VIETNAM GLOBAL NETWORK

Mậu dịch viên là một từ Hán Việt chỉ sự trao đổi thương mại, tức là hàng trao đi rồi tiền nhận về hoặc ngược lại.

Nhưng nó là con đẻ của cái thời bao cấp dài dặc của những năm 70-80.

Và thời ấy lạị thấy thêm vào hai chữ “quốc doanh” có nghĩa là Nhà nước đứng ra làm cái việc buôn bán -trao đổi này.

Vì Nhà nước hồi đó muốn quản lý tất mọi sự, mọi việc nên chỉ có những gì Nhà nước mua vào, bán ra hay quốc doanh đấy mới là chính thống.

Còn tất cả cái gì không phải do quốc doanh, từ các cửa hàng mậu dịch (CHMD) bán ra đều là ngoài, gần như là lậu cả.

Các CHMD quốc doanh mọc nhan nhản khắp nơi, chiếm những mặt bằng kinh doanh đẹp nhất của Hà nội.

Các cửa hàng vải sợi, bách hóa, mỹ nghệ, sách., giải khát, hiệu ăn …của tư nhân trước đây đều phải vào Công tư hợp doanh như nhà Nghi Xương (Hàng Bài), Quốc Hoa ( Hàng Bông ), Đức Xương đẹp nhất góc Hàng Gai-Hàng Đào …

Rồi những Đức Âm-Tràng tiền Tư trang, Bùi Hưng Gia (Hàng Trống), Bodega, Bimba, Kem Cẩm Bình, Hòa Bình, Mỹ Kinh, Bốn mùa …

Hàng nghìn các cửa hiệu lớn như vậy trên những con phố lớn cũng như các điểm bán thực phẩm trên phó, trong chợ đều thành CHMD quốc doanh hết.

Chưa kể Nhà Bách hóa Tổng hợp, các mậu dịch số 12 Bờ Hồ, số 5 Nam Bộ, Bách hóa Ô Chợ Dừa…..cũng vậy.

Thế Mậu Dịch Viên là gì?

Viên ở đây không phải là vườn hay tư viên trang trại.

Cũng chẳng phải viên kẹo,viên chả thịt hay chả cá.

Viên ở đây là nhân viên, viên chức hay mậu dịch viên chính là người bán hàng hay phục vụ cho các CHMD này .

Đây cũng là những người bán hàng cho Nhà nước.

Nhưng khi đó cái tầng lớp cao không tới, thấp không thông này là một hình tượng vô cùng độc đáo.

Nó là con đẻ của cơ chế bao cấp.

Thời đó mọi thứ đều thiếu thốn kinh khủng.

Từ cây kim sợi chỉ,viên đá lửa đến cái lốp xe đạp ,cục xà phòng ,tuýp thuốc đánh răng, cái kẹp quần áo cũng đều là của hiếm.

Nhà nước cấp tem phiếu mua hàng cho người có hộ khẩu nội thành,hoặc đi làm trong các cơ quan,xí nghiệp của Nhà nước…

Mọi thứ bán theo tem phiếu là giá rẻ ,tương đương với lương Nhà nước trung bình trả cho mỗi công nhân hay kỹ sư, bác sĩ cũng chỉ đủ nuôi ba bốn suất ăn tập thể mỗi tháng (tạm tính là 18 đồng/suất).

Với trung bình thu nhập như thế ,tất cả chi tiêu điện, nước, tiền nhà ,ma chay cưới hỏi ,tiền con cái học hành, chăm nom kính hiếu cha mẹ trông cả vào lương.

Tem phiếu Nhà Nước cấp cho chỉ là mọi thứ dưới cả nhu cầu tối thiểu.

Ví dụ:

Một người dân được 0,3 kg thịt-1/2 lít xì đầu,3 bìa đậu phụ-0,1 kg đường -13,5 kh nửa gạo nửa mì hay khoai ,sắn, bo bo để độn.

Còn đi làm nhà nước thì hơn một chút:

Khoảng 15-16 kg gạo+mỳ

0,5 kg thịt;

1/2 lít nước mắm loại bét;

0,4 kg thức ăn chín-0,5 kg cá bể,5 bìa đậu …..cho một tháng 30 ngày ….

Ngoài ra, một gia đình gọi là một hộ mỗi tháng được mua 5-7 lít dầu hỏa đun bếp.

Mỗi người được mua 4-5 m vải một năm và cứ tết đến mỗi nhà được mua hai gói chè (khoảng một lạng), một miếng bóng, hai lạng miến, một gói mứt ô hợp, chút hạt tiêu và ba bao thuốc loại tồi để hút và tiếp khách

Tiêu chuẩn tem phiếu nghèo nàn như thế nhưng người ta vẫn phải bám nhằng nhằng vào nó.

Vì chợ bên ngoài chỉ lèo tèo vài thứ rau, thịt lợn bán lậu đắt và hiếm, nhà nào cũng phải nuôi thêm vài con gà, con ngan mà cải thiện…

Mất sổ gạo thì cả nhà đói dài.

Trình báo cũng phải đi xin, đi vay mượn hàng xóm họ hàng mà ăn tạm, hàng tháng sau trầy trật hàng dăm bẩy lá đơn xin mỏi mồm rồi mới cấp lại….

Đó cái thời ai cũng phải ra CHMD.

Gặp các lệnh bà Mậu dịch viên mới mua nổi các tiêu chuẩn tem phiếu quý hóa kia?

Cho nên dù muốn dù không, ai ai cũng phải ra chen lấn hoặc xếp hàng mà mua các mặt hàng tem phiếu ở mậu dịch bách hóa hay thực phẩm, chất đốt hoặc lương thực nhà nước!

Vì như người ta sau này đã nói ra:

Các đồ nhu yếu phẩm bán theo tem phiếu là giá mậu dịch rẻ hơn ngoài nhiều nên các chị, các cô bán ở mậu dịch cũng tự nhiên có cái tư tưởng ban phát, bố thí cho người mua thì phải.

PhieuMuaLuongThuc

Tem lương thực có thể đổi lấy các loại lương thực như gạo, sắn, ngô, khoai tây, hạt lúa mỳ… với trọng lượng tương đương ghi trên tem

Dưới đây là chân dung của một mậu dịch viên thời đó:

Cô là một mậu dịch viên khá trẻ, chỉ độ trên hai mươi tuổi một chút.

Cô nhan sắc cũng bình bình, không xinh không xấu và dáng dấp cũng bình thường như mọi cô gái ít ấn tượng khác …

Cô là một mậu dịch viên bán Bách hóa.

Nghề thơm tho của xã hội ngày ấy..

Cô bán ở Quốc Hoa ,một CHMD gần nhà,nên tôi thường phải gặp cô luôn.

Không biết ngoài đời cô thế nào có biết cười nói vui vẻ khi gặp bạn bè, cha mẹ, anh em hay hàng xóm không.

Nhưng mỗi lần thấy cô sau quầy bán hàng, khi cô đã khoác cái đồng phục trắng của một mậu dịch viên thì tôi thấy cô luôn mang vẻ mặt lạnh lùng ánh mắt không hề có một tia cởi mở hay âm ấm dù chỉ một tý chút…

Không biết cô tự cho mình là tầng lớp cao sang quý tộc hay một dạng oai như bà tướng quyền sinh quyền sát mà làm bộ vậy ?

Cặp môi trẻ trung của cô chỉ phát ra những từ trống không, chỏng lỏn:

“Mua gì?

Phiếu hết hạn rồi!

Sao để tem nát thế này?”

Chưa bao giờ thấy cô dùng một đại từ nhân xưng cho tử tế như chị hay cô hay bác!

Chắc công ty tuyển cô vào họ dã xác định bán hàng là bố thí là ban phát cho kẻ mua!

Dù hàng chả phải của cô bán làm phúc cho những ai không có thì phải chết!

Hàng hóa ngày ấy cũng hiếm thật dù bán theo tem phiếu nhưng lắm khi xếp hàng mỏi chân, đến nơi thì cô trưng ra cái biển hết hàng là đành ngậm ngùi quay về…

Trông cô thế mà khỏe ra trò khi quăng hàng rầm rầm.

Cô nhận tiền cắt tem xong thì quăng nặng, quăng nhẹ vào mặt khách.

Khách nào mua phải hàng rách hay lỗi van xin đổi cái khác thì chết với cô …

Đôi mắt nai quắc ngược lên,giọng cô chua hơn dấm, gay gắt:

“Hết rồi!

Ai cũng đòi đổi với chác.

Không mua thì thôi!”

Thế là y như rằng,khách cúp ngay mắt lại ,vội vã vơ lấy hàng đi ra cho xong chuyện !

Mặt cô nếu không tối sầm thì cũng xưng xỉa, mòng mọng …

Không biết là cô ra oai thế hay đông khách mệt quá mà trăm lần như một vậy …

Rồi còn cái tông nữa chứ.

Ngại thật nếu biết là mẹ cô cũng là một mậu dịch viên già mà cũng dòng máu như thế thì tôi biết phải làm sao?

Người Hà Nội sinh ra lớn lên nay vẫn ở phố cổ Hà Nội hàng bẩy chục năm cũng chưa mấy khi nghe những giọng khinh bạc, xấc láo khiếp thế…

Nhưng rồi cái giống mậu dịch viên kia đã dần mai một đi rồi, xa hẳn rồi, biến mất hẳn rồi.

Có còn lại thì vả chăng là các cô bán hàng kiểu mới, tươi xinh, trang phục thật đẹp và quý nhất là nụ cười khả ái trên môi luôn tươi tắn…

Con gái Hà nội mắt sáng, da trắng, tóc mượt thì mỗi lần nói với khách là một chuỗi nhạc du dương ,nhẹ nhàng mà người mua cứ muốn nghe mãi.

Sau quầy hàng ở Hà Nội giờ phải là một tiên nữ xinh tươi, chứ không còn mấy những con ngáo ộp hiện hình.

PHẠM HỒNG THẾ

Nguồn: Facebook

Link nội dung: https://blog24hvn.com/mau-dich-vien-la-gi-a45466.html