Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Bùi Ngọc Phương Hòa - Bác sĩ Nội đa khoa -Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Mất ngủ mãn tính hay còn gọi là mất ngủ kinh niên có thể gây ra các bệnh lý như lo âu, trầm cảm, tim mạch, cao huyết áp và có nguy cơ dẫn tới đột quỵ.
1. Mất ngủ mãn tính là bệnh gì?
Mất ngủ mãn tính là tình trạng khó đi vào giấc ngủ và khó duy trì giấc ngủ vào ban đêm, hoặc thức giấc sớm và không ngủ lại được trong thời gian tối thiểu là 1 tháng. Mất ngủ ít hơn 1 tháng gọi là mất ngủ cấp (ngắn hạn), còn mất ngủ trong thời gian dài, nhiều hơn 1 tháng là mất ngủ mãn tính.
2. Triệu chứng của mất ngủ mãn tính
Người bị bệnh mất ngủ mãn tính thường có những triệu chứng sau:
Trằn trọc khó đi vào giấc ngủ.
Hay bị tỉnh giấc nhưng lại khó đi vào giấc ngủ trở lại.
Thường thức giấc sớm.
Thấy mệt mỏi, không thoải mái khi thức dậy.
Không có cảm giác nghỉ ngơi, phục hồi sau khi ngủ dậy.
Cảm thấy lờ đờ, uể oải, không tỉnh táo và hay buồn ngủ vào ban ngày.
Thấy khó chịu, lo âu hoặc trầm cảm.
Người bị mất ngủ kinh niên thường cảm thấy khó tập trung, giảm sự chú ý và ghi nhớ.
Hay bị căng thẳng và nhức đầu...
Tâm trạng hay bồn chồn, dễ cáu giận.
Cảm thấy khó đưa ra quyết định sáng suốt.
Dễ bị ảnh hưởng bởi người khác.
Có thể bị ảo giác.
Tùy vào mức độ và tình trạng của bệnh mà người bệnh sẽ có những triệu chứng nặng hoặc nhẹ.
3. Nguyên nhân gây ra mất ngủ mãn tính
Dưới đây là một số nguyên nhân gây ra bệnh mất ngủ mãn tính:
Do chất lượng cuộc sống giảm sút.
Do các bệnh về xương khớp: Đau nhức xương khớp, thoái hoá đốt sống, thoái hóa khớp, loãng xương, gây đau nhức về đêm, cản trở giấc ngủ.
Do các bệnh về tim mạch: Cao huyết áp, thiếu máu cơ tim (thiểu năng mạch vành), suy tim. Những bệnh này gây đau tức ở ngực, khó thở, lâu ngày dẫn đến bị mất ngủ mãn tính.
Do các bệnh về hô hấp: Giãn phế quản, hen phế quản, gây ho nhiều, khó thở vào ban đêm, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
Do các bệnh về tiêu hoá: Đau dạ dày, viêm đại tràng mãn tính, rối loạn tiêu hoá, gây ợ hơi, ợ nóng, khó tiêu, trào ngược dạ dày, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giấc ngủ.
Do các bệnh về tiết niệu: Sỏi tiết niệu (sỏi thận, sỏi bàng quang..), u xơ tuyến tiền liệt, đái tháo đường, gây đi tiểu nhiều lần vào ban đêm, cản trở giấc ngủ.
Do bệnh tâm thần: Người mắc bệnh liên quan đến tâm thần thường bị mất ngủ mãn tính nhiều hơn và cũng khó ngủ lại hơn.
Do môi trường: Không gian ngủ chật hẹp, đông đúc, nhiều tiếng ồn, không sạch sẽ, thông thoáng.
Do ăn uống không điều độ: Ăn quá no, uống quá nhiều nước trước khi đi ngủ, hoặc uống rượu, bia, sử dụng các chất gây kích thích như cà phê, trà, thuốc lá ... cũng ảnh hưởng tới giấc ngủ.
Do rối loạn tâm sinh lý: Bệnh trầm cảm, tức giận, buồn rầu, ghen tị, lo lắng quá nhiều (cuộc sống, công việc, tài chính, sức khỏe ..), căng thẳng trong thời gian dài, tâm thần phân liệt ...
Do thay đổi hormone: Sự tăng, giảm các hormone trong thời kỳ kinh nguyệt hoặc tiền mãn kinh - mãn kinh cũng được xem là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh mất ngủ mãn tính.
4. Mất ngủ mãn tính nguy hiểm như thế nào?
Mất ngủ mãn tính cũng gây thoái hóa tế bào, ngộ độc tế bào.
Khi mất ngủ kéo dài và gây ra các bệnh tim mạch, cao huyết áp, thì dễ dẫn đến nguy cơ đột quỵ.
Ngoài ra, những người bị mất ngủ kinh niên cũng rất dễ bị thừa cân, béo phì, dẫn đến tiểu đường. Ngược lại, nếu người gầy bị mất ngủ kéo dài thì lại tăng cholesterol và làm tăng nguy cơ đột quỵ.
5. Cách phòng ngừa bệnh mất ngủ mãn tính
Dưới đây là một số lời khuyên để phòng ngừa bệnh mất ngủ mãn tính:
Không nên hoạt động nhiều, lao lực quá sức trước khi đi ngủ bởi hoạt động nhiều làm tăng năng lượng, tiết nhiều cholesterol, gây khó vào giấc ngủ.
Tránh để những áp lực, muộn phiền, lo âu ảnh hưởng tới giấc ngủ.
Phòng ngủ phải luôn thông thoáng và yên tĩnh.
Tránh sử dụng các chất kích thích vào ban đêm, trước giờ đi ngủ như cà phê, rượu, bia.
Xây dựng và duy trì chế độ dinh dưỡng, tập luyện, làm việc hợp lý.
Không nên sử dụng thuốc ngủ, mặc dù có tác dụng dễ ngủ nhưng sẽ khiến cơ thể bị mệt mỏi khi thức dậy. Bên cạnh đó, sử dụng thuốc ngủ trong thời gian dài còn bị tác dụng phụ, khiến chu kỳ thức - ngủ bị phá vỡ.
Khi bị phụ thuộc vào thuốc, người bệnh có thể chuyển từ mất ngủ cấp thành mất ngủ mãn tính, mất ngủ bệnh lý và làm tăng nguy cơ đột quỵ. Tác dụng phụ của thuốc ngủ là gây chóng mặt, đau đầu, dễ bị kích động, ảnh hưởng đến gan, thận, sử dụng lâu ngày dễ gặp nhiều biến chứng khó lường.
Khi bị mất ngủ người bệnh cần tìm đến bác sĩ sớm để được điều trị trong những tháng đầu tiên, khi bắt đầu có triệu chứng bị mất ngủ. Điều trị sớm sẽ đảm bảo kết quả điều trị an toàn và tránh hệ lụy lâu dài.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số 02439743556 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.