọc Lâm, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật sọ mặt và tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 xung quanh vấn đề này.

Mạo danh bác sĩ để trục lợi, cần có chế tài xử lý mạnh -0
Đại tá, PGS.TS Vũ Ngọc Lâm.

Phóng viên: Nhiều bác sĩ lên tiếng mình bị "trộm" tên, "ăn cắp" hình ảnh để quảng cáo cho thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, khám chữa bệnh, đặc biệt là trong lĩnh vực làm đẹp, thẩm mỹ. Việc lợi dụng lòng tin của người bệnh để quảng cáo bán thuốc và chữa bệnh nguy hiểm ra sao, thưa ông?

PGS.TS Vũ Ngọc Lâm: Mạo danh của cá nhân bác sĩ, bệnh viện có thương hiệu, uy tín để trục lợi, lừa đảo người dân và bệnh nhân là hành vi không phải mới. Từ 20 năm trước, đã xuất hiện tình trạng bác sĩ, thương hiệu của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 bị mạo danh, trộm tên để lừa đảo, trục lợi.

Đến nay, khi mạng xã hội phát triển, hiện tượng này đã trở thành tệ nạn, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của người dân. Mức độ của hành vi vi phạm này đã ảnh hưởng lớn đến xã hội, ảnh hưởng đến uy tín, công việc của cá nhân bác sĩ, đến danh dự, uy tín, thương hiệu của bệnh viện bị mạo danh, quan trọng là ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân và gây mất lòng tin trong xã hội.

Chắc chắn dịch vụ, sản phẩm y tế mà các đối tượng mạo danh cung cấp không phải là dịch vụ có chất lượng, thậm chí còn độc hại, hoặc là sản phẩm không phép, không được thẩm định, mạo danh để lôi kéo người dân đến khám chữa bệnh, khiến họ "tiền mất, tật mang". Những đối tượng này chỉ quan tâm đến thu lợi bất chính, mà không quan tâm đến hậu quả là sức khoẻ và tính mạng của người bệnh.

Tình trạng "ăn trộm" tên của bác sĩ, thương hiệu và uy tín của các bệnh viện nổi tiếng đã làm cho cơ hội khám chữa bệnh đúng thời điểm, đúng giai đoạn của người bệnh mất đi, đặc biệt với người bệnh nặng. Thông thường, đối tượng đánh vào những người bệnh đi viện nhiều lần, có bệnh mãn tính, nếu họ đến bệnh viện thăm khám và điều trị, cơ hội chữa khỏi bệnh rất nhiều. Nhưng sau khi nghe thông tin quảng cáo của những đối tượng cắt ghép hình ảnh, mạo danh tên tuổi bác sĩ nổi tiếng, người bệnh tìm đến và được chỉ dẫn, sử dụng thuốc không đúng, không có kết quả, khi quay lại viện thì đã quá muộn để cứu chữa và điều trị.

Phóng viên: Từ vụ bác sĩ rởm vừa bị phát hiện ở TP Hồ Chí Minh đến việc mạo danh bác sĩ, mạo danh bệnh viện,… cho thấy các đối tượng đã sử dụng sức khoẻ, tính mạng của người bệnh để kinh doanh, trục lợi, ông suy nghĩ về hiện tượng này như thế nào?

PGS.TS Vũ Ngọc Lâm: Đây là mặt trái của cơ chế thị trường đối với ngành Y tế. Các dịch vụ y tế là ngành nghề kinh doanh, có dịch vụ mang lại lợi nhuận lớn, vì vậy nhiều cơ sở không đủ điều kiện nhưng vẫn bất chấp hoạt động sai phép. Ở TP Hồ Chí Minh, nhiều cơ sở kinh doanh thẩm mỹ làm đẹp, người làm không có bằng cấp, nhưng do họ là đối tượng hotgirl, hotboy và cho rằng việc làm đẹp khá đơn giản nên đã bất chấp quy định để thực hiện.

Mạo danh bác sĩ để trục lợi, cần có chế tài xử lý mạnh -0
Giả mạo bác sĩ Bệnh viện 108 để lôi kéo người dân làm đẹp.

Thêm vào đó, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều hướng dẫn đào tạo làm đẹp, nếu xem qua nhiều người nghĩ rằng có những kỹ thuật đơn giản như tiêm filler, nâng mũi là can thiệp ít xâm lấn, họ cho rằng tự làm được, không cần kiến thức cơ bản, bằng cấp, đào tạo chuyên môn.

Đây là bất cập, hạn chế, tiêu cực của dịch vụ y tế và cũng gây khó khăn cho cơ quan chức năng để giải quyết một cách triệt để, có hiệu quả tình trạng hoạt động sai phép này. Họ chủ yếu quảng cáo qua mạng, còn người đi làm đẹp lại khá chủ quan đối với sức khoẻ của mình, khi không có thông tin, đánh giá, nhận định can thiệp vào cơ thể, vẫn giao phó sức khoẻ, tính mạng của mình cho đối tượng không có trình độ, dẫn đến hậu quả xảy ra.

Đã có khá nhiều vụ tử vong do những can thiệp y tế không đúng, do phản ứng thuốc, nhiễm trùng, nhiễm độc, dị ứng… Nhiều trường hợp diễn biến nặng nề vì viêm gan, suy thận, suy gan do sử dụng thực phẩm không đúng. Hoặc bệnh lý ổn định nhưng trở thành nặng nề hơn do hướng dẫn điều trị bằng ăn kiêng và sử dụng thực phẩm phản khoa học… Tuần nào, ngày nào chúng tôi cũng khám, xử lý điều trị những tai biến, biến chứng do cách điều trị không đúng, rất nhiều trường hợp đến điều trị từ cơ sở mạo danh, giả danh bác sĩ, bệnh viện có uy tín.

Phóng viên: Bản thân ông đã bao giờ bị mạo danh chưa? Ông xử lý tình huống đó như thế nào?

PGS.TS Vũ Ngọc Lâm: Tôi bị khá nhiều trường hợp mạo danh và trộm tên. Trước kia, các đối tượng lừa đảo khá thô sơ, họ thuê đội ngũ xe ôm đứng ở cổng Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, có người đến khám đội ngũ này ra hỏi han. Họ đều nắm được hết tên bác sĩ của bệnh viện, đặc biệt các bác sĩ nổi tiếng trong lĩnh vực thẩm mỹ.

Người bệnh khám bệnh gì, họ sẽ nói tên bác sĩ điều trị và cho biết bác sĩ có cơ sở khám ở ngoài, sau đó lôi kéo người bệnh nhẹ dạ, cả tin đến nơi đó. Có bệnh nhân bị đối tượng lừa "hôm nay bác sĩ đi họp và bác sĩ chỉ làm ở địa chỉ gần đây thôi", sau đó lôi kéo đưa người bệnh ra cơ sở mạo danh, đưa họ lên bàn mổ. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp biết mặt bác sĩ, trước khi mổ yêu cầu gặp bác sĩ, khi không có họ không mổ nữa. Những trường hợp này bệnh nhân nói thì chúng tôi mới biết.

Hiện nay, hình thức lừa đảo đã tinh vi hơn, đối tượng lập website, facebook, zalo và đưa ra những bài báo, bài viết có tên, hình ảnh đúng của chúng tôi, của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, nhưng đường link cuối cùng dẫn đến cơ sở không phải của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Tình trạng lấy cắp thông tin của bác sĩ rất nhiều, các hình thức lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người bệnh cũng vô cùng phong phú. Có những bệnh nhân bị tiền mất, để lại di chứng nặng nề do can thiệp phẫu thuật không đúng. Người bệnh gần như trở nên loạn thần do di chứng của thẩm mỹ để lại quá nặng nề.

Có một nữ bệnh nhân, 60 tuổi, ở Hải Dương nghe quảng cáo tạo hình mũi do BS Vũ Ngọc Lâm, Bệnh viện 108 thực hiện, vì không biết mặt bác sĩ, chỉ nghe nói có bác sĩ nổi tiếng nên đã nhẹ dạ cả tin. Kết quả sau khi nâng mũi, bệnh nhân bị nhiễm trùng nặng, gây hoại tử. Thời điểm đó đang dịch COVID-19, bệnh nhân không thể đi bệnh viện, khi tới được với chúng tôi thì đã hoại tử và viêm nhiễm rất nặng, phải chữa vài lần mới ổn định.

Chúng tôi chỉ biết mình bị mạo danh khi có người bệnh phản ánh và bị tai biến, biến chứng họ tìm đến bệnh viện để xử lý. Chúng tôi báo lại cho bệnh viện, bệnh viện làm việc với Sở Y tế, gửi công văn đi sở y tế các địa phương để kiểm tra, chấn chỉnh và quản lý.

Phóng viên: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 từng bị các đối tượng làm giả logo, mạo danh bệnh viện, làm giả cả giấy chứng nhận "bác sĩ xuất sắc" và con dấu của bệnh viện để khám chữa bệnh trái phép, ông đánh giá thế nào về sự liều lĩnh, cũng như bất chấp đạo đức của các đối tượng mạo danh để trục lợi?

PGS.TS Vũ Ngọc Lâm: Đối với dịch vụ y tế, nghề y, gần như bác sĩ nói thế nào người bệnh sẽ thực hiện như thế, không có "mặc cả" với sức khoẻ và tính mạng của mình. Đây là điểm để đối tượng lợi dụng, khai thác, kiếm tiền, họ chỉ cần tạo lòng tin cho người bệnh, dù thuốc đó đắt đỏ thế nào, người bệnh khi cần thiết cũng có thể bán nhà để mua.

Người có bệnh khi tìm đến thầy thuốc là họ đã đặt niềm tin vào bác sĩ, không phải tự nhiên mà người bệnh có lòng tin với bác sĩ mà niềm tin đó được chứng minh qua công tác khám chữa bệnh. Đối tượng lừa đảo đánh vào lòng tin của người bệnh với bác sĩ để trục lợi. Đây là việc làm hết sức vô đạo đức, chỉ cần kiếm tiền, các đối tượng coi vấn đề đạo đức là thứ yếu, lừa đảo trên chính sức khoẻ, tính mạng của người bệnh - đối tượng lẽ ra phải được chia sẻ, giúp đỡ nhiều nhất.

Phóng viên: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã phối hợp với cơ quan chức năng xử lý như thế nào với những vi phạm trên?

PGS.TS Vũ Ngọc Lâm: Hậu quả của việc mạo danh bác sĩ nặng nề nhất mà chúng tôi tiếp nhận là trường hợp tiêm filler vào mông ở một cơ sở spa gây hoại tử toàn bộ hai bên mông, phải điều trị 3 tháng mới phục hồi về mặt chức năng, còn thẩm mỹ không trở về như trước được. Chúng tôi bị mạo danh nhiều nhất là bác sĩ thẩm mỹ có thương hiệu lâu đời; chuyên khoa điều trị về bệnh lý liên quan đến chuyển hoá như đái đường, viêm gan, đông y…

Mỗi năm tình trạng mạo danh lại biến tướng sang nhiều hình thức khác nhau. Bệnh viện rất tích cực làm việc hiệu quả với cơ quan chức năng, nhưng dẹp được chỗ này lại nảy sinh chỗ khác, kẻ lừa đảo chỉ tìm những sơ hở, tìm những điều kiện lừa được là mạo danh để lôi kéo người bệnh. Điển hình là cơ sở thẩm mỹ ở số 2 phố Đỗ Đức Dục, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, quảng cáo có bác sĩ thẩm mỹ của Bệnh viện 108 để lừa đảo thu hút người dân. Dù bị xử phạt đình chỉ hoạt động, nhưng một thời gian sau, họ lại quảng cáo câu kéo khách.

Bản thân tôi nhận rất nhiều phản ánh từ các địa phương, các tỉnh, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 bị mạo danh và nhập nhèm vì số 108 không được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ, nên chỉ cần các trang mạng xã hội quảng cáo "Viện 108", "Phòng khám 108" cũng khiến người dân hiểu lầm.

Hiện nay, có một chuỗi phòng khám, "tập đoàn" treo biển cơ sở 108 ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Gia Lai, TP Hồ Chí Minh… lấy tên "Phòng khám quân y 108", "Phòng khám viện 108", "Khoa điều trị yêu cầu 108" để quảng cáo, lừa đảo, lôi kéo khách hàng. Bệnh viện phối hợp với các địa phương để xử lý, nhưng cứ dẹp chỗ này lại mở chỗ kia, gây ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, thương hiệu của bệnh viện.

Phóng viên: Việc bị "trộm tên" để quảng cáo bán thuốc vô căn cứ vẫn diễn ra, cần phải có biện pháp nào để chấm dứt tình trạng này, thưa ông?

PGS.TS Vũ Ngọc Lâm: Khó khăn khi xử lý hiện nay là nhiều cơ sở chỉ mở spa nên không chịu sự quản lý của Sở Y tế, họ hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh ở Phòng Kinh tế - Tài chính của các quận huyện, nên chỉ kiểm tra khi có sự việc và thành lập tổ liên ngành thì y tế mới can thiệp được. Đây chính là lỗ hổng để các spa lạm dụng, lợi dụng. Các bác sĩ bị mạo danh không có cách nào tự mình bảo vệ thương hiệu cho mình, chỉ nhờ bệnh viện can thiệp, chúng tôi không thể lên mạng giải thích đó là mạo danh.

Vì vậy, để tự bảo vệ mình, chúng tôi rất cần báo chí truyền thông tuyên truyền rộng rãi để người dân có kiến thức, ý thức, là khách hàng thông thái phân biệt được chỗ nào là bệnh viện thực thụ và chỗ nào là mạo danh. Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chỉ có một địa chỉ duy nhất tại số 1 Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Các đoàn của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đi địa phương, đều làm việc với chính quyền địa phương, Ban Chỉ huy quân sự tỉnh, không có đối tượng lẻ đi phát thuốc.

Cho đến nay, việc xử lý các cơ sở, đối tượng mạo danh chỉ dừng lại ở xử phạt vi phạm hành chính với chế tài còn thấp, không ăn thua so với lợi nhuận kiếm được, nên không đủ sức răn đe. Đây là cuộc đấu tranh chưa biết bao giờ kết thúc. Để giải quyết được tình trạng này, phải có chế tài mạnh hơn. Vì vi phạm ảnh hưởng đến sức khoẻ nên cần phải xử lý hình sự mới đủ tính răn đe.

Phóng viên: Theo ông, cần có chế tài gì để bảo vệ các bác sĩ trước sự "tấn công" của đối tượng lừa đảo trên các trang mạng xã hội?

PGS.TS Vũ Ngọc Lâm: Đến nay, chưa có một chế tài nào hỗ trợ, giúp đỡ cho bác sĩ để tránh tình trạng bị mạo danh. Về mặt quản lý khi có sự việc mới giải quyết vấn đề, còn lại chưa đưa ra giải pháp. Chúng tôi mong muốn các phương tiện truyền thông tích cực hơn trong việc tuyên truyền, đưa các đối tượng lừa đảo lên các phương tiện thông tin để người dân biết. Người dân cũng cần có kiến thức tự bảo vệ cho mình, thông thái hơn khi quyết định sử dụng dịch vụ y tế khi tham khảo trên trang mạng. Đối với người bệnh, khi có bệnh thì hãy đến bệnh viện, tham khảo thật kỹ càng ở các cơ sở mình đến khám chữa bệnh.

Trên website của Sở Y tế các địa phương đều đưa tên danh sách phòng khám, bác sĩ được cấp phép, có chứng chỉ hành nghề, người dân nên tham khảo. Khi đến nơi khám chữa bệnh, người dân phải quan sát các bác sĩ chịu trách nhiệm ở phòng khám như phải có ảnh, chứng chỉ hành nghề, được cấp phép can thiệp các dịch vụ kỹ thuật về y tế thì mới quyết định thực hiện can thiệp. Người dân phải hết sức cảnh giác trước sự nhập nhèm, lẫn lộn giữa cơ sở chăm sóc sức khoẻ thông thường và cơ sở được cấp phép phẫu thuật, can thiệp xâm lấn.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!

Link nội dung: https://blog24hvn.com/bac-si-lam-108-a42483.html