Đọc lại tác phẩm “Sống như Anh”

Ngày 15-10-1964, chính quyền Mỹ - Khánh xử bắn anh Nguyễn Văn Trỗi, chiến sĩ biệt động đã cùng các đồng đội của mình đặt mìn tại cầu Công Lý để mưu sát Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mắc Na-ma-ra.

Sợ dũng khí của anh Trỗi sẽ làm lan tỏa tinh thần chống Mỹ trong Nhân dân, chúng đã xử bắn anh ngay tại Khám lớn Chí Hòa, không cho bất kỳ ai được dự, ngoài một số nhà báo thân Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Thậm chí, chúng còn cho các nhà báo đối thoại với anh, chất vấn anh để viết về sự yếu sợ, hối tiếc.

Thế nhưng tính toán của chúng đã không đạt được mục đích. Chính báo chí Sài Gòn và báo nước ngoài đã mô tả khá trung thực những giây phút cuối đời của một tử tù Việt Cộng, làm rung chuyển cả thế giới.

5_atroi246.jpg
Hình ảnh anh hùng Nguyễn Văn Trỗi tại pháp trường

Một nhà báo hỏi, tại sao anh lại tìm giết một quan chức cao cấp của Hoa Kỳ, người mà anh chưa từng biết?

Anh Nguyễn Văn Trỗi:

- Các ông là những nhà báo, chắc các ông nắm được nhiều tình hình. Chính bọn Mỹ đã xâm lược nước tôi, giày xéo đất nước tôi. Chính thằng Mắc Na-ma-ra đã làm ra cả một kế hoạch để chiếm dần toàn Miền Nam. Tôi tìm giết thằng Mắc Na-ma-ra cốt để trừ khử một tên đã gây bao tội ác đối với đồng bào tôi, đất nước tôi.

Một nhà báo khác:

- Anh có tiếc gì không trước khi anh chết?

Anh Trỗi:

- Tôi chỉ tiếc chưa giết được tên Mắc Na-ma-ra!

Khi cố đạo đến làm lễ rửa tội, anh từ chối thẳng thừng:

- Ông không cần làm việc đó. Kẻ có tội không phải là tôi. Kẻ có tội là bọn Mỹ và không ai có thể rửa sạch tội của chúng!

Khi cảnh binh bịt mắt, anh đã giật phăng và nói: Không! Phải để tôi nhìn mảnh đất này, mảnh đất thân yêu của tôi!

Bác Hồ cùng nhà thơ Tố Hữu tiếp đoàn đại biểu Hội văn nghệ Giải phóng miền Nam (năm 1966). Người ngồi bên trái Bác là nhà văn, nhà báo Thái Duy.

Anh hô to: “Đả đảo đế quốc Mỹ”! “Đả đảo Nguyễn Khánh”! Từng loạt đạn vang lên. Nhưng vang dội hơn những loạt đạn giết người đó là tiếng hô “Việt Nam muôn năm”, “Hồ Chí Minh muôn năm” từ lồng ngực chất chứa tình yêu Tổ quốc, niềm tin yêu vào cách mạng và lãnh tụ. Khí phách ấy, tình yêu chân thành ấy đã làm nao núng cả pháp trường, cảm hóa được cả những kẻ bên kia chiến tuyến.

Trước đó, khi tra tấn và thẩm vấn, những tên ác ôn ở Tổng nha cảnh sát ngụy, thường đem chị Quyên - người vợ trẻ đẹp, và hạnh phúc của những ngày tân hôn ra dụ dỗ, anh đã đốp thẳng vào mặt chúng: “Còn thằng Mỹ thì không ai có hạnh phúc nổi cả”. Nhìn thấy những tên ác ôn khét tiếng như Giáp, Lực, Tám Hiếu gầm gừ bên anh mà không làm gì nổi anh, phải khuất phục trước anh; chị Nguyễn Thị Châu, một nữ sinh hoạt động trong Phong trào thanh niên học sinh yêu nước từ những năm 1956, 1957, bị bắt giam cùng khám đã thốt lên: “Không có bài học bất khuất nào thấm thía đối với mình bằng lúc này. Mình thấy thật tự hào được đứng trong hàng ngũ có những người như anh, được là đồng chí của anh”.

Nhà thơ Tố Hữu đã viết lại những giây phút cuối cùng của một cuộc đời - và lại là sự mở đầu cho những bản hùng ca lịch sử:

Có những phút làm nên lịch sử

Có cái chết hoá thành bất tử

Có những lời hơn mọi bài ca

Có con người từ chân lý sinh ra.

…Anh thét to: “Ta có tội gì đây?”

Chúng trói Anh vào cọc mấy vòng dây.

Mười họng súng. Một băng đen bịt mắt

Anh thét lên: “Chính Mỹ kia là giặc!”

Và tay Anh giật phắt mảnh băng đen

Anh muốn thiêu, bằng mắt, lũ đê hèn

Với cái chết. Anh muốn nhìn giáp mặt

Như ngọn lửa không bao giờ dập tắt!

Chúng run lên, xông trói chặt Anh hơn

Đôi mắt Anh đã khô cháy căm hờn:

Phải chiến đấu như một người cộng sản

Trái tim lớn không sợ gì súng đạn!

Lệnh: Hàng đầu quỳ xuống! Một giây thôi

Anh thét lớn: “Hãy nhớ lấy lời tôi:

Đả đảo đế quốc Mỹ!

Đả đảo Nguyễn Khánh!

Hồ Chí Minh muôn năm!

Hồ Chí Minh muôn năm!

Hồ Chí Minh muôn năm!”

Phút giây thiêng, Anh gọi Bác ba lần!

Súng đã nổ. Mười viên đạn Mỹ

Anh gục xuống. Không, Anh thẳng dậy

Anh hãy còn hô: “Việt Nam muôn năm!”

Máu tim Anh nhuộm đỏ đất Anh nằm!

Khi anh Trỗi mất, không sợ liện lụy, nguy hiểm, chùa Khánh Hội giữa Sài Gòn căng thông báo: “Ngày 22-10-1964, đúng 7 giờ tối, nhà chùa làm lễ cầu siêu cho anh Nguyễn Văn Trỗi. Yêu cầu toàn thể Phật tử tới làm lễ cho thêm phần long trọng”.

Hôm đó, bất chấp các loại cảnh sát, mật vụ chìm nổi, bà con đến dự lễ rất đông và khảng khái nói: “Người ta (anh Trỗi) ra pháp trường như thế, nữa là mình chỉ ra chùa làm lễ cầu siêu cho người ta”…

***

Để hiểu thêm tác phẩm “Sống như Anh”, tháng 4 này, tôi đã tìm gặp tác giả Trần Đình Vân.

Nhà văn Trần Đình Vân, tên khai sinh là Trần Duy Tấn quê Bắc Giang, được tuyển vào Báo Cứu Quốc của Mặt trận Việt Minh năm 1949. Ông viết báo lấy bút danh là Thái Duy.

image859.png
Nhà báo Thái Duy (Trần Đình Vân)

Ông kể: Năm 1964, Tổng Biên tập Trần Phong Báo Cứu Quốc (tên khai sinh Lê Văn Thơm, Bí danh Kỳ Phương) đi đường biển theo đoàn tàu không số; hai nhà báo Tống Đức Thắng (bí danh Tâm Trí), và Thái Duy (bí danh Trần Đình Vân) lội bộ vượt Trường Sơn ba tháng ròng vào Tây Ninh sáng lập Báo Giải Phóng. Báo Giải Phóng ra số đầu tiên vào ngày 20-12-1964, gồm 12 trang in hai màu đồng loạt xuất hiện trong vùng giải phóng, vùng ven, vào nội đô Sài Gòn và ra Hà Nội qua đường Phnôm-pênh; đã thổi lên một hồi kèn giải phóng làm nức lòng quân dân cả nước, báo hiệu một cao trào cách mạng mới. Tháng 3-1965, Đại hội Hội liên hiệp Phụ nữ miền Nam Việt Nam được tổ chức. Chị Phan Thị Quyên, vợ anh Trỗi, được đón từ Sài Gòn ra vùng giải phóng. Trần Đình Vân được phân công gặp, hỏi chuyện chị Quyên để viết về anh Trỗi. Trong 15 ngày, ông đã hoàn thành cuốn sách mang tên “Những lần gặp gỡ cuối cùng”. Bản thảo được đường giao liên đặc biệt gửi ra Bắc, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đặt lại tên là “Sống như Anh”.

Tác phẩm "Sống như anh"

“Sống như Anh” được đọc trên đài phát thanh, được xuất bản lần đầu ở NXB Văn học tháng 7-1965 với 302.000 bản, có lời Bác Hồ đề tựa, sau đó được tái bản liên tục lên tới hàng triệu bản. Cho đến nay, chưa có cuốn sách nào ở Việt Nam vượt qua kỷ lục đó. “Sống như Anh” đã tạo ra một làn sóng mạnh mẽ trong cả nước dấy lên phong trào noi gương Anh Trỗi thi đua sản xuất và diệt giặc. Lời giới thiệu của NXB Văn học đánh giá: “Sống như Anh là một tập tư liệu rất quý. Nhưng không chỉ có giá trị về tư liệu. Sống như anh còn là một tác phẩm văn học lớn. Qua tâm hồn trong trẻo và tràn ngập yêu thương của người vợ trẻ, qua ngòi bút trung thực và tế nhị của người ghi, chúng ta thấy hiện lên hình ảnh rất sinh động của anh hùng Nguyễn Văn Trỗi và của cả một tập thể anh hùng, cả một dân tộc anh hùng”.

plo-phan-thi-quyen-vo-nguyen-van-troi-tu-tran_rxbg.jpg
Bà Phan Thị Quyên cùng chồng là anh hùng Nguyễn Văn Trỗi. Ảnh: Tư liệu.

“Sống như Anh” không chỉ là bản anh hùng ca mà còn là một bản tình ca bất hủ, nói về tình yêu cao đẹp của chị Quyên và anh Trỗi, tình cảm tuyệt vời của Nhân dân đối với cách mạng. chị Quyên - một tâm hồn ngây thơ, trong sáng, không biết gì về hoạt động cách mạng của chồng, cưới nhau mới được 19 ngày. Trong một lần tra khảo, tên ác ôn hỏi chị Quyên: “Lúc trước, mày chưa biết nó là Việt Cộng, mày thương nó; giờ biết nó là Việt Cộng, mày có thương nó nữa không”? Chị trả lời: “Ông bà ta đã dạy, thân gái 12 bến nước, trong nhờ, đục chịu. Tôi đã lấy anh Trỗi nên dù anh có bị thương, bị tàn phế, bị câm, bị điếc, tôi vẫn thương”… Sau đó, chị tham gia cách mạng, trong đội biệt động 65.

Với tinh thần cảm phục các chiến sĩ biệt động, mong muốn truyền dòng máu anh hùng tới đời sau, Trần Đình Vân sau này còn viết tiếp “Nguyễn Văn Trỗi và đồng đội”, “Người tử tù khám lớn” (viết về Nguyễn Đình Chính, biệt động thời kháng chiến chống Pháp).

Tôi cũng đã vào Thành phố Hồ Chí Minh gặp chị Nguyễn Thị Châu (chị X. trong “Sống như Anh”) và Anh hùng Lê Hồng Tư, chồng chị Châu.

Chị X Nguyễn Thị Châu và tác giả

Cả hai anh chị đều rất khâm phục nhà văn Trần Đình Vân, coi ông là một người anh hùng.

Tác giả Trần Đình Vân, suốt đời làm báo, suốt đời là một phóng viên, sống trải qua hai cuộc kháng chiến; người góp phần lớn vào công cuộc Đổi mới đất nước, đặc biệt trong nông nghiệp với Khoán 10, Khoán 100 (qua các bài báo tập hợp trong tác phẩm “Khoán chui hay là chết”) nay sống giản dị, khiêm tốn ở Ngõ 8, Lý Thường Kiệt, Hà Nội; với tôi, tác giả quả thật là một anh hùng khi đặt lợi ích cách mạng lên trên hết.

Có là anh hùng, mới viết được hay về người anh hùng.

Những tấm gương ấy mãi soi sáng cho đời sau.

Và đọc “Sống như Anh”, càng thấy Nhân dân ta vô cùng anh hùng, vô cùng vĩ đại. Càng thấy hôm nay, mai sau mắc nợ rất nhiều với quá khứ./.

Link nội dung: https://blog24hvn.com/song-nhu-a47020.html