Bệnh Gout (gút) là một trong các bệnh đặc trưng của xương khớp có liên quan đến quá trình chuyển hóa axit uric trong cơ thể. Từng được mệnh danh là “bệnh của nhà giàu” nhưng ngày nay bệnh Gout không còn hiếm nữa, tỷ lệ mắc bệnh đang dần gia tăng và có xu hướng dần trẻ hóa. Vậy có những dấu hiệu bệnh gout nào giúp phát hiện kịp thời để điều trị hiệu quả?
Bệnh Gout là một dạng viêm khớp phổ biến, người bệnh thường chịu những cơn đau đột ngột và dữ dội ở các khớp ngón chân, ngón tay, đầu gối, kèm theo cơn đau là hiện tượng sưng đỏ, thậm chí không đi lại được do đau.
Bệnh Gout xảy ra khi acid uric máu dư thừa lắng đọng thành các tinh thể ở khớp gây ra tình trạng viêm, sưng và đau. Vì vậy tất cả các yếu tố làm tăng acid uric đều là tác nhân làm tăng nguy cơ gây bệnh gout. Sau đây là 6 nguyên nhân gây bệnh:
Chế độ ăn uống không hợp lý, ăn quá nhiều các loại thực phẩm chứa nhiều purin như các loại thịt đỏ, hải sản, nội tạng động vật…
Uống nhiều rượu bia, cà phê và các chất kích thích.
Do người bệnh sử dụng nhiều loại thuốc lợi tiểu như hypothiazid, lasix… có thể làm tăng axit uric và gây ra các đợt gút cấp tính.
Do yếu tố di truyền: Người có tiền sử gia đình bị bệnh gút cũng có khả năng mặc bệnh lý này.
Những người thừa cân và béo phì thường có nguy cơ cao mắc bệnh gút.
Người có bệnh lý nền như tiểu đường, sỏi thận, suy tim sung huyết, cao huyết áp, kháng insulin, rối loạn chuyển hóa,…
2. Dấu hiệu bệnh Gout
Cơn đau dữ dội tại các khớp, nhất là vào buổi đêm.
Tại các khớp có biểu hiện viêm, sưng đỏ, cảm giác nóng ở khớp và chạm vào sẽ thấy đau.
Đau khớp do cơn gout thường diễn ra khoảng 5 - 7 ngày sau đó giảm dần. Khi hết cơn đau khớp sẽ hoạt động bình thường trở lại.
Bệnh nhân bị hạn chế vận động do các cơn đau khớp.
Khi quan sát thấy cơ thể có những dấu hiệu bất thường, các bạn nên đến cơ sở y tế để được thăm khám sớm và thực hiện các xét nghiệm liên quan để có được kết quả chính xác. Một số xét nghiệm chẩn đoán cần thiết gồm có: xét nghiệm máu, chụp X - quang, làm siêu âm, kiểm tra dịch lỏng trong khớp.
3. Biến chứng của bệnh Gout
Bệnh tái phát nhiều lần
Bệnh phát triển tạo ra các cục tophi bên trong khớp
Sỏi thận
4. Phòng ngừa bệnh Gout
Để phòng tránh bệnh Gout hiệu quả cần sự tham gia nghiêm túc của người bệnh trong việc tuân thủ và thực hiện các chỉ dẫn. Các biện pháp phòng tránh bệnh hiệu quả mà bạn nên áp dụng như sau:
+ Chú ý đến cân nặng: Thừa cân, béo phì hiện nay được xem là một căn bệnh hiện đại bởi nó rất phổ biến và kéo theo nhiều hệ quả về các bệnh lý liên quan trong đó có Gout.
+ Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Hạn chế ăn các thức ăn chứa nhiều đạm động vật, thực phẩm chứa nhiều purin như nội tạng động vật (gan, thận, não, lách), cá trích, cá thu, sò, trai,… Hạn chế tối đa các loại thức ăn cay, nóng.
Cần tăng cường nhóm thực phẩm chứa nhiều chất xơ như rau xanh, hoa quả, đặc biệt là quả anh đào và quả mâm xôi có tác dụng phòng ngừa và hỗ trợ thuyên giảm bệnh.
Uống nhiều nước giúp đào thải độc tố, hỗ trợ quá trình chuyển hóa axit uric, đặc biệt nên uống nhiều các loại nước khoáng thiên nhiên chứa bicarbonat. Cần loại bỏ rượu, bia, các loại nước có gas hoặc hạn chế tới mức thấp nhất có thể.
+ Rèn luyện lối sống lành mạnh: Cần có thời gian biểu làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc quá sức, gia tăng các hoạt động thể chất để rèn luyện sức khỏe cơ khớp.
Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng 1 lần để phát hiện bệnh và điều trị từ sớm.
Cao Nhung, TTYT Tiên Yên
Link nội dung: https://blog24hvn.com/dau-hieu-cua-benh-gout-a53716.html