Là người yêu thích du lịch, ham thích trải nghiệm, khám phá các vùng quê xa xôi, chị Minh Phương Cầu Giấy thường xuyên săn các tour du lịch trải nghiệm trong nước. Mỗi khi đi đến tỉnh nào, chị cũng lân la vào các khu dân cư, bản địa và mua cho được các đặc sản về làm quà hoặc để tự thưởng thức. Tuy nhiên, không phải bất cứ đặc sản nào chị Phương cũng có thể thuận tiện mua mang về. Phần là vì vận chuyển cồng kềnh, xa xôi, đi lại không tiện; cái chính là mua về nhiều, khâu bảo quản không được tốt, hàng có thể bị hỏng gây lãng phí.
Để giải quyết vấn đề thèm ăn món ngon của các vùng miền, chị Phương chọn cách tìm tới các cửa hàng, siêu thị chuyên bán đặc sản vùng miền. Các siêu thị nhỏ gọn xinh này hiện đang có mặt tại nhiều khu phố ở Hà Nội, rất thuận tiện trong việc đi lại, mua sắm.
Theo quan sát, tại các cửa hàng tiện lợi, những siêu thị lớn trên cả nước hiện nay, bên cạnh những mặt hàng ngoại nhập còn xuất hiện trên kệ nhiều món ngon đặc sản vùng miền như nước mắm Phú Quốc, tỏi Lý Sơn, gia vị chẩm chéo Tây Bắc, hạt điều Bình Phước, mè xửng/mắm nêm Huế, bánh tráng Tây Ninh, đường thốt nốt An Giang, bánh cốm Hà Nội… Xu hướng đặc sản vùng miền ngày càng tập trung nhiều ở các siêu thị đã khiến người tiêu dùng rất thích thú.
Nắm bắt nhu cầu này, nhằm đẩy mạnh tiêu thụ đặc sản các vùng miền, phục vụ người tiêu dùng, hiện nay nhiều hệ thống siêu thị lớn trên cả nước đã nỗ lực kết nối, mang những đặc sản thơm ngon ở miền xa về đặt bán lên kệ hàng sạch đẹp. Phát triển đặc sản vùng miền không chỉ là nỗ lực riêng lẻ của từng doanh nghiệp, mà còn nằm trong chiến lược mang tầm quốc gia. Lấy ví dụ vải Lục Ngạn, xoài tròn Yên Châu, nhãn Sông Mã... không chỉ trở thành món hàng quen thuộc ở các siêu thị mà còn được xuất khẩu thành công sang Mỹ, Nhật, Úc, châu Âu...góp phần nâng cao giá trị sản xuất và giúp nông dân tăng thu nhập.
Theo Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, khi sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng cao, sẽ không chỉ phục vụ phân khúc thị trường tại các kênh bán lẻ hiện đại, mà còn góp phần quảng bá thương hiệu, sản phẩm trái vải thiều đặc sản tới đông đảo người tiêu dùng, và người nông dân cũng sẽ không bị ép giá, thua thiệt.
Thời gian qua, Bộ Công Thương thường phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố có những vùng canh tác rất lớn để làm những sự kiện lớn như về xúc tiến thương mại, “mang” các hệ thống phân phối về để ký kết trong việc tiêu thụ tại thị trường trong nước cũng như là đi xuất khẩu; và các chương trình này đã thành công ngoài mong đợi với những trái như trái vải thiều để tiêu thụ tại thị trường trong nước.
Những kênh phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm sạch thì đã chiếm đến 15% những sản phẩm có chứng nhận về an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, để đặc sản vùng miền, nhất là các loại trái cây ngày càng được ưa chuộng tại thị trường nội địa, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân cần đổi mới phương thức tiêu thụ nông sản, tuân thủ áp dụng theo hướng dẫn tại Quyết định 194/QĐ-TTg ban hành ngày 09/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030. Theo đó, phải hình thành và phát triển đa dạng các phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản theo chuỗi bền vững, có ứng dụng thương mại điện tử và truy xuất nguồn gốc, phù hợp với điều kiện tự nhiên, trình độ, đặc điểm của sản xuất nông nghiệp và yêu cầu của thị trường./.
Link nội dung: https://blog24hvn.com/ddac-san-vung-mien-a43341.html