Thế nào được coi là hiếm muộn? Dấu hiệu, nguyên nhân và phương pháp điều trị
Tỉ lệ các cặp vợ chồng hiếm muộn đang ngày càng tăng lên, điều này khiến không ít cặp vợ chồng lo lắng phiền muộn, hạnh phúc gia đình cũng không được trọn vẹn. Chúng ta cùng tìm hiểu để có cái nhìn rõ hơn về nguyên nhân hiếm muộn, các dấu hiệu và phương pháp điều trị sẽ được thực hiện cho các cặp vợ chồng đang mong con.
Hiếm muộn là gì?
Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiếm muộn là tình trạng một cặp vợ chồng chung sống, có quan hệ tình dục thường xuyên không sử dụng biện pháp tránh thai nào nhưng sau 1 năm (với người vợ dưới 35 tuổi) và sau 6 tháng (với người vợ trên 35 tuổi) mà vẫn chưa có thai một cách tự nhiên.
Hiếm muộn có thể được phân thành hai loại:
Hiếm muộn nguyên phát: là trường hợp một cặp vợ chồng chưa từng có thai lần nào.
Hiếm muộn thứ phát: chỉ những cặp vợ chồng đã có thai ít nhất một lần, nay muốn tiếp tục sinh đẻ nhưng không thể có thai được.
Dấu hiệu của hiếm muộn
Dấu hiệu hiếm muộn ở nam giới:
Giảm ham muốn tình dục, rối loạn cương, giảm hiện tượng dạ cương
Tinh hoàn sưng đau, xuất hiện cục hay búi ở tinh hoàn
Tinh hoàn teo hoặc nhỏ lại
Đạt cực khoái nhưng không xuất tinh
Dấu hiệu hiếm muộn ở nữ giới:
Chu kì kinh nguyệt bất thường về máu kinh hayđộ dài của chu kỳ hoặc vô kinh
Giảm muốn tình dục
Có sự thay đổi về cân nặng như tăng, sụt cân mất kiểm soát
Thay đổi về nội tiết tố, da nổi mụn, rụng tóc
Khí hư ra nhiều, có màu và mùi bất thường
Đau vùng chậu mãn tính
Nguyên nhân hiếm muộn
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra hiếm muộn, có thể do người vợ, có thể do người chồng hoặc có thể do cả hai. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, nguyên nhân gây hiếm muộn từ cả hai vợ chồng là tương đương nhau: với khoảng 40% từ phía người chồng, khoảng 40% từ phía người vợ. Phần còn lại là do môi trường sống, lối sống, công việc và sinh hoạt hằng ngày,… của cả hai vợ chồng.
Các bệnh lý có thể dẫn đến hiếm muộn:
Đối với nam giới:
Bất thường về di truyền như hội chứng Klinefelter, teo tinh hoàn, bất sản ống dẫn tinh, giãn tĩnh mạch thừng tinh, xuất tinh ngược dòng, rối loạn cương dương, ung thư tuyến tiền liệt, tinh hoàn lạc chỗ,…
Đối với nữ giới:
Hầu hết đều bắt nguồn từ các bệnh phụ khoa như lạc nội mạc tử cung, hội chứng buồng trứng đa nang, ngoài ra còn có các trường hợp khác như tổn thương vòi trứng, rối loạn rụng trứng, u xơ tử cung, nhiễm trùng vùng chậu, suy chức năng buồng trứng, bất thường về di truyền, bệnh lí nội tiết…
Phương pháp chẩn đoán hiếm muộn
Tùy theo từng cặp vợ chồng, qua khám lâm sàng và làm các xét nghiệm, bác sĩ sẽ tư vấn và quyết định phương pháp hỗ trợ cần thiết nhất. Các nội dung khám hiếm muộn bao gồm:
Bác sĩ sẽ hỏi các dấu hiệu lâm sàng của bệnh nhân, về tiền sử và thăm khám lâm sàng.
Siêu âm tử cung buồng trứng để đánh giá các bất thường cấu trúc tử cung, buồng tử cung, vòi trứng ứ dịch và đánh giá các nang trứng.
Xét nghiệm máu: Đánh giá dự trữ buồng trứng: Bác sĩ sẽ kiểm tra mức hóc môn kích thích nang trứng (FSH) và estrogen vào ngày 2 vòng kinh hoặc AMH, siêu âm kiểm tra số nang trứng đầu chu kì (AFC). Các xét nghiệm trên để đánh giá số lượng (hay dự trữ buồng trứng) trứng ở buồng trứng.
Định lượng các hormone: một nguyên nhân phổ biến gây hiếm muộn là hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS). Hội chứng này dẫn đến mất cân bằng về hormone và gây khó khăn trong việc rụng trứng.
Chụp hình kiểm tra buồng tử cung và vòi trứng (HSG) đánh giá buồng tử cung và sự thông thương của 2 ống dẫn trứng.
Tinh dịch đồ: đánh giá số lượng và chất lượng tinh trùng.
Ngoài ra bác sĩ có thể xét nghiệm thêm một số hóc môn như prolactin, TSH, FT3, FT4.. để đánh giá các bệnh nội tiết có thể ảnh hưởng đến kinh nguyệt.
Điều trị hiếm muộn
Hiếm muộn gây ảnh hưởng rất lớn tới hạnh phúc hôn nhân của các cặp vợ chồng. Sự phát triển của y học và khoa học kĩ thuật với những bước tiến lớn đã tạo ra những phương pháp hỗ trợ sinh sản có thể giúp khắc phục tình trạng hiếm muộn, như:
Bơm tinh trùng vào buồng tử cung (Intrauterine insemination - IUI): được sử dụng phổ biến và ít tốn kém hơn so với những phương pháp khác.
Thụ tinh trong ống nghiệm (In Vitro Fertilization - IVF): Là phương pháp hiệu quả cao điều trị hiếm muộn, vô sinh được thực hiện bằng cách cho tinh trùng thụ tinh với trứng ở bên ngoài cơ thể để tạo phôi, sau đó cấy phôi vào buồng tử cung mẹ.
Lấy tinh trùng bằng thủ thuật, phẫu thuật.
Trữ lạnh tinh trùng, noãn, phôi; cho - nhận noãn, tinh trùng, phôi.
Điều trị rối loạn nội tiết, phẫu thuật điều trị vô sinh,...
Biện pháp phòng ngừa tình trạng hiếm muộn
Làm thế nào để phòng ngừa hiếm muộn là mối quan tâm của nhiều người. Ngoài những bệnh lý di truyền không thể phòng ngừa có thể dẫn đến hiếm muộn, việc thay đổi lối sống, thói quen hằng ngày được cho là có tác dụng góp phần phòng tránh như:
Thực hiện lối sống lành mạnh, không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia và không sử dụng các chất kích thích, chất cấm.
Nâng cao sức khỏe với thói quen luyện tập thể dục thể thao nhẹ nhàng như yoga, bơi lội, đi bộ...
Duy trì cân nặng hợp lý, chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, ăn nhiều rau xanh, trái cây, bổ sung protein, đạm… hạn chế đồ chế biến sẵn, thực phẩm chiên, rán và chứa nhiều chất phụ gia, bảo quản.
Quan hệ tình dục lành mạnh, chế độ một vợ một chồng.
Không lạm dụng việc nạo phá thai.
Đi khám ngay khi gặp những vấn đề cảnh báo sức khỏe sinh sản.
Hiếm muộn do rất nhiều nguyên nhân gây ra. Do đó, cả vợ cả chồng đều cần tới bác sĩ chuyên khoa thăm khám và chẩn đoán để tìm hiểu nguyên nhân dẫn tới hiếm muộn, và từ đó bác sĩ mới chỉ định phương pháp điều trị thích hợp mang lại kết quả.