Sáng ngày 06/04/2024, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC tổ chức Lớp tư vấn sức khỏe Thai, Sản số thứ 22 tại VNVC Cantavil (Quận 2, TP. Thủ Đức, TP.HCM), chương trình có sự đồng hành của Abbott Việt Nam.
Lớp tư vấn đã thu hút sự tham gia đông đảo của hàng trăm Bố Mẹ trên toàn quốc để lắng nghe các chuyên gia tư vấn về “Bí quyết phòng bệnh viêm phổi rất thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ”.
Bác sĩ Nguyễn Đức Bá Đạt, bác sĩ y khoa VNVC Cantavil An Phú, Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng VNVC cho biết: “Mang thai là hành trình kỳ diệu và hạnh phúc, một trong những yếu tố đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển toàn diện của thai nhi và sức khỏe của các mẹ bầu đó chính là hệ miễn dịch.”
Để nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của hệ miễn dịch, bác sĩ Đạt chia sẻ: “Vào những năm tháng đầu đời, trẻ sơ sinh có miễn dịch được truyền sang từ mẹ qua nhau thai và qua sữa mẹ khi cho con bú.” Điều này cho thấy khi mang thai, nếu mẹ bầu thực hiện tiêm vắc xin đầy đủ, bé cũng sẽ được hưởng lợi khi mới chào đời.
Ngoài ra, cơ thể phụ nữ mang thai trải qua nhiều thay đổi sinh lý có thể ảnh hưởng đến khả năng tự đào thải vi khuẩn/virus, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Mẹ bầu bị nhiễm trùng làm tăng nguy cơ sảy thai, thai chết lưu, sinh non hoặc gây tử vong cho trẻ sơ sinh. Không những vậy, khi cơ thể chống lại nhiễm trùng, mẹ bầu sẽ bị sốt, điều này làm tăng nguy cơ trẻ sơ sinh bị dị tật ống thần kinh, sứt môi, hoặc mắc bệnh tự kỷ. Một số bệnh truyền nhiễm mẹ bầu mắc phải có thể gây dị tật (như virus Rubella gây dị tật mắt, tai, tim, dị tật đầu nhỏ) hoặc bệnh bẩm sinh (như bệnh thủy đậu gây hội chứng thủy đậu bẩm sinh khiến trẻ sơ sinh bị khuyết tật về xương và cơ, tay chân bị biến dạng hoặc bị liệt, mù lòa, khuyết tật trí tuệ,…). Chính những yếu tố này là lý do vì sao các mẹ đang mang bầu cần chú ý tiêm chủng để tăng cường miễn dịch cho chính mình, bảo vệ thai nhi và trẻ sơ sinh cho đến khi bé đủ tuổi tiêm chủng.
Bệnh viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng bên trong phổi do virus, vi khuẩn… tấn công và tạo ra những ổ nhiễm trùng. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có 2 triệu trẻ tử vong vì viêm phổi trên toàn thế giới, tức có nghĩa cứ 20 giây trôi qua thì có 1 trẻ bị viêm phổi tử vong. Trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là các bé dưới 2 tháng tuổi có nguy cơ mắc và tử vong do viêm phổi cao nhất. Việt Nam là 1 trong 15 quốc gia có số lượng trẻ mắc viêm phổi nhiều nhất thế giới.
Bác sĩ Đạt nhấn mạnh với phụ huynh: “Trẻ bị viêm phổi có các biểu hiện như thở nhanh, thở lõm ngực, sốt, tay chân lạnh run, ho có đờm. Các ông bố bà mẹ cần lưu ý để kịp thời can thiệp và đưa con đi điều trị tại cơ sở y tế gần nhất”. Việc nhận điều trị sớm rất quan trọng, bởi trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị viêm phổi có thể biến chứng nặng nhanh chóng, gây ra những di chứng bệnh tật suốt đời. Một số biến chứng có thể gây tử vong cho trẻ bị viêm phổi bao gồm: nhiễm trùng huyết; viêm màng não; tràn dịch màng tim, trụy tim; tràn mủ màng phổi; và hội chứng suy hô hấp cấp.
Viêm phổi cũng dễ dàng lây truyền qua nhiều con đường khác nhau. Trẻ có thể vô tình hít phải virus, vi khuẩn gây viêm phổi khi tiếp xúc gần, nói chuyện với người mắc bệnh hoặc khi trẻ ở gần người bệnh đang hắt hơi, ho, sổ mũi. Bé cũng có thể mắc viêm phổi khi tiếp xúc chung các vật dụng, đồ dùng cá nhân của người bệnh như khăn mặt, bàn chải đánh răng, cốc chén đũa, quần áo,… hoặc chạm vào các vật dụng có sẵn vi sinh vật gây bệnh và đưa tay lên mũi, mắt, miệng. Bố mẹ cũng có thể vô tình mang mầm bệnh từ bên ngoài về nhà và lây bệnh trong lúc chăm sóc, chơi đùa, nấu ăn cho bé.
Phòng bệnh sẽ luôn là lựa chọn tốt hơn là điều trị bệnh. Trong lớp tư vấn sức khỏe thai, sản số 22, bác sĩ Đạt đề cập đến những phương pháp ngăn ngừa viêm phổi không đặc hiệu như đeo khẩu trang, đeo găng tay cho bé khi sinh hoạt ở nơi đông người, thường xuyên rửa tay, khử khuẩn, vệ sinh mũi họng, giữ khoảng cách, hạn chế tiếp xúc với người bệnh và không sử dụng các vật dụng cá nhân chung. “Nhưng những cách thức này không thực sự bảo vệ trẻ một cách toàn diện nhất, nếu lỡ chẳng may bé có tiếp xúc với tác nhân gây nhiễm trùng phổi, bé vẫn sẽ bị viêm phổi và đối mặt với nguy cơ biến chứng nghiêm trọng.” - bác sĩ Đạt chia sẻ.
Theo đó, các ông bố, bà mẹ cần lưu ý đến phòng bệnh đặc hiệu bằng tiêm vắc xin. Đây là cơ chế mà cơ thể sẽ đáp ứng miễn dịch bằng cách tạo ra kháng thể đặc hiệu với kháng nguyên của từng loại bệnh. Ví dụ khi vi khuẩn phế cầu xâm nhập vào cơ thể trẻ, vi khuẩn này tạo ra kháng nguyên gây bệnh viêm phổi cho người. Trẻ em có phòng bệnh đặc hiệu viêm phổi sẽ tạo ra kháng thể giống khiên giáp giúp bảo vệ cơ thể khỏi vi khuẩn gây bệnh. WHO đã ước tính một 1 USD đầu tư vào tiêm chủng giúp tiết kiệm 16 USD cho phí chăm sóc y tế.
Chích vắc xin giúp cho cơ thể trẻ tạo ra kháng thể chống lại bệnh viêm phổi. Theo đó, các vắc xin phòng ngừa viêm phổi ba mẹ cần lưu ý bao gồm:
Vắc xin phòng bệnh viêm phổi cho trẻ Vắc xin phòng bệnh viêm phổi cho phụ nữ đang mang thai
Kết thúc lớp học, bác sĩ Đạt nhấn mạnh: “Không chỉ có trẻ em mới nên tiêm vắc xin, chính những người chăm sóc, sống gần gũi với bé cũng cần tiêm chủng để không lây nhiễm bệnh cho con. Cả gia đình thực hiện tiêm chủng đầy đủ sẽ tạo ra miễn dịch cộng đồng, mở rộng lá chắn bảo vệ trẻ tối đa trước các bệnh gây nhiễm trùng phổi. Phụ nữ mang thai cũng cần tiêm chủng để bảo vệ trẻ sơ sinh - đối tượng có hệ miễn dịch non nớt trong năm tháng đầu đời và chưa đến tuổi để tiêm vắc xin. Những người chồng đang chăm sóc vợ mang bầu cũng cần tiêm chủng để ngăn ngừa lây bệnh, ảnh hưởng đến cả mẹ và bé.”
Link nội dung: https://blog24hvn.com/vnvccantavil-a44136.html