1 tháng tóc dài bao nhiêu cm? Các mẹo giúp tóc mọc nhanh
Tóc mọc dài ra mỗi tháng là quy luật tự nhiên, tuy nhiên tốc độ mọc tóc còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như di truyền, sức khỏe, chế độ dinh dưỡng và cách chăm sóc tại nhà. Vậy 1 tháng tóc dài bao nhiêu cm? Tìm hiểu tốc độ mọc tóc trung bình, các yếu tố ảnh hưởng cũng như bí quyết giúp bạn có được mái tóc nhanh dài hơn.
1 tháng tóc dài bao nhiêu cm?
Trung bình, tóc sẽ dài ra khoảng 1 - 1,5cm/tháng. Dựa trên tốc độ mọc tóc trung bình hàng tháng, có thể tính được tóc dài khoảng từ 12 - 18cm mỗi năm. Tuy nhiên, tốc độ mọc tóc ở mỗi người có thể khác nhau do bị ảnh hưởng của các yếu tố như: Di truyền, tuổi tác, hormone, chế độ dinh dưỡng và cách chăm sóc tóc tại nhà.
Xét về giới tính, nam giới có cấu trúc tóc dày, cứng và tốc độ tóc mọc ra nhanh hơn. Trong khi đó, nữ giới có cấu trúc tóc mềm mại, tốc độ dài ra của tóc cũng chậm hơn.
Các giai đoạn phát triển của tóc
Thông thường, nang tóc của chúng ta sẽ được phát triển theo 3 giai đoạn chính. Cụ thể:
Giai đoạn Anagen (tăng trưởng): Đây là giai đoạn tóc tích cực phát triển nhất, kéo dài từ 2 - 6 năm. Ở giai đoạn này, các tế bào ở chân tóc có sự phân chia nhanh chóng tạo nên những sợi tóc mới, đẩy sợi tóc cũ lên trên và ra khỏi da đầu. Theo nghiên cứu có đến 90 - 95% các nang tóc trên da đầu của chúng ta đang trong giai đoạn anagen.
Giai đoạn Catagen (chuyển tiếp): Đây là giai đoạn chuyển tiếp ngắn khi tóc ngừng phát triển, kéo dài từ 3 - 6 tuần. Ở giai đoạn này, sự phát triển của tóc chậm lại, nang tóc bắt đầu co lại. Theo tính toán có khoảng 1 - 2% tóc trên da đầu của chúng ta đang trong giai đoạn này.
Giai đoạn Telogen (Nghỉ ngơi): Đây là giai đoạn tóc cũ ngừng phát triển và chuẩn bị rụng đi để nhường chỗ cho tóc mới mọc lên. Giai đoạn này kéo dài trong khoảng từ 2 - 3 tháng. Có đến 10 - 15% tóc trên da đầu của chúng ta đang ở giai đoạn này.
Sau khi kết thúc giai đoạn Telogen, nang tóc sẽ quay trở lại giai đoạn Anagen và chu kỳ phát triển của tóc lại bắt đầu. Một số yếu tố cụ thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển của tóc gồm:
Di truyền: Gen di truyền đóng vai trò quan trọng trong quá trình mọc tóc diễn ra nhanh hay chậm, độ dày, màu sắc và thậm chí cả khả năng bị hói đầu.
Tuổi tác: Tóc thường mọc nhanh nhất ở độ tuổi từ 15 đến 30, sau đó tốc độ mọc tóc chậm lại và tóc có thể trở nên mỏng hơn theo tuổi tác.
Hormone: Trong thời kỳ dậy thì, mang thai, mãn kinh hoặc các vấn đề về tuyến giáp do sự thay đổi về nội tiết có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của tóc.
Dinh dưỡng: Chế độ ăn uống cân bằng, giàu protein, vitamin (đặc biệt là biotin và vitamin nhóm B), khoáng chất (như sắt và kẽm) là rất quan trọng để tóc phát triển khỏe mạnh.
Sức khỏe: Một số bệnh lý hoặc tình trạng sức khỏe như thiếu máu, bệnh tuyến giáp, bệnh tự miễn, nhiễm trùng da đầu… cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình mọc tóc.
Căng thẳng: Căng thẳng kéo dài có thể làm gián đoạn chu kỳ phát triển của tóc, dẫn đến rụng tóc tạm thời.
Chăm sóc tóc: Sử dụng các sản phẩm chăm sóc tóc không phù hợp, tạo kiểu tóc bằng nhiệt độ cao thường xuyên, chải tóc quá mạnh, buộc tóc quá chặt… có thể làm tổn thương tóc và ảnh hưởng đến sự phát triển của tóc.
Môi trường: Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, ô nhiễm môi trường, nước có chứa nhiều clo… cũng có thể làm tóc khô, yếu và dễ gãy rụng.
Các bệnh lý: Một số loại thuốc như thuốc trị ung thư, thuốc chống trầm cảm, thuốc điều trị huyết áp cao… Tiềm ẩn một số tác dụng phụ gây rụng tóc.
Tìm hiểu: Thức khuya có rụng tóc không? Cách khắc phục hiệu quả
Làm thế nào để tóc nhanh dài trong 1 tháng?
Bạn hoàn toàn có thể tăng tốc độ mọc tóc nhanh chóng hơn trong 1 tháng bằng cách chú trọng chăm sóc tóc từ bên ngoài bằng các sản phẩm phù hợp và bổ sung dinh dưỡng cho tóc chắc khỏe từ bên trong.
Dưỡng tóc từ bên ngoài
Sử dụng các sản phẩm chăm sóc tóc phù hợp kết hợp với các tác động chăm sóc tóc giúp tóc chắc khỏe hơn. Cụ thể bạn có thể áp dụng một số phương pháp dưỡng tóc từ bên ngoài dưới đây:
Massage da đầu: Massage giúp tăng cường lưu thông máu đến da đầu, kích thích nang tóc phát triển. Bạn có thể massage bằng tay hoặc sử dụng các dụng cụ massage chuyên dụng. Thực hiện 5-10 phút mỗi ngày, đặc biệt là trước khi đi ngủ.
Sử dụng dầu dưỡng tóc phù hợp: Các loại dầu tự nhiên như dầu dừa, dầu oliu, dầu bưởi, dầu gội hà thủ ô, bồ kết… có tác dụng dưỡng ẩm, nuôi dưỡng tóc và kích thích mọc tóc. Thoa dầu lên tóc và massage nhẹ nhàng, ủ khoảng 30 phút rồi gội sạch. Thực hiện 1-2 lần/tuần.
Hạn chế tạo kiểu tóc bằng nhiệt: Nhiệt độ cao từ máy sấy, máy uốn, máy ép…là những nguyên nhân khiến tóc khô, yếu và dễ gãy rụng. Hạn chế sử dụng các dụng cụ này hoặc sử dụng ở nhiệt độ thấp nhất có thể.
Tránh buộc tóc quá chặt: Buộc tóc quá chặt có thể gây căng thẳng cho nang tóc và làm tóc dễ gãy rụng. Nên buộc tóc lỏng hoặc thả tóc tự nhiên khi có thể.
Gội đầu đúng cách: Chỉ nên gội đầu 2-3 lần/tuần với nước ấm và dầu gội dịu nhẹ bởi nếu gội đầu quá thường xuyên có thể làm mất đi lớp dầu tự nhiên bảo vệ tóc.
Thường xuyên loại bỏ đuôi tóc hư tổn định kỳ: Phần đuôi tóc hay bị xơ rối, chẻ ngọn. Việc cắt tỉa phần tóc hư tổn sẽ kích thích cơ thể đẩy mạnh tóc mọc dài nhanh hơn.
Bổ sung dinh dưỡng từ bên trong
Bên cạnh việc chăm sóc tóc từ bên ngoài đúng cách, để tóc nhanh dài và chắc khỏe hơn, bạn cũng cần bổ sung dinh dưỡng từ sâu bên trong kết hợp. Cụ thể chế độ ăn uống giúp tóc nhanh mọc dài như sau:
Ăn uống đủ chất: Đảm bảo chế độ ăn uống cân bằng, giàu protein (thịt, cá, trứng, đậu…), vitamin (rau xanh, trái cây) và khoáng chất (sữa, ngũ cốc…).
Uống đủ nước: Nước đóng vai trò mang dưỡng chất đến nang tóc và giữ cho tóc khỏe mạnh. Nên uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày.
Bổ sung thực phẩm giàu biotin: Biotin (vitamin B7) là một loại vitamin quan trọng cho sự phát triển của tóc. Một số loại thực phẩm giàu biotin có thể kể đến như trứng, các loại hạt, sữa, gan…
Bổ sung thực phẩm giàu omega-3: Omega-3 có tác dụng chống viêm và giúp tóc chắc khỏe. Bạn có thể tìm thấy omega-3 trong cá hồi, cá ngừ, hạt lanh, quả óc chó…
Thực phẩm giàu vitamin C: Đây là thành phần đóng vai trò chống oxy hóa, ngăn ngừa tình trạng stress oxy, tóc bạc và tóc yếu, cung cấp dưỡng chất cho tóc chắc khỏe hơn. Một số loại thực phẩm giàu vitamin C có thể kể đến như: Dưa chuột, trái cây họ cam, cà rốt, cà chua, dứa, củ cải…
Vitamin D: Thiếu hụt vitamin D cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng rụng tóc. Đối với những người bị rụng tóc nhiều, nên tăng cường bổ sung các loại thực phẩm như cá hồi, lòng đỏ trứng, cá mòi, nấm, hải sản, sữa chua…
Câu hỏi thường gặp
Dưới đây là giải đáp một số băn khoăn thường gặp của chị em về vấn đề 1 tháng tóc dài bao nhiêu cm.
Cách làm tóc dài 20cm trong 1 tháng?
Trên thực tế, không có cách nào có thể làm dài tóc đến 20cm trong 1 tháng bởi tốc độ mọc tóc trung bình của một người chỉ khoảng 1 - 1.5cm/ 1 tháng. Cho dù có sử dụng những biện pháp kích thích mọc tóc tốt nhất thì tóc cũng khó có thể dài ra đến 20cm trong một khoảng thời gian ngắn 1 tháng.
Tuy vậy, bạn vẫn có thể áp dụng một số phương pháp chăm sóc giúp tóc dài ra kể trên để tối ưu tốc độ mọc tóc, giúp tóc trông dài hơn nhanh chóng. Dù áp dụng phương pháp nào bạn cũng cần kiên nhẫn và thực hiện đều đặn. Đồng thời luôn ghi nhớ tóc cần thời gian để phát triển khỏe mạnh và dài ra.
Gợi ý: Cách làm tóc mái nhanh dài nhất cho nữ chỉ trong 1 tuần
Mất bao lâu để tóc dài 10cm?
Trung bình, để tóc dài thêm 10cm bạn sẽ cần thời gian khoảng từ 6 - 10 tháng. Tuy nhiên, thời gian chính xác có thể thay đổi tùy thuộc vào các yếu tố như gen di truyền, tuổi tác, sức khỏe, chế độ dinh dưỡng và cách chăm sóc tóc tại nhà của mỗi người.
Nếu bạn muốn mái tóc của mình nhanh dài hơn, hãy chú ý đến chế độ ăn uống, chăm sóc tóc đúng cách và duy trì lối sống lành mạnh để đảm bảo có được mái tóc chắc khỏe như mong đợi.
Hy vọng nội dung bài viết trên đây đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích giải đáp băn khoăn 1 tháng tóc dài bao nhiêu cm. Tốc độ mọc tóc của mỗi người sẽ mọc nhanh chậm phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Để có được một mái tóc chắc khỏe, nhanh dài, bạn hãy chú ý đến chế độ dinh dưỡng, chăm sóc tóc đúng cách và duy trì lối sống lành mạnh mỗi ngày.