Sau sinh mổ bao lâu thì vết mổ sẽ lành?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Lại Thị Nguyệt Hằng - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long

Sinh mổ là biện pháp được rất nhiều sản phụ lựa chọn hiện nay. Mặc dù thời gian mổ sinh diễn ra rất nhanh chóng nhưng thời gian phục hồi sau sinh của sản phụ sinh mổ lại lâu hơn sinh thường và nếu không biết cách chăm sóc thì sản phụ sẽ dễ gặp phải những di chứng sau này.

1. Sinh mổ bao lâu thì lành?

Không giống như sinh thường, sau khi tiến hành phẫu thuật sinh mổ thì sản phụ phải ở lại viện từ 3 đến 4 ngày để bác sĩ theo dõi và chăm sóc vết mổ sau sinh, nếu không có gì thay đổi thì vết mổ có thể hồi phục hoàn toàn sau 6 tuần nghỉ ngơi tại nhà.

Trên thực tế, mỗi người phụ nữ sẽ có tình trạng sức khỏe khác nhau nên thời gian phục hồi sau sinh mổ cũng sẽ khác nhau, hầu hết sản phụ đều sẽ thấy bớt đau sau khi tập đi lại một vài ngày và hồi phục hoàn toàn sau 6 tuần nghỉ ngơi hợp lý.

Vì thời gian hồi phục của mỗi người là khác nhau nên để trả lời được vấn đề vết mổ sau sinh bao lâu thì lành sẽ phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, ngoài việc chăm sóc, nghỉ ngơi của sản phụ thì khoảng thời gian hồi phục cũng còn tùy thuộc vào việc sản phụ sinh con lần đầu hay lần 2, lần 3.

2. Sau sinh mổ có nên sử dụng thuốc giảm đau không?

Cần có chỉ định của bác sĩ khi sử dụng thuốc giảm đau sau sinh mổ

Có rất nhiều sản phụ sinh con lần đầu và không biết sau sinh mổ bao lâu thì hết đau nên đã sử dụng thuốc giảm đau với hi vọng nhanh chóng hồi phục sức khỏe. Tuy nhiên, sau sinh mổ có nên sử dụng thuốc giảm đau hay không thì phải có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Trường hợp sản phụ được gây tê tủy sống hoặc ngoài màng cứng thì bác sĩ có thể sẽ tiêm một vài loại thuốc có tác dụng giảm cơn đau đến 24 giờ sau. Ngoài ra, tùy thuộc vào cơn đau ở sản phụ mà bác sĩ sẽ kê các loại thuốc có chứa thành phần giảm đau để giúp sản phụ cảm thấy thoải mái hơn sau ca vượt cạn.

Sản phụ sau sinh mổ nếu không có chỉ định của bác sĩ thì tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc giảm đau bởi điều này có thể gây ra các tác dụng phụ và khiến mất sữa hoặc tắc sữa rất nguy hiểm. Thay vì sử dụng thuốc giảm đau thì có thể vận động nhẹ nhàng để giúp co bóp tử cung, giảm đau nhanh và có tác dụng tốt trong việc phục hồi sức khỏe. Các sản phụ sau sinh mổ đều nhận được lời khuyên nên cố gắng ngồi dậy và tập đi lại sau 24 giờ để giúp làm giảm áp lực trong ổ bụng, bớt cơn đau và tăng lưu thông máu.

3. Chăm sóc sản phụ sau sinh mổ

Việc chăm sóc vết mổ sau sinh và sản phụ sinh mổ cần phải được thực hiện theo khoa học để giúp vết mổ nhanh lành và tránh cho sản phụ gặp phải những biến chứng về sau.

3.1 Sản phụ sau sinh mổ nên ăn gì?

Chế độ dinh dưỡng của sản phụ sau sinh mổ cần phải đảm bảo đầy đủ các chất mới có thể cung cấp đủ năng lượng và giúp cơ thể nhanh chóng phục hồi. Sản phụ không cần thiết phải kiêng khem quá nhiều thứ mà hãy duy trì thói quen ăn uống lành mạnh giống thời kỳ mang thai, các thực phẩm giàu vitamin C, protein, sắt... rất tốt cho cơ thể trong giai đoạn này.

Một số thực phẩm sản phụ sau sinh mổ có thể lựa chọn như: thịt gà, trứng, thịt bò, các chế phẩm từ sữa, cam, dâu tây, bưởi, đu đủ, dưa hấu, hoa quả, ngũ cốc... Đặc biệt, sau sinh cơ thể mất đi một lượng nước đáng kể, do đó cần phải bổ sung nước đầy đủ để ngăn ngừa táo bón và mất nước sau sinh.

3.2 Chăm sóc vết mổ sau sinh

Chăm sóc vết mổ sau sinh khi ở viện sẽ được tiến hành bởi điều dưỡng viên, sản phụ sẽ được sử dụng các loại thuốc giảm đau và sát trùng để vết mổ nhanh khô và không bị nhiễm trùng. Trong trường hợp cảm thấy đau không chịu được thì sản phụ cần thông báo ngay cho bác sĩ để kịp thời thăm khám và có hướng xử lý.

Đặc biệt, sản phụ cũng cần chú ý đến chế độ ăn uống phòng ngừa vết mổ để lại sẹo. Để vết mổ nhanh liền và bớt đau thì sản phụ cần được nghỉ ngơi, nên nằm nghiêng sang một bên để tránh bị đau khi tử cung co. Khi vết mổ được cắt chỉ thì phải làm theo hướng dẫn của bác sĩ về việc chăm sóc vết mổ sau sinh để được an toàn, nên dùng khăn bông ấm để chườm lên vết mổ hàng ngày khi vết mổ đã liền sẹo, việc này sẽ giúp sản phụ không bị ngứa và đau vết mổ khi thay đổi thời tiết.

Trường hợp vết mổ sau sinh bị ngứa thì tuyệt đối không dùng tay gãi. Nếu như vết mổ bị căng tức, tiết dịch thì có lẽ quá trình chăm sóc vết mổ sau sinh bị sai cách và sản phụ bị nhiễm trùng vết mổ, cần đến bác sĩ để được điều trị kịp thời. Để vết mổ nhanh chóng bình phục thì trong khoảng hai tháng đầu sau sinh, sản phụ không nên làm việc nặng để tránh giãn cơ, người nhà nên giúp sản phụ làm các công việc gia đình và chăm con.

Thường xuyên thay băng và sát trùng vết mổ cho sản phụ

3.3 Sản phụ sau sinh mổ giảm cân bằng cách nào?

Để đảm bảo an toàn và không ảnh hưởng đến quá trình lành vết mổ thì việc giảm cân sau sinh mổ chỉ nên tiến hành sau 6 tuần. Sản phụ có thể giảm cân mà không làm ảnh hưởng đến quá trình tiết sữa bằng cách ăn ít tinh bột, chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, không nên ăn thức ăn vặt, tập thể dục nhẹ nhàng mỗi ngày. Giảm cân sau sinh mổ cần được thực hiện từ từ từng bước, trong thời gian dài chứ không nên quá nóng vội mà có chế độ ăn quá nghiêm ngặt hay dùng thuốc hỗ trợ giảm cân vì nó có thể gây hại cho sản phụ và em bé.

Một số bài tập có thể giúp sản phụ nhanh chóng hồi phục sức khỏe và hỗ trợ giảm cân hiệu quả như:

Quá trình chăm sóc vết mổ sau sinh cần được thực hiện cẩn thận, theo dõi thường xuyên để biết các dấu hiệu bất thường. Sản phụ phải nhanh chóng đến bệnh viện kiểm tra khi có các dấu hiệu như sốt, vết mổ sưng, tấy đỏ, rỉ dịch hoặc dịch âm đạo có mùi hôi...

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Link nội dung: https://blog24hvn.com/sinh-mo-bao-lau-het-dau-a46012.html