Bài viết được viết bởi Bác sĩ Vũ Duy Chinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Táo bón là một triệu chứng tương đối phổ biến. Để có thể khắc phục những vấn đề khó chịu do táo bón kéo dài gây ra cũng như tránh những biến chứng không mong muốn, chúng ta cần hiểu rõ các phương pháp điều trị kịp thời và thích hợp.
1. Như thế nào được coi là táo bón kéo dài?
Táo bón có thể được xác định khi giảm số lần đi ngoài, đau, khó khăn khi đi ngoài, đi ngoài không trọn vẹn, hoặc phân nhỏ hoặc cứng. Trong số các triệu chứng này, dựa vào số lần đi ngoài là dễ xác định nhất. Trong y học, táo bón thường được định nghĩa là dưới 3 lần đi ngoài mỗi tuần.
Tuy nhiên, táo bón cũng được xác định ở những người đi nhiều lần trong ngày, nhưng phân nhỏ hoặc cứng.
Các nhà nghiên cứu thường sử dụng các tiêu chí của Rome III để xác định táo bón. Người bệnh táo bón phải bao gồm hai hoặc nhiều hơn những dấu hiệu dưới đây:
Khó đi ngoài trong ít nhất 1/4 số lần đi vệ sinh.
Phân nhỏ, lổn nhổn hoặc cứng trong ít nhất 1/4 số lần đi vệ sinh.
Cảm giác đi tiểu không trọn vẹn trong ít nhất 1/4 số lần đi vệ sinh.
Cảm giác tắc nghẽn hậu môn hậu trong ít nhất 1/4 số lần đi vệ sinh.
Dùng tay hoặc can thiệp y tế trong ít nhất 1/4 số lần đi vệ sinh.
Ít hơn ba lần đi tiêu mỗi tuần.
Nếu táo bón kéo dài, tình trạng nặng thêm mà không có biện pháp chữa trị sẽ dễ dàng dẫn đến trĩ hoặc các bệnh lý nguy hiểm liên quan đến đường tiêu hóa.
Những người cao tuổi, những người có chế độ sinh hoạt, ăn uống không hợp lý hay thường xuyên ngồi quá lâu sẽ dễ táo bón hơn bình thường.
2. Biểu hiện táo bón kéo dài
Các biểu hiện của táo bón mạn tính, kéo dài thường bao gồm:
Táo bón trên 12 tuần/năm trước đó, mặc dù có thể không liên tục.
Biểu hiện rõ rệt nhất là tần số đi ngoài ít hơn 3 lần/ tuần và giảm tùy theo mức độ nghiêm trọng của táo bón. Mỗi lần đi ngoài rất khó khăn, phải rặn nhiều và đặc biệt là phải vận động các cơ bụng và cơ hoành nhiều. Tình trạng này kéo dài trong thời gian từ vài tháng đến vài năm (ở những người táo bón mạn tính).
Phân rắn, lổn nhổn thành từng cục giống như cục phân dê. Thậm chí mỗi lần đi ngoài phải có sự hỗ trợ từ bên ngoài.
Có thể có tình trạng đi ngoài ra máu tươi trước hoặc sau khi ra phân do do khi rặn quá mức dẫn đến niêm mạc hậu môn bị xây xát. Ngoài máu ra, phân có thể lẫn thêm cả chất nhầy.
Táo bón kéo dài lâu ngày sẽ dẫn đến hậu môn liên tục bị tổn thương, dễ dàng dẫn đến trĩ nội, trĩ ngoại hay những bệnh trực tràng khác khó chữa trị.
Đau bụng với nhiều mức độ khác nhau, có trường hợp đau bụng dữ dội, kèm theo chướng hơi, đầy bụng.
Bạn luôn có cảm giác phải tác động từ bên ngoài để giúp đi đại tiện dễ dàng hơn. Do đó sẽ thường xoa bụng hoặc ấn nhẹ vào bụng mỗi lần đi ngoài.
Để có thể phát hiện chính xác những biểu hiện của táo bón kéo dài, mỗi chúng ta cần phải chú ý quan sát đến tần số đi ngoài cũng như đặc điểm của phân và những bất thường khác, từ đó mới có phương pháp điều trị phù hợp và hiệu quả.
3. Nguyên nhân dẫn đến táo bón kéo dài
3.1. Nguyên nhân nằm ngoài hệ tiêu hóa
Nguyên nhân nội tiết: Do ảnh hưởng của các bệnh lý nội tiết như đái tháo đường, suy giáp trạng, cường giáp trạng gây ra tình trạng táo bón, lâu ngày dẫn đến táo bón kéo dài.
Nguyên nhân thần kinh: Các bệnh lý và tổn thương thần kinh cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng táo bón như: Táo bón sau chấn thương tủy sống, tai biến mạch máu não, Parkinson,...
Chế độ ăn uống và sinh hoạt: Chế độ ăn uống không hợp lý, quá nhiều hoặc quá ít chất xơ đều có thể dẫn đến táo bón. Ngoài ra, không uống đủ lượng nước cần thiết hay ăn những loại thực phẩm dễ gây táo bón như ổi, hồng xiêm chưa chín,... cũng là những yếu tố gây táo bón.
Nguyên nhân toàn thân: Táo bón khi sốt cao kéo dài hay nằm bất động kéo dài.
Nguyên nhân do rối loạn các chất điện giải: Những chất điện giải có vai trò vô cùng quan trọng điều hòa các hoạt động cơ thể. Rối loạn các chất điện giải cũng là một nguyên nhân gây táo bón,...
Nguyên nhân khác hay gặp: Ảnh hưởng khi sử dụng một số loại thuốc như thuốc nhuận tràng, thuốc bao bọc niêm mạc dạ dày, thuốc có sắt,...
Thói quen ngồi nhiều hoặc hay tiếp xúc với các hóa chất độc hại, điển hình là chì. Thói quen tâm lý ngại đi ngoài, thường xuyên nhịn đi ngoài cũng dẫn đến sự thay đổi thói quen đi đại tiện của cơ thể và gây ra táo bón.
3.2. Nguyên nhân nằm ngoài bộ máy tiêu hóa và ổ bụng
Táo bón do nhóm nguyên nhân này thường do các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, đặc biệt là các bệnh lý đại tràng: To đại tràng bẩm sinh, to đại tràng không rõ nguyên nhân, các bệnh viêm đại tràng mãn tính, rối loạn trương lực đại tràng, đại tràng dài, polyp đại tràng, sa niêm mạc trực tràng,...
4. Cách chữa táo bón kéo dài
Trả lời được câu hỏi nguyên nhân gây ra táo bón kéo dài đã khó, việc tìm ra cách chữa trị tình trạng này cũng không đơn giản. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn một số phương pháp để táo bón kéo dài sẽ không còn là nỗi lo nữa.
4.1. Thay đổi lối sống và thói quen sinh hoạt
Trước hết khi điều trị táo bón kéo dài, cần thay đổi lối sống và thói quen sinh hoạt sao cho đường tiêu hóa hoạt động nhịp nhàng và ổn định nhất có thể. Việc làm đơn giản này mang lại hiệu quả rõ rệt lại rất cần sự cố gắng nỗ lực của bạn:
Duy trì thói quen ăn uống lành mạnh: Ăn đủ bữa, đủ chất, ăn đúng giờ, không làm việc khác khi đang ăn. Ăn các thực phẩm tốt cho hoạt động của bộ máy tiêu hóa gồm tất cả các loại rau và trái cây tươi. Đặc biệt trong đó:
Trái cây:Mâm xôi, kiwi, táo, chuối, nho, mơ,...
Rau: Các loại rau có lá xanh như rau cải xoăn, cải bó xôi,...
Các loại củ: Khoai lang, cà rốt,...
Ăn thực phẩm tươi sống, ngũ cốc nguyên hạt, bánh mì, gạo nâu, mì, đậu lăng.
Ăn nhiều sữa chua: Trong sữa chua có chứa vi khuẩn Probiotic - một loại vi khuẩn tốt, có lợi cho sức khỏe, sống trong đường tiêu hóa. Vi khuẩn này giúp cho thức ăn được tiêu hóa một cách nhanh chóng và giúp tăng cường hoạt động của hệ tiêu hóa.
Tránh ăn những thức ăn dễ gây ra táo bón: Bánh mì trắng và những thực phẩm từ ngô rất dễ bị táo bón. Nên hạn chế những thức ăn này.
Uống đủ nước mỗi ngày: Uống đủ nước là một thói quen cực kì tốt và đem lại cho bạn vô vàn những lợi ích về sức khỏe. Ghi nhớ việc uống đủ nước mỗi ngày, ít nhất là uống 1,5 lít -2 lít nước trở lên.
Tránh một số loại đồ uống và chất kích thích: Các loại đồ uống lợi tiểu như trà, cà phê, coca, chất cồn có thể gây ra tình trạng khử nước của cơ thể, làm chứng táo bón thêm nặng.
Vận động cơ thể: Luyện tập tích cực, vận động cơ thể thường xuyên giúp ngăn ngừa hiện tượng táo bón rất tốt. Lựa chọn các môn thể thao phù hợp với thể trạng, sở thích, không ngồi quá lâu một chỗ mà hãy đứng dậy để vận động cho một cơ thể khỏe mạnh và dẻo dai.
Rèn luyện thói quen đi đại tiện đều đặn
Đừng ngại đi ngoài hay nhịn đi ngoài khi có dấu hiệu muốn đi vệ sinh để dẫn đến tình trạng táo bón kéo dài. Cố gắng đi nhà vệ sinh vào buổi sáng hoặc khoảng 30 phút sau bữa ăn, vì đây là thời điểm dễ dàng đi vệ sinh.
Sử dụng vòi hòa sen, vặn nước ấm với áp lực nhỏ để xả nước vào hậu môn (điều này có tác dụng làm mềm phân và giảm đau ở hậu môn).
Khi đi vệ sinh nên giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng và ngồi quá lâu. Không cố sức rặn nếu cảm thấy khối phân rắn chắc, không đẩy được ra ngoài, nếu có sức rặn có thể làm rách vùng niêm mạc hậu môn, gây hiện tượng đi ngoài ra máu , đau hậu môn trực tràng,...
Tư thế ngồi đúng khi đi vệ sinh: Có 2 cách đi vệ sinh chính là ngồi xổm và ngồi bệt. Tư thế ngồi xổm là tư thế ngồi vệ sinh tốt, bởi khi ở tư thế này đường ống hậu môn sẽ ở một tư thế thẳng, nhờ đó mà phân được đẩy ra dễ dàng và tự nhiên hơn, bạn cũng không tốn nhiều sức để rặn phân ra ngoài. Nếu ngồi bệt nên kê một ghế cao tầm 20cm ở chân để nâng cao chân, gấp đùi vào bụng sẽ giúp việc đi vệ sinh dễ dàng hơn.
4.2 Điều trị táo bón theo nguyên nhân
Khi việc thay đổi lối sống và thói quen sinh hoạt không giúp tình trạng táo bón cải thiện, bạn cần đi khám để tìm hiểu nguyên nhân, từ đó bác sĩ sẽ có phương pháp chỉ định điều trị phù hợp với từng loại nguyên nhân và mức độ của bệnh.
Sử dụng thuốc để trị táo bón cần có sự chỉ định của bác sĩ, không nên sử dụng thuốc bừa bãi hoặc tự ý sẽ không đem lại hiệu quả, lại tốn thêm chi phí.
5. Sử dụng thuốc nhuận tràng để chữa táo bón
5.1. Không nên tự ý sử dụng thuốc nhuận tràng nếu chưa có sự đồng ý của bác sĩ
Việc sử dụng thuốc nhuận tràng để chữa táo bón có thể gây lệ thuộc vào thuốc, thuốc làm giảm táo bón nhưng cũng làm cho bệnh nhân không có cảm giác muốn đi vệ sinh trong nhiều ngày, việc dừng thuốc có thể làm tình trạng táo bón quay trở lại.
Chỉ dùng thuốc nhuận tràng khi việc thay đổi chế độ ăn, lối sống thất bại.
Khi uống thuốc nhuận tràng để điều trị táo bón cần uống nhiều nước. Điều này giúp tăng hiệu quả của thuốc đồng thời tránh tình trạng mất nước khiến táo bón nặng thêm.
5.2. Các loại thuốc nhuận tràng
5.2.1. Nhuận tràng cơ học
Đây là nhóm thuốc được đánh giá là an toàn bởi chỉ tác động tại chỗ, bao gồm một số loại thuốc như: Cellulose (methylcellulose), gomme sterculia, hemicellulose, agar-agar,... Đặc điểm của nhóm thuốc này là hòa tan trong nước, không hấp thu trong ruột. Chúng giúp hấp thu nước vào khối phân, làm mềm phân và tăng khối lượng phân. Thuốc sẽ có tác dụng sau 1-3 ngày, kể từ khi uống.
Lưu ý khi sử dụng:
Thuốc nhuận tràng cơ học có thể cản trở hấp thu một số chất.
Do thời gian tác dụng chậm, thuốc chỉ được sử dụng để dự phòng và điều trị táo bón mãn tính.
Thuốc có thể gây đầy bụng và đầy hơi ở một số người.
5.2.2. Nhuận tràng thẩm thấu
Là loại thuốc có chứa các chất không hấp thu, giữ nước trong ruột và gây kích thích đi vệ sinh. Thời gian thuốc có tác dụng phụ thuộc vào hoạt chất và dạng.
5.2.3. Nhuận tràng làm trơn
Thành phần: Dầu khoáng.
5.2.4. Nhuận tràng kích thích
Nhóm thuốc này làm tăng đăng nhu động ở ruột non và ruột già, kích thích co cơ để đào thải chất thải ra ngoài, thời gian tác động sau 6-12 giờ uống thuốc.
Hiện nay Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City đang áp dụng phương pháp điều trị cho các trường hợp táo bón do giảm hoặc mất phản xạ đại tiện bằng kích thích điện hậu môn kết hợp với sóng giao thoa, tập phản hồi sinh học (Biofeedback). Phương pháp trên đã giúp cho > 80% các bệnh bệnh nhân phục hồi phản xạ đại tiện, cải thiện tình trạng nhu động ruột và quá trình tống phân giúp cải thiện tình trạng táo bón.
Tùy vào tình trạng táo bón của người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định các thăm dò cần thiết như: chụp khung đại tràng có thuốc cản quang, đo áp lực hậu môn trực tràng, đánh giá chức năng đại tiện và các bệnh lý liên quan đến vùng sàn chậu... để tìm nguyên nhân, từ đó đưa ra phác đồ điều trị tối ưu. Hàng trăm bệnh nhân ở những độ tuổi khác nhau đã đạt được kết quả điều trị mong muốn. Tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá thành công điều trị là bệnh nhân đi ngoài đều đặn hàng ngày, đi ngoài dễ dàng hơn,...
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.