Keratin là một thành phần rất được ưa chuộng trong dầu gội và dầu dưỡng tóc, và thậm chí còn được cung cấp như một liệu pháp điều trị chuyên nghiệp tại các salon (phục hồi keratin/phủ keratin). Vậy keratin là gì? và nó có tác dụng gì đối với tóc? Sử dụng keratin có an toàn và hiệu quả không? bạn cung cấp keratin cho tóc bằng những cách nào?
Keratin hay chất sừng là một họ các protein cấu trúc dạng sợi. Loại protein này giúp duy trì cấu trúc của tóc, móng tay, da và lớp niêm mạc của các cơ quan nội tạng. Nó hoạt động như một khối xây dựng của cơ thể con người.
Keratin là một loại protein bảo vệ, ít bị trầy xước hoặc rách hơn các loại tế bào khác mà cơ thể bạn tạo ra.
Trong cấu trúc 3 phần của tóc: lớp biểu bì (cuticle), lõi tóc (cortex) và tủy tóc (medulla). Lớp biểu bì trong suốt, chịu trách nhiệm cho độ bóng, độ suôn mượt và có chức năng bảo vệ tóc. Lõi tóc chứa sắc tố quy định màu tóc, nó cũng tạo nên độ chắc khỏe và hình dạng tóc.
Keratin là thành phần chính của lớp biểu bì và lõi tóc. Vì vậy đây là thành phần rất quan trọng quyết định mái tóc của bạn có chắc khỏe, bóng mượt không.
Khi tóc bị hư tổn do hóa chất và thuốc nhuộm, do tạo kiểu nhiệt và sấy tóc hàng ngày, hoặc thậm chí do các yếu tố môi trường như ô nhiễm hoặc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, keratin sẽ bị cạn kiệt. Việc thiếu keratin có thể khiến tóc trở nên xốp, xù và dễ bị hư tổn thêm.
Keratin có thể được lấy từ lông, sừng của các loài động vật khác nhau và được sử dụng như một thành phần trong mỹ phẩm dành cho tóc. Vì keratin là thành phần xây dựng cấu trúc của tóc nên một số người tin rằng các sản phẩm chăm sóc tóc/thực phẩm chức năng chứa keratin và phương pháp điều trị keratin tại salon (phục hồi keratin) có thể giúp tóc chắc khỏe và bóng mượt hơn.
Những người sử dụng keratin cho biết tóc của họ mượt mà hơn và dễ quản lý hơn. Các tác động khác nhau rất nhiều tùy thuộc vào việc tóc bạn có khỏe mạnh hay không, độ dày tự nhiên của tóc và loại điều trị keratin mà bạn sử dụng.
Keratin hoạt động bằng cách làm mịn các tế bào chồng lên nhau để tạo thành các sợi tóc của bạn. Về mặt lý thuyết, các lớp tế bào, được gọi là lớp biểu bì của tóc, sẽ hấp thụ keratin, giúp mái tóc trông đầy đặn và bóng mượt. Keratin cũng làm cho tóc xoăn bớt xù hơn, dễ tạo kiểu hơn và trông thẳng hơn.
Phương pháp điều trị này được thực hiện tại salon chuyên nghiệp. Trước tiên, một loại dầu gội làm sạch sâu được sử dụng để loại bỏ các cặn bẩn khác trên tóc trước khi điều trị. Tiếp đó, từng phần của mái tóc sẽ được phủ kem chứa keratin. Kem này chứa hai thành phần chính: keratin để làm tóc bóng mượt, và một aldehyde (thường là formaldehyde) để thay đổi hình dạng và thuần hóa tóc.
Sau khi phủ keratin và ủ 30 - 35 phút, tóc bạn được sấy khô rồi dùng máy ép là thẳng để hoàn tất công đoạn. Bạn sẽ nhận thấy hiệu quả mềm mượt tức thì.
Hiệu ứng thẳng mượt mất dần theo thời gian, tuổi thọ từ 3-6 tháng. Bạn nên sử dụng các loại dầu gội không chứa sulfat để giảm lượng keratin bám trên tóc bị rửa trôi.
Các loại serum, dầu gội và dầu xả có chứa keratin không thể mang lại hiệu quả rõ rệt giống như liệu pháp phục hồi keratin tại salon. Nhưng các nhà sản xuất tuyên bố rằng chúng giúp tóc có khả năng chống hư tổn tốt hơn và sửa chữa tóc bị khô do nhiệt và thuốc nhuộm tóc. Để xác định những sản phẩm này, hãy tìm những từ sau trong danh sách thành phần:
Nghiên cứu vào năm 2013 cho rằng các thành phần hoạt tính của keratin là một công thức đầy hứa hẹn cho những người muốn tóc khỏe hơn.
Bạn có thể tìm thấy chất bổ sung keratin được bán rất nhiều trên các cửa hàng online. Các chất bổ sung keratin có dạng bột và viên nang. Thực phẩm bổ sung keratin không phải là không có rủi ro. Nếu lạm dụng quá nhiều, chúng có thể gây tích tụ quá nhiều protein trong cơ thể bạn.
Sử dụng các thực phẩm giàu keratin và các thực phẩm chứa các chất dinh dưỡng hỗ trợ tổng hợp keratin trong thực đơn hàng ngày của bạn.
Thực phẩm giàu protein:
Bao gồm: thịt đỏ, cá, sữa chua, trứng, sữa, các loại hạt. Ăn thực phẩm giàu protein cung cấp các khối xây dựng axit amin cần thiết cho quá trình tổng hợp một số protein cấu trúc trong cơ thể chúng ta, đặc biệt là keratin.
Thực phẩm giàu biotin:
Bao gồm: quả hạch, súp lơ, nấm, lòng đỏ nấu chín, cá hồi, bơ. Biotin cần thiết cho quá trình chuyển hóa các axit amin cần thiết để xây dựng keratin; biotin cũng củng cố keratin của móng tay và tăng cường độ chắc khỏe cho tóc.
Thực phẩm giàu vitamin A:
Bao gồm: rau xanh nấu chín (cải xoăn, cải thìa và rau bina), bông cải xanh, cá trích, gan. Quá trình tổng hợp keratin phụ thuộc vào vitamin A.
Lưu ý: Vitamin A hòa tan trong chất béo, vì vậy nó được hấp thụ tốt hơn trong quá trình tiêu hóa với thức ăn chứa chất béo.
Thực phẩm giàu vitamin D:
Bao gồm: cá ngừ, cá hồi, sữa tươi, nấm, trứng. Sự tổng hợp keratin cũng phụ thuộc vào vitamin D; nó điều chỉnh sự phát triển và tăng trưởng của tế bào sừng (tế bào keratinocytes).
Chất béo thiết yếu Omega 3:
Bao gồm: cá hồi, cá thu, cá ngừ, các loại hạt. Các axit béo thiết yếu điều chỉnh gần như mọi quá trình trong cơ thể bạn, như sản xuất keratin; chúng cũng có thể bù đắp những tác động tiêu cực của căng thẳng đến tóc và da của bạn.
Thực phẩm giàu kẽm:
Bao gồm: thịt đỏ, cua, hạnh nhân, sữa, pho mát, sô cô la đen. Keratin phụ thuộc vào kẽm để tổng hợp. Kẽm cũng thúc đẩy sản xuất collagen và độ đàn hồi của da. Thiếu kẽm có thể dẫn đến rụng tóc, khô da, móng tay giòn và mệt mỏi.
Hầu hết các phương pháp điều trị keratin ở salon, hay còn gọi là phục hồi tóc keratin giải phóng hợp chất formaldehyde khi trộn với nước trong quá trình điều trị. Năm 1987, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ đã xếp formaldehyde vào loại chất có khả năng gây ung thư nếu tiếp xúc trong thời gian dài.
Một số nhân viên tại các tiệm làm tóc cho biết họ bị chảy máu cam, châm chích, ngứa rát mắt, kích ứng mũi họng, chảy nước mũi và các vấn đề về hô hấp do xử lý các sản phẩm điều trị keratin và hít phải formaldehyde liên tục trong thời gian dài. Mức độ formaldehyde trong một số các sản phẩm phục hồi Keratin tại salon vượt 5 lần ngưỡng tiêu chuẩn an toàn quốc gia Hoa Kỳ.
Vì lý do đó, phụ nữ mang thai nên tránh áp dụng phương pháp điều trị này. Những người nhạy cảm với formaldehyde hoặc các vấn đề về hô hấp cũng nên tránh các phương pháp điều trị bằng keratin.
Mặc dù bản thân keratin không làm hỏng tóc, nhưng những hóa chất được trộn cùng hoặc công đoạn sử dụng máy là tóc ở nhiệt độ cao của có thể làm tóc bạn hư tổn. Luôn làm việc với thợ làm tóc chuyên nghiệp, họ sẽ xác định mức nhiệt độ và thời gian phù hợp nhất với tóc bạn.
Keratin có thể giúp tóc bạn bóng mượt và dễ quản lý hơn. Bằng cách thoa keratin lên lớp biểu bì tóc và dùng công cụ nhiệt hàn chặt lại, tóc của bạn sẽ trông bóng mượt hơn trong 3-6 tháng. Tuy nhiên phương pháp điều trị bằng keratin cũng khiến nhân viên tiệm tóc tiếp xúc với lượng hóa chất độc hại cao theo thời gian.
Một buổi phục hồi keratin tại salon không phải là lựa chọn duy nhất để bổ sung keratin cho tóc bạn. Trước khi điều trị keratin, bạn hãy cân nhắc sử dụng các thực phẩm giàu keratin và sản phẩm chăm sóc tóc có chứa keratin để xem liệu bạn có thể đạt được mái tóc bóng mượt như mong đợi hay không. Chúng an toàn và dễ sử dụng tại nhà.
Hy vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn keratin là gì, công dụng và cách bổ sung keratin cho mái tóc. Nếu bạn có bất kì câu hỏi nào về tình trạng tóc, hãy liên hệ ngay với LIZI nhé. Đội ngũ LIZI với nhiều năm kinh nghiệm trong ngành tóc luôn sẵn lòng hỗ trợ bạn.
Tham khảo: healthline.com
Link nội dung: https://blog24hvn.com/keratin-co-tac-dung-gi-a46206.html