Đôi lời về tác giả Linh Phan.
Linh Phan là một cây viết chuyên nghiệp, tác giả sách, đang sống và làm việc tại Na Uy.
Chị có 15 năm học và làm việc trong lĩnh vực truyền thông tiếp thị, sau đó chị học tiếp về Tâm lý học trẻ em và hiện đang hoạt động chính trong lĩnh vực này.
Chị đã xuất bản sách và là dịch giả của 2 đầu sách về chủ đề Truyền thông, Viết lách và Làm cha mẹ.
Thông tin về Linh Phan, các bài viết chuyên môn và khóa học của chị có thể được tìm thấy tại: www.linhphan.co
Nội dung của cuốn sách triển khai qua 4 phần.
(Phần 1) Xác định mục tiêu sự nghiệp theo tư duy kinh doanh, (Phần 2) Quá trình chuẩn bị để bắt đầu sự nghiệp với các kỹ năng, tư duy và hiểu biết cần có, (Phần 3) khai thác Hành trình sự nghiệp của một Freelancer Writer sẽ trả lời các câu hỏi thường xảy ra trong quá trình làm việc như tìm kiếm khách hàng, cách thức tiếp thị, kỹ năng thương lượng đàm phán, cách thức tính thù lao… (Phần 4 và Phần bonus) bổ sung các thông tin thực tế về cơ hội công việc trên thị trường cũng như chia sẻ về hành trình của tác giả để bạn đọc tham khảo.
Mình sẽ review và tóm tắt sơ lược 4 phần. Còn những chi tiết cụ thể và phần bonus chia sẻ câu chuyện của tác giả, mình sẽ để lại cho bạn đọc thông qua việc trải nghiệm đầy đủ các trang từ đầu đến cuối của cuốn sách, sẽ tự cảm nhận và rút ra được bài học quý giá cho bản thân.
PHẦN 1: BẠN CÓ MUỐN TRỞ THÀNH CÂY VIẾT TỰ DO?
Định nghĩa cơ bản giúp bạn hiểu đúng về nghề viết tự do, đồng thời, chỉ ra những dấu hiện cho thấy bạn có thể phù hợp với công việc này. Ở phần này, bạn cũng sẽ tìm thấy một vài lời khuyên trước khi bắt đầu nghiệp viết.
1. Cây viết tự do (Freelance Writer) làm nghề viết tự do (Freelance Writing) là gì?
Định nghĩa về Writer, Freelancer, Freelance Writer. Bất cứ một sự vật, sự việc nào tồn tại trên vũ trụ này đều có những định nghĩa riêng của nó. Do đó, để bắt đầu con đường trở thành một Freelancer Writer thì điều đầu tiên bạn nên tìm hiểu đó chính là định nghĩa. Cũng như tác giả đã đề cập, khi bạn hiểu đúng về nghề này, thì bạn sẽ thấy được bản thân có phù hợp vớp công việc này hay không.
Writer (Cây viết) là một trong những từ được sử dụng với nhiều ý nghĩa. Theo định nghĩa của Cambridge Dictionary thì “Writer” là người viết sách, báo hoặc các sản phẩm liên quan tới viết được xuất bản. Một người viết cũng đồng thời có thể là luật sư, nhà soạn nhạc, nhà văn, biên kịch, blogger hay copywriter…
Freelancer (Người làm nghề tự do), theo định nghĩa của Cambridge Dictionary, là một người có thể làm việc với nhiều dự án khác nhau, với nhiều tổ chức/ doanh nghiệp/ cá nhân khác nhau cùng lúc thay vì trở thành một nhân sự cố định thuộc một tổ chức/ doanh nghiệp nào đó.
Freelancer Writer (Cây viết tự do), được hiểu là những người hành nghề viết tự do, không thuộc về một tổ chức hay doanh nghiệp nào. Họ đồng thời là nhà thầu, tự kinh doanh các sản phẩm viết và cung cấp các dịch vụ liên quan tới viết, sáng tạo nội dung như viết báo, viết cho các thương hiệu, viết quảng cáo, viết sách, viết kịch bản video, viết kịch bản phim…
Hiểu cơ bản về định nghĩa chính là hành trang đầu tiên để bạn bắt đầu con đường trở thành Freelance Writer (Cây viết tự do).
2. Những dấu hiệu cho thấy bạn phù hợp để trở thành Cây viết tự do
Để chắc chắn rằng bạn phù hợp để trở thành Cây viết tự do, để biết rằng nghiệp của bạn chính là cống hiến hết mình cho nghề này, thì bạn phải trang bị thêm những kỹ năng gần-như-là-bắt-buộc, chính những kỹ năng này sẽ giúp bạn biết rằng con đường này không phải một cuộc dạo chơi, còn bạn sẽ là nhân vật chủ chốt để mở đường đi cho chính bản thân mình.
Thử ngắm xem bạn có những kỹ năng nào sau đây để có cơ hội thành công khi trở thành Cây viết tự do:
- Bạn có kỹ năng giao tiếp tốt, không ngại giao tiếp
- Bạn có kỹ năng thích nghi, đáp ứng nhanh nhạy
- Bạn là người cầu toàn
- Bạn là người chủ động
- Bạn có khả năng tổ chức, lập kết hoạch tốt
- Bạn có thể giải quyết vấn đề một cách linh hoạt
- Bạn biết ưu tiên gì, không nên ưu tiên gì
- Bạn có khả năng quản lý thời gian tốt
- Bạn có khả năng tập trung
- Bạn cầu tiến, không ngừng cập nhật, phát triển bản thân
Bạn có thể chưa có những đặc điểm trên ngay bây giờ, nhưng nếu chú tâm và nghiêm túc rèn giũa những kỹ năng nói trên (bên cạnh việc phát triển chuyên môn viết tốt), bạn hoàn toàn có thể tự tin bắt đầu một sự nghiệp viết lách tự do của riêng mình với nhiều cơ hội mà không cần phải quá mất công sức tìm kiếm.
3. Tôi nghĩ tới việc trở thành cây viết tự do khi nào và lời khuyên cho bạn
Tôi quyết định mình trở thành người làm việc tự do ban đầu là để dành nhiều thời gian hơn cho việc chăm sóc gia đình, con cái và học tập trau dồi chuyên môn cá nhân.
Đó chính là thời điểm thích hợp để tôi chuyển sang một con đường mới, với mục tiêu rõ ràng và thiết thực hơn.
Bắt đầu như thế nào cũng được, sớm hay trễ cũng chẳng sao, nhưng khi bạn lựa chọn bắt đầu công việc viết lách tự do thay vì ngồi văn phòng với công việc cố định hàng ngày, thì bản thân phải luôn biết sự tự do này sẽ phải đánh đổi.
Giống như với mọi mục tiêu khác trong cuộc sống, bạn sẽ có những nghi ngờ và đấu tranh nội tâm trước khi bắt đầu. Bạn có thể thất vọng tràn trề ngay lần tiếp xúc khách hàng đầu tiên. Hãy coi đó là cơ hội để rút kinh nghiệm cho lần sau.
Bạn phải bắt đầu thực hiện thì mới xuất hiện quá trình và kết quả, nhưng “Khi nào là thời điểm bạn nên trở thành người viết tự do?”. Tác giả đã quyết định bắt đầu đi theo con đường này sau khi thật sự cân nhắc về công việc và thực tại cuộc sống gia đình. Bạn nên thật sự hiểu bản thân mình đang cần gì, vạch ra mục tiêu rõ ràng và thiết thực, sẵn sàng về mặt tinh thần và kỹ năng, tự khắc đây sẽ là thời điểm thích hợp để trở thành người viết tự do.
4. Một ngày của cây viết tự do diễn ra như thế nào?
Bạn thử tưởng tượng xem nếu bạn là một cây viết tự do thì một ngày của bạn sẽ diễn ra như thế nào?
Mỗi cây viết tự do sẽ có khoảng thời gian tập trung riêng nhưng một điều chắc chắn rằng, để trở thành một cây viết tự do thì bạn phải có tính kỷ luật.
Thời gian của một cây viết tự do rất linh động, bạn có thể lựa chọn thoải mái các khoảng thời gian trong ngày để tập trung viết, phần thời gian còn lại chỉ cần tập trung vào bản thân và gia đình.
Hãy tạo cho bản thân một khoảng thời gian nhất định trong ngày để viết, bạn nên tạo thói quen cho việc viết, mà không phải là một điều bắt buộc. Ngày qua ngày, cứ vào khoảng thời gian nhất định, não bạn tự động sẽ hoạt động hết công sức, các ý tưởng, sáng tạo lần lượt tuôn trào, còn bạn chỉ cần đón nhận trọn vẹn và viết ra những điều đó với các câu chữ tuyệt đẹp.
Về không gian, hãy lựa chọn không gian mà bản thân cảm thấy thoải mái và tập trung nhất. Thỉnh thoảng bạn có thể thay đổi địa điểm viết, biết đâu ở một nơi ngẫu hứng nào đó, bạn lại nhận ra được vài ý nghĩa xứng đáng được lưu lại.
Tôi cũng không vạch ra quá rõ ràng hôm nay mình sẽ ở đâu, làm gì. Bởi vì mọi thứ dường như đã trở thành thói quen và các thói quen giúp tôi làm việc hiệu quả hơn.
Thi thoảng chúng tôi cũng có những chuyến đi chơi và nghỉ ngơi, thường là vào mùa hè. Tôi không phải bận tâm nhiều về việc sắp xếp các kỳ nghỉ hay những chuyến đi như vậy, vì tôi là một người làm công việc tự do. Rốt cuộc, có lẽ đây chính là những đặc quyền với một cây viết tự do, người làm việc cho chính mình chứ không phải là cho ông chủ nào cả.
PHẦN 2: BẮT ĐẦU SỰ NGHIỆP VIẾT LÁCH TỰ DO NHƯ THẾ NÀO?
1. Đừng coi Freelance như một cuộc dạo chơi
Đầu tiên, bạn nên đặt ra mục tiêu để theo đuổi con đường viết lách tự do. Ở phần này, tác giả đưa ra 2 loại mục tiêu để bạn đọc được cân nhắc, đó là: mục tiêu ngắn hạn (SMART) và mục tiêu dài hạn.
SMART: Specific - Cụ thể, Measurable - Có thể đo lường được, Attainable - Mức độ khả thi, Relevant - Các yếu tố liên quan, Time-bound - Thời gian cam kết
Mục tiêu liên quan tới thu nhập ban đầu của tôi - khi quyết định trở thành cây viết tự do - là đạt được ít nhất 3 công việc cùng một lúc liên tục trong vòng nửa năm hoặc lâu hơn (đóng góp tài chính cho gia đình, chi trả tiền học và có thời gian ở nhà để chăm sóc các con).
Hãy dành thời gian để tìm ra mục tiêu ngắn hạn (SMART) và mục tiêu dài hạn của mình, ghi nhớ rằng mục tiêu sao cho thực tế, không viễn vông. Hãy lưu giữ theo cách của riêng bạn để bản thân luôn phải nhìn thấy và có trách nhiệm hơn trong từng mục tiêu đã đề ra.
Tiếp theo, kinh doanh dựa trên năng lực viết, như vậy để giúp bạn biết biết xuất phát điểm của bạn đang sở hữu những gì, tác giả đã chỉ ra việc phân tích SWOT.
SWOT: Strength - Điểm mạnh, Weakness - Điểm yếu, Opportunity - Cơ hội, Threat - Thách thức
SWOT càng thành thật và rõ ràng bao nhiêu, bạn càng hiểu mình để có định hướng đúng đắn bấy nhiêu. Hãy trung thực và cởi mở. Nó sẽ giúp bạn lập kế hoạch và quản lý công việc tốt hơn. Bạn biết mình cần phát triển điểm mạnh gì và làm gì để hạn chế đi những điểm yếu.
Hãy thực hiện đánh giá SWOT hàng năm, bởi vì mọi thứ sẽ thay đổi. Nhiều cây viết không hề biết hoặc không quan tâm tới SWOT, nhưng nó chính là chìa khóa để những người làm việc tự do thành công.
Sau khi đã hiểu rõ bản thân hơn thông qua việc đánh giá SWOT, bạn nên tiếp tục xây dựng kế hoạch kinh doanh nghề cây viết tự do. Tác giả đưa ra 8 phần thường có của một kế hoạch kinh doanh như sau:
1. Tổng quan về hoạt động
2. Mô tả hoạt động kinh doanh chi tiết
3. Năng suất sản xuất
4. Mô tả khách hàng mục tiêu
5. Kế hoạch tiếp thị để tiếp cận những khách hàng đó
6. Phân tích cạnh tranh
7. Kế hoạch hoạt động và quản lý (cách bạn sẽ vận hành, quản lý)
8. Tài chính.
Trở thành một cây viết tự do nghĩa là bạn đang trở thành ông chủ của chính bản thân mình. Tự thân phải đảm nhận tất cả mọi công việc quản lý và kinh doanh của chính mình. Kế hoạch kinh doanh đã sẵn sàng, điều tiếp theo bạn nên làm chính là giới thiệu bản thân đến thế giới, hay nói cách khác bạn nên phát triển thương hiệu cá nhân trong nghề viết.
Thương hiệu cá nhân là cách bạn quảng bá bản thân - một sự tổng hợp độc đáo của kỹ năng, kinh nghiệm và tính cách, điều mà bạn muốn thế giới thấy ở bạn. Đó chính là cách bạn kể câu chuyện của mình.
2. Những hiểu biết cơ bản về thị trường và nghề viết tự do
Trong khoảng 5 năm trở lại đây thì các cây viết tự do ở Việt Nam chủ yếu sống bằng: (1) tự viết blog, (2) viết blog thuê, (3) viết nội dung trên mạng xã hội, (4) viết báo, (5) viết bài SEP, (6) viết lách,… Nhưng tôi tin trong thời gian tới, cùng với dòng chảy của sự phát triển nghề viết lạch tự do trên thế giới, sẽ có những nhu cầu và sự thay đổi mới ở thị trường.
Bạn có thể viết rất đa dạng nhiều lĩnh vực, bạn sẽ được tự do phân tích, đánh giá, nêu quan điểm ở bất kỳ mọi lĩnh vực. Nhưng điều quan trọng, bạn nên biết lĩnh vực thế mạnh của mình ở đâu.
Bạn sẽ cần chọn lựa một lĩnh vực bạn yêu thích nhất hoặc mạnh nhất để đầu tư và trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực đó. Có thể ban đầu bạn chưa có kinh nghiệm gì cả, nhưng không sao, theo thời gian, kinh nghiệm sẽ hình thành nếu bạn thực sự dành thời gian, công sức vào nó.
Hãy chuẩn bị cho mình một cái nhìn sâu sắc về một lĩnh vực, và lựa chọn lĩnh vực bạn muốn viết nhất để bắt đầu nhận “kèo” hoặc tự viết các bài viết trên trang cá nhân, blog của riêng bạn. Theo thời gian, bạn sẽ biết nhiều từ ngữ chuyên ngành hơn, cập nhật tin tức ngành và dần dần trở thành chuyên gia trong lĩnh vực đó.
3. Công thức đơn giản (của tôi) để có được thu nhập từ viết lách
Thật khó để nói rằng công thức sau đây có hiệu quả với bạn hay không, vì chúng ta khác nhau về hoàn cảnh, học vấn, tư duy, IQ, EQ, khả năng tự nhận thức… Nhưng tôi nghĩ có thể nó sẽ là một gợi ý không tồi để giúp bạn thực hiện mọi thứ dễ dàng hơn.
Công thức đó là : 1-1-2-4-2
- 1 năm chuẩn bị
- 1 chiếc blog
- 2 cuốn sách/ tháng
- 4 ngày làm việc/ tuần
- Và 2 tiếng tập viết/ ngày
Đây là công thức để tham khảo, là nguồn tài sản quý giá mà chính tác giả đã tích góp và xây dựng nên. Hãy xem gợi ý quý giá này sẽ giúp các bạn bớt khó khăn hơn khi bước đầu đặt chân trên con đường viết tự do.
PHẦN 3: QUẢN TRỊ THU NHẬP, KHÁCH HÀNG VÀ DỰ ÁN
1. Làm thế nào để bắt đầu kiếm tiền khi bạn chưa từng có sản phẩm viết?
Là một cây viết mới, bạn nên xác định phần lớn thời gian đầu sẽ phải tập trung vào hoạt động tiếp thị. Nếu bạn không tiếp thị, giới thiệu bản thân thì bạn sẽ không có hợp đồng hay cơ hội nào cả. Đơn giản là vậy.
Tuy nhiên, hầu hết những cơ hội tốt nhất lại không phải nhờ vào quảng cáo. Những cơ hội sẽ tới khi bạn vừa tiếp thị vừa xây dựng thương hiệu cá nhân và vừa kết nối với khách hàng tiềm năng.
Có nhiều cách để tiếp thị những bài viết của bạn, nhưng không phải cách nào cũng có hiệu quả. Nếu bạn chưa có kinh nghiệm, bạn sẽ cần một ít trợ giúp.
Làm thế nào để có được những sản phẩm viết đầu tiên ghi dấu ấn cá nhân? Tiếp cận khách hàng đầu tiên và cung cấp dịch vụ miễn phí như thế nào? Tiếp cận những khách hàng trả thù lao đầu tiên như thế nào?
Thông qua những kinh nghiệm đã tích lũy, tác giả đưa ra những gợi ý, nhắc nhở ngầm giúp các bạn đọc tự có câu trả lời tốt nhất cho bản thân. Bên cạnh đó, Linh Phan cũng thể hiện cụ thể lộ trình tiếp cận đến những khách hàng đầu tiên bằng các ví dụ, trường hợp cụ thể, để bạn đọc nắm được hành trang vững chắc hơn trong những bước đầu đến với con đường trở thành cây viết tự do.
2. Làm sao để kết nối, tìm kiếm khách hàng?
Triết lý của tôi về những công việc đầu tiên là: không khó để kiếm được việc. Chỉ đơn giản là bạn có được công việc đầu tiên để tự tin rằng “Tôi đã có sản phẩm viết” - Đó là bước đầu tiên để bạn tiếp tục tìm kiếm những công việc tuyệt vời hơn và trở thành một cây viết thành công hơn.
Hãy cùng điểm qua 4 bước để xác định thị trường mà người ta có khả năng sẽ thuê những cây viết mới:
Bước 1: Liệt kê tất cả những nơi bạn từng làm việc
Bước 2: Liệt kê tất cả những sở thích của bạn
Bước 3: Liệt kê tất cả những kinh nghiệm trong cuộc sống của bạn
Bước 4: Liệt kê những đam mê của bạn
Khi đã xác định thị trường dành cho những cây viết mới, thì bạn hãy bắt đầu xác định thị trường phù hợp với bản thân.
Hãy thử bắt đầu bằng việc tìm kiếm và lên một danh sách những công ty lớn nhất, ngân hàng lớn nhất, bệnh viện lớn nhất… chẳng hạn. Bạn cũng có thể tìm trên những trang rao vặt dành cho người làm tự do. Hãy nhạy cảm với những cơ hội. Hãy nghĩ về thứ bạn đam mê, thực hiện rà soát thị trường sau đó tự tìm ra nút giao giữa kinh nghiệm sống của riêng bạn và nơi bạn có thể được trả tiền cho những bài viết.
Và đây là một số gợi ý của tác giả về những loại hình doanh nghiệp phù hợp với các bạn ở thời điểm ban đầu:
- Doanh nghiệp/ thương hiệu nhỏ bạn có quen biết hoặc thường sử dụng dịch vụ
- Các tổ chức phi lợi nhuận bạn từng hỗ trợ
- Những tổ chức bạn từng tham gia hoạt động/làm việc
- Những tạp chí nhỏ, tạp chí tư nhân
- Các tờ báo, trang tin điện tử
- Những trang tin miễn phí
- Các doanh nghiệp của bạn bè và người thân
Bạn có thể viết cái gì để khi nhìn vào người ta có thể đánh giá xem liệu họ có nên thuê bạn hay không? Thứ gì trong hồ sơ kinh nghiệm cho thấy khả năng của bạn và khiến bạn đáng tin hơn?
Nhiều bạn cho rằng viết một vài bài đăng lên mạng xã hội là có thể sử dụng nó để đưa vào hồ sơ xin việc. Tôi thì không nghĩ vậy. Dưới đây là 5 loại hình nội dung bạn nên viết và nếu viết sẽ được đánh giá cao hơn.
- Viết review (đánh giá) sách/phim hoặc nhà hàng
- Phỏng vấn
- Phỏng vấn người nổi tiếng
- Nội dung website
- Bài viết chuyên sâu trong một lĩnh vực nào đó
3. 10 chiến lược tiếp thị dành cho những cây viết mới
1. Website của bạn
2. Viết blog cho bạn
3. Chọn kênh tuyển dụng phù hợp
4. Kết nối trực tiếp
5. Gọi điện trực tiếp
6. Tiếp cận qua thư điện tử
7. Thư bình luận/góp ý
8. Mạng xã hội
9. Hợp tác và cộng đồng
10. Một kế hoạch cụ thể
4. Quản trị tài chính dành cho người viết tự do
Tôi nghĩ đối với bất kỳ ai đang nghĩ tới việc bắt đầu sự nghiệp với vai trò là freelancer, rào cản lớn nhất - yếu tố có khả năng ngăn cản bạn thực hiện ước mơ này lớn nhất - chính là TÀI CHÍNH.
Viết lách tự do cũng là kinh doanh thực sự.
Bất kể bạn kinh doanh gì, bạn chỉ được coi là thành công khi thu về lợi nhuận.
Tiền không phải là tất cả nhưng nó làm cho hầu hết mọi thứ trở nên dễ dàng hơn. Vì vậy, nếu muốn dấn thân nhiều hơn vào công việc này, hãy tự cải thiện và học hỏi thêm về tài chính để giúp mình tự tin hơn về tiền bạc trong kinh doanh, bạn nhé!
Nếu bạn đang mơ hồ và không chắc “Mình cần bao nhiêu chi phí để duy trì cuộc sống” thì hãy cố gắng tìm hiểu và biến nó thành một con số cụ thể. Ít nhất chúng ta phải biết chính xác số tiền chúng ta cần kiếm được để nuôi sống mình và gia đình rồi sau đó mới có thể nghĩ ra cách đạt được nó.
Hãy tìm ra con số của tự do.
Tiết kiệm trước khi chuyển đổi.
Nếu bạn đang có một công việc toàn thời gian, thì hãy tiết kiệm. Điều này sẽ giúp bạn có một bước nhảy vọt trong kinh doanh khi chuyển sang làm tự do toàn thời gian thì quá trình chuyển đổi sẽ đỡ đáng sợ hơn.
Khi đã chuyển đổi và trở thành một cây viết tự do toàn thời gian với mức thu nhập tăng hàng tháng, thậm chí hàng ngày, bạn nên: Tách biệt tài chính cá nhân ra khỏi công việc kinh doanh của bạn, tự trả tiền cho chính mình và siêng theo dõi chi phí, tự báo cáo lãi - lỗ.
Khi đã nỗ lực hết mình để kinh doanh, bạn sẽ muốn nhìn lại để biết mình đã tạo ra những gì và đã đi được bao xa. Hãy đánh giá sự thành công của bạn.
5. Thương lượng và đàm phán thù lao một cách tự tin, hiệu quả
Tự tin sẽ giúp bạn thành công hơn. Cùng tác giả điểm qua 10 bài tập xây dựng sự tư tin để bạn sẵn sàng hơn với công việc sắp tới
1. Viết ra một danh sách những điểm mạnh của bạn
2. Xem mình đã có những gì
3. Sống trong sợ hãi
4. Nhìn lại những bài viết cũ và tự khen ngợi
5. Hãy nghĩ tới những người ghét viết lách hoặc có rất nhiều cây viết quá tầm thường
6. Hãy cho người khác biết
7. Tránh xa những điều tiêu cực
8. Ăn mừng thành quả của bạn
9. Viết nhiều hơn nữa
10. Tự cổ vũ chính mình
Sau khi đã tạo được sự tự tin bên trong bạn, thì đây sẽ là lúc sẵng sàng để thương lượng với khách hàng. Có 9 điều về đàm phán mà Linh Phan chia sẻ với bạn:
1. Khoanh vùng phạm vi
2. Chủ động đề xuất trước
3. Trì hoãn bằng cách im lặng
4. Đừng đàm phán khi bạn đang cảm thấy không ổn
5. Đừng để bị gây áp lực
6. Đừng tham gia vào những cuộc “đấu giá” ẩn
7. Hãy phản biện
8. Đề nghị phản hồi hoặc xác nhận
9. Báo giá theo hạng mục
Tiếp theo, tác giả chia sẻ về những cách mà các cây viết tự do đã làm để tính thù lao của họ (theo giờ, theo số chữ hoặc theo hạng mục việc) và công thức để có thể tính được thù lao phù hợp với sản phẩm mình làm ra.
Vậy làm thế nào để đề xuất tăng thù lao?
Bước 1: Phân tích khách hàng hiện tại
Bước 2: Xem xét các phương án điều chỉnh thù lao
Cuối cùng là, nên làm thế nào để có thể làm ít hơn nhưng kiếm được nhiều hơn. Có vẻ như là hơi mơ mộng, nhưng kinh nghiệm cá nhân của tôi cho thấy nó thực sự nên là như vậy và đã như vậy. Đừng bỏ qua chiến lược này nhé.
6. Quản trị và công cụ dành cho người làm việc tự do
Công cụ và những gì tác giả ưu tiên trong quá trình làm việc tự do:
- Công cụ Quản lý khách hàng.
- Công cụ nâng cao năng suất bản thân
- Các công cụ thiết yếu
- Thiết kế văn phòng tại nhà
- Các thói quen tự chăm sóc bản thân
Làm thế nào để quản trị nhiều khách hàng cùng một lúc?
Khi mới bắt đầu, có thể sẽ khá dễ dàng cho bạn trong việc phối hợp với khách hàng và kiểm soát mọi thức đi đúng hướng. Nhưng khi bạn có tới 4-5 khách hàng thì bạn sẽ phải “tung hứng” và quản lý cùng một lúc tất cả những khách hàng này nhằm đảm bảo chất lượng cũng như thời hạn công việc.
Hãy phát triển một hệ thống quy trình làm việc cho các dự án của bạn.
Hãy sắp xếp các dự án ngăn nắp, gọn gàng cả trong máy tính và bàn làm việc của bạn. Đánh giá lại các khách hàng và công việc hàng tháng/quý. Tác giả cũng chia sẻ thêm những các ứng xử nếu bạn gặp khách hàng “khó nhằn”, nếu bạn chỉ có một khách hàng, hay khi khách hàng không trả tiền cho bạn. Hãy quản trị thật tốt các dự án, con đường thành công sẽ rất gần về phía bạn.
PHẦN 4: 40++ CÁCH KIẾM TIỀN TỪ VIẾT LÁCH TỰ DO
Sau đây là những gợi ý các cách bạn có thể kiếm tiền từ viết tự do và mức thù lao đề xuất phù hợp cho từng công việc, cũng như cách bạn có thể thấy các công việc này.
1. Viết bài quảng cáo (advertorial)
2. Trở thành “ghostwriter” (nhà văn ma - không đứng tên mà chắp bút cho một người khác)
3. Viết ebook
4. Kêu gọi tài trợ cho các bài viết sáng tạo của bạn
5. Tự xuất bản sách trên Kindle
6. Sản xuất các sản phẩm kỹ thuật số
7. Tham gia phát triển nội dung về hướng dẫn du lịch
8. Dịch vụ chỉnh sửa biên tập định dạng sách cho những người muốn tự xuất bản sách trên Amazon
9. Phát triển và kiếm tiền từ blog một cách nghiêm túc
10. Trở thành copywriter
11. Viết thông cáo báo chí
12. Viết lời tựa sách hoặc review
13. Viết cho Social Media
14. Viết nội dung giới thiệu trên bao bì sản phẩm
15. Viết nội dung website (webcopy) cho doanh nghiệp
16. Viết cho menu nhà hàng, quán bar
17. Viết mô tả/ giới thiệu sản phẩm
18. Viết bài phát biểu/diễn thuyết
19. Viết lời cho các bài hát quảng cáo
20. Viết giới thiệu cho doanh nghiệp hoặc cá nhân trên website
21. Trở thành người viết nội dung chuẩn SEO
22. Viết bài cho tạp chí/ báo
23. Viết cho các doanh nghiệp lớn
24. Dạy viết
25. Viết mô tả và quảng cáo cho trò chơi trực tuyến
26. Biên tập tiểu luận, luận văn
27. Viết tiểu sử hoặc các câu chuyện cá nhân
28. Viết và biên tập gia phả
29. Biên tập viên tự do
30. Bóc tách băng phỏng vấn
31. Chèn phụ đề cho các video
32. Viết thơ
33. Viết lời bài hát
34. Viết lời dẫn chương trình
35. Viết và vẽ tranh
36. Viết kịch bản/biên kịch phim ngắn
37. Viết lời thoại cho các video trên Youtube
38. Viết cho các website nội dung
39. Viết nội dung khóa học online
40. Biên dịch viên
41. Tham gia các cuộc thi viết
42. Viết bản tin
43. Viết tuyên ngôn cho một công ty
44. Trở thành cây viết chuyên nghiệp trong lĩnh vực công nghệ
Cuốn sách này thật sự tuyệt vời và hữu ích dành cho những bạn lần đầu bước chân vào Con đường trở thành Freelance Writer.
Mình cũng là một “ma mới” trên hành trình này. Tình cờ trên con đường đầy ấp sách, dòng tựa của cuốn sách này đã chạm vào mắt mình, nói chính xác hơn là dòng chữ “Tôi đã kiếm 800.000.000 một năm từ viết lách như thế nào?”. Thử tính xem 800.000.000 một năm 12 tháng, với mình nó thật sự hấp dẫn đấy.
Mình đang có công việc ổn định, vừa đủ lo cho cuộc sống, nhưng bản thân lại luôn mong muốn tìm một công việc tự do bằng chính sở thích cá nhân. Mình rất thích nói lên quan điểm của mình bằng chữ viết, đôi khi sẽ nghe rất phiến diện, nhưng lại rất thỏa mãn, vậy làm thế nào từ chữ viết sẽ nuôi sống được phần nào nhu cầu sống thực tế của mình. Đó là lý do “800.000.000 một năm từ viết lách” lại hấp dẫn mình đến như vậy.
Mình sẽ còn thiếu sót rất nhiều, chưa phù hợp hoàn toàn với nghề viết tự do, nhưng mình có cuốn sách này, một cố vấn vững chắc trên con đường này, một hành trang hữu ích cho những kẻ mới bắt đầu như mình. Hơn hết, mình sẽ có những câu trả lời tốt nhất cho bản thân vẫn còn mông lung mơ hồ bằng các gợi ý, mẹo nhỏ, kinh nghiệm mà tác giả đã chắt chiu trong từng câu chữ.
Mình sẽ thành công, ít nhất khi đọc cuốn sách này, mình có niềm tin rằng mình sẽ thành công và bạn cũng vậy.
Review chi tiết bởi: Quỳnh Huỳnh - Bookademy
Hình ảnh: Quỳnh Huỳnh
-
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Link nội dung: https://blog24hvn.com/con-duong-tro-thanh-freelance-writer-a44061.html